CHUYÊN ĐỀ: TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TẠI TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ NHÂN ĐẠO
Mục lục bài viết
CHUYÊN ĐỀ: “TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI ” TẠI TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ NHÂN ĐẠO
“Tự do đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người. Đi cùng với tự do là trách nhiệm. Với người không sẵn sàng trưởng thành, người không muốn mang sức nặng của chính mình, đây là một viễn cảnh đáng sợ”
-Eleanor Roosevelt-
Từ thuở sơ khai, con người được xem là tế bào cấu thành nên một xã hội văn minh và phát triển. Vì thế vai trò của con người trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước vô cùng quan trọng. Trong đó trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội là yếu tố chính để có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đồng thời góp phần phát triển đất nước thêm giàu đẹp. Như một diễn giả người Mỹ Brian Tracy, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Kiếm được giá trị thực sự của bạn”, từng chia sẻ: “Những người hạnh phúc nhất trên thế giới là những người cảm thấy cực kỳ tuyệt vời về chính mình, và đây là sản phẩm tự nhiên của việc chấp nhận toàn bộ trách nhiệm về mọi phần trong cuộc đời mình”. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển như hiện nay, phần lớn các bạn ít nhận ra trách nhiệm của bản thân mà mải mê theo đuổi những điều vô ích. Ai cũng cần có trách nhiệm vậy “trách nhiệm” là gì? Và tại sao tinh thần trách nhiệm lại quan trọng trong cuộc sống của chúng ta?
Nhằm giúp các bạn hiểu rõ vai trò của “trách nhiệm” và có những giây phút lắng đọng để chia sẻ câu chuyện của chính mình, vào ngày 28/01/2021 tại Hội trường của trường trung cấp nghề Nhân Đạo đã diễn ra buổi chuyên đề “Trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội” do ông Phạm Văn Giào – Chủ tịch Điều hành Hội đồng giáo dục kỹ năng mềm Việt Nam thực hiện trong vai trò Báo cáo viên với sự tham gia nhiệt tình của 100 bạn học sinh.
Báo cáo viên chia sẻ câu chuyện của mình với sự lắng nghe của các bạn học sinh
“Trách nhiệm đối với BẢN THÂN” & “Trách nhiệm đối với GIA ĐÌNH” là gì?
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, cần phải thực hiện đúng đắn, nếu sai trái thì phải chủ động gánh chịu phần hậu quả. Trách nhiệm tuy được nhiều người xem như là một gánh nặng nhưng nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong quá trình phát triển bản thân. Theo ông Giào, trách nhiệm bao gồm: “trách nhiệm đối với bản thân”, “trách nhiệm đối với gia đình” và “trách nhiệm đối với xã hội”.
“Trách nhiệm đối với bản thân” được hiểu đơn giản là vì bản thân mà nỗ lực hướng đến điều tốt đẹp, yêu thương chính mình, hiểu được giá trị của bản thân, đừng mù quáng hi sinh bản thân cho những điều chưa xứng đáng. Hầu hết mọi người đều cho là mình rất yêu thương bản thân, nhưng nhiều người lại thường xuyên thức khuya, ăn uống thiếu khoa học, thường hay bỏ bữa, mải mê theo đuổi những thứ vô bổ, sống không có mục tiêu lại không dám tin tưởng chính mình. Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, vì tình yêu mà bất chấp tất cả, thậm chí huỷ hoại cả bản thân, chỉ để mù quáng theo đuổi người không yêu mình. Hình hài của chúng ta có được là nhờ có công ơn vô bờ bến của cả ba và mẹ. Để nuôi nấng, chăm bẵm một đứa trẻ nên người là một điều không hề dễ dàng chút nào. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là nhìn thấy con cái lớn lên vui vẻ và bình an. Thế thì tại sao lại phải vì người khác mà làm tổn hại cơ thể của mình? Khi đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Giào chia sẻ: “Nếu mong muốn một thiên thần đến với bạn thì hãy tự đứng dậy xây cho mình một thiên đường, vì thiên thần không bao giờ sống trong địa ngục!”.
Thật vậy, nếu bạn mong muốn một người yêu hoàn mỹ thì chính bạn cũng phải nỗ lực phát triển bản thân tốt hơn từng ngày. Tuy nhiên đường đời không phải lúc nào cũng trải đầy hoa, sẽ có những lúc bạn mệt mỏi và vấp ngã thì “gia đình” chính là nơi duy nhất luôn chào đón chúng ta trở về. Gia đình là nơi tốt nhất để bạn tìm về với bình yên, là nơi có thể giúp bạn nghỉ ngơi khi mệt mỏi, là nơi yêu thương mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Chính vì vậy trách nhiệm đối với gia đình là điều không thể thiếu trong mỗi chúng ta. Liệu “trách nhiệm với gia đình” chỉ đơn giản là yêu thương vô điều kiện? Tuổi trẻ mỗi chúng ta luôn thật nhiều hoài bão và mơ mộng. Bạn muốn được tự do tung cánh trên bầu trời bao la, được đi đến bất cứ đâu bạn muốn, làm mọi thứ bạn thích nhưng cũng không ít lần phải từ bỏ vì chúng không đủ sức mạnh để vượt qua trách nhiệm với gia đình, với những người thân yêu nhất, chính là ba và mẹ.
Báo cáo viên lắng nghe các bạn chia sẻ câu chuyện của mình
Đã bao lâu rồi bạn chưa nói câu “Con yêu ba/mẹ lắm!” ? Chúng ta gửi gắm rất nhiều lời yêu thương cho những người xa lạ nhưng lại dành những lời cáu gắt, khó chịu cho chính những người thân yêu của mình. Mỗi khi tức giận, bạn lại tạo cho mình một vỏ bọc cứng cỏi và vô tình, bạn lại đang đẩy ba mẹ dần dần ra xa mình hơn. Chúng ta thường quá coi trọng sự việc xung quanh và thường mơ ước đến những thứ không thể với tới được nhưng lại ít quan tâm đến những điều gần gũi nhất. Nhiều bạn đòi hỏi ba mẹ phải hiểu cho cảm xúc, thú vui của bạn nhưng không biết họ đã bao giờ thật tâm nghĩ đến những vất vả, hi sinh của cha mẹ lần nào chưa? Dù bạn có làm sai điều gì, dù bạn giàu sang hay nghèo khổ, là người tốt hay kẻ xấu thì ba mẹ vẫn luôn bao dung mọi thứ và yêu thương bạn rất nhiều, luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay ôm lấy chúng ta bất kể khi nào ta gục ngã. Bởi trong mắt họ, bạn vẫn luôn và sẽ mãi là đứa con bé bỏng của ngày nào. Ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ, Jason Marc đã từng nói: “Hãy nhớ rằng, dù bạn có đi bất cứ nơi đâu, bạn vẫn có thể trở lại với chính ngôi nhà của mình”. Nhưng không một ai trong chúng ta có thể ở bên ba mẹ cả đời. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và trân trọng giây phút đó ngay cả khi bạn không hề biết điều gì đã và đang xảy đến với cuộc đời của mình. Đừng để sau này dù hối tiếc thì cũng đã quá muộn màng…
Như thế nào là “Trách nhiệm với XÃ HỘI”?
Khi bạn rèn luyện cho mình lối sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình thì trong bạn sẽ hình thành nên “trách nhiệm đối với xã hội”. Bất kể ai là con dân của đất nước Việt Nam, mang trong mình dòng máu “con Rồng cháu Tiên” phái có trách nhiệm với vùng đất thiêng liêng ấy. Trước hết, mỗi công dân cần phải tự giác bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà ông cha ta đã gây dựng và giữ gìn. Như Bác Hồ đã răn dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”. Thật đáng hổ thẹn nếu những người trẻ như chúng ta – lực lượng nòng cốt của Tổ quốc, đánh mất đi sự độc lập tự do mà ông cha ta đã hi sinh biết bao xương máu để xây dựng. Bên cạnh đó, là một công dân, chúng ta cần biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Một đất nước, một xã hội chỉ thực sự phát triển khi những hạt nhân trong xã hội ấy biết yêu thương, đoàn kết, gắn bó với nhau vượt qua bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Là một người con của mảnh đất Việt, mang trong mình dòng máu của Tổ quốc, chúng ta luôn phải biết hướng về cội nguồn. Đừng bao giờ chối bỏ hay quay lưng với nơi đã cho ta sự sống! Hãy giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc để bạn bè khắp năm châu biết đến Tổ quốc thân yêu của ta. Và thời đại nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xong pha vào những nơi gian khổ mà không ngại gian khó. Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình, bước vào thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá, nhiệm vụ học tập của thế hệ trẻ lại quan trọng hơn cả. Chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước, phải nỗ lực “học, học nữa, học mãi” để thực hiện ước nguyện của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu”.
Đại diện nhà trường trao tặng hoa cho báo cáo viên sau chuyên đề
Qua buổi chuyên đề trên, báo cáo viên – ông Phạm Văn Giào với những chia sẻ chân thật đã chạm vào trái tim của các bạn học viên, giúp các bạn giải đáp được một phần khúc mắc trong lòng mình. Với kiến thức cùng những kinh nghiệm của bản thân, ông Giào đã mang đến một buổi học thật ý nghĩa và bổ ích.
Sau chuyên đề, một bạn sinh viên khoa Công nghệ thông tin chia sẻ: “Em thực sự rất thích buổi chuyên đề ngày hôm nay. Từng lời nói, câu chuyện mà báo cáo viên đưa ra đã lấy đi nước mắt của em và em nhận thấy bản thân đang thiếu xót rất nhiều. Sau buổi chuyên đề này, em nghĩ mình phải trân trọng từng giây phút được sống, từng bữa cơm được ăn cùng gia đình để sau này không phải hối tiếc vì sự thờ ơ của chính mình”.
Anh Tuyết