Cá điêu hồng nuôi trên sông Tiền đang tăng giá tốt, nhà nào ở Tiền Giang xúc bán là lời to luôn

Theo anh Phan Nhựt Đăng Khoa, người nuôi cá điêu hồng lồng/bè tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), giá cá điêu hồng xuất bán ra thị trường hiện nay dao động từ 47.000 – 48.000 đồng/kg, tăng từ 6.000 – đến 7.000 đồng/kg so với năm trước.

Với giá cá điêu hồng tăng lên mức này, người nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền thu lãi khoảng 5.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí sản xuất.

Loại cá màu hồng toàn tập này đang tăng giá tốt ở Tiền Giang, nhà nào có xúc lên bán là có lời ngay - Ảnh 1.

Nuôi cá điêu hồng trong lồng/bè trên sông Tiền, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Anh Phan Nhựt Đăng Khoa có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng/bè trên sông Tiền. Hiện anh đầu tư 10 lồng/bè nuôi cá điêu hồng và một số loại cá thương phẩm có giá trị kinh tế khác như: Cá nheo, cá lăng… 

Anh Khoa cũng vừa thu hoạch được khoảng 20 tấn cá điêu hồng thương phẩm, bán thu lãi khoảng 120 triệu đồng.

Thành phố Mỹ Tho với con sông Tiền chảy qua thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản nước ngọt lồng/bè mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho người dân địa phương. 

Toàn thành phố Mỹ Tho hiện có 670 lồng/bè với thể tích 63.480m3, chủ yếu nuôi cá điêu hồng với sản lượng mỗi năm 5.000 – 6.000 tấn, tập trung tại các khu vực phường Tân Long, xã Thới Sơn.

Trong đó, Thới Sơn là xã cù lao nằm trên sông Tiền tập trung nhiều lồng/bè nuôi thủy sản tại thành phố Mỹ Tho. Địa phương có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp phát huy nghề nuôi thủy sản lồng/bè và du lịch sinh thái, tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thới Sơn, toàn xã có 585 lồng/bè nuôi thủy sản trên sông Tiền. Chu kỳ nuôi cá từ 7-8 tháng thì xuất bán khi cá đã đạt trọng lượng khoảng 800gam – 1kg/con. 

Trung bình mỗi lồng/bè đạt sản lượng thu hoạch từ 8 – 10 tấn sản phẩm/năm. Giá cá điêu hồng tăng khá nên địa phương khuyến khích hộ nuôi cá lồng/bè đầu tư thâm canh, tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao chất lượng nguồn cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ở trong và ngoài tỉnh.

Mặt khác, địa phương còn tạo điều kiện để nghề nuôi cá lồng/bè phát triển bền vững, tạo nguồn nông sản hàng hóa quan trọng phục vụ nhu cầu thị trường, thu hút lao động và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.