Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa dân tộc Dao là tài sản quý báu, cần được giữ gìn, bồi đắp

Thứ Năm 06/10/2022 | 21:30 GMT+7

VH O – Tối 6.10 trên Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), L ễ khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II đã diễn ra với những sắc màu độc đáo, những giá trị mà người Dao đã chắt chiu, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc

Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BCĐ Ngày hội; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống…

Về phía tỉnh Thái Nguyên có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng; Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ; các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, người có uy tín và đại diện đồng bào dân tộc Dao 14 tỉnh tham gia ngày hội…

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Bồi đắp những báu vật ngàn đời

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là sự kiện được Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống tổ chức với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao- Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu chào mừng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đất nước Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, vô cùng quý giá được hình thành và kết tinh trong hệ thống di tích, di sản, trong văn hóa của mỗi dân tộc, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, của di sản văn hóa dân tộc đối với sự phát triển đất nước. Người khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng về “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”; cùng với nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ  mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc anh em trên nguyên tắc văn hóa không có cao hay thấp, nhỏ hay lớn mà chỉ có sự đa dạng, nét đặc sắc tiêu biểu cần được tôn trọng, tôn vinh, phát huy, giữ gìn.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và  các đại biểu tặng hoa, cờ lưu niệm

Bộ trưởng nhấn mạnh, dân tộc Dao có đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng phong phú, với các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như nghi lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc và lễ hội Tết nhảy. Trong lao động sản xuất, người Dao có kỹ thuật làm nương rẫy, có nghề trồng bông, dệt vải nhuộm chàm, tạo ra những bộ trang phục truyền thống thêu hoa văn độc đáo. Đặc biệt, đồng bào Dao có một kho tàng tri thức về y học dân gian phong phú, với những bài thuốc quý được bảo tồn, lưu truyền hiệu quả để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trong kho tàng dân ca dân vũ, hát Páo dung cũng là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao, thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng, đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo… “Văn hóa của đồng bào Dao là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo, là tài sản văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hoá dân tộc, cần phải được giữ gìn, bồi đắp ngày một giàu thêm…”, Bộ trưởng khẳng định.

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc

Trong thời gian qua, Ngày hội văn hóa của một số dân tộc đã được Bộ VHTTDL phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. Lãnh đạo Bộ VHTTDL bày tỏ, hi vọng Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao sẽ là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và kinh tế. Đến với Thái Nguyên, về với ngày hội, người dân, du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ, được chiêm ngưỡng sắc màu thổ cẩm rực rỡ, cùng hòa mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Dao và không khí náo nhiệt, sôi động của các môn thi đấu thể thao truyền thống, qua sự thể hiện của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 14 tỉnh, thành phố. “Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên nói riêng,  các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung. Ngày hội không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Trách nhiệm trao truyền di sản

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc

“Văn hóa của dân tộc Dao cũng vậy, được kết tinh từ cuộc sống lao động sản xuất, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển; phong phú, đa dạng thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng; với những bộ trang phục đặc sắc, những làn điệu Páo Dung đằm thắm, ngọt ngào, cùng với điệu múa, tiếng sáo, tiếng thanh la, tù và trầm lắng trong lễ cấp sắc độc đáo… tạo nên cốt cách tâm hồn, tình cảm, nền tảng tinh thần của dân tộc Dao, hòa quyện trong nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chúng ta có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với các nghệ nhân dân tộc Dao tại Lễ khai mạc

“Trong thời gian qua, Ngày hội văn hóa của một số dân tộc đã được Bộ VHTTDL phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác”.

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam biểu dương các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của các dân tộc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao trên mọi miền đất nước đã khắc phục khó khăn, hội tụ trong ngày hội lớn, làm nên một lễ hội đặc sắc, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Ngày hội cũng là dịp để đồng bào tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước; động viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập công tác và chiến đấu; thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, đồng bào dân tộc Dao thực hiện tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc phải gắn chặt với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Ông Chiến nhấn mạnh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Dao nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình. Vì vậy, đồng bào cùng nhau thực hiện tốt phương châm người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa của dân tộc mình.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp, các ngành, trực tiếp là ngành văn hoá tiếp tục tham mưu để Đảng, Nhà nước ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch, để văn hóa vừa là yếu tố tinh thần, vừa tạo thêm được thu nhập của người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, Thái Nguyên là vùng đất trù phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Dao có gần 22 ngàn người. “Dân tộc Dao là một trong số ít những dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, mang đậm dấu ấn lịch sử, có giá trị tinh thần cao. Có thể nói rằng, với 51 dân tộc anh em cư trú tại tỉnh, dân tộc Dao chiếm một vị trí hết sức quan trọng, cùng với đồng bào Dao cả nước có những đóng góp to lớn trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đoàn kết, xây dựng quê hương, đất nước…”, bà Nguyễn Thanh Hải nêu.

Đông đảo đồng bào Dao tham dự Ngày hội

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng nhấn mạnh, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần II là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, nhằm tăng cường khối đoàn kết dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trên cả nước nói chung và dân tộc Dao của tỉnh Thái Nguyên nói riêng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Giấc mơ mặt trời

Không khí ngày hội vui của người Dao đã mang đến nhiều cảm xúc trên Thủ đô gió ngàn, khi những sắc màu văn hoá độc đáo được người Dao từ nhiều vùng đất đã cùng hội tụ về đây. Người dân và du khách được hoà mình, trải nghiệm cùng những  giá trị bất biến trong kho báu văn hóa dân tộc Dao, với những làn điệu dân ca dân vũ, sáng tác thơ giàu bản sắc, những thanh âm độc đáo của các nhạc cụ trống, thanh la, chũm choẹ, chuông nhạc, tù và… Âm sắc rộn ràng hòa cùng sắc màu thổ cẩm rực rỡ trong không gian của lễ hội cấp sắc, Tết nhảy, cùng sự náo nhiệt, mạnh mẽ của các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian…

Đưa du khách vào miền trải nghiệm đa sắc màu ấy, chương trình nghệ thuật “Giấc mơ mặt trời” không chỉ mở ra không gian của những âm sắc, giai điệu ngọt ngào mà còn như một câu chuyện kể sinh động về đời sống văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Dao trên nhiều vùng miền. “Giấc mơ mặt trời” được dệt nên từ dòng chảy xuyên suốt, kết nối từ “Gọi non ngàn thức giấc” đến “Những cung bậc núi rừng” và “Khúc tự tình xứ núi”. Đa dạng màu sắc và cũng không kém phần lãng mạn, giữa Thủ đô gió ngàn, lần đầu tiên những giai điệu, thanh âm của núi rừng ấy cùng hoà quyện, trong một thông điệp chung mà mỗi nghệ nhân, diễn viên dân tộc Dao muốn chuyển đến người xem, đó là niềm tự hào dân tộc. Chương trình có sự tham gia của hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên. Những giá trị truyền thống trong đời sống văn hoá, phong tục tập quán, những di sản ngàn đời của dân tộc Dao lần lượt được đưa đến người xem qua nhiều “lát cắt” đặc sắc như lễ cúng thần rừng, tình ca lều nương, nghề làm giấy bản, sắc màu thổ cẩm rực rỡ, nghề y bảo truyền, lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, tạ ơn trời đất, người Dao vui Tết Nhảy…

HÀ PHƯƠNG – ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN