CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH CẢM NHẬN VỀ LÝ TÍNH VÀ CẢM TÍNH – Học Và Làm
[ad_1]
Nhận thức là quá trình tâm lý phản ánh hiện thực khách quan và bản thân con người thông qua các giác quan và dựa trên kinh nghiệm hiểu biết của bản thân. Nhận thức ở mức độ thấp là nhận thức cảm tính, ở mức độ cao hơn là nhận thức lý tính.
-
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH
Xét theo lẽ tự nhiên, con người ai cũng ham thích nói lý, dùng lý lẽ để khẳng định, lập luận, biện minh cho những ý muốn, hành động của mình. Đồng thời lại rất ưa chuộng tình cảm (cảm tính), nhất là những tình cảm hợp với ước muốn của mình, đặc biệt những khuynh hướng được thúc đẩy do những dục vọng tiềm tàng từ trong vô thức.
Như ai cũng biết, lý trí hay lý tính có nhiệm vụ tìm ra sự thật, tìm ra chân lý để dẫn dắt, soi sáng cho những hành vi của con người khỏi lầm đường lạc lối. Cảm tính, cảm xúc hay tình cảm lại rất cần cho cuộc sống, là động lực thúc đẩy để con người hành động , làm cho đời sống thêm phong phú, sáng tạo, sinh động, tạo nên một tâm hồn có sức sống, nhạy cảm, nhiệt huyết, được chan hòa tới mọi người và mọi vật.
Nhưng để sống cho có tình có lý, nhất là để mọi việc sao cho “thấu tình đạt lý” thì quả là một vấn đề không đơn giản. Nó là một quá trình thông qua nhiều giai đoạn, đi từ nhận thức cảm tính cho đến tư duy trừu tượng, được kiểm chứng bằng thực tế của vấn đề, sự kiện. Nhưng để hiểu được một cách đúng đắn của vấn đề cảm tính và lý tính, con người lại phải qua quá trình giáo dục, rèn luyện, tư duy khoa học, kiểm nghiệm, và nhiều vấn đề còn phải tu dưỡng mới hiểu và khắc phục được những nhận thức sai lầm về sự việc, sự vật, nhất là nhận ra được chân lý.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH THEO TRIẾT HỌC
Trong triết học, người ta phân biệt rất rõ ràng giữa nhận thức cảm tính và lý tính .
* Nhận thức cảm tính:
Là sự nhận thức ở giai đoạn đầu, con người sử dụng các giác quan để tác động vào sự vật nhằm nắm bắt sự vật. Trước tiên các sự vật, hiện tượng tác động trực tiếp vào giác quan của con người, nó phản ánh các thuộc tính riêng lẻ mà con người cảm nhận bằng những cảm giác, cảm xúc.
Từ cảm giác, cảm xúc được tổng hợp thành những tri giác, là sự nhận thức một cách tổng quát về các sự vật hay hiện tượng của vấn đề thông qua giác quan. Từ đó nó trở thành những biểu tượng, nhờ đó con người hình dung ra những sự vật mà không cần nhờ tới giác quan trực tiếp tác động vào.
Người ta nghiên cứu, giai đoạn cảm tính này cũng có trong một số động vật.
* Nhận thức lý tính:
Là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật. Từ đây tìm ra một khái niệm, nói lên sự khái quát, đặc điểm, thuộc tính của sự vật, trở thành cơ sở cho luận lý, suy luận và phán đoán các hiện tượng, sự vật.
Luận lý học hay logic học giúp con con người tư duy theo phương pháp khoa học, tránh được những cảm giác, cảm tính chi phối, bằng cách liên kết những khái niệm với nhau, để so sánh, phân tích và tổng hợp những đặc điểm, thuộc tính của đối tượng, nhằm khẳng định hay phủ định sự việc, sự vật. Từ đây con người có thể suy luận theo diễn dịch hay quy nạp giữa các phán đoán để hình thành một tri thức mới mang tính đặc trưng hoặc phổ quát.
Nhờ nhận thức lý tính, con người mới nhận ra những mối liên hệ, bản chất, yếu tính, thuộc tính của sự vật.
Tuy nhận thức cảm tính và lý tính có sự khác biệt nhau, nhưng chúng không tách biệt nhau mà luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính, không có nhận thức lý tính thì không nhận thức được bản chất, yếu tính thật sự của sự vật.
CON NGƯỜI THƯỜNG SỐNG THEO CẢM TÍNH HAY LÝ TÍNH
Như ai cũng có thể biết, lý tính giúp con người tìm ra chân lý, vì chân lý là những cái tồn tại mang tính bất biến, nó nằm ngoài ý thức của con người. Chân lý có sẵn chứ không do con người tạo ra, là chân lý của các ngành khoa học, những chân lý về tinh thần, tâm linh, siêu hình… Con người nhờ tư duy khoa học hoặc tu dưỡng qua những trải nghiệm về tinh thần, về tâm linh mà nhận biết, phát hiện. Lý tính hay lý trí là ngọn đèn soi dẫn, là ánh sáng dẫn dắt, canh chừng cho những hành vi của con người khỏi lầm đường lạc lối, mà mục đích của nó là định hướng hành vi theo chân lý.
Nhưng thực tế cho thấy, đa số con người chỉ dừng lại ở cảm tính, nếu có lý luận cũng thường do cảm tính dẫn dắt, được thúc đẩy qua những cảm xúc làm chủ thuận theo khuynh hướng riêng. Lý luận thường biện minh, bảo vệ cho ý muốn, mục đích của chủ thể, muốn được hợp thức hóa cho những hành vi của mình. Sự xáo trộn, bất an, mặc cảm, lầm lạc, nhiều sa lầy, bế tắc, bất hạnh, đau khổ… của nhiều người là bằng chứng cho thấy ít người để cho lý tính chân chính hướng dẫn, nếu có thường chỉ bảo vệ cho quan điểm riêng hoặc mưu cầu một ý đồ hay lợi lộc nào đó, có khi biện minh để thỏa mãn cho những dục vọng riêng tư của cá nhân mà thôi. Vì vậy nhiều khi chính mình đang tự lừa dối mình mà không biết.
Con người có nhiều thành kiến về sự vật sự việc, thành kiến về người này người nọ, lại có nhiều yêu ghét về vật này vật nọ, về đối tượng này đối tượng kia, cũng như mang những kỳ thị trong cộng đồng xã hội và bao điều tham lam ham hố ở đời. Tất cả đều bị nó dẫn dắt hướng tới hành động, mà những điều này đều xuất phát từ cảm tính chứ không phải lý tính. Như trong tâm lý học, khoa học trình bày những trạng thái của con người, từ vô thức, tiềm thức cho đến ý thức. Đó là tâm lý tự nhiên của con người vốn có, đã được phú bẩm mà không cần thông qua học hỏi và luyện tập. Ngoài phần ý thức ở trình độ cao, còn hầu hết hành vi của con người đều xuất phát ở phạm vi cảm tính, nên nó chi phối phần lớn cuộc sống con người. Bởi vậy, những thuật xử thế, thuật đắc nhân tâm và những thuật khác liên quan đến con người đều áp dụng tâm lý, tác động vào những cảm giác, cảm xúc của con người để đạt được mục đích.
Những điều trên cho thấy, phần lớn con người đều sống theo cảm tính, bị tình cảm, cảm xúc dẫn dắt, dù rằng lý lẽ vẫn tồn tại, nhưng chẳng qua là biện minh, bảo vệ cho những “ý đồ” của con người.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH LÀ CẶP SONG HÀNH HAY ĐỐI LẬP
Theo nghĩa thông thường người ta vẫn hiểu, lý tính hay lý trí đối lập với tình cảm, cảm xúc, ước muốn, nhu cầu, đam mê. Tuy đối lập nhưng nó luôn song hành với nhau, nó cùng hiện diện nơi con người, hiếm khi nó độc lập hoàn toàn, khó có thể mang tính thuần lý hay thuần cảm tính. Khi tôi yêu điều này, vật này, người này là tôi vận dụng đủ lý lẽ để biện minh cho cái tôi yêu. Còn nếu tôi ghét, tôi cũng có lý lẽ như vậy.
Cũng như khi tôi dùng lý trí để tìm ra một phương án giải quyết công việc, khi thi hành, tôi vẫn bị chi phối bởi sự ưa chuộng, ham thích, hoặc khó chịu, thành kiến, ghét việc này việc nọ, người này người nọ. Nhưng nhiều khi khi lý tính mâu thuẫn với một số mong muốn mà chủ thể có cảm tưởng rằng lý tính tách rời với cảm xúc. Ngược lại, đôi khi con người cảm thấy một cảm xúc mạnh mẽ đã chiến thắng các lý luận một cách phi lý, mặc dù cảm xúc đó đã không còn luận cứ xác đáng nào, hoặc khi nó chưa kịp là chủ đề của lý luận thì hành động đã xảy ra, như trong trường hợp phản xạ chẳng hạn, nó xảy ra trong những tình huống bất ngờ.
Bởi vậy con người mới trở nên phức tạp, nhiều mâu thuẫn ngay chính nội tại, tất cả đều do lý tính và cảm tính không hòa hợp được với nhau. Điều này cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho con người.
Như đã đề cập, chân lý là đỉnh cao của trí tuệ – lý tính – nhưng con người ít quan tâm để sống theo chân lý nên sự xáo trộn và mâu thuẫn cũng xuất hiện. Khuynh hướng con người ham thích được chiều chuộng theo bản năng, lệ thuộc vào “hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục” của những đòi hỏi tự nhiên, nghĩa là đắm mình trong những cảm giác, cảm xúc thuộc về cảm tính mà giác quan nhận được. Vì vậy không chỉ là đối lập giữa cảm tính và lý tính mà trở thành đối đầu, xung khắc làm cho chủ thể luôn luôn thấy bất an, dù bề ngoài có vẻ khoan khoái và sung sướng, nhưng chỉ là nhất thời, giả tạo.
CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH HOẠT ĐỘNG TRÊN HAI BÁN CẦU NÃO – CHỨC NĂNG
Hoạt động trí tuệ chịu sự khống chế của não, song não lại chia thành hai bán cầu là bán cầu não phải và bán cầu não trái và hai bán cầu này có ưu thế, chức năng khác nhau.
Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian, nó có thói quen phân tích từng bước một.
Bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước, nó có khuynh hướng phân tích trực quan, chỉnh thể vấn đề.
* Người có khuynh hướng về bán cầu não trái:
– Thiên về lý tính, có tính khách quan, tư duy trừu tượng, lý luận chặt chẽ, phán đoán hợp lý, xử lý ý tưởng từng bước.
– Tính logic thông tin và ý tưởng, biết phân tích từng bước sau đó định hình tổng thể, tìm tòi, biết so sánh, chứng minh.
– Biết đặt vấn đề, lập kế hoạch, tập trung bền, có mục tiêu rõ ràng, làm việc có phương pháp, theo nguyên tắc và quy định, tính bền bỉ, kiên trì, quyết đoán. Biết phân bố, làm chủ được thời gian.
– Ngôn ngữ phong phú, dễ nhớ tên hơn hình dáng, có bố cục. Tinh thần độc lập, nghị lực, bản lĩnh, cân nhắc, kín kẽ, sống thực tế, chính xác, cụ thể.
– Có đời sống cứng nhắc, khô cằn, ít sáng tạo, giao tiếp thiếu mềm mại, thiếu tình cảm, khó cảm thông, dễ độc đoán, độc tài, dễ khổ trí.
* Người có khuynh hướng về bán cầu não phải:
– Thiên về cảm tính, nhận xét, phán đoán theo thành kiến, chủ quan.
– Xử lý các ý tưởng cùng một lúc, dùng hình ảnh để nhớ, ít có cảm nhận về thời gian, hay bốc đồng, dễ chán nản, thiếu tính độc lập, thiếu kiên nhẫn, tập trung kém, tản mạn.
– Khó khăn dùng từ ngữ diễn tả, muốn trải nghiệm hơn là dùng tài liệu, thiếu tự tin vào khả năng sáng tạo bản thân, quyết định vội vàng, võ đoán, thiếu hệ thống.
– Thích đụng chạm khi quan sát vật thể, thích được chiều chuộng và lời vuốt ve, sống tình cảm, yêu, ghét, vui, buồn bất chợt tùy theo hứng, bị thần kinh kích động.
– Gặp khó khăn trong việc phân bố tính chất ưu tiên nên thường trễ hạn (giờ) trong công việc và hay thay đổi, thích nghe điều gì sắp nói đến, hướng về tình cảm cao đẹp.
–Trực giác bén nhạy nên không cần thông qua suy luận, có óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo dồi dào, dễ rung động, thích mơ mộng, ít thực tế.
– Năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc, màu sắc, lối nhìn góc cạnh, chi tiết, chu đáo.
– Giao tiếp tốt, tế nhị, mềm dẻo, vị tha, tính cộng đồng nhưng dễ bối rối và khổ tâm.
Người ta phát hiện nhiều chức năng ưu thế, ở mức độ cấp cao đều tập trung ở bán cầu não phải chứ không phải bán cầu não trái, vì bán cầu não phải có cơ năng mang tính chỉnh thể, tổng hợp, sáng tạo, chủ quan trực giác, trí tưởng tượng phong phú, nhạy cảm về thái độ, tình cảm, ý chí của con người.
Tuy rằng mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn hỗ tương lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Vì vậy phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ, giúp quân bình giữa tâm và trí nơi con người. Nói cách khác là có được sự hòa hợp giữa cảm tính và lý tính. (Tham khảo: http://www.tgm.vn/ttgbct-c5-ban-so-huu-bo-nao-cua-mot-thien-tai/ )
Hàn Cư Sĩ
http://www.tgm.vn/ttgbct-c5-ban-so-huu-bo-nao-cua-mot-thien-tai/ )
-
CẢM NHẬN VỀ LÝ TÍNH VÀ CẢM TÍNH
Trong thực tế cuộc sống, con người ta luôn muốn sống, đối nhân xử thế “có lý có tình”, “thấu tình đạt lý”. Khi quyết định hay đánh giá một con người, một vấn đề, một sự kiện, chúng ta luôn mong muốn và hướng tới “tâm phục, khẩu phục”, “công tâm, công bằng”.
Lẽ tự nhiên là vậy nhưng thực tế thì con người ta không phải ai cũng có thể xử lý mọi việc để mọi người xung quanh thật sự tâm phục, khẩu phục; người thì quá lý tính, người thì quá cảm tính, rất ít người cân bằng được giữa lý tính và cảm tính.
Yêu nên tốt, ghét nên xấu
Có một thực tế là hầu hết những người yêu nhau đều thấy người yêu của mình toàn những điều tốt đẹp, đẹp từ hình thức đến nội dung, nếu chót có điểm yếu nào đó thì hoặc họ coi cái đó là thứ yếu hoặc họ nhìn với con mắt ngược lại thành ưu điểm. Thế nhưng vẫn đôi ấy khi bỏ nhau, khi hết yêu nhau thì họ lại nhìn thấy đối phương toàn điểm xấu, xấu từ hình thức đến tính tình, đến cười họ cũng thấy vô duyên, nhiều đôi còn không thể nhìn mặt nhau.
Chính vì vậy mà ông bà ta có câu: “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông” hoặc “chanh cũng khen ngọt mà hồng chê chua” hoặc “yêu ai thì nói quá ưa, ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.
Con người ta thường sống theo cảm tính
Chúng ta ai cũng biết lý trí hay lý tính giúp con người tìm ra chân lý, tìm ra sự thật, tìm ra những cái tồn tại bất biến không phụ thuộc vào ý chí con người, nó giúp soi sáng, dẫn dắt hành vi của con người, giúp con người khỏi lầm đường lạc lối.
Nhưng cảm tính lại là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, con người ta dùng các giác quan để cảm nhận, nắm bắt sự vật. Chính vì vậy cảm tính là động lực để thúc đẩy con người hành động, tạo nên nhiệt huyết, tạo nên tình cảm, tạo nên tâm hồn, làm cho con người có sức sống.
Nếu con người chỉ thuần lý tính thì con người cũng giống như con robot vô cảm chỉ biết hành động theo chương trình sẵn có, nhưng nếu con người chỉ thuần cảm tính thì con người lại gần giống với các con động vật không có lý trí. Chính vì vậy con người phải cân bằng giữa lý tính và cảm tính, nghĩa là họ vừa có tâm hồn và con tim vừa có ý chí và lý trí lành mạnh.
Nhưng thực tế cho thấy, đa số con người chỉ dừng lại ở cảm tính, hành xử theo cảm tính, bị tình cảm và cảm xúc dẫn dắt, nếu có lý luận cũng thường do cảm tính dẫn dắt. Lý luận thường chỉ để biện minh, bảo vệ cho ý muốn, mục đích của mình, để hợp thức hóa cho những hành vi của mình. Nhà kinh tế học Richard H. Thaler sau hàng chục năm nghiên cứu đã đưa ra kết luận: “TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU HÀNH XỬ CẢM TÍNH“.
Chỉ có những người có quá trình nhận thức và rèn luyện tốt, có nền tảng văn hoá cao, vượt qua cái tôi của bản thân mới có thể hành xử cân bằng, hài hoà giữa cảm tính và lý tính, đấy là những người được bạn bè, người thân, cộng sự, đồng nghiệp yêu quí và nể trọng.
Người Việt càng sống theo cảm tính
Hầu hết các nhà nghiên cứu về văn hóa đều cho rằng hoạt động nông nghiệp mang đặc tính tĩnh hơn hoạt động du mục và công nghiệp, trong đó nông nghiệp lúa nước lại là hoạt động tĩnh nhất. Chính vì vậy mà văn hóa truyền thống Việt Nam mang nặng “âm tính”.
Với văn hoá truyền thống mang nặng âm tính nên số đông người Việt chúng ta sống theo cảm tính, suy nghĩ và hành động thường để cảm xúc và tình cảm dẫn dắt, nếu có lý luận thì cũng bị cảm giác chi phối, dùng lý luận để bảo vệ, biện minh cho cảm xúc của mình. Chính vì vậy cảm tính trở thành yếu tố quan trọng trong các quyết định, phán xét, từ đó dẫn đến việc đối nhân xử thế tuy có tình nhưng thường thiếu công minh, trong tổ chức thường có sự thiên vị, thiếu công bằng. Trong thực tế số người hành xử theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, “nhất thân, nhì quen” không phải là ít.
Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, đặc biệt là toàn cầu hoá, chúng ta học được người phương tây một số nguyên tắc hạn chế bớt cảm tính, đó là các nguyên tắc dựa trên các chỉ số (KPI), đặc biệt là các KPI số hoá để phân tích đánh giá một tổ chức, một cá nhân và nguyên lý: hãy nhìn vào kết quả để đánh giá tổ chức, con người, không nhìn vào tính tình và sở thích cá nhân.
85% thành công là nhờ các mối quan hệ
Andrew Canegie, ông vua thép, một trong 2 tỷ phú giầu nhất thế giới mọi thời đại đã đúc kết: “85% thành công trong kinh doanh là nhờ vào các mối quan hệ và chỉ có 15% là nhờ vào kiến thức chuyên môn mà thôi“.
Bằng cuộc đời mình và các đối tác, bạn bè, cộng sự của mình cộng với thấu hiểu sự thật là trong xã hội đa số mọi người hành xử theo cảm tính, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, Andrew Canegie đã đúc kết ra một nguyên lý hết sức quan trọng, giúp chúng ta định hướng tư duy, hành động của mình, nếu muốn thành công lớn.
Hoạt động kinh doanh là hoạt động mở, không bị giới hạn trong một tổ chức, một quốc gia, nó không chỉ thuần tuý là nhận xét hay đánh giá một con người mà là việc lựa chọn có hợp tác, giúp đỡ người này hay hợp tác giúp đỡ người khác. Người thành công là người nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là của những người thành công hơn.
Chính vì vậy những người thành công nhất thường dành ưu tiên thời gian cho 2 việc mà họ cho là quan trọng nhất: xây dựng và tích luỹ những giá trị sống tốt đẹp cho tổ chức, cho cá nhân và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Chân thành là cốt lõi của các mối quan hệ
Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân tôi hiểu rằng CHÂN THÀNH là cốt lõi nhất của các mối quan hệ, dù là quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên với cấp dưới, quan hệ giữa bạn hàng với nhau, quan hệ giữa người mua và người bán đến quan hệ yêu đương.
Trừ mối quan hệ xã giao trong chốc lát, phần lớn các mối quan hệ đều lâu dài, nên nếu ai đó không chân thành, không thật lòng, đóng kịch, diễn kịch hay dùng tiểu xảo dù là kín đến đâu, khéo đến đâu trước sau người khác cũng biết.
Facebook Doanh nhân Đỗ Cao Bảo
https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong