Các Điểm Tham Quan Du Lịch Đồng Hới Không Thể Bỏ Qua

Các điểm tham quan du lịch tại Thành Phố Đồng Hới

Nếu cách đây khoảng 10 năm, thành phố Đồng Hới chỉ là trạm dừng chân cho du khách nghỉ lại một đêm để sáng hôm sau đi du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, thì hôm nay, Đồng Hới được biết đến là một địa chỉ du lịch Quảng Bình được nhiều người ưa thích. Thành phố Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh Quảng Bình. Nằm bên sông Nhật Lệ thơ mộng, ngoài hàng chục cây số bờ biển hoang sơ với những bãi tắm có bờ cát trắng mịn trải dài, nước trong xanh. Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử thu hút nhiều khách tham. Xin giới thiệu các địa điểm tham quan du lịch Đồng Hới không thể bỏ qua.

Sáng sớm, du khách có thể tản bộ trên con đường dọc bờ sông Nhật Lệ. Thành phố yên tĩnh đến độ có thể nghe được tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ. Bên kia sông là bán đảo Bảo Ninh xanh rợp bóng dừa. Phóng tầm mắt về phía cửa biển, du khách sẽ thỏa sức ngắm những chiếc ghe trôi chậm trên mặt sông và mặt trời từ từ nhô lên từ phía xa.

Tour Du Lich Quang Binh 2021

Bạn có thể thuê xe Quảng Bình một chiếc xe đạp, xe máy, xe ô tô điện, taxi hoặc ô tô để tham quan các điểm không thể bỏ qua khi du lịch Đồng Hới sau:

Tháp Chuông nhà thờ Tam Tòa

Tại công viên trung tâm thành phố bên bờ sông Nhật Lệ có di tích nhà thờ Tam Tòa chỉ còn lại tháp chuông, trên đỉnh tháp là những nhánh cây khô và bầy chim sẻ bay lượn. 

Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng vào năm 1886, tài liệu ghi lại rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử từng được rửa tội tại đây vào năm 1912. Trong chiến tranh từ năm 1964 đến 1972, nhà thờ bị đánh sập, chỉ còn lại tháp chuông, thị xã Đồng Hới khi đó cũng bị san phẳng. Tháp Chuông nhà thờ Tam Tòa còn lại đến ngày nay như một chứng tích của một thời chiến tranh ác liệt.

Nếu tiếp tục đi về phía mặt trời, bước chân du khách sẽ đến vùng cửa sông Nhật Lệ, khung cảnh yên bình và thơ mộng. Hết vùng cửa sông là đến bờ biển chạy dài.

Khách sạn khu vực này dành cho khách nghỉ dưỡng, tắm biển. Hàng loạt dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển cùng những món ăn đặc sản luôn sẵn sàng phục vụ du khách.

Lũy Thầy – Phòng Tuyến Nhật Lệ

Nằm ngay cửa sông Nhật Lệ là dấu tích của Lũy Thầy, hệ thống thành Lũy từng được chúa Nguyễn giao cho Đào Duy Từ xây dựng để phòng thủ trong thời gian Trịnh – Nguyễn phân tranh, kéo dài gần nửa thế kỷ.

Bên đường có tấm bia ghi: “Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631, có chiều dài 12 km, cao 6m, rộng 6m thuộc hệ thống Trường Lũy Đào Duy Từ.

Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến”.

Bước theo những bậc cấp lên tận đỉnh Lũy Thầy thì gặp Trạm hải đăng Nhật Lệ.Trạm hải đăng cao ngạo nghễ dẫn đường cho tàu bè hàng đêm. Nhìn xuống là dòng sông Nhật Lệ trôi hiền hòa, dân chài vẫn bám sông trong cuộc mưu sinh.

Biển Nhật Lệ

Biển Nhật Lệ đẹp hoang sơ với rừng dương xù xì, trên bờ cát đầy dây muống biển ngang dọc với màu hoa tím, vàng, tạo thành những bức tranh đẹp mắt.

Đến với Biển Nhật Lệ, du khách sẽ lạc vào một màu cát trắng xoá, với cái trắng trong của nước, với cái trắng sạch của cát biển, như hút từng bước chân du khách. Những lúc trời trong thanh, gió mát, bãi biển như chiếc nệm mới, mời gọi du khách.

Những bãi cát mịn, êm dịu, đóng cứng óng ánh, du khách có thể đạp xe hay chơi bóng đá trên đó một cách thoải mái. Phóng tầm mắt ra khơi xa, du khách sẽ bắt gặp từng lớp sóng bạc tiến vào bờ như những chùm hoa sóng, như những chuỗi ngọc trắng đang lăn lăn, tấp vào bờ. Biển ngân lên những âm thanh rì rào, rì rào hoà thành những bài ca không dứt, không dứt.

Hồ Bàu Tró

Nằm gọn giữa lòng động cát cao sát phía bắc cửa biển Nhật Lệ, Bàu Tró thuộc địa phận phường Hải Thành có phong cảnh hữu tình, tĩnh lặng… Không chỉ là hồ nước ngọt cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố Đồng Hới bấy lâu, Bàu Tró còn là nơi tồn tại những dấu tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá.

Hồ Bàu Tró hiện vẫn giữ được vẻ nguyên dạng của ngày đầu sơ khai, giữa thành phố đông đúc ồn ào nhưng đến đây không gian rất yên tĩnh với tứ phía là rừng phi lao bạt ngàn. Chính vì vậy nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khắp nơi tìm về ngắm cảnh, chụp hình, thư giãn và tận hưởng bầu không khí trong lành.  

Đồi Cát Quang Phú

Đồi Cát Quang Phú cách bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình) 8 km chạy theo đường Trường Pháp sẽ đến. Đây là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi du lịch Đồng Hới. Đến đây bạn sẽ có những cảm giác như mình đang lạc vào sa mạc với những cồn cát trắng xóa, mịn màng trải dài miên man như câu nói quen thuộc “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”.

Những đồi cát mênh mông thiên nhiên tạo ra như thách thức bước chân ham muốn lang thang khám phá. Nằm ngay bên cạnh cồn cát đó là biển Quang Phú hoang sơ với hàng phi lao xanh ngát. Đồi Cát Quang Phú là nơi lý tưởng cho những ai thích chụp ảnh.

Chợ Đồng Hới

Đi về phía ngược lại, cũng theo đường bờ kè, khách sẽ đến chợ Đồng Hới, chợ lớn nhất của thành phố. Sát bên chợ là bến cá với ghe thuyền tấp nập.

Hải sản từ đây đưa lên bờ cung cấp cho thành phố. Bạn tha hồ mua sắm đủ loại từ áo quần, giày dép, đồ lưu niệm…Đây cũng là nơi có di tích bến đò tượng đài mẹ Suốt nổi tiếng.

Tượng Đài Mẹ Suốt

Mẹ Suốt là biểu tượng hào hùng của dân tộc ta, của nhân dân ta quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bến đò mẹ chèo năm xưa đã trở thành một Di tích lịch sử tiêu biểu ở Đồng Hới trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương và kính trọng: Bến đò mẹ Suốt.

Cạnh dòng Nhật Lệ xinh tươi hiền hoà, ngay giữa trung tâm của bến đò mẹ chèo ngày xưa, Tượng đài Mẹ Suốt được xây dựng uy nghi hoành tráng. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân của nhân dân Quảng Bình đối với Mẹ. Đồng thời giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương,  bồi đắp lý tưởng cách mạng cho mỗi người dân Quảng Bình mà đặc biệt là thế hệ trẻ Đồng Hới hôm nay.

Quảng Bình Quan

Tiếp tục hành trình khám phá một phía khác của Đồng Hới. Đầu tiên là Quảng Bình Quan – một biểu tượng đặc trưng của thành phố. Xưa kia đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc – Nam, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) công trình này được xây lại bằng gạch đá, năm 1961 được tu sửa lại.

Ngoài ra còn một cổng thành nữa mà người dân địa phương gọi là “Quảng Bình Quan nhỏ” cũng nằm trong thành phố gần khách sạn Sài Gòn Quảng Bình.

Thành cổ Đồng Hới

Khách cũng có thể thấy được di tích thành cổ Đồng Hới, một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh.

Di tích này hiện chỉ còn một số đoạn ngắn, có hào nước xung quanh. Thành nằm ở phường Hải Đình, đây là di tích kiến trúc – nghệ thuật thành luỹ quân sự. 

Bảo Tàng Quảng Bình

Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Khám phá thành phố Đồng Hới, bạn đừng quên dành thời gian đến tham quan Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình.

Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình tọa lạc tại đường Hùng Vương, ngay trung tâm thành phố Đồng Hới gần di tích kiến trúc cổ như Thành Đồng Hới, Quảng Bình quan.

Hiện tại, bảo tàng là nơi trưng bày hơn 15.000 tranh ảnh, hiện vật liên quan đến văn hóa người Việt thuộc nhiều thời kỳ gồm trống đồng, gạch xây thành quách xưa, vũ khí, đồ đồng, tượng gốm… và lịch sử, văn hóa mảnh đất Quảng Bình.

Đặc biệt bảo tàng hiện đang lưu giữ một bảo vật quốc gia, ấn quan tuần phủ Đô tướng quân bằng đồng. Đây là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan Tuần phủ Đô tướng quân của thời Lê sơ trên cả nước.

Quảng Trường Hồ Chí Minh – Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ Quảng Bình

Quảng Trường Hồ Chí Minh là biểu tượng thiêng liêng, là tấm lòng tri ân sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với Bác Hồ vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. 

Quảng Trường có diện tích 6,8ha với các hạng mục gồm: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tỉnh Quảng Bình, khu quảng trường, sân hành lễ, đường diễu hành, cây xanh, thảm cỏ… nằm trong khu vực Thành Cổ Đồng Hới gần bảo tàng tỉnh Quảng Bình trên đường Hùng Vương, thuộc phường Đồng Hải.

Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình nằm trong khuôn viên quần thể Quảng trường Hồ Chí Minh. Công trình xây dựng theo lối kiến trúc mái đình làng Việt cổ, có tháp chuông, tháp bia ghi lại lời căn dặn của Bác Hồ với quân và dân Quảng Bình ngày Bác về thăm.

Đây là điểm đến vô cùng ý nghĩa để du khách bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng Liệt sỹ đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác nằm ở phường Đức Ninh Đông, Đồng Hới là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái.

Trong chùa có tượng phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch nguyên khối; cao 9m; nặng 40 tấn – đây là một trong những tượng phật A Di Đà bằng đá cẩm thạch lớn nhất trong cả nước.

Thánh Đường giáo xứ Tam Tòa

Thánh Đường giáo xứ Tam Tòa tọa lạc tại đường Thống Nhất, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới. Thánh đường được xây dựng gần như là bằng đá, cực kỳ hoành tráng, hoa lệ, là tuyệt phẩm kiến trúc cực đẹp. Không gian phía ngoài cũng được trang hoàng lộng lẫy khiến du khách ngỡ như đang ở trời Âu.

Bán đảo Bảo Ninh

Đi qua cầu Nhật Lệ 1 lộng gió du khách sẽ tới Bán Đảo Bảo Ninh. Biển Bảo Ninh với bờ cát nguyên sơ mịn màng trải dài như vô tận, nơi tuyệt vời để trở thành bãi tắm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bạn có thể nghe những con sóng vỗ, dạo chơi trên bãi cát mịn và ngắm nhìn biển trời mênh mông vời vợi.

Nơi đây cũng sẽ mang đến cho bạn cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí, kỳ ảo của biển cả trong thời khắc bình minh và hoàng hôn. Bán đảo Bảo Ninh còn có Lăng Cá Ông với lịch sử hơn 200 năm mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển và di tích nhà thờ Bảo Ninh.

Ngoài ra bạn đừng quên thưởng thức hải sản tươi ngon tại các nhà hàng hay tìm hiểu cuộc sống mưu sinh bình dị của làng chài Bảo Ninh.

Cầu Nhật Lệ 2

Sau khi khám phá bán đảo Bảo Ninh, bạn có thể đi tiếp tới Cầu Nhật Lệ 2 điểm nhấn mỹ quan của phía Đông thành phố Đồng Hới được xem là biểu tượng của quá trình đổi mới đi lên của tỉnh Quảng Bình.

Cầu được thiết kế dây văng một trụ tháp, gồm 2 nhịp, chiều dài mỗi nhịp là 150 mét, có tháp cầu cao 98 mét dạng chữ A, hệ thống dây văng bố trí hình rẽ quạt 2 mặt phẳng dây đối xứng qua tim dọc cầu. Khi màn đêm buông xuống, cây cầu trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn lung linh huyền ảo.

Bóng của cây cầu đổ xuống mặt sông sáng lấp lánh. Đứng trên cầu Nhật Lệ 2, với tầm nhìn bao quát rộng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của dòng sông Nhật Lệ huyền thoại, tận hưởng làn gió mát rượi.

Phố đi bộ Đồng Hới

Phố đi bộ thành phố Đồng Hới được tổ chức vào khung giờ từ 18h đến 24h các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết tại 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Đồng Hải với chiều dài khoảng 1 km. Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực như bánh lọc, bánh bèo, cháo canh…, mua đồ lưu niệm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đến phố đi bộ, dạo chơi giữa không gian văn minh cùng trải nghiệm với những người dân địa phương vô cùng thân thiện và mến khách.

Khi du lịch Quảng bình tới thành phố này du khách có thể thoải mái đi dạo khắp thành phố, mà không sợ xảy ra tình trạng kẹt xe hay cướp giật như nhiều thành phố lớn khác.

Cảnh đẹp và sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây khiến bất kỳ ai đã đến Đồng Hới một lần, có lẽ không bao giờ quên.