CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA VIỆT

“Văn hóa còn thì dân tộc còn, mất văn hóa là mất dân tộc”. Giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa không chỉ là sức đề kháng nội sinh chống lại sự đồng hóa, hình thành nên sức mạnh dân tộc mà còn lan tỏa nét đẹp Việt Nam ra thế giới. 

Xã hội ngày càng phát triển, những nét đẹp văn hóa nếu không được bảo tồn có thể bị mai một. Vì thế, việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại Vietschool là điều mà nhà trường đặc biệt chú trọng. 

Thông qua môn Văn hóa Việt, học sinh được tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhìn nhận ra những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại để khi bước ra thế giới, gặp bất kỳ ai, khi nhắc đến tên các em là họ nghĩ ngay đến hình ảnh Việt Nam tuyệt đẹp, với những con người tài giỏi và nhân ái. 

Hơn thế, học văn hóa Việt không có nghĩa là học sinh “bịt tai” với tất cả những nền văn hóa khác và tự đóng lại các cánh cửa của mình. Thay vào đó, học sinh hiểu rõ sự khác biệt giữa các nền văn hóa của mỗi quốc gia, từ đó biết cách giữ gìn, phát huy, khẳng định bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp nhận và sàng lọc những giá trị tinh hoa của nền văn hóa nhân loại. 

Những kiến thức về văn hóa Việt sẽ là hành trang, kỹ năng để hình thành nhân cách học sinh, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp để trở thành người công dân tốt, yêu nước và sống có trách nhiệm. 

Phương pháp giảng dạy Văn hóa Việt tại Vietschool bao gồm: Học tập theo dự án, học tập theo chủ đề và trải nghiệm sáng tạo để học sinh thẩm thấu văn hóa một cách tự nhiên. 

Học tập theo chủ đề

Chương trình Văn hóa Việt được chia thành các chủ đề và bài học nhỏ, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh THCS. Phương pháp học tập này sẽ giúp học sinh hệ thống kiến thức một cách rõ ràng và mạch lạc nhất. 

Những kiến thức về văn hóa Việt sẽ là hành trang, kỹ năng để hình thành nhân cách học sinh, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp để trở thành người công dân tốt, yêu nước và sống có trách nhiệm.

Ẩm thực truyền thống

Ẩm thực Việt Nam là một bức tranh đầy màu sắc, nêu bật lên bản sắc riêng của từng dân tộc, vùng miền nhưng vẫn mang trong mình cốt cách, linh hồn Việt đồng nhất, đậm đà vị dân tộc không thể xóa nhòa. 

Với chủ đề này, học sinh được tìm hiểu đặc trưng của ẩm thực Việt Nam và sự khác biệt so với các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới. Bên cạnh đó, các em còn được khám phá những đặc điểm ẩm thực Việt theo từng vùng miền (miền Bắc, Trung, Nam, các dân tộc ít người). 

Thông qua ẩm thực truyền thống, học sinh cũng sẽ hiểu được nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực, chính là sự giao tiếp, cư xử giữa người với người trong bữa ăn, phép tắc ăn uống trong gia đình và ngoài xã hội…

Trang phục truyền thống

Nhắc đến trang phục truyền thống của người Việt, chắc hẳn điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là áo dài. Áo dài được xem là trang phục truyền thống đồng thời cũng là quốc phục của nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia của lịch sử lâu đời với nền văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện rất rõ qua sự phong phú, đa dạng của các loại trang phục truyền thống. 

Do đó, học sinh Vietschool sẽ được tìm hiểu về toàn bộ trang phục truyền thống từ Bắc và Nam (áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, áo chàm…) và các trang phục truyền thống của 54 dân tộc (Thái, Mường, H’Mông, Ba Na, Ê đê, Khơ-me, Chăm, Hà Nhì, Dao…). Bên cạnh đó, học sinh còn được nghe các câu chuyện và ý nghĩa xung quanh các bộ trang phục dân tộc, từ đó hiểu rõ hơn về dấu  ấn văn hóa mà cha ông ta đã để lại. 

Lễ tết, lễ hội

Đất nước Việt Nam có rất nhiều lễ hội từ lễ hội đình, làng đến các lễ hội truyền thống, văn hóa lớn. Các lễ hội này đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người Việt trong nhiều thế kỷ qua.

Qua chủ đề này, học sinh có cơ hội tìm hiểu nhiều lễ hội văn hóa và truyền thống trải dài từ Bắc đến Nam (hội Lim, hội chùa Hương, lễ hội đền Hùng, hội Xoan Phú Thọ, hội núi Bà Đen, hội Đống Đa Bình Định, lễ hội Căm Mường…). Chắc chắn, những kiến thức này sẽ giúp học sinh hiểu rõ những phong tục và tinh thần của dân tộc Việt. 

Kiến trúc nhà ở truyền thống

Đối với người Việt, nhà ở không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là biểu trưng của tinh thần gia tộc, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt Nam. Với chủ đề này, học sinh được tìm hiểu những đặc trưng ngôi nhà Việt truyền thống, kiến trúc nhà ở từ miền Bắc vào miền Nam (nhà đặc trưng xứ Huế, nhà sàn, nhà tranh vách đất…). 

Qua đó, học sinh sẽ có sự so sánh giữa kiến trúc nhà ở xưa và nay, quan niệm sống về nếp nhà, gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống và kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa gia đình thời hiện đại. 

Nghi lễ trong gia đình

Học sinh được tìm hiểu và thực hành làm nghi lễ trong gia đình người Việt. Qua đó, học sinh có cái nhìn đa chiều về nghi lễ xưa và nghi lễ ngày nay, đưa ra những phản biện phù hợp. 

Mô hình làng Việt

Học sinh được nhận diện về làng Việt, quá trình phát triển, các công trình kiến trúc làng Việt độc đáo và sự khác nhau giữa các mô hình làng ở mỗi vùng miền. Từ đó, học sinh có sự so sánh và phân tích đa chiều. 

Các vùng văn hóa

Học sinh được tìm hiểu về các nét đặc trưng của 6 vùng văn hóa: Bắc Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ, Nam Bộ. Từ đó, học sinh được tổng hợp lại kiến thức và tạo ra một ma trận kiến thức logic. 

Nghề nghiệp truyền thống

Học sinh nhận biết được những nghề nghiệp truyền thống của dân tộc (gốm sứ, sơn mài, mây tre đan, thêu dệt, gỗ, đá…), sự phát triển và tồn tại của những làng nghề truyền thống cho đến thời điểm hiện tại. 

Nghệ thuật, hội họa

Môn học đưa vào nhiều loại hình hội họa truyền thống như tranh sơn mài, tranh khắc gỗ, tranh dân gian để học sinh tìm hiểu. Đồng thời, các em cũng sẽ được học về một số họa sĩ nổi tiếng.

Học tập theo dự án

“Một trong những lợi ích quan trọng của học tập dự án là làm cho trường học trở nên giống cuộc sống thực hơn. Nó là một cuộc khám phá sâu sắc một chủ đề của thế giới thực xứng đáng với sự chú ý và nỗ lực của học sinh”.  – Nhà nghiên cứu giáo dục SYLVIA CHARD.

Tại Vietschool, học sinh không chỉ học văn hóa Việt thông qua kiến thức mà còn được tham gia học tập theo dự án. Đây là phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm, giúp các em phát triển kiến thức và các kỹ năng liên quan thông qua những nhiệm vụ mang tính mở, khuyến khích học sinh tìm tòi, hiện thực hóa những kiến thức đã học trong quá trình thực hiện và tạo ra những sản phẩm của chính mình. 

Mỗi bài học văn hóa Việt được xây dựng dựa trên những câu hỏi định hướng quan trọng, lồng ghép các chuẩn nội dung và tư duy bậc cao trong những bối cảnh thực tế. Học sinh làm việc theo nhóm, được tham gia nêu ý kiến, phản biện, biện luận, bàn bạc cùng nhau, lập kế hoạch, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, học sinh cũng sẽ có cơ hội làm việc độc lập, phát triển khả năng sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề thực tế. 

Ví dụ như, khi học về chủ đề gia đình, học sinh được tìm hiểu về gia phả, họ tộc bằng cách tham gia vào dự án làm việc nhóm và dự án cá nhân. Với dự án cá nhân, học sinh cần kết nối với ông bà và những người cao tuổi trong gia đình để có được thông tin chính xác và hoàn thiện bài viết về gia phả, gia tộc của gia đình mình. Thông qua dự án này, học sinh cũng sẽ tạo ra được sự gắn kết trong gia đình thông qua việc trò chuyện với ông bà, bố mẹ. 

Học tập theo dự án giúp lớp học trở nên sinh động, học sinh được tham gia và khám phá nhiều hơn.

Với dự án làm việc nhóm, học sinh tìm hiểu về “Mô hình gia đình của khu dân cư nơi mình sinh sống” với yêu cầu tối thiểu là 50 gia đình. Sau khi tìm hiểu, học sinh cần làm ra được bảng xác suất thống kê các mô hình gia đình 3 thế hệ, 4 thế hệ… Qua đó, học sinh đưa ra những lập luận, so sánh và đánh giá của riêng mình. Có thể thấy, những dự án cá nhân và làm việc nhóm như vậy sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn cuộc sống sâu sắc và đa chiều hơn. 

Hoặc khi học về chủ đề nghề nghiệp truyền thống, học sinh không chỉ hiểu về những nghề nghiệp truyền thống của dân tộc mà còn được tham gia dự án “Lên chiến lược phát triển và xuất khẩu sản phẩm truyền thống”. Chắc chắn, dự án này sẽ mang lại cơ hội và lý do để học sinh tạo ra các sản phẩm thực tế, nỗ lực thay đổi và cải thiện sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thực tế của khách hàng thay vì chỉ chạy theo điểm số.  

Dự án không chỉ là một cách học, nó còn là một cách để làm việc cùng nhau. Nếu học sinh học cách tự chịu trách nhiệm với sản phẩm và dự án của mình, các em sẽ tạo ra cơ sở cho cách các em làm việc với người khác trong cuộc sống trưởng thành của mình. 

Học tập trải nghiệm

“Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Giáo dục trải nghiệm không chỉ giúp học sinh áp dụng lý thuyết vào thực hành một cách trực quan mà còn giúp rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh vô cùng hiệu quả.

Học về văn hóa, không gì tốt cho học sinh hơn là được “đắm chìm” trong môi trường của chính nền văn hóa ấy. Bởi văn hóa không phải là cái gì cao xa mà chính là tất cả các hoạt động sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra hàng ngày. Học sinh hoàn toàn có thể học mọi lúc mọi nơi và từ bất kỳ ai. 

Với môn học Văn hóa Việt tại Vietschool, giáo viên sẽ là người định hướng, tạo cơ hội để sinh viên có trải nghiệm về văn hóa. Giáo viên không quá chú trọng về hiện tượng nhưng sẽ lý giải hiện tượng đó dưới góc độ văn hóa học. Hơn nữa, giáo viên sẽ hệ thống hóa các hiện tượng để giúp học sinh rút ra được các đặc trưng của văn hóa. Tất cả các chủ đề văn hóa đều được nhà trường “lên kịch bản” như vậy để khiến học sinh cảm thấy hứng thú vì rất gần gũi và thiết thực. 

Ví dụ, với chủ đề nghệ thuật hội họa truyền thống, bên cạnh việc xem các video giới thiệu về nghệ thuật truyền thống của người Việt, học sinh còn có thể “sờ tận tay, nhìn tận mắt” một số bức tranh dân gian, tranh sơn mài hoặc tranh khắc gỗ mà giáo viên mang đến lớp. 

Hay khi học chủ đề ẩm thực truyền thống của người Việt, học sinh sẽ có những trải nghiệm thú vị về nấu các món ăn truyền thống ngay tại phòng Cooking Studio của nhà trường. Với những nguyên liệu khác nhau, mỗi nhóm được giao nấu một món ăn truyền thống của quê nhà. Khi giao một nhiệm vụ “mở” như vậy, giáo viên đã cho học sinh cơ hội phát huy tối đa sự sáng tạo và linh hoạt của mình. Ngoài ra, các em có thể áp dụng những điều mà mình học được trong lớp nấu ăn để nấu những món ăn ngon cho gia đình, góp phần gìn giữ ẩm thực truyền thống của dân tộc. 

Học tập trải nghiệm giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện, áp dụng lý thuyết vào thực hành một cách trực quan.

Hoặc trong chủ đề trang phục truyền thống của người Việt, giáo viên sẽ mang đến lớp những chiếc áo dài, nón lá… để học sinh được trực tiếp quan sát và tìm hiểu. Cách học này sẽ giúp cho học sinh có những quan điểm và bình luận rất thú vị. Các em sẽ nhận ra sự khác biệt về một số chi tiết như màu sắc, hoa văn, thiết kế giữa áo dài thời xưa và áo dài thời nay. 

Với chủ đề nghề nghiệp truyền thống, học sinh được học thông qua những chuyến tham quan trải nghiệm đến các làng nghề thủ công truyền thống. Ở mỗi làng nghề lại mang một nét đặc trưng, một vẻ đẹp riêng, học sinh được đắm chìm và “thưởng thức” những sắc thái riêng biệt, những câu chuyện thú vị mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Văn hóa cứ vậy mà thấm dần vào tâm hồn các em. 

Điều mà Vietschool cảm thấy hài lòng nhất khi thiết kế chương trình Văn hóa Việt không phải là đã dạy được gì về văn hóa Việt Nam mà quan trọng hơn đó là đã truyền được tình yêu văn hóa Việt Nam tới thế hệ trẻ – tương lai của đất nước. Bởi nếu chúng ta không hiểu văn hóa của ta, ta không có gốc, ta không lớn mạnh được, và chúng ta vẫn cứ thụt lùi, lặn ngụp trong mù mờ. 

Sức mạnh của một quốc gia không chỉ có từ kinh tế, chính trị, ngoại giao…  mà còn ở văn hóa, bởi lẽ văn hóa có thể thay đổi từ ghét đến yêu, từ sợ đến thích. Chính sự lan tỏa của giá trị văn hóa làm cho thế giới thay đổi quan niệm về Việt Nam, biết đến Việt Nam không chỉ là đất nước từng chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn nhìn thấy con người Việt Nam hiếu khách, bao dung, tha thứ và lạc quan, đất nước Việt Nam giàu bản sắc.