CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT


0000

Hình Tang lễ cố cư sĩ Lê Minh Triết

CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT
THIỆN TÂM chú giải

(trích Cách Tu Hiền Và Sự Ăn Ở Của Một Người Bổn Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ )

CHÁNH VĂN (Đức Huỳnh Giáo Chủ)

Mỗi người đứng trước bàn thờ Phật niệm: “Nam-mô Bổn-sư THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT” (ba lần) và “Nam-mô A-DI-ĐÀ PHẬT” (ba lần).

          Vái: “PHẬT TỔ, PHẬT THẦY, nay mình thành-tâm cầu nguyện cho tên … (tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong-linh được thoát chốn mê-đồ, vãng-sanh miền Cực-Lạc ! ” Trong lúc ở nhà hay lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ-chức sắp hàng chấp tay niệm: “Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp-dẫn vong-linh A-DI-ĐÀ PHẬT”. Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc:  “Tiếp-dẫn đạo-sư A-DI-ĐÀ PHẬT”.

 

          NÊN LƯU Ý: Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết.

0101

 

LƯỢC GIẢI

          Trong mục cầu nguyện cho người chết gồm có ba phần:

 

          1-ĐẶT BÀN CẦU NGUYỆN:

          Đức Thầy dạy: “Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa Trời cầu nguyện rồi im lặng đi chôn”. Nghĩa là nếu nhà sân rộng thì đặt bàn ngoài sân. Còn gặp nhà không có sân thì đặt ngay giữa gần mái nhà trước cũng được. Trên bàn chỉ để một lư hương, 3 ly nước lạnh, 1 bình bông hoặc 3 chung bông. Tuyệt đối không nên để bánh trái hay món gì nữa hết.

 

          2-CÁCH ĐỌC BÀI NGUYỆN:

          Mấy lúc gần đây trong Đạo chúng ta có nhiều vị đọc bài nguyện cho người chết, hoặc thêm hoặc bớt không đồng nhất, là vì không chịu nhận xét chính xác ý văn của Đức Thầy. Để tránh sự bất nhất ấy, chúng ta nên nghiên cứu kỹ lại.Những chữ ngoài vòng ngoặc kép (“) thì không nên đọc, như…Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm. Và chữ Vái hay các chữ trong vòng ngoặc đơn (ba lần) cũng không nên đọc. Vì những chữ ấy đều là lời chỉ dẫn và cũng đừng thêm vào tuổi tác hay ngày giờ người chết. Bởi những ý nầy chủ nhà hoặc người xướng ngôn đã tuyên bố lý do trong lời nói đầu.

          Xin nhắc lại vào khoảng năm 1965, Ban Phổ thông Giáo lý Trung Ương, có soạn thảo chương trình tu học Giáo lý sơ cấp. Trong môn Nghi thức có bài “Cầu nguyện cho người chết”. Ban Phổ thông Giáo lý Trung Ương có mở phiên họp bàn thảo về các chữ trong bài nguyện…Bàn thảo xong tất cả đều đồng ý bỏ những lời chỉ dẫn ra không đọc.

          Trước chữ Phật tổ, Phật thầy thêm vào hai chữ Nam Mô, bởi hai lý do: – Một là vì đọc chữ Phật Tổ Phật Thầy trơn, nghe hình như thiếu khiêm cung. – Điểm hai là vì bên bài nguyện Qui y, Đức Thầy có viết “Nam Mô Phật Tổ Phật Thầy”, thì bên nầy mình dùng chắc không sao, chớ không phải dám nghĩ Đức Thầy viết thiếu.

          Còn câu: “Nay mình thành tâm..” thì đồng ý thay chữ “Mình” ra và thế vào chữ “Con”, bởi lẽ nói, cầu với Phật với Thầy mà xưng Mình nghe không được. Nếu cầu nguyện cá nhân thì đọc “Nay con thành tâm…”còn xướng ngôn tập thể, thì đọc “Nay chúng con thành tâm…” vì đại diện chỗ đông người nên phải dùng đúng chữ. Đến chữ “tên” cũng thay vào chữ Ông hay Bà (tên họ luôn), nếu người chết nhỏ tuổi quá thì gọi Cô hoặc Em, Cháu gì cũng được.

          Sau khi bàn thảo kỹ lưỡng, Ban Phổ thông đều đồng ý đưa ra một bài Nguyện mẫu, đã có in trong Tài liệu sơ cấp và toàn thể trong Đạo đều áp dụng từ đó đến nay. Chúng tôi xin chép lại bài Nguyện đó sau đây:

          “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

          Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

          Nam mô Phật Tổ Phật Thầy, nay chúng con thành tâm cầu nguyện cho (ông hoặc bà, họ và tên) nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cự Lạc”.(Lưu ý: các chữ trong vòng ngoặc đơn không đọc)

          (Vừa niệm Phật xá ba xá, góp hết nhang cắm lên bàn rồi lạy bốn lạy).

          (Đức Thầy không có dạy cố định là cầu nguyện 1 lần hay 3 lần, mà tùy theo thời gian và chương trình cuộc lễ rộng hẹp, dài ngắn…mà Ban tổ chức linh động 1 hay 3 lần tùy ý.)

            Nghiên cứu qua lời dạy của Đức Thầy thì bài “Tây phương Cực Lạc thế giới…” lúc cầu nguyện không nên đọc, mà chỉ dùng khi người bịnh vừa tắt thở. Lúc đó người hộ niệm hoặc đứng hay ngồi chung quanh vẫn tiếp tục niệm…Và niệm lúc đi theo bàn Phật ra tới huyệt.

          Sở dĩ chúng tôi đưa nhận xét và biên soạn ra đây là vì muốn khi cầu nguyện cho người chết, trong Đạo chúng ta không còn chênh lệch nhau quá. Chớ thật ra, cầu nguyện có được kết quả là do chỗ thành tâm, chớ không phải do hình thức văn tự: “Khi cầu khi nguyện chuyện gì thành tâm”.( ĐT)

 

            3-CÁCH HỘ NIỆM:

          Hộ niệm có 2 giai đoạn:

          A)- Lúc bệnh nhơn chưa tắt thở: Theo cổ lệ Phật giáo, người tu Pháp tịnh độ, nếu có người bịnh sắp lâm chung đều tổ chức hộ niệm. Hiện giờ trong PGHH chúng ta vẫn áp dụng, vì đây là chánh lý.

          Người sắp chết có những trạng thái không giống nhau: có người bấn loạn tâm thần, đau nhức rên than, đập mình lăn lộn, thở không muốn kịp; có người lại nằm mê man, thở dài và nhẹ lần cho đến khi chấm dứt…Cho nên rất cần có người hộ niệm.

          Lúc đó con cháu và đồng đạo ngồi hoặc đứng chung quanh, chấp tay vào ngực niệm liên tục 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, giúp cho bệnh nhơn nghe và niệm theo, hoặc nhớ tưởng từ tiếng hầu giữ được chánh niệm, hướng về Đức Phật Đức Thầy. Dầu người bịnh có nằm mê hay cứng hàm không niệm được, hoặc thần thức chập chờn sắp rời khỏi xác, cũng nghe được tiếng niệm Phật mà hướng về Đức A Di Đà và Cực Lạc quốc…Nên nhớ tiếng niệm Phật phải trầm đều, nhưng rõ ràng. Chớ không nên niệm bổng và lớn hay lẹ quá, vì người bịnh đang mệt, nghe niệm theo không kịp.

 

          B- Khi người bịnh tắt thở: Lúc người bịnh sắp tắt thở, những người không hộ niệm nên lên nhang đèn các bàn thờ và quì sắp hang thành tâm cầu nguyện (3 lần), rồi cũng tiếp tục hộ niệm, đến khi người bệnh tắt thở thì tất cả xoay qua niệm câu “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới…” Cứ thay phiên niệm liên tục.

 

          4- CÁCH CẦU NGUYỆN THỐNG NHỨT:

          Theo thông lệ, khi tẩn liệm người chết xong, những người đến dự đám tang đều được cầu nguyện và lễ bái cá nhân. Nhưng khi gần giờ di quan thì có tổ chức cầu nguyện thống nhứt, một lần 3 lượt, hoặc một lần 1 lượt là tùy theo sắp đặt của Ban tổ chức. (Lưu ý: người phát hương phải dè dặt cẩn thận, không nên trao hết cho mỗi người có tánh cách ép buộc, mà ai xin nhận mới trao. Nhứt là đối với quan khách, chánh quyền và những người không có Đạo.) Cầu nguyện thống nhứt xong, nếu có điếu văn, cảm tạ, hoặc cảm tưởng, nên cho đọc trong giờ nầy, có đầy đủ người dự đám. Khi ra đến phần mộ nên cầu nguyện thống nhứt 1 lần 1 lượt thôi.

22

 

          5- HÌNH THỨC ĐƯA LINH CỮU RA HUYỆT:

          Tới giờ di quan Ban tổ chức cho khiêng bàn Phật đi trước. Kế đó là một số người hộ niệm có mặc áo lễ, rồi các tràng hoa (nếu có). Tiếp theo là vãng lỵ, bàn vong và linh cữu. Tang gia và thân quyến đi khít linh cữu. Còn những người dư ra đều đi tiếp theo đó. Mỗi người đưa đám đều cầm 1 cây hương và đọc bài “Nam Mô Tây Phương…”(hộ niệm).Tuyệt đối là không nên nói chuyện ngoài hoặc khóc kể, như Đức Thầy đã cho biết: thế sẽ “…trở ngại sự siêu thoát anh linh của người chết”.

          (Hộ niệm lớn tiếng hay niệm thầm là tùy nơi, tùy người, nhưng nếu niệm lớn thì phải nương theo cho ăn rập, đừng niệm lỏi chỏi.)

 

CHÚ THÍCH (từ ngữ bài Cầu nguyện cho người chết)

          NAM MÔ: Phiên âm của Phạn ngữ (Namal). Tàu dịch là qui mạng và cứu ngã (tiếng dùng cầu khẩn), tức là mình chịu qui phục với Đức Phật…và cầu Ngài cứu độ mình. Nam mô cũng có nghĩa qui y: “Hai chữ Nam mô ấy lẽ hằng”.( ĐT)

          BỔN SƯ: Ông thầy căn bản (gốc). Thầy cả ba giới, bốn loài. Đây chỉ cho Đức Thích Ca là đấng sáng lập Đạo Phật đầu tiên.

          THÍCH CA: Phiên âm của Phạn ngữ (Sakya) họ của Phật, dịch là Năng nhơn. Nghĩa là người có năng lực từ bi rộng lớn, thương xót và cứu độ vạn loại chúng sanh.

          MÂU NI: (phiên âm của Phạn ngữ), dịch là Tịnh mặc. Có nghĩa là trong sáng lặng lẽ. Tuy làm các hạnh lành, giúp thế độ đời mà lòng vẫn an nhiên, trong sạch, không xao động thiên chấp.

          PHẬT: Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, toàn thiện, toàn mỹ, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

          Tóm lại câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là cả tam giới đều tôn xưng công đức siêu thắng của Ngài.

          A DI ĐÀ PHẬT: (Phiên âm Phạn ngữ), dịch là “Vô Lượng Thọ Phật”, tức là Ngài thọ mạng dài đặt vô lượng vô biên triệu ức kiếp. Và “Vô Lượng Quang Phật” tức là hào quang của Ngài sáng vô cùng chiếu khắp mười phương, không bị sự vật nào ngăn che.

          A Di Đà Phật là vị giáo chủ ở cõi Tây phương Cực Lạc, có nguyện lực tiếp dẫn chúng sanh 10 phương vãng sanh về cảnh giới của Ngài, nếu ai biết niệm Phật, làm lành và có đủ Tín, Nguyện, Hạnh. (Xem thêm Ct câu 187 Q.1, T-1. Q.Thượng).

          PHẬT TỔ: Tức Đức Phật Thích Ca (Xem Khuyến Thiện, Q.5, hoặc Chú giải).

          PHẬT THẦY: Ngài quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng, nay là xã Mỹ An Hưng, tỉnh Sa Đéc (Nam phần Việt Nam). Ngài sanh vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ VIII. Ngài khai Đạo đầu mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1849). Viên tịch vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856). Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, người trong Đạo cũng như ngoài đời, đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài khai sáng Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương và là tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Xem thêm phần CT chữ Đức Thầy Bửu Sơn bên Q.1, T-1, Quyển Thượng.)

 

          TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI: Thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà ở về hướng Tây, đối với cõi Ta bà chúng ta. Kinh Di Đà, Đức Thích Ca bảo:

          “Cách đây mười muôn ức cõi Phật về hướng Tây có cõi Cực Lạc, do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ và Ngài đang thuyết pháp độ sanh tại đó”.

          TAM THẬP LỤC VẠN ỨC: Ba mươi sáu vạn ức.

          NHỨT THẬP NHỨT VẠN: Mười một vạn.

          CỬU THIÊN NGŨ BÁ: Chín ngàn năm trăm.

          Đọc chung lại là Ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn, chín ngàn năm trăm. Theo Phật Học từ điển, có thể tạm viết con số ấy như vầy 36.000.119.500, nhưng nhà nghiên cứu Kinh điển nên lưu ý không nên chấp văn tự. Vì con số nầy là số tượng trưng, chỉ cho con số vô lượng, là vì chư Phật ở cõi Cực Lạc không một ai có thể đếm hết con số. Bởi công đức và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Nếu chúng ta hiểu con số có quyết định bằng văn tự là bị thiếu. Do đó, Đức Thầy dạy niệm nguyện câu nầy là có dụng ý: dạy chúng ta nguyện hết chư Phật ở cõi Cực Lạc, không sót một vị nào.

          ĐỒNG DANH ĐỒNG HIỆU ĐẠI TỪ ĐẠI BI: Bởi vị Phật nào cũng chứng đắc “Tứ vô lượng tâm” (Từ, Bi, Hỉ, Xả) và hoàn toàn giác ngộ. Cho nên nói đến đại từ, đại bi thì Phật nào cũng cảm thông tất cả, mới gọi là đồng danh đồng hiệu.

          TIẾP DẪN: Rước đưa về cõi Phật. Đức Thầy có câu:“Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.

          Tóm lại bài:“Tây Phương Cực Lạc…” theo lời ông Nguyễn Chi Diệp kể là Đức Thầy viết cho tín đồ trì niệm là để thay cho bài chú Vãng sanh trong kinh Phật thời xưa.

          Đại ý là chúng ta cầu nguyện Đức Phật A Di Đà và hầu hết chư Phật ở cõi Cực Lạc tiếp dẫn linh hồn người chết hoặc tất cả chúng sanh đều được siêu sanh về cõi Tây phương Cực Lạc.

          (Theo lời ông Nguyễn Chi Diệp kể lại: Vào năm 1939, lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hòa Hảo. Một hôm ông và một số tín đồ có mặt tại đó, Đức Thầy kêu hỏi:

            -Trong các ông có ai thuộc bài chú Vãng sanh trong kinh Phật từ trước không ?

            Có một ông lão đứng lên nói: Bạch Thầy ! Tôi còn nhớ. – Đức Thầy bảo: Đọc thử nghe ! Ông lão liền đọc: “Nam mô A Di Đà…”. Đọc xong, ông ngồi xuống, bị sai ít chữ.

            Đức Thầy nói: – Bài chú nầy phiên âm của Phạn ngữ, học lâu thuộc và không biết nghĩa, nên đọc bị sai chữ. Vậy để tôi đọc bài chú Vãng Sanh khác cho mấy ông nghe. Nói rồi Ngài đọc lên:“Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới…”

 

            Đọc xong Ngài giải thích: – Bài nầy dùng vào 3 việc:

            1-Dùng niệm trong giờ niệm Phật, hoặc đi đứng nằm ngồi. Nó có ý nghĩa như câu lục tự Di Đà, nhưng có ý vị tha (cầu cho tất cả chúng sanh). Còn 6 chữ Di Đà có ý vị kỷ (chỉ niệm cầu cho mình). Song 2 câu nầy đều niệm hết.

            2-Là dùng trong lúc hộ niệm cho người chết từ lúc vừa tắt thở đến đưa đám tang ra tới huyệt.

            3-Là khi thấy bất cứ người hay các sanh vật chết, không cần quen lạ, đều hướng tâm niệm thầm cho họ. Nhứt là trong mọi sự sinh hoạt và đi đứng của Cư sĩ tại gia như chúng ta hiện giờ, không khỏi va chạm làm đau đớn hoặc thiệt hại đến sanh mạng của các sanh vật (cả bốn loài: noãn, thai, thấp, hóa) như: cày ruộng cuốc đất, nấu ăn, uống nước.v.v…Tuy là nghiệp sát sanh vô tình, song ta cũng phải mắc nghiệp nợ đó. Cho nên giờ phút nào chúng ta cũng phải niệm bài chú nầy, hoặc niệm Phật liên tục, để vừa biết ơn và thương xót tất cả: “Tu biết thương vốn thiệt chay trường” (đó là tâm chay); “Chay được tánh chay tâm mới quí” (ĐT).

 

Cũng vừa cầu tất cả chúng sanh được siêu sanh tịnh độ và nguyện tu hành đắc đạo để độ các linh hồn đó. Ấy là chúng ta tự đổi cái nghiệp nợ oán thù ra cái ân và kết duyên lành với họ. Sau nầy nếu tu đắc Đạo trước sẽ độ được họ, bằng họ đắc quả trước cũng độ được ta.

            Đức Thầy giải thích xong, mọi người lấy giấy viết, nhờ Ngài đọc lại, đặng ghi chép học. Nhưng mãi đến năm 1945 Ngài mới viết vào Quyển Sáu: Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền.

55

 

 

Đọc kinh sách PGHH tại http://hoahao.org hoặc

http://tuoitrephatgiaohoahao.com

77