CÚI CHÀO OJIGI – NÉT VĂN HÓA CHÀO HỎI ĐẸP XỨ PHÙ TANG – SULECO

CÚI CHÀO OJIGI – NÉT VĂN HÓA CHÀO HỎI ĐẸP XỨ PHÙ TANG

Có lẽ rất nhiều du khách nước ngoài như tôi khi đến thăm Công viên Nara đã rất ngạc nhiên với câu chuyện “Bạn có cúi đầu trước những con hươu ở Nhật Bản không?”. Bởi những chú hươu ở Nara rất nổi tiếng với việc cúi chào sau khi được khách cho ăn. Nhìn thấy hành động đó, rất nhiều người cũng đã chào đáp lễ.

Tôi cũng rất ấn tượng khi nhiều lần chứng kiến những người phục vụ tại các quán ăn ở Nhật, khi tiễn khách đã đi hẳn ra ngoài đường và cúi chào rất lâu. Có lẽ những vị khách đó sẽ không biết. Nhưng những người đang rảo bộ trên đường như tôi – đã dừng lại nhìn và thầm cảm ơn họ – dù chẳng hề quen!

Tôi nghĩ, tất cả những điều đó khiến chúng ta nghĩ đến hình ảnh “Người Nhật rất lễ phép, lịch sự”. Và bạn đã biết được những gì về nghi thức Cúi chào, gọi là Ojigi – お辞儀 tại Nhật?

Hãy cùng suy nghĩ và tìm hiểu với Suleco nhé!

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CÚI CHÀO

Tại Nhật, nghi thức “Cúi đầu chào” xuất hiện vào khoảng năm 500-800, khi Phật giáo du nhập từ Trung Quốc, từ thời Asuka đến thời kỳ Nara.

Ngày nay, người Nhật sử dụng việc cúi chào hằng ngày trong rất nhiều trường hợp như: khi chào hỏi; khi cảm ơn, chúc mừng; khi xin lỗi; khi yêu cầu, nhờ vả; khi đến thăm đền chùa… Rất nhiều người Nhật còn thực hiện chào theo vô thức như là cúi đầu chào mặc dù trước mặt không có người nào khác. Hoặc thậm chí khi bạn gửi email, hay nói chuyện qua điện thoại bạn cũng sẽ cúi đầu chào.

Ý nghĩa ban đầu của “Cúi chào” là “Tôi không thù địch với người đối diện”. Nó được cho là để chỉ ra rằng “Không tự vệ bằng cách cúi đầu xuống.” Ngày nay, khi muốn truyền đạt tâm trạng như xin lỗi, cảm ơn, tôn trọng người đối diện, ta sẽ cúi đầu xuống.

Hành động cúi chào thể hiện rằng dù địa vị xã hội của bạn là gì, bạn đang hạ thấp bản thân. Cúi đầu thể hiện với người đối diện rằng: bạn đang đặt họ hơn chính mình và bạn thấy biết ơn vì họ đã tương tác với bạn.

CÁC KIỂU CÚI CHÀO

Tại Nhật, hành lễ đứng được gọi là “Ritsurei -立礼”, còn hành lễ ngồi được gọi là “Zarei -座礼”.

Trong đó, hành lễ ngồi rất hiếm khi được dùng và thường chỉ thấy trong dịp trang trọng như nghi thức Trà đạo hoặc Nhu đạo…

Còn trong đời sống hàng ngày, khi gặp nhau, người Nhật thường dùng hành lễ đứng Ritsurei với 3 điểm cần lưu ý:

  • Nam giới hai tay đặt dọc theo thân, còn nữ giới thì đặt hai tay ở vạt áo trước.
  • Thẳng lưng khi cúi, không gập chân và hông.
  • Hít vào khi cúi đầu xuống và thở ra khi quay trở lại.

Ngoài ra, mặc dù các điều cơ bản là giống nhau, nhưng có nhiều loại chào khác nhau khi hành lễ đứng:

  • Kiểu chào “会釈 – Eshaku” : Tư thế cúi đầu nhẹ, khoảng 15 độ. Đây là kiểu chào xã giao, thường dùng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Kiểu chào này thường sử dụng khi chào đơn giản vào buổi sáng, chiều.
  • Kiểu chào “敬礼 – Keirei”: Cúi đầu khoảng 30 độ. Tư thế này đa số được dùng trong kinh doanh. Nó có nghĩa là tri ân và chào đón khách hàng, chào những vị lần đầu mới gặp.
  • Kiểu chào “最敬礼 – Saikeirei”: Cúi đầu khoảng 45 độ. Đây là kiểu chào cung kính, trịnh trọng được sử dụng khi tỏ lòng biết ơn sâu sắc hoặc tạ lỗi với những vị khách cao quí. Khi chào, ta sẽ cúi đầu xuống một góc khoảng 45 độ và giữ nguyên tư thế trong khoảng 3 giây rồi mới ngẩng đầu lên.

NHỮNG LƯU Ý KHI CÚI CHÀO

Thật khó để nhớ các quy tắc cúi chào cùng một lúc, vì vậy hãy ghi nhớ hai điểm quan trọng sau đây.

  • Trước hết, sự kiện càng trang trọng, hoặc địa vị của người đối diện càng cao thì chúng ta càng phải hạ thấp khi cúi chào và càng nên để lâu càng tốt.
  • Việc chắp tay trước ngực khi cúi chào là một sai lầm. Ở Nhật Bản hiện đại, phương pháp này chỉ được sử dụng khi đến thăm một ngôi đền.

Cúi đầu chào được cho là cửa ngõ giao tiếp rất quan trọng và đôi khi còn có sức mạnh hơn cả lời nói. Nhưng nếu không xuất phát từ trái tim, thì lời chào cũng có thể trở nên vô nghĩa.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng cố gắng “cúi đầu chào” một cách tự nhiên với sự tôn trọng và biết ơn đối với những người xung quanh cùng với một trái tim ấm áp nhé!

Nguồn tham khảo: 1200irori / LiveJapan