CHÍN CHIẾC CỔNG LÀNG CÁNH

CHÍN CHIẾC CỔNG LÀNG CÁNH

Ngày còn bé tôi có đọc được một bài thơ có tên là Cổng làng của thi sĩ Bàng Bá Lân. Những câu thơ cuối cùng trong bài thơ ấy có đoạn

“Ngày nay dù ở nơi xa,

Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,

Thì bao nhiêu cảnh mơ màng

Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”

Khung cảnh ấy giờ có lẽ cũng không còn nhiều ở đồng quê Bắc Bộ và hoài niệm về chiếc cổng làng rêu phong chỉ còn trong tâm thức của những lão nông ngoại thất tuần, thời gian có trôi đi những những ký ức những kỉ niệm thời thơ ấu với chín chiếc cổng làng bên bóng tre xưa như đang hiện về trong cuộc sống hôm nay. Cổng làng xưa như vẫn luôn luôn rộng mở đón người làng nơi xa trở về quê hương.

Ngày xưa làng Hương Canh được bao bọc bởi lũy tre xanh, các cụ kể rằng con chim bay qua không lọt mũi tên chẳng thế bắn qua. Lũy tre vòng quanh thành một vòng tròn khép kín, chỉ có những lối thông ra đồng và đường cái quan là có cổng để đi lại, tất cả có chín chiếc.

Nếu tính từ đầu cầu Treo vòng quanh một lượt dọc theo quốc lộ những cổng làng ấy sẽ theo thứ tự như sau:

1
Cổng Cầu Treo
4
Cổng Hính
7
Cổng Trong
2
Cổng Gợ
5
Cổng Giữa
8
Cổng Cầu
3
Cổng Ná
6
Cổng Vam
9
Cổng Hạ

Ngoài ra còn một cổng xóm ngoài làng là cổng Lò Ngói, cũng được xây dựng kiểu hai tầng như những cổng trong ba làng.

Những cổng làng  Hương Canh đều được xây bằng gạch và vữa trộn mật rắn chắc. Phía dưới là cổng vòm cho người qua lại, phía trên có gác gỗ dành cho tuần phiên canh gác. Trong chín chiếc cổng ấy, cổng làng đẹp và tinh xảo nhất là Cổng Cầu Treo với thiết kế hai tầng tám mái được đắp đầu đao cong vút, đến nay nhiều người già trong làng còn nhớ rõ.

Ngày nay, cả chín chiếc cổng đều đã không còn, phần lớn bị hủy họai trong kháng chiến chống Pháp và thời kỳ HTX, tuy nhiên tại những ngả đường nơi có chiếc cổng ngày xưa, người Hương Canh vẫn quen gọi bằng những danh từ cũ như: Cổng Hính, Cổng Ná, Cổng Cầu…

Theo những lời kể của các cụ cùng với những câu chuyện liên quan thì có lẽ rằng các cổng làng đều được xây lại vào thời Nguyễn  cho đến thời Pháp thuộc. Riêng một số cổng làng to đẹp, được trang trí bằng vôi được cho là  được xây vào đầu thế kỷ XX, vì khi đó phong trào trang trí ngõ  mới thịnh hành, một số câu đối được sáng tác bởi những cụ đồ nổi tiếng trong làng.

Khi tôi sinh ra thì Hương Canh không còn chiếc cổng làng nào nữa, tất cả đã bị phá bới nhiều lý do. Sau này khi lớn lên với hoài niệm về một làng quê xưa trù phú chúng tôi đã nghe kể về câu chuyện cổng làng và luôn khắc  khoải về những dấu ấn cổng làng trong tôi.

=CỔNG CẦU TREO=

Làng Hương Canh ở ven đường cái quan từ Hà Nội lên Bạch Hạch, sau này được người Pháp nâng cấp và mở rộng trở thành quốc lộ 2 ngày nay.  Nếu theo hướng từ Hà Nội lên thì Cầu Treo được coi là cửa ngõ của ba làng Cánh và cổng Cầu Treo cũng là cổng chính của ba làng.

Cổng được xây bằng bằng gạch và vôi mật, mặt tiền theo hướng Nam, hai bên có hai khẩu súng thần công như cổng thành cấp tỉnh. Xưa kia từ ngoài đường cái quan nhìn vào đầu làng Cánh thì Cầu Treo (đây là chiếc cầu cổ có mái kiểu thượng gia hạ trì) -Cổng Cầu Treo và Sở Môn Tự – Chùa Kính Phúc là một đường thẳng, tất cả đều có hướng Nam nhìn ra ngôi miếng Thượng linh thiêng của làng. Các cụ nói rằng thế đó theo phong thủy đó là hướng đẹp như trong bài vè cổ còn ghi” Chính hướng Nam vạn thủy triều lai.”

Hồi đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây cầu bê-tông song song với ngôi cầu cổ, ngôi cầu treo bằng gỗ không dùng đến do đó mục nát dần. Vào vào những năm 70, nhà nước nắn lại quốc lộ 2 đoạn qua Hương Canh do đó cái vị thế đầu làng không còn nữa. Cây cầu mới quay ngang án tiền  trước mặt làng đã mấy chục năm.

Trong trí nhớ các cụ túc nho trong làng, cổng Cầu Treo còn đôi câu đối

一   條   石   路   通   三   島

NHẤT ĐIỀU THẠCH LỘ THÔNG TAM ĐẢO

四   面   江   穹   鎖   二   橋

TỨ DIỆN GIANG KHUNG TOẢ NHỊ KIỀU

Tạm dịch:

Một con đường đá thông Tam Đảo

Bốn mặt sông vây khóa đôi cầu.

Nét chữ Nho do cụ giáo Hiên (1884-1950) viết, nét chữ gân guốc nhưng tươi tắn uyển chuyển. Có người cho rằng đôi câu đối ấy do cụ sáng tác lại có người nói đó là cụ chỉ viết lại đôi câu đối ở cổng làng trước khi xây lại.

Đôi câu đối cổng làng chính là lời giới thiệu tổng quan nhất về địa giới làng Cánh: làng được bao bọc bởi sông Cánh vây quanh, có hai đầu cầu ở đầu và cuối làng dọc theo đường cái quan là hai chiếc cầu bắc qua sông Cầu Treo và Cầu Chợ (Cầu Lò Cang).

Câu đối khéo léo mượn ý thơ Đỗ Mục nhà Đường trong “Xích Bích hoài cổ” có câu

Đông phong bất dữ Chu Lang tiện

Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều

Nghĩa là

Gió đông không giúp Chu Lang

Thì đài Đồng Tước khoá xuân hai Kiều.

Nhị Kiều của Đỗ Mục là hai mỹ nhân: Đại Kiều, vợ Tôn Sách và Tiểu Kiều, vợ Chu Du, tích xưa trong chuyện Tào Tháo xây đài Đồng Tướcthời Tam Quốc. Tác giả đã mượn từ đồng âm biến hai giai nhân tuyệt sắc ấy thành hai cây cầu: Cầu Treo và cầu Chợ (cầu Lò Cang) định phạm vi địa giới của ba làng Kẻ Cánh. Chữ Toả trong câu thơ của Đỗ Mục có nghĩa là giam giữ, còn chữ Toả trong câu đối cụ giáo Hiên thể hiện rõ địa phận của làng Hương Canh chỉ đến cầu Lò Cang. Câu đối có giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ, đặc biệt là lối chơi chữ, Kiều là bậc mỹ nhân với Kiều là cây Cầu đã nâng tính ẩn dụ và hấp dẫn cho người đọc. Chỉ bằng 14 chữ, đôi câu đối đã vẽ được địa đồ và cảnh trí của làng Hương Canh xưa.

Thật hay và có ý nghĩa !

Một số sách vở sau này có chép lại câu đối này nhưng ghi phiên âm Hán Việt như là:

Nhất “ĐIỀN” thạch lộ thông Tam Đảo

Tứ diện giang khung “KHÓA” nhị kiều.

Đều là phiên âm sai cả vì chữ Điều ở đây là “con” ý chỉ con đường cái quan. Mặt khác chữ Khóa là phiên âm Nôm của chữ “Tỏa”, không phải là chữ Hán. (Sách Lịch sử Đảng bộ xã Tam Canh -1986- đã chép theo lời kể sai này).

Cổng cầu Treo bị phá những năm Pháp tạm chiếm Hương Canh (1949-1953) để dọn đường cho xe cơ giới và xe kéo pháo vào đình Hương Canh.

= CỔNG GỢ=

Cổng Gợ nằm đầu xóm Gợ giáp với quốc lộ 2 và hồ Đồng Công, cổng được cụ Trùm Nước làng Hương tu sửa những năm 2o thế kỷ trước, cổng có dáng cao soi bóng bên hồ nước trong xanh. Xưa kia phía sau cổng là bến ô tô của huyện. Bến xe lấy giếng Gợ là tâm vòng tròn để chạy quanh đón trả khách.

= CỔNG NÁ =

Cổng Ná nằm sát đường quốc lộ 2, ở đầu đường chính dẫn vào làng Tiên. Phía sau cổng là ngôi đền Ná linh thiêng. Theo cụ Nguyễn Khắc Miễn  xưa kia cổng Ná có bức hoành phi bằng gỗ đề 4 chữ “NHƯ KIẾN ĐẠI TÂN- 如見大賓” có nghĩa là : Ra khỏi cửa, bước đi như sắp đón khách quý.

Bốn chữ ấy được rút ra từ thiên Nhan Uyên sách Luận Ngữ trong Tứ Thư.

仲弓問仁。子曰:“出門如見大賓,使民如承大祭﹔己所不欲,勿施於人﹔在邦無怨,在家無怨”。仲弓曰:“雍雖不敏,請事斯語矣”。

Trọng Cung vấn nhân. Tử viết: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế; Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân; Tại bang vô oán, tại gia vô oán”. Trọng Cung viết: Ung tuy bất mẫn, thỉnh sự tư ngữ hĩ.

Trọng Cung hỏi về chữ nhân, Khổng tử nói: Ra khỏi cửa, bước đi như sắp đón khách quý, sai khiến dân giống như đang làm tế lễ lớn. Việc mình không muốn, đừng làm cho người khác. Ở trong nước hay trong nhà đừng để cho ai oán giận mình. Trọng Cung nói: Con không minh mẫn cũng xin làm đúng lời thầy

Ý của câu này nói lên sự hiếu khách của làng.

Cùng với bức hoành ấy, hai bên trụ cổng còn có đôi câu đối.

Diện tiền xa mã như vân cẩm
Bối hậu uy linh hữu bảo đài

Tạm dịch:

Trước mặt ngựa xe như mây gấm

Sau lưng tráng lệ có lâu đài

Đôi câu đối tả cảnh cổng Ná, trước mặt là con đường cái quan tấp nập người qua lại.

“Bảo đài” ở đây là ngôi đền Ná thâm trầm cổ kính dưới bóng cây nằm ngay sau cổng Ná.

Khung cảnh ấy bị xóa bỏ trong những năm HTX, cổng làng bị phá bỏ, đền bị rỡ bỏ trong phong trào chống mê tín dị đoan.

Những năm sau này, nhân dân xây dựng lại đền Ná trên nền ngôi đền cổ và xây cổng theo lối mới nhưng có mãi cong, phía trên đề chữ Cổng Ná bằng chữ quốc ngữ nhưng không được đắp câu đối nào hai bên.

=CỔNG HÍNH=

Cổng Hính cách đình Tiên không xa phía đường cái ra chợ Cánh và quốc lộ hai. Không ai hiểu nghĩa của từ Hính đây là gì !

Cổng Hính đẹp và cổ kính vì ngay trước cổng có hai cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Hai cây đa ấy không rõ ai trồng nhưng từ khi xây lại cổng hồi đầu thế kỷ đã thấy hai bóng đa ấy. Sau này một cây đa bị bão quật đổ, một cây bị đốn hạ để làm bàn học sinh. Cổng Hính cũng bị phá bỏ.

Những năm miền Bắc loạn lạc giặc giã hồi cuối thể kỉ 19, quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đã tràn qua cổng Hính vào làng tàn sát nhân dân năm Giáp Thân 1884 khiến nhiều tráng đinh và dân thường tử nạn. Từ đó Hương Canh có ngày giỗ trận thứ 2 nhằm ngày 2-2 âm lịch.

Hiện nay tại Viện Viễn Đông Bác Cổ còn lưu lại một bức ảnh của cổng Hính chụp từ phía trong ra.Cho đến này chưa anh sao lại bức ảnh đấy về Hương Canh.

=CỔNG CẦU=

Cổng cầu nằm ở vị trí cuối làng trên đường ra ngoài cánh đồng làng Ngọc, nay là phía ra đường trường cấp 2 ngày nay.

Sở dĩ gọi là Cổng Cầu vì trước mặt cổng là một cây cầu bằng đá xanh bắc qua một hào nước sâu, qua thời gian cầu đã đã nhẵn nhụi, trên trụ đá ở cầu còn khắc sâu mấy chữ Nho nhưng không được ai chép lại, có thể chỉ là niên đại làm cầu.

=CỔNG  VAM=

Cổng Vam nếu còn nay sẽ ở con đường từ Xóm Vam ra Trung tâm GGDTX Bình Xuyên, đây là cổng ra đồng như Vườn Sim, Gò Thông,….

Vam có lẽ là một từ Việt cổ nay không biết nghĩa là gì, trong các văn bản gia phả ghi bằng chữ Hán Nôm ở Hương Canh các cụ dùng chữ “Văn” để thay thế và vẫn đọc là Vam.

Khoảng những năm 1972, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, một máy bay F4 không biết bị bắn cháy ở đâu đã rơi xuống một cánh ngay trước cổng Vam làm hai người dân Hương Canh thiệt mạng. Đến nay, khi mà cổng Vam không còn nữa, mỗi người ta nhắc tới cổng Vam lại nhớ lại câu chuyện buồn ấy, nơi mà chiếc cánh máy bay F4 đã rơi xuống làm dân làng chết oan.

=CỔNG  HẠ=

Cổng Hạ là cổng làng trên con đường dẫn chiếc cầu Sổ bắc qua sông ra tới Miếu Hạ và Đồng Cang. Cổng nằm trên con đường ngõ Hạ nên gọi là Cổng Hạ.

Cổng Hạ có phần nhỏ hơn các cổng còn lại, nghe nói có lần có đám tang nọ khi dẫn nhà táng giấy không đi qua được cổng vòm, họ phải dỡ đi mấy hàng gạch rồi xe táng giấy mới đi vừa.

Bước ra khỏi cổng Hạ đi một quãng đường đất là tới bờ sông có cầu bắc qua gọi là cầu Sổ. Cầu làm bằng gỗ có lát sàn để người va trâu bò có thể qua lại dễ dàng, có lần một con trâu nhà ai dẵm phải ván mục mà ngã lộn cổ từ trên cầu xuống sông tưởng chết mà vẫn không việc gì cả. Phía đầu cầu có một cây gạo cao sững sững nở hoa đỏ rực mỗi độ tháng ba về.

Ngày nay dân cư được chia đất làm nhà cách quá lũy làng rất xa nên chỗ cổng Hạ nơi xưa thành giữa khu dân cư Nhất Nhị, chiếc cầu gỗ xưa được xây bằng cầu bê -tông cốt thép. Cây gạo cao cao cũng đã không còn.

=CỔNG XÓM LÒ NGÓI=

Đây là cổng của xóm Lò Ngói cạnh cầu Chợ hay còn gọi là Cầu Lò Cang.

Theo lời kể của bác sĩ Tín, người am hiểu về Hương Canh và xóm Lò Ngói, các cụ xưa kể lại cho ông biết Cổng Lò Ngói được làm bằng gỗ thông có hai tầng, đến năm 1930 thì xóm xây cổng bằng vôi cát theo kết cấu của các cổng trong ba làng. Phia trên cổng có đắp hình hoa văn lối châu Âu ôm lấy cổng vòm. Trên cổngcó 4 chữ Hán do cụ Hán viết được đắp nổi là “XUẤT NHẬP TƯƠNG HỮU” có nghĩa là “Ra và đều là bạn”. Câu văn ấy được trích trong sách Mạnh Tử, một trong Tứ Thư mà ra.

Năm 1995, nhân dân xóm Lò Ngói cùng nhau xây lại chiếc cổng cũ, cổng mới được làm cao và rộng hơn xưa, có 4 chữ Hán: XUẤT NHẬP TƯƠNG HỮU nhưng không đắp hình cánh dơi trên mái. Để ghi nhớ lại lịch sử của ngôi cổng cũ, trên cổng có đề năm xây dựng: 1930-1995.

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

  • Posted in: DI TÍCH LỊCH SỬ HƯƠNG CANH