Buồn của người tha hương: Tết mong về nhà mà ngổn ngang trăm mối
Mục lục bài viết
Những rào cản ngăn lối về nhà
Vào Sài Gòn từ năm 1999, anh Hoàng Xuân Hùng đã có hàng chục năm ăn Tết xa quê. Ngày còn trẻ anh cũng rất chăm về. Từ lúc lập gia đình thì số lần đón Tết quê thưa thớt hẳn. Anh làm công việc phụ hồ, trả lương theo ngày nên thu nhập cũng bấp bênh. “Cú sốc kép” về dịch bệnh và suy thoái kinh tế khiến đồng lương của vợ chồng ngày càng còm cõi. Anh Hùng thừa nhận: “Nuôi 3 đứa con ăn học với điều kiện kinh tế hiện nay quả thực cũng vất vả. Điều kiện để về quê ăn Tết thật không đơn giản”.
Những ngày Tết cha mẹ con cái cũng chỉ biết động viên nhau qua màn hình điện thoại. “Giờ may là còn gọi được video, chứ mấy năm trước thì chỉ nghe được tiếng bố mẹ thôi. 15 năm không được về quê ăn Tết, nói thật là cũng chạnh lòng”, anh Xuân Hùng thở dài. Điều buồn hơn là anh cũng chẳng con số 15 năm này sẽ kéo dài đến bao giờ, bởi việc đưa cả nhà 5 người về quê một lúc vào dịp Tết thật quá sức với người đàn ông này.
Không chỉ gặp rào cản về kinh tế, chị Phan Thị Thịnh (quê Quảng Bình) còn bị chứng bệnh đau đầu kinh niên hành hạ suốt nhiều năm trời. Ba tháng sau khi sinh bé đầu tiên, chị Thịnh bắt đầu bị đau đầu đến tận bây giờ. Dù đã chạy chữa nhiều nơi song chứng bệnh này vẫn không thuyên giảm, mỗi độ trái gió trở trời là cơn đau lại càng nghiêm trọng. “Mỗi lần đau là chị say xẩm mặt mày, người lúc nào cũng nôn nao khó chịu như ngồi tàu xe. Cũng vì thế mà chị chẳng đi đâu xa được suốt 9 năm nay. Kinh tế khó khăn nên chồng chị cũng chuyển sang chạy xe ôm công nghệ bên ngoài. Phần vì gánh nặng kinh tế, phần vì sức khỏe yếu nên suốt 7 năm nay chị chưa một lần về nhà đón Tết”, chị Thịnh kể.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với chị Trần Thị Bích Liên (quê Hà Nam). Đồng lương chưa đến 4 triệu mỗi tháng từ công việc may gia công tại nhà chỉ vừa đủ chi trả cho những nhu cầu cơ bản trong nhà mỗi tháng. Nuôi dạy 3 đứa con với số tiền ít ỏi này với chị là điều không đơn giản, nên 5 năm rồi chị chẳng dám nghĩ đến chuyện về quê đón Tết. “Nếu được về Tết thì chị chỉ muốn quanh quẩn bên bố mẹ cho hết mấy ngày Tết chứ chẳng muốn đi đâu cả. Năm năm rồi chỉ thấy bố mẹ qua màn hình điện thoại, cũng nhớ lắm em”, chị Bích Liên bộc bạch.
Mang Tết về nhà, để nhớ nhung thành hạnh phúc sum vầy
Với những người con từ quê ra thành phố làm ăn, không có khoảng cách nào xa hơn đường về quê mẹ, cũng không có thời gian nào đằng đẵng như những cái Tết tha hương. Ấy vậy mà với không ít người lao động, khoảng cách giữa hai cái Tết đoàn viên có khi kéo dài cả thập kỷ.
Làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, thậm chí xuất khẩu lao động của người dân tại nhiều vùng quê đã ồ ạt diễn ra suốt nhiều năm vừa qua. Không tìm được kế sinh nhai vững chắc nơi ruộng vườn, nương rẫy, thanh niên nối đuôi nhau lên thành thị kiếm sống. Những làng quê phút chốc chỉ còn người già và trẻ nhỏ, mòn mỏi ngóng trông Tết đến Xuân về để sum vầy cùng con cái. Phải là những người cha, người mẹ mòn mỏi ngóng trông con trở về giữa tiếng pháo mừng xuân mới thấu hiểu hết thế nào là cảm giác trống vắng và cô quạnh. Tết của họ chính là sự trở về của con cái, bất kể chúng đã có một năm thành bại ra sao.
Hiểu rõ những tâm tư ấy, nhiều hoạt động xã hội với mục tiêu giúp người lao động khó khăn có vé về quê đón Tết đã liên tục được tổ chức trong những năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý là chương trình “Mang Tết về nhà” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với nhãn hàng Pepsi tổ chức. Suốt nhiều năm qua, thông điệp “Cùng Pepsi Mang Tết về nhà” đã được hiện thực hóa bằng hàng chục nghìn tấm vé máy bay, vé xe đưa người lao động về sum họp cùng gia đình. Năm nay, Pepsi tiếp tục dành tặng 556 vé máy bay khứ hồi (trong đó có 360 vé nội địa và 196 vé quốc tế), 3.600 vé xe ô tô khứ hồi và các phần quà ý nghĩa cho đối tượng sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nhờ có chương trình “Mang Tết về nhà” mà 15 năm đón Tết xa quê của anh Hoàng Xuân Hùng đã chấm dứt. Chị Phan Thị Thịnh, Trần Thị Bích Liên và hàng nghìn lao động khác cũng nhẹ gánh lo toan để trở về cùng gia đình. Niềm hạnh phúc sum vầy là giá trị vô giá mà những tấm vé trong chương trình kể trên đã mang lại.