Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

– Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa tổ chức nghiệm thu Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự có lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), hội đồng nghiệm thu cùng các chuyên gia soạn thảo nội dung chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi bao gồm: Hướng dẫn thu thập dữ liệu và thực hiện bài tập đánh giá trẻ trực tiếpPhiếu Chấm điểm và Ghi điểm đánh giá trẻ trực tiếp lĩnh vực Thể chất; Phiếu ghi kết quả đánh giá trẻ trực tiếp 5 lĩnh vực là nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – QHXH, thẩm mỹ, tiếp cận với việc học; Phiếu Quan sát và Ghi kết quả quan sát qua hoạt động tạo hình; Phiếu hỏi GV trực tiếp dạy trẻ; Phiếu hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ và danh mục đồ dùng, dụng cụ, thiết bị thử nghiệm.

Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh phát biểu tại buổi nghiệm thu.

Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh phát biểu tại buổi nghiệm thu.

Tại buổi nghiệm thu Bộ công cụ thử nghiệm, Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết: Bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi hiện hành đã được ban hành hơn 10 năm. Theo đó, sự thay đổi của điều kiện xã hội ngày nay thì việc thay đổi, điều chỉnh, xây dựng Bộ chuẩn mới, với những tiêu chí mới là điều cần thiết. Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi phải được xây dựng để tiếp cận cách phát triển năng lực ở trẻ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giáo dục mầm non và phát triển của trẻ em hiện nay.

Được biết, thử nghiệm là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng/ phát triển chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Thử nghiệm xác nhận các tiêu chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi nhằm đảm bảo tính rõ ràng và tinh chỉnh đối với tài liệu. Về xác nhận nội dung của tiêu chuẩn, thử nghiệm để đánh giá xem liệu nội dung có phản ánh tiêu chuẩn về những gì trẻ có thể biết và làm được? Về xác nhận độ tuổithử nghiệm giúp thu thập bằng chứng để khớp với chỉ số định lượng với độ tuổi nhất định, tức là thể hiện những gì trẻ nên và có thể làm ở một độ tuổi nhất định.

Phương pháp thử nghiệm bộ chuẩn bao gồm: Đo trực tiếp trẻ em thông qua các bài tập, quan sát trẻ trong quá trình hoạt động hoặc chơi và phiếu hỏi cha mẹ/ người chăm sóc trẻ và giáo viên.

Theo các chuyên gia soạn thảo nội dung chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi cho hay, các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân. Các tiêu chuẩn này nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ. Với đặc tính toàn diện của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi giúp mọi người có thể hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập phát triển.

Buổi nghiệm thu được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Buổi nghiệm thu được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Những tiêu chuẩn này có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng, gồm: cha mẹ hay người chăm sóc nuôi dưỡng, giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia vào giáo dục mầm non.

Đánh giá cao sự nỗ lực, sản phẩm của nhóm tác giả, Hội đồng nghiệm thu lưu ý việc rà soát tổng thể các chỉ số, chỉ báo và bài tập đo, sao cho các bài tập đo phản ánh đúng nội dung của chỉ số. Mã hoá thông tin phiếu để tránh mất thời gian ghi chép nhiều, tránh trùng lặp. Có thể nghiên cứu, cân nhắc để bổ sung một sổ chỉ báo mang tính tiếp cận giáo dục hiện đại.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng cần rà soát kết cấu khoa học hơn, dễ đọc, dễ hiểu, tránh nhiều chữ, kỹ thuật mô tả để tránh nhận định, suy diễn của người đánh giá nhằm thu được kết quả chính xác từ trẻ em. Các loại phiếu hỏi cần phải lưu ý về cấu trúc, đặt câu hỏi phù hợp, dễ hiểu và thân thiện đối với từng loại đối tượng cung cấp thông tin.

Về danh mục chọn tranh, trò chơi, danh mục đồ dùng, đồ chơi… cần lựa chọn mang tính phổ quát, điển hình. Hạn chế, tránh sự áp đặt suy nghĩ của người lớn, phát huy được khả năng của trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ…

Bên cạnh đó, ngôn ngữ sử dụng tập huấn dành cho cả đối tượng trẻ là dân tộc thiểu số vì vậy phải cân nhắc đánh giá cân bằng về mặt ngôn ngữ của các đối tượng thử nghiệm. Những vấn đề thử nghiệm cần có phương án phù hợp, kịp thời, mang tính thời sự.

P.V