CÂY NÊU NGÀY TẾT TRONG VĂN HÓA TÂY NAM BỘ – Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ

CÂY NÊU NGÀY TẾT TRONG VĂN HÓA TÂY NAM BỘ

“Cu kêu ba tiếng cu kêu

Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”

Hình ảnh cây nêu ngày Tết và dựng nêu ăn Tết là phong tục cổ truyền của người Việt, được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cây nêu được dựng lên báo hiệu xuân đang về và con người gửi gắm bao ước vọng về sự ấm no, hạnh phúc, viên mãn. Ngày nay, phong tục dựng nêu ít được thực hành trong đời sống đương đại, nhưng tại vùng đất Tây Nam Bộ, phong tục này vẫn được duy trì ở một số gia đình và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Cây nêu ngày Tết đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Tây Nam Bộ.

Người xưa kể rằng, ngày xưa quỷ chiếm toàn bộ đất, còn con người chỉ làm thuê và nộp phần lớn lúa sau vụ mùa thu hoạch cho quỷ. Càng ngày quỷ càng bốc lột người quá tay và cuối cùng quỷ đặt ra quy định “ăn ngọn cho gốc”, người chỉ được hưởng rạ. Không còn đường sống nên con người cầu cứu Đức Phật giúp đỡ; Phật bảo người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, loài người được hưởng trọn củ khoai, còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức “ăn ngọn cho gốc”. Mùa kế tiếp, quỷ chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”; Phật bảo loài người chuyển sang trồng lúa, nên quỷ hưởng toàn rạ. Sau hai lần bị chơi khăm, quỷ tức giận nên tuyên bố mùa sau “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật trao cho loài người giống cây bắp để gieo trồng. Quỷ lại không được gì và bắt loài người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho thuê nữa.

Thấy thế, Phật chỉ loài người điều đình với quỷ, xin miếng đất bằng với bóng của áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó, Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy ra Biển Đông. Mất đất sống quỷ dẫn quân vào cướp lại. Phật bày cho loài người dùng lá dứa, tỏi và vôi bột để áp chế và quỷ thua, bị đày ra biển. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình, xin một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông; Phật thương hại nên hứa cho. Do đó, hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ loài người cư ngụ. Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, trừ những điều xấu của năm cũ nhưng theo thời gian cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu là cầu nối giữa vụ trụ với đất trời. Cây nêu được xem như là cây vũ trụ, tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng, tạo nên sự cân bằng. Con người an tâm vui chơi trong những ngày Tết, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.

Trong cuộc sống đô thị hiện đại, tục dựng nêu ngày Tết dần mai một nhưng tại vùng đất Tây Nam Bộ vẫn còn bảo lưu nét đẹp văn hóa này. Với ý nghĩa tạo lập hạnh phúc, thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp, tục dựng nêu nhắc nhở mỗi người ý thức gìn giữ phong tục lâu đời trong ngày Tết truyền thống. Ngọn nêu vươn cao đem theo ước vọng về một năm mới bình an, hạnh phúc, thuận hòa. Hình ảnh cây nêu cao chót vót, với dải lụa đỏ bay phấp phới trong nắng xuân như một tín hiệu Tết đã bắt đầu về trên vùng đất phù sa màu mỡ.

Trong nhiều năm qua, tại vùng đất Tây Nam Bộ ở một số gia đình tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn duy trì đều đặn tục dựng nêu và nhiều phong tục đẹp trong ngày Tết. Để chuẩn bị cho tục dựng nêu, ngày rằm tháng Chạp nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn mảnh vải đỏ kích thước 50x300cm để vẽ bùa nêu. Ngày 23 tháng Chạp, sáng sớm sau khi đã đưa ông Táo về trời, con cháu cùng tề tựu về gia đình để cùng chặt tre, dựng nêu. Cây tre được chọn để làm cây nêu phải là tre già, mắt, lông thật suông, đọt cong và còn nguyên lá. Sau khi chặt về sẽ được vót bỏ mắt sần sùi và đặt trước sân nhà. Vào đầu giờ chiều, mâm cúng được bày ra trước sân, lễ vật gồm nhang đèn, hoa quả, trà, rượu, bánh mứt… để khấn trời, đất. Sau khi hết ba tuần rượu, một tuần trà thì lấy 3 lá trầu đã phết vôi, 3 trái cau, 3 lá vàng bạc buộc cùng với lá bùa nêu vào ngọn tre. Tiếp đó, cây nêu được kéo lên và chôn chặt xuống đất, phía gốc đặt lu nước và cái gáo dừa.

Bên cạnh việc dựng nêu ở một số gia đình thì các đình chùa vẫn thường dựng nêu ăn Tết. Từ xa xưa, ở một số ngôi đình đã diễn ra lễ dựng nêu nhưng sau khi các cụ cao niên qua đời thì phong tục này dần vắng bóng. Trong những năm gần đây một số ngôi đình tại vùng đất Tây Nam Bộ đã phục hồi tục dựng nêu và duy trì đều đặn qua mỗi năm. Lễ vật dùng để cúng dựng nêu vẫn là nhang đèn, hoa quả, trà, rượu, bánh mứt… cầu cho thượng nêu đại cát, năm mới bình an, nhân dân lợi lạc, bổn thôn khang khái, điềm lành đem tới, điều dữ mang đi. Thời điểm dựng nêu ở đình là ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp. Ngoài lá bùa nêu, trên cây nêu còn treo chiếc giỏ tre đựng trầu cau, gạo, muối. Cây nêu dựng lên cho đến mùng 7 tháng Giêng thì làm lễ cúng hạ nêu, còn gọi là lễ khai hạ, đánh dấu việc kết thúc những ngày nghỉ Tết, mọi công việc bắt đầu lại (quan khai ấn, sĩ tử khai bút, tiểu thương khai thị…).

Dựng nêu thường tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp tại một số gia đình sinh sống tại vùng đất Tây Nam Bộ, bởi vì ngày ông Táo về trời nhà không có thần canh giữ nên cần sự bảo hộ bởi lá bùa treo trên cây nêu. Ngoài ra, trên cây nêu còn có treo 3 trái cau, theo Đông y thì vỏ cau còn gọi là đại phúc bì tượng trưng ý nghĩa tốt đẹp. Sau khi hạ nêu, lu nước đặt dưới gốc cây nêu được đem đi tưới cho các cây trồng trong vườn nhà, thể hiện ước mong về những vụ mùa bội thu, cây cối đâm chồi, nảy lộc, sinh trưởng tốt.

Tục dựng nêu ăn Tết ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, thể hiện chiều sâu triết lý nhân sinh. Cây nêu được làm bằng cây tre, loại cây phổ biến ở các vùng quê nhưng biểu trưng cho nhiều tư tưởng đạo đức tốt đẹp như tính kế thừa, tre già măng mọc, có lông, có mắt tượng trưng cho con người sống có mực thước. Cây tre ruột rỗng nhưng khó bẻ gãy ngang thể hiện sự can trường, khi cây càng lớn thì ngọn càng cong biểu thị sự khiêm cung. Vì vậy, mượn cây tre để làm cây nêu kết nối đất trời, để thể hiện mong ước tốt đẹp, cầu cho phong điều vũ thuận, mùa màng tốt tươi. Phong tục dựng nêu và cây nêu ngày Tết đã trở thành nét đẹp và mang đậm giá trị văn hóa cho vùng đất Tây Nam Bộ./.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2023

Trang Ngọc Thắng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Bính (Chủ biên) (2004), Văn hóa các dân tộc tây Nam Bộ – Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
  2. Thạch Phương, Lê Trung Vũ (1995), 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.