Bộ đề kiểm tra môn Ngữ Văn lớp 12 (có đáp án và hướng dẫn chi tiết)

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con nqười thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.[…]

Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn: giữa người giàu và người nghèo; giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.

Như thế là tại làm sao? Nguyên nhân thực ra rất rõ ràng.

Cuốn sách dạy tu thân Thực ngữ giáo có câu: “Kẻ vô học là người không có trí thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”. Câu nói trên cũng có thể hiện: sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.

(Khuyến học, Fukuzawa Yukichi – Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Thế giới, 2017, tr.24)

Câu 1.Xác định đề tài của đoạn trích trên.

Câu 2.Theo tác giả, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực là do đâu?

Câu 3. Anh/ Chị có đồng ý rằng sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi không? Vì sao?

Câu 4.Theo anh/ chị, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói có phải do thiếu tri thức hay không?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/ Chị nghĩ gì về thực trạng nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn thất nghiệp? Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn luận.

Câu 2. (5,0 điểm)

Anh/ Chi hãy phân tích vai trò của tiếng sáo đối với sự hồi sinh của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2017).

Từ đó, liên hệ với vai trò bát cháo hành đối với sự hồi sinh của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2017) để nhận xét về giá trị nhân đạo của hai nhà văn gửi gắm qua hai yếu tố tác động này.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1.

– Vai trò của việc học.

– Học vấn và con người.

– Học vấn và xã hội.

Câu 2.HS tham khảo câu trả lời:

Theo tác giả, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực là do học vấn: sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.

Câu 3.HS tham khảo câu trả lời:

Ngoại trừ nguyên nhân khách quan như gen di truyền, điều kiện sống và xã hội thì tôi đồng ý rằng sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi. Vì có học mới có hiểu biết, còn không học thì không trau dồi, tiếp thu tri thức thì ngu dốt, đần độn là một điều hiển nhiên.

Câu 4.HS có thể đưa ra nguyên nhân chính là do học vấn hoặc không nhưng cân trả lời thuyết phục. Dưới đây là câu trả lời tham khảo:

Theo tôi, ngoài các nguyên nhân khách quan như do khí hậu, môi trường sống,… thì một trong những nguyên nhân chủ quan, chính yếu dẫn đến nghèo đói, theo tôi là do thiếu tri thức. Trong thời đại bây giờ, có tri thức mới có đủ khả năng đáp ứng cho những công việc đòi hỏi phải có kiến thức, trí tuệ. Do vậy, có tri thức thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn, mà cơ hội việc làm tốt, nghĩa là chúng ta có nhiều lựa chọn trong việc, trong đó có những công việc có mức thu nhập cao. Có mức thu nhập cao thì điều kiện sống nâng cao, không còn cảnh túng thiếu, nghèo đói. Còn ngược lại, không có tri thức thì sự lựa chọn công việc hạn hẹp và các công việc lao động ít cần đến tri thức thì thường thu nhập thấp, mà thu nhập thấp thì dẫn đến nghèo đói là chuyện không thể tránh khỏi.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

[Đ] Muốn có được học lực khá giỏi trong quá trình học tập đòi hỏi một sự nỗ lực tự thân rất nhiều. Nhưng bên cạnh học lực (tạm gọi là phần cứng), người học (học sinh, sinh viên) cần biết trau dồi kỹ năng sống (tạm gọi là kỹ năng mềm). Và muốn được tuyển dụng, có được công việc, đòi hỏi người học phải có cả học lực lẫn kỹ năng sống.

[G] Vì ngoài khả năng làm việc cá nhân, người làm việc cần phải biết hợp tác, giao tiếp với những người cùng làm việc. Do vậy, học lực là yếu tố cần nhưng chưa phải là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong công việc. Để làm tốt công việc, người được tuyển dụng cần đáp ứng được cả hai yếu tố trên (năng lực làm việc).

[M] Nguyên nhân dẫn đến thực trạng tốt nghiệp loại khá giỏi mà vẫn thất nghiệp có thể là do người học chưa thấy được tầm quan trọng của kỹ năng sống, chưa chú tâm rèn luyện. Hơn cả, người học không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh mà cần có trách nhiệm với cuộc đời mình: như chương trình giáo dục không chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho người học, do hoàn cảnh không cho phép…

[B] Vì ngoài người học được tự do lựa chọn học gì thì không ai có quyền ép buộc bạn lựa chọn khác đi, đúng không ?

Câu 2 (5,0 điểm)

1 Giới thiệu đôi nét về nhà văn Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chong A Phủ và vai trò của “tiếng sáo” đối với sự hồi sinh của nhân vật Mị.

2. Yêu cầu cơ bản: Bình luận vai trò của tiếng sáo đối với sự hồi sinh của nhân vật

Đối với nhân vật Mị, tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân có vai trò là yếu tố tác động đánh thức sức sống tiềm tàng đã ngủ quên trong con người Mị. Tiếng sáo tác động đến tâm hồn, tâm trạng và cả hành động của nhân vật Mị. Cụ thể:

– Mị nghe tiếng sáo, lòng thiết tha bồi hồi. Tiếng sáo đã mang Mị trở về với những ngày xưa, trong hồi tưởng. Ngày xưa Mị cũng thổi sáo, Mị cũng hát mỗi khi tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân cất lên. Ở hiện tại, như một phản ứng tự nhiên khi nghe tiếng sáo: Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi. Ngày xưa, ngày Tết Mị cũng uống rượu. Hiện tại, Mị cũng uống: Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát.

– Tiếng sáo văng vẳng đầu làng và men say nồng của rượu làm lòng Mị sống về ngày trước – những ngày Mị còn trẻ, Mị tự do, Mị xinh đẹp và Mị thổi sáo giỏi: Mị thổi lá hay như thổi sáo và Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thôi sáo đi theo Mị; Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Sau những năm tháng mất hết ý thức, Mị ý thức được quyền sống hạnh phúc như bao cô gái trẻ khác: Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mi. muốn đi chơi. Mị ý thức được cuộc sống hôn nhân bất hạnh, gượng ép khi phải sống với A Sử – không phải người đàn ông Mị yêu. Lúc này, sự phản kháng với cuộc sống nhiều uất ức, khổ nhục trỗi dậy, Mị muốn chết như những ngày tháng đầu khi về làm dâu là thống lý: Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.

– Tiếng sáo gọi bạn tình lửng lơ ngoài đường Như một tình cờ trùng hợp với tâm lý Mị, bài ca vang lên: Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả bao rơi rơi… Ngày thường Mị sống trong căn phòng u tối, quên đi ý niệm về thời gian. Nhưng hôm nay, tiếng sáo, mùa xuân rạo rực khoi dậy trong tâm hồn tươi sáng, tâm hồn đây tỏa ra ngoài cảnh với hành động lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng.

– Tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị: Tiếng sáo ngoại cảnh thấm vào tâm hồn Mị, thôi thúc Mị hành động: Mị quấn lại tóc và với tay lay cái váy hoa.

– Tiếng sáo “đưa Mị đi theo những cuộc chơi”. Kết quả, A Sử về, như thường lệ, hắn hành hạ Mị: nắm Mị, lấy thắt lưng trói Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xãa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Tuy thân xác Mị bị trói, nhưng niềm khao khát tự do trong tiềm thức vẫn thôi thúc Mị đi theo tiếng gọi của tự do, hạnh phúc: Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. […] Mị vùng bước đi. Qua hành động “vùng bước đi”, ta cảm nhận được niềm khát khao được sống, được hạnh phúc vô cùng mãnh liệt, mạnh mẽ của nhân vật này. Tuy nhiên, sự đau đớn của thể xác đưa Mị trở về hiện thực đau khổ, Mị chỉ còn nghe thấy tiếng chân ngựa đạp vào vách. […] Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Dù thế, dư âm của mùa xuân vẫn vang vọng trong Mị: Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.

– Nếu tâm hồn Mị là ngọn lửa thì tiếng sáo đối với tâm hồn Mị như một cơn gió mát lành thổi bùng ngọn lửa ấy lên. Tiếng sáo đối với sự hồi sinh của nhân vật Mị có vai trò như thế.

3. Yêu cầu nâng cao: Từ đó, liên hệ với vai trò bát cháo hành đối với sự hồi sinh của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2017) để nhận xét về giá trị nhân đạo của hai nhà văn gửi gắm qua hai yếu tố tác động này.

– Đối với hai nhân vật, Mị và Chí Phèo thì hai yếu tố tác động, tiếng sáo và bát cháo hành đều đóng vai trò quan trọng trong sự hồi sinh trong tâm hồn của hai nhân vật này.

+ Mị vì nghe thấy tiếng sáo, âm thanh quen thuộc mà Mị nghe mỗi khi xuân về mà những kí về những ngày sống tự do, yêu đời lại ùa về, đánh thức khát khao sống mãnh liệt.

+ Bát cháo hành tượng trung cho sự quan tâm chăm sóc, tình yêu của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Vì được ăn bát cháo hành do Thị Nở nấu mà tâm trạng Chí Phèo – con quỹ dữ của làng Vũ Đại đã có những chuyển biến liên tục và tích cực, từ ngạc nhiên, khóc, bâng khuâng, độc thoại nội tâm, ăn năn hối cãi, vui như trẻ con đến khao khát được hoàn lương, được sống trong mái ấm gia đình.

– Qua hai yếu tố tác động (tiếng sáo và bát cháo hành), chúng ta có thế thấy điểm tương đồng nào đó trong cách nhìn nhận con người. Cả hai nhà văn, Tô Hoài và Nam Cao đều cảm thông cho sự thống khổ của con người: một bị lê liệt hoàn toàn ý thức, mất đi sức sống và sức phản kháng, một là người nông dân bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa. Nhưng cũng đồng thời đó trân trọng khát khao sống, khát khao hoàn lương của cả hai nhân vật (bằng cách xây dựng hai yếu tố tác động, bát cháo hành và tiếng sáo) và tô cáo gay gắt xã hội phong kiến thực dân đã cướp đi cuộc sống tươi đẹp của họ, đẩy họ vào bước đường cùng. Với nhận xét cá nhân, tôi cho rằng thông qua hai yếu tố tác động trên, cả hai nhà văn đã thể hiện một tấm lòng nhân đạo đáng trân quý. Chính Tô Hoài và Nam Cao thông qua hai chi tiết này đã giúp bạn đọc, trong đó có tôi, rút ra được những bài học về cách nhìn nhận con người cũng như biết cảm thông, trân trọng khát vọng cao đẹp mà mỗi con người đều muốn hướng đến.

4. Đánh giá chung

Cả hai chi tiết được nhắc đến ở trên đều là chi tiết đặc sắc, đóng vai trò và ảnh hưởng lớn đến giá trị của tác phẩm. Đồng thời nó cho thấy tài năng xây dụng chi tiết trong tác phẩm tự sự của mỗi nhà văn.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Sức mạnh của lòng đam mê không bao giờ bị đánh giá thấp. Sức mạnh đó dẫn dắt bạn trong suốt cuộc đời, đo lường giá trị con người bạn và ý thức của bạn về sự thành đạt. Sức mạnh đó giúp bạn kiên định trước ánh mắt xét đoán cùa người khác. Nhiều người từng có nhưng quyết định “không giống ai” và chọn những con đường hẹp gồ ghề dài hun hút, nhưng rồi họ nhận ra mình đang đứng trên đỉnh vinh quang của cuộc sống mà trước đây không ai nghĩ rằng họ làm được. Bạn có thể đưa ra những quyết định tối ưu và lý trí nhất, nhưng tổng của các quyết định đó không phải lúc nào cũng cho ra một kết quả hợp lí nhất. Cái tạo ra sự khác biệt cuối cùng chính là sức mạnh của lòng đam mê.

Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước tại Mỹ có sự bùng nổ số lượng sinh viên theo học các trường luật. Xu hướng này sau đó chuyển sang Học viện kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ (AICPA – American Institue of Certified Public Accountants), sau đó là du học tại chỗ thay vì phải ra nước ngoài. Các trường đại học khoa học, nha hay y dược lúc đó vẫn là các chủ đề được nói đến nhiều nhất, trong khi các trường nghệ thuật thì ngược lại. Tôi không có ý đánh giá thấp nghề nghiệp nào cả, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh cảm giác trống rỗng mà cuối cùng bạn sẽ phải đối diện, nếu bạn chọn nghề nghiệp tương lai không dựa vào niêm đam mê mà dựa vào danh tiếng bề ngoài hay sự ổn định của khoản thu nhập về sự hứa hẹn về những phúc lợi hấp dẫn.

Cuộc đời bạn phải được dẫn dắt bởi tương lai, ước mơ và niềm đam mê của bạn. Từ “đam mê” trong tiếng Anh – passion – bắt nguồn từ một từ Latin cổ “passio”, có nghĩa là “đau đớn”. Quả là không thể chính xác hơn! Đam mê là một tên gọi khác của nỗi đau. Khi bạn thỏa hiệp với kết quả ngọt ngào đang quyến rũ bạn ngay vào lúc này thay vì theo đuổi ước mơ, nỗi đau sẽ xuất hiện.

(Rando Kim, Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2016)

Câu 1.Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2.Theo tác giả, sức mạnh của lòng đam mê có ý nghĩa như thế nào?

Câu 3. Theo anh/ chị, tại sao: Khi bạn thỏa hiệp với kết quả ngọt ngào đang quyến rũ bạn ngay vào lúc này thay vì theo đuổi ước mơ, nỗi đau sẽ xuất hiện?

Câu 4.Bài học ý nghĩa mà anh/ chị rút ra từ văn bản trên?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về quan niệm: Cái tạo ra sự khác biệt cuối cùng chính là sức mạnh của lòng đam mê.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017).

Theo anh/ chị, hình ảnh tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân có điểm gì tương đồng với hình ảnh chuyến tàu đêm trong tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)?

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt nghị luận/ Nghị luận

Câu 2. HS có thể trả lời theo cách trích dẫn hoặc diễn đạt lại nội dung. Theo tác giả/ sức

mạnh của lòng đam mê có ý nghĩa:

– Dẫn dắt bạn trong suốt cuộc đời, đo lường giá trị con người bạn và ý thức của bạn về sự thành đạt, giúp bạn kiên định trước ánh mắt xét đoán của người khác.

– Tạo ra sự khác biệt.

Câu 3.HS tham khảo một số ý sau:

– Bời vì đam mê và ước mơ vẫn hiện diện trong cuộc sống, nhắc nhở và dằn vặt bạn về những điều bạn chưa thể làm được.

– Bởi vì bạn không thể đánh giá giá trị và chất lượng cuộc sống của bạn dựa trên những kết quả tạm thời. Mà khi đánh giá lầm/ đến khi nhận ra, nỗi đau và sự dằn vặt sẽ bám riết và ám ảnh lấy bạn.

– Bởi vì cuộc đời không theo đuổi đam mê và mơ ước sẽ khiến cuộc sống trở nên vô nghĩa. Còn nỗi đau nào lớn hơn là tự mình thấy cuộc đời của mình vô nghĩa.

Câu 4. HS có thể trả lời theo quan điểm của mình/ tuy nhiên cần tìm thấy bài học từ văn bản (không chép lại văn bản). Dưới đây là một số gợi ý:

– Đam mê là điều quan trọng trong cuộc sống con người/ nó giúp con người sống thêm một cuộc đời nữa, đầy nghĩa lí.

– Những ngành nghề thời thượng hay những kết quả ngọt ngào chỉ là cái tạm thời, do đó ta cần xác định được ước mơ và mục tiêu của mình.

– Nếu không theo đuổi đam mê mà chỉ chạy theo giá trị tức thời, ta sẽ phải trả giá cho điều đó bằng nỗi đau.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

HS tham khảo gợi ý dưới đây:

[Đ] Quả thật: Cái tạo ra sự khác biệt cuối cùng chính là sức mạnh cùn lòng đam mê.

[G] Đam mê là một quá trình trải nghiệm, khi bạn đã trải qua quá trình thực tiễn với công việc một thời gian, cảm thấy thực sự yêu thích công việc và theo đuổi công việc sở thích đó tới cùng cho dù phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống. Lòng đam mê có khả năng và sức mạnh để dẫn dắt con người vươn đến thành công. Con người chỉ có thể thành công khi đặt hết tâm huyết vào nỗ lực vào điều mà mình làm, điều đó chi có thể thực hiện được khi con người làm điều đó với lòng đam mê. Lòng đam mê giúp con người vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, thất bại trong cuộc sống, tiếp thêm ý chí và sức mạnh để con người tiếp tục theo đuổi khát vọng trong cuộc đời. Không có lòng đam mê con người khó có thể phát huy hết năng lực sở trường của mình để tạo nên sự khác biệt và thành công.

[M] Tuy nhiên, cần xác định đam mê và nguồn lực của bản thân và đề ra hướng phát triển đúng đắn để vươn tới thành công.

[B] Nếu chưa có đam mê, hãy tìm cho mình đam mê để sống vì nó, tin tôi đi, bạn sẽ tìm thấy được sự khác biệt giữa mình và người khác, từ suy nghĩ, sự nỗ lực, kiên trì cho đến khả năng thành công.

Câu 2 (5,0 điểm)

1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

2. Yêu cầu cơ bản: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

– Giới thiệu đôi nét về nhân vật Mị: Mị là một cô gái hầu như tập trung được những vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ miền núi: Mị vừa đẹp người, vừa đẹp nết, cần cù, đảm đang, hiếu thảo, giàu đức hi sinh vị tha, ham sống, yêu đời và rất mực tài hoa. Bị bắt vô làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, làm vợ A Sử, Mị thấm thìa nỗi đau của một cuộc đời bị cướp đoạt: bị dày đọa trong cuộc sống lao động cực nhọc, bị giam hãm về mặt tinh thần, tê liệt cả ý thức phản kháng. Mị đã từng phản kháng với cuộc sống ấy bằng những giọt nước mắt, bằng cách tự tử, nhưng vì lòng hiếu thảo, Mị quay trở lại nhà thống lí Pá Tra và chấp nhận cuộc sống ấy. Mị thờ ơ với sự chảy trôi của thời gian, sắc màu cuộc sống của Mị trở nên mờ nhạt.

– Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị cháy lên trong đêm tình mùa xuân:

+ Mùa xuân về trên rẻo cao, đặc biệt là đêm tình mùa xuân với tiếng sáo gọi bạn tình của trai làng đóng vai trò như là yếu tố tác động, làm sống tiềm tàng trong con người Mị trỗi dậy một cách mãnh liệt.

+ Tiếng sáo, khung cảnh mùa xuân và cả hơi men chếnh choáng đã gợi dậy quá khứ tươi đẹp, ngày Mị còn trẻ, còn tự do, còn yêu đời. Mị đã thoát khỏi tâm trạng dửng dưng bấy lâu để trở thành con người thức tỉnh, vươn tới những ý nghĩ và khát vọng đẹp đẽ.

+ Mị thấy trong lòng đột nhiên vui sướng… Mị trẻ lắm… Mị muốn đi chơi. Ý thức về hoàn cảnh bản thân trỗi dậy, Mị phẫn uất mãnh liệt và thấm thìa nỗi tủi nhục của mình. Lúc này, Mị lại muốn ăn lá ngón mà chết đi. Trong khi đó, tiếng sáo, biểu tượng của khát vọng tự do và tình yêu tuổi trẻ đang rập rờn trong đầu Mị.

+ Mị thắp lên ngọn đèn trong căn phòng tối tăm của mình như khêu ngọn lửa của lòng ham sống, của sự khát khao. Hành động này thúc đẩy hành động khác, không thể kìm nén được nữa: Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa chuẩn bị đi chơi ngày Tết.

+ Nhưng giữa lúc lòng ham sống trong Mị trỗi dậy, dâng lên mãnh liệt như sóng trào thì cũng là lúc Mị bị vùi dập một cách khắc nghiệt, lạnh lùng. A Sử, chồng Mị thản nhiên trói đứng Mị vào cột nhà. Như không đang biết mình đang sợ bị trói… Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, quên mọi đau đớn về thể xác, Mị đã vùng dậy bước đi. Điều đó chúng tỏ sức sống tiềm ẩn trong con người Mị mãnh liệt biết nhường nào.

3. Yêu cầu nâng cao: Chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân có điểm tương đồng với hình ảnh chuyến tàu đêm:

– Cũng như Mị, những người dân phố huyện sống trong một cuộc đời ngập đầy bóng tối, ánh sáng chỉ bé nhỏ, len lỏi, ít ỏi. Do đó, chuyến tàu đêm như một tác nhân làm cuộc đời của họ sáng lên, dẫu chỉ trong tích tắc.

– Tiếng sáo nhắc nhở Mị về một quãng đời đầy lòng ham sống, đánh thức trong Mị những khao khát, chuyến tàu đêm chở theo ánh sáng từ một vùng trời khác để khơi dậy trong những con người phố huyện sức sống, niềm tin tưởng và hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Hai chi tiết thể hiện cái nhìn nhân đạo, đầy cảm thông của hai nhà văn đối với những kiếp người bé nhỏ trong cuộc sống.

4. Đánh giá chung

– Bằng sự am hiểu tâm lý người miền núi, khả năng dẫn dắt kể chuyện tinh tế, Tô Hoài đã làm bật lên sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân thật hấp dẫn, tự nhiên và đầy xúc động.

– Sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị qua đêm tình mùa xuân cũng là biểu hiện của ngòi bút nhân đạo Tô Hoài: cảm thông với những thân phận bất hạnh, nhìn thấy và trân trọng khát vọng sống của họ.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một sự thật: 99,5% thời gian của con người tồn tại trên Trái đất là ở trong rừng. 30 triệu năm tiến hóa từ một giống linh trưởng nhỏ cho đến loài người trưởng thành, tất cả chỉ xảy ra khoảng vài nghìn năm trước mà thôi.

Tổ tiên chúng ta từng biết mọi thứ về thiên nhiên. Ta hiểu rõ bí mật của nó, ta biết loài cây nào tốt để làm thuốc, loài nào ăn được và không ăn được. Chúng ta tường tận mọi ngóc ngách, biết nơi nào có thể dừng để trú mưa và nơi đâu để đến mỗi khi bão lũ.

Nhưng giờ đây, con người quay lưng lại với thiên nhiên và bước đi một con đường khác. Chúng ta ghì chặt lấy những khối bê tông và nhựa cứng. Ta tôn thờ thần tượng và các thương hiệu đắt tiền. Con người đã biến ngôi nhà của chính tổ tiên thành một nhà máy khổng lồ để phục vụ cho sự tham lam của mình.

Như đã nói, tôi yêu rừng và tôi mong có thêm người Việt Nam cảm nhận được như thế.