Ca dao, tục ngữ Tày, Nùng và những lời răn dạy – Báo Cao Bằng điện tử

Thông qua những sự vật, sự việc diễn ra thường ngày trong cuộc sống, người Tày, Nùng ở Cao Bằng đã đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ phản ánh nhiều mặt về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của các tầng lớp trong xã hội, đến nay những câu tục ngữ, ca dao vẫn còn nguyên giá trị.


Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Tày. Ảnh: Thế Vĩnh

Người Tày, Nùng xưa rất coi trọng cử chỉ, hành động, lời nói. Trong mọi mối quan hệ, đối nhân xử thế bằng lời nói luôn được đặt lên hàng đầu. Người xưa thường có câu: “Cáy tốp pích sam vửa dắng khăn/Gần đá sam pày giăng dắng đá”, dịch nghĩa: “Gà trống vỗ cánh ba lần rồi mới gáy/Người khôn cân nhắc ba lần rồi mới nói”. Câu tục ngữ mang ý khuyên răn rằng làm người khi làm bất cứ việc gì cũng phải thận trọng, nói năng phải cân nhắc thật kĩ, tránh hấp tấp, hồ đồ. Dựa trên hình ảnh con gà trống trước khi gáy bao giờ cũng phải vỗ cánh 3 lần rồi mới gáy, đó là bản năng của loài gà. Còn con người khi gặp phải những chuyện rắc rối, không may mắn, người khôn ngoan sẽ không bao giờ vội vã mắng lại ngay. Nên suy nghĩ chín chắn trước khi nói để không xảy ra những kết quả không mong muốn. 

Cũng bằng lời nói, trong kho tàng ca dao, tục ngữ của người Tày, Nùng xưa còn có câu: “Gần phuối gằm toóc/Quá ngù khốp slíp pày”, dịch nghĩa: Người nói một lời còn hơn rắn cắn mười lần”. Rắn cắn còn có thể chữa trị bằng thuốc. Lời người nói ra có thể là con dao sắc nhọn làm tổn thương người khác. Chính vì vậy, trước khi nói gì, người nói phải nhận thức được giá trị đặc biệt của ngôn từ trong chính câu nói. Từ lời nói của bản thân có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của người đối diện, cũng làm thay đổi mối quan hệ giữa hai người với nhau. Chính vì vậy trước khi nói gì, hành động gì phải cân nhắc thật kỹ. 

Để khuyên răn những người hay đưa chuyện, người xưa cũng có câu: “Khêm sliểm khêm dú tẩy/Pác sliểm pác luẩy mường”, dịch nghĩa: “Kim nhọn, kim ở trong túi/Mồm nhọn (hay đưa chuyện) đi chơi khắp bản làng”. Từ một sự vật trong cuộc sống chính là chiếc kim khâu để phản ánh thói hư, tật xấu của một bộ phận người trong xã hội, câu tục ngữ phê phán, mang hàm ý chê bai những người nhiều chuyện còn không bằng cái kim ở yên trong túi. 

Chỉ thông qua những sự vật, sự việc bình thường trong cuộc sống, người Tày, Nùng đúc kết thành những bài học răn dạy cho con cháu hoặc lên án thói hư, tật xấu của nhiều người trong xã hội. Những câu tục ngữ không chỉ mang giá trị nhân văn, bài học làm người mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn học. Những lời khuyên, chỉ bảo vẫn còn vẹn nguyên giá trị dù là xa xưa hay cho đến hiện tại. 

Hải Đăng

Xổ số miền Bắc