CHÙA PHẬT TÍCH TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA XỨ BẮC – Chùa Phật học Xá Lợi
Mục lục bài viết
CHÙA PHẬT TÍCH TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA XỨ BẮC
NCS. NGUYỄN HUY BỈNH*
Trong không gian văn hóa xứ Bắc, chùa Phật Tích là chứng tích văn hóa gắn với các huyền thoại dân gian nhằm giải thích tên núi, tên đất, tên chùa. Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của nước ta thời nhà Lý, nhà Trần; là một công trình kiến trúc độc đáo, cùng với các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của dân tộc. Trong một thời gian dài, chùa Phật Tích là nơi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tôn giáo và văn hóa của người dân xứ Bắc.
1. Chùa Phật Tích và sự ra đời các huyền thoại dân gian
Chùa Phật Tích nằm trên ngọn núi Phật Tích, đó là ngọn núi nằm ở đoạn cuối của dãy núi Nguyệt Hằng hay còn gọi là núi Chè. Xưa kia, đây là ngọn núi vừa đất vừa đá, ở trên có rừng thông, xung quanh dãy núi là những dòng sông uốn mình quanh co, những ngôi làng ẩn hiện trong sương khói. Theo sách Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập I[1], trên vùng đất Tiên Du, thì cái tên Phật Tích vừa là tên núi, vừa là tên gọi của một làng. Từ xa xưa, Phật Tích và Tiên Du gần gũi với nhau bởi cùng có chung một sự tích các nàng tiên xuống dưới núi này đánh cờ, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp đẽ. Người dân quanh vùng Phật Tích còn lưu lại rất nhiều những sự tích kể về các vị thần, vị tiên đã hiện diện ở vùng đất này. Phan Huy Chú trong sách Lịch Triều hiến chương loại chí viết: “Núi Phật Tích ở huyện Tiên Du, cũng có tên gọi là núi Tiên Du. Khi trước có người kiếm củi là Vương Chất vào núi thấy hai ông lão ngồi đánh cờ dưới gốc cây thông, chống búa đứng xem. Đến khi cuộc cờ đã tàn, quay lại nom thì cán búa đã nát ra rồi. Nên lại gọi là thôn Lạn Kha”[2].
Từ vị trí địa lí đẹp đẽ, thơ mộng và thuận lợi, chùa Phật Tích đã dần trở thành một nơi thu hút các dòng văn hóa tụ hội về đây. Hàng năm, đến ngày hội, khách mọi nơi về dự hội cầu may. Tương truyền, chùa xưa rộng rãi khang trang có tới 300 nhà (tam bách ốc). Chỉ riêng công việc dọn dẹp đã cần tới 70 người (tảo đái thất thập phu). Đặc biệt, ngọn tháp của chùa cao vời vợi, nhòa lẫn trong mây, đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ. Nhà vua ngạc nhiên hỏi cận thần cớ sao ở nơi thôn dã lại có cây tháp cao hơn cả cung điện trong hoàng thành. Sau lời quở đó, cây tháp thần bỗng bị đổ dọc sườn núi, gạch đổ xuống tận đầu làng dài gần cây số, nơi ấy nay còn tên là ngõ Gạch. Dưới lòng đáy tháp lộ ra một pho tượng Phật sừng sững; pho tượng nay vẫn còn, đó là pho tượng phật A Di Đà. Để ghi lại tích Phật ấy, làng đổi tên là Phật Tích và rời lên sườn núi. Chính sự tồn tại của chùa tháp là chứng tích rất rõ về sự hiện diện của Phật giáo tại chùa Phật Tích và tại vùng đất này. Người dân làng Phật Tích còn lưu truyền bài ca dao ca ngợi về ngôi chùa này như sau:
Đồn rằng Phật Tích vui thay
Tam Quan có chợ mỗi ngày, mỗi phiên.
Trên núi có bàn cờ tiên,
Bước xuống giếng đá lại lên ao rồng
Đôi bên hoa cụm hoa hồng
Ở giữa hoa sói lạnh lùng thương thay.
Trước cửa chùa có dãy voi bày
Bên kia dãy sở bên này dãy thông
Nhà tò vò ba cửa thong dong
Bước xuống giếng đá nước trong như là
Chùa nào vui bằng chùa ta,
Đến mồng bốn tết ta ra chơi chùa.
Qua các huyền thoại để lại cho thấy, cùng với Phật giáo, vùng đất Phật Tích cũng chứng kiến sự xuất hiện của Đạo giáo tồn tại trên ngọn núi và ngôi chùa thơ mộng này.
Trên đỉnh núi Phật Tích hiện còn một khối đá vuông, mặt phẳng nhẵn, người già bảo đấy là bàn cờ tiên. Xuất phát từ sự tích chàng tiều phu Vương Chất lên núi đốn củi lên đỉnh núi. Chàng thấy hai nàng tiên đang mải mê đánh cờ dưới gốc cây thông già, bèn ngả rìu đứng xem, khi ngoảnh lại nhìn thấy chiếc rìu đã mục, gánh củi về nhà thì đã qua bẩy đời rồi, chẳng còn ai quen nữa.
Khi khảo sát điền dã tại làng Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được nghe cụ Đỗ Năng 80 tuổi kể rằng: Vương Chất chính là người ở dưới thôn Phù Lập Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du. Đó là một chàng tiều phu, thường đi lên trên núi Phật Tích kiếm củi. Một lần chàng đã gặp hai nàng tiên đang đánh cờ ở đó. Chứng tích hiện vẫn còn bàn cờ tiên trên núi ấy. Xưa kia, cũng ở trên núi Lạn Kha này có cả một ngôi nhà đá, tương truyền đó là nhà của ông Vương Chất vẫn thường ở khi lên núi kiếm củi. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, cách huyện Tiên Du bốn dặm về phía nam, trên núi có muông thú đá, ao rồng và nhà đá; đỉnh núi có bàn cờ bằng đá…”[3]. Như vậy, truyện Vương Chất gặp tiên đã được gắn với địa danh cụ thể đó là bàn cờ tiên, ngôi nhà đá và tên ngọn núi Lạn Kha.
Cũng gắn với ngôi chùa Phật Tích còn có truyện Từ Thức gặp tiên với nội dung kể rằng: Xưa kia, quanh ngôi chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn, vẻ đẹp của hoa làm rực rỡ cả một vùng. Hàng năm, xuân về hoa nở, người từ muôn nơi về đây ngắm hoa, vãn cảnh. Nàng tiên ở nơi linh thiêng cũng giáng trần dự hội, nàng chẳng may làm gãy một cành hoa, nên bị nhà chùa giữ lại. Quan huyện Từ Thức thấy người con gái nhan sắc tuyệt trần bị nhà chùa giữ, bèn cởi áo khoác mình đang mặc để chuộc nàng. Khi nàng tiên đi rồi, chàng Từ Thức ngày đêm tưởng nhớ, chàng bỏ quan đi tìm. Và trong một lần ra chơi cửa bể Thần Phù, chàng đã gặp lại nàng tiên Giáng Hương ngày nào. Qua câu chuyện tình đầy lãng mạn này, đạo Lão như muốn dẫn dắt con người ta về thế giới của tiên thánh, lãng quên thực tại đầy lo âu và đau khổ. Tác giả Cao Huy Đỉnh trong sách Tiến trình văn học dân gian cho rằng: “Truyện Từ Thức bắt nguồn từ đạo Tiên muốn đưa con người sống khổ cực, bất thường và ngắn ngủi ở thế giới hữu hạn này đến cõi trường sinh bất tử của Thiên nhiên. Có lẽ truyện này khởi đầu đã được phổ cập trong dân gian và địa phương hóa ở những miền có thiên nhiên đẹp đẽ làm nơi du ngoại hay hành hương của đông đảo người bấy giờ, như đồi Vạn Phúc ở Tiên Du (Bắc Ninh) và động Thần Phù ở Nga Sơn (Thanh Hóa)”[4].
Gắn với truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên, từ xa xưa, hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng Giêng, dân làng Phật Tích lại tổ chức lễ hội tại chùa Phật Tích, tục gọi là Hội khán hoa mẫu đơn. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến sự tích nàng tiên nữ Giáng Hương xuống trần gian dự lễ hội ở chùa Phật Tích. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì: Xưa kia, chùa Phật Tích có một cây hoa mẫu đơn rất to, cả năm cây chỉ nở được một đóa rất to vào dịp tết. Trong lễ hội, bên cạnh việc người dân đến thắp hương, khấn Phật cầu nguyện những điều tốt đẹp, họ còn tưởng nhớ về cuộc gặp gỡ thần kỳ giữa chàng Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương, qua đó muốn ngợi ca mối tình trong sáng giữa người và tiên.
Qua các truyện cổ dân gian cho thấy, trên ngọn núi Phật Tích các luồng tư tưởng của Phật giáo và Đạo giáo đã hội tụ về đây. Tư tưởng Phật giáo đã ghi lại dấu ấn qua sự tích về ngôi chùa tháp, về tên núi là Phật Tích; tư tưởng Đạo giáo in dấu qua các truyện cổ tích Vương Chất gặp tiên còn đểlại tên gọi của ngọn núi là núi Lạn Kha. Tình tiết nàng tiên Giáng Hương xuống chơi hội chùa trong truyện Từ Thức gặp tiên phần nào có thể cảm nhận sự dung hòa giữa Phật giáo và Đạo giáo.
Qua các sử liệu và qua các chứng tích văn hóa vật thể còn tồn tại đến tận ngày nay đã cho phép chúng ta khẳng định, chùa Phật Tích xưa kia từng là một danh lam thắng cảnh vừa đẹp đẽ, hài hòa, lại vừa thơ mộng linh thiêng. Từ nền tảng tự nhiên và xã hội ấy, chùa Phật Tích thu nhận vào mình các truyện cổ dân gian mang những luồng tư tưởng khác nhau của Phật giáo, Đạo giáo. Các truyện cổ dân gian lấy ngôi chùa, ngọn núi Phật Tích làm cơ sở nền tảng ra đời, nhưng sau khi đi vào lòng dân chúng, bản thân các câu chuyện cổ tích và huyền thoại đã góp phần làm cho chùa Phật Tích trở nên gần gũi và chứa đầy những nét văn hóa truyền thống của vùng đất và con người xứ Bắc. Trong quá trình tồn tại và phát triển trong không gian văn hóa xứ Bắc, chùa Phật Tích đã dần trở thành một trung tâm Phật giáo lớn ở nước ta thời Lý, Trần.
2. Chùa Phật Tích – một trung tâm Phật giáo thời Lý, Trần
Để trở thành một trung tâm Phật giáo, chùa Phật Tích là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa Phật giáo Đại Việt trong một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Theo một số tư liệu lịch sử ghi chép về chùa Phật Tích, thì đây là nơi có vai trò quan trọng trong việc phát triển Phật giáo ở nước ta.
Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Chùa Vạn Phúc ở núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, dựng từ thời Lý Thánh Tông; trong chùa có một tượng đá cao 5 thước, to 6 thước. Hàng năm cứ ngày 4 tháng Giêng mở hội xem hoa, nhiều người đến dâng hoa lễ Phật. Đời Xương Phù (1377-1388) vua Trần Nghệ Tông thi Thái học sinh ở đây; đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) mở đại yến hội”[5].
Ngay từ thời nhà Lý, chùa Phật Tích được xây dựng và trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của dân tộc. Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu trong sách Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập I[6]: Năm 1071 trong lần du ngoạn tới đây vua Lý đã viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (5m) sai khắc vào đá để ở chùa trên núi. Năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung. Số lượng tháp khổng lồ đó được đem đặt ở nhiều nơi trong nước, nhưng trong truyện kể, Phật Tích đặt 8 vạn tháp. Vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên là núi Bát Vạn.
Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Vua nhà Trần dựng thư viện Lạn Kha, dùng danh nho là Trần Tôn làm viện trưởng để dạy học trò, lại thường nhân tiết trùng dương (9/9 Âm lịch) lên núi thưởng ngoạn…”[7].
Trên thực tế, ở nước ta thời nhà Lý, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng Phật tử, các thiền sư và các ngôi chùa. Bên cạnh các thiền sư người Việt còn có cả các thiền sư từ Trung Quốc sang truyền giáo, tu tịnh. Chính điều này đã làm cho diện mạo Phật giáo Việt Nam bấy giờ rất phong phú và có sự phát triển rộng rãi từ cung đình đến nông thôn, từ vua quan đến thứ dân. Theo Thích Nguyên Tạng trong sách Phật giáo ở Việt Nam: “Đến thời nhà Lý, có nhiều thiền sư từ Trung Quốc sang và thiết lập nhiều thiền phái, phong trào học và tu phật phát triển mạnh ở trong giới trí thức, cung đình, đô thị, nhưng trong giới bình dân vẫn tồn tại nhất định một Phật giáo dân gian với những ảnh hưởng cảm tính vốn có từ trước. Được vua triều Lý, Trần ủng hộ, hoạt động của Phật Giáo có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, làng nào cũng có chùa có tháp, người ta học chữ, học kinh, hội hè, biểu diễn rối nước, họp chợ ngay ở trước chùa”[8].
Có thể nói, dưới thời nhà Lý chùa Phật Tích là nơi được xây dựng phát triển mạnh mẽ về cả phương diện quy mô và tầm vóc. Đến thời nhà Trần, chùa Phật Tích thực sự trở thành một một trung tâm Phật giáo ở xứ Bắc, là nơi thu hút được nhiều vị cao tăng tề về đây giảng dạy Phật học cho các môn đồ, đệ tử. Bên cạnh đó, thư viện Lạn Kha là một kho tri thức có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức đương thời nói chung và các vị thiền sư nói riêng. Qua các tư liệu lịch sử còn hạn chế cho thấy, chùa Phật Tích chính là nơi hội tụ Phật giáo nước ta thời Lý, Trần. Bên cạnh đó còn là một địa điểm sinh hoạt văn hóa của tầng lớp vua quan, quý tộc của triều đình vốn cũng là những tín đồ của Phật giáo. Theo như các sách lịch sử ghi chép, chùa Phật Tích là nơi vua quan thưởng đến du ngoạn, tổ chức yến tiệc, thi Thái học sinh (Tiến sĩ).
Chùa Phật Tích với tư cách là một trung tâm Phật giáo đã thu nhận vào mình những tư tưởng Phật học đương thời, đó là các dòng thiền tồn tại trong đời sống tôn giáo xứ Bắc và của cả triều đình lúc bấy giờ. Kho sách trong thư viện Lạn Kha là minh chứng cho sự hội tụ của Phật giáo về chùa Phật Tích. Tiếc rằng, qua sự biến đổi của lịch sử, đến nay không còn rõ những văn bản ghi chép về Phật học và các tri thức khác trong thư viện này. Tuy nhiên, sức mạnh của một trung tâm Phật giáo Phật Tích đối văn hóa xứ Bắc là rất rõ ràng.
3. Ảnh hưởng chùa Phật Tích đối với văn hóa xứ Bắc
Trung tâm Phật giáo Phật Tích ở xứ Bắc vừa là một nơi tiếp nhận, phát triển Phật thời đồng thời còn là nơi truyền bá tư tưởng Phật giáo, chính vì thế nó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hóa và đời sống người dân xứ Bắc. Cố GS Trần Quốc Vượng – người nhiều năm dày công nghiên cứu về văn hóa xứ Bắc đã từng khẳng định: “Không thể hiểu được Bắc Ninh văn hiến nếu không cắt nghĩa nó là một hiệu quả giao thoa, giao hòa văn hóa Việt, Hán, Ấn, Chàm… trong suốt một kỳ gian lịch sử từ cổ đại đến Lý – Trần… Không có Sỹ Nhiếp, Khâu Đà La, Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và nhiều tù binh – nghệ sĩ Chàm đến tụ cư ở Luy Lâu, Long Biên, Phù Đổng… thì cũng khó mà có một truyền thống văn hiến Kinh Bắc của thời tự chủ như ta hiện thấy. Đằng sau một Nguyễn Nộn cư sĩ Phù Đổng, là một người Chàm Phan Ma Lôi “giỏi cưỡi ngựa như thần”. Không có tổ đình Kiến Sơ của Cảm Thành, Vô Ngôn Thông, Đa Bảo và cộng đồng Chàm nơi đó thì không thể có Phù Đổng Thiên Vương, huyền tích Thánh Gióng và hội Gióng hôm nay… Tôi cũng có thể nói như vậy về pho tượng Phật bằng đá và những điêu khắc đá tuyệt vời ở chùa Phật Tích: Đấy là nghệ thuật Việt, cái đẹp Đại Việt đã biết hội nhập nhiều yếu tố ngoại sinh Hán, Đường, Chămpa…”[9].Chúng tôi nhìn nhận sự ảnh hưởng của chùa Phật Tích và Phật giáo đến văn hóa xứ Bắc trên hai phương diện là văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể.
Từ phương diện văn hóa phi vật thể, chùa Phật Tích không chỉ là nơi ra đời của các huyền thoại dân gian; các bài ca dao mà còn là nơi khơi nguồn cho tác phẩm văn chương của các nhà thơ của nhiều thế hệ, nổi tiếng là bài thơ Nhật tịch bộ Tiên Du sơn lùng kính của Chu Văn An, hay bài thơ vịnh cảnh chùa Phật Tích trong Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi có nội dung như sau:
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền sáp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương.
Dịch thơ:
Bóng xế thuyền con buộc
Vội lên lễ Phật đài
Mây về giường sãi lạnh
Hoa rụng suối hương trôi
Chiều tối vượn kêu rộn
Núi quang, trúc bóng dài
Ở trong dường có ý
Muốn nói bỗng quên rồi.
(Đào Duy Anh dịch)[10]
Chùa Phật Tích là nơi thu hút Phật tử về lễ Phật, là chỗ dựa cho niềm tin của con người. Phật giáo ở nước ta thời kỳ này không chỉ có Thiền tông, Tịnh độ mà còn cả Mật giáo, cầu xin Phật ban cho những điều tốt đẹp đến con người ở cuộc sống trần gian. Bên cạnh đó, Phật giáo đã mang đến cho con người và vùng đất những nhận thức mới về cuộc sống, về thế giới họ đang sinh tồn và thế giới sau khi con người không còn trên trần gian này nữa. Đặc biệt, tại chùa Phật Tích là nơi diễn ra sinh hoạt lễ hội thu hút được đông đảo người dân trong vùng về dự. Hàng năm vào ngày 4 tháng Giêng (Âm lịch) chùa tổ chức lễ hội đầu xuân có tên hội Khán hoa mẫu đơn. Lễ hội tại chùa Phật Tích là nơi tề tựu đông đảo phật tử và người dân quanh vùng về dự. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ… Các nghi thức linh thiêng gắn với huyền thoại và ngôi chùa đã làm cho lễ hội mang những nét văn hóa truyền thống xứ Bắc.
Từ phương diện văn hóa vật thể, chùa Phật Tích là một công trình kiến trúc độc đáo của xứ Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Theo những hàng chữ trên bia Vạn Phúc đại thiên tự bi cho biết: Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, cấp trong điện tự nhiên sáng như ngọn lưu ly, điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại lớn. Trên thềm bậc đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng,, gác cao vẽ chim phượng và sao ngưu sao đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao, cung quảng vẽ hoa nhị rồng. Bên cạnh đó, chùa Phật Tích là một nơi có rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đạt đến giá trị nghệ thuật đỉnh cao, trong đó nhiều tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý còn được giữ tại chùa cho đến tận ngày nay. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã nhận xét: “Những di tích còn lại ngày nay cho thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đời Lý còn mang nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Chiêm Thành. Một Nghi Thần Kinnari, thiên nữ đầu người mình chim đang chơi nhạc khí, được đào lên dưới nền chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh. Những chạm trổ trên đá tìm được trên chùa Phật Tích có những con rồng mình rắn, mũi dài, miệng rộng kiểu thủy quái Makara của mỹ thuật Chiêm Thành và Nam Dương. Những di tích này thuộc đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa biểu lộ một cách hiển nhiên, nhưng sắc thái riêng biệt Việt Nam của mỹ thuật đời Lý rất là rõ rệt”[11].
Từ những chứng tích văn hóa vật thể sống động cho thấy, chùa Phật Tích là nơi đã để lại dấu ấn văn hóa đậm nét trong không gian văn hóa xứ Bắc, đó là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc bản địa đã biết kết hợp kết hài hòa với các loại hình văn hóa ngoại sinh. Ngôi chùa là tác phẩm nhân tạo độc đáo, đánh dấu quá trình phát triển mạnh mẽ Phật giáo ở nước ta trong giai đoạn lịch sử mà Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao của nó.
Nếu nhìn nhận chùa Phật Tích với tư cách là một thành tố văn hóa nằm trong hệ thống văn hóa xứ Bắc sẽ thấy được vai trò của chùa Phật Tích đối với văn hóa xứ Bắc và ngược lại cũng sẽ thấy được vai trò của văn hóa xứ Bắc đã góp phần hình thành ngôi chùa. Trong quá tồn tại và phát triển, chùa phật Tích không chỉ là một trung tâm Phật giáo thời Lý, Trần, mà còn là một trung tâm văn hóa của xứ Bắc – nơi hội tụ, kết tinh các dòng tư tưởng của tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng bản địa, đồng thời có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân xứ Bắc.
* Viện Văn học
[1] Thanh Phương, Phương Anh: Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập I (Các di tích lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật). Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản năm 1973.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1. (Viện Sử học biên dịch và chú giải). Nxb Sử học, H, 1960, tr 86.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn): Đại Nam nhất thống chí, tập V (Phạm Trọng Đềm phiên dịch; Đào Duy Anh hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, H, 1971, tr 70.
[4] Cao Huy Đỉnh tuyển tập tác phẩm. Nxb Lao động -Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. H, 2004, tr 696.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn): Đại Nam nhất thống chí, tập V (Phạm Trọng Đềm phiên dịch; Đào Duy Anh hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, H, 1971, tr 108.
[6] Thanh Phương, Phương Anh: Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập I. Sđd.
[7]. Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn): Đại Nam nhất thống chí, tập V (Phạm Trọng Đềm phiên dịch; Đào Duy Anh hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, H, 1971, tr 70.
[8] Nguồn dẫn: http://www.quangduc.com/lichsu/06pgvn.html
[9] Trần Quốc Vượng. Việt Nam – cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn hóa dân tộc, H,1998, tr 157.
[10] Nguồn dẫn: http://vi.wikipedia.org.
[11] Nguồn dẫn: http://www.quangduc.com/lichsu.