Các dân tộc thiểu số tại Sapa- nét đẹp văn hóa đặc sắc cho địa điểm du lịch nổi tiếng này

Khách du lịch đến với Sapa không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mộng mơ mà còn yêu thích những giá trị văn hóa, nét đẹp đến từ chính con người sinh sống tại vùng đất núi rừng Tây Bắc này đó chính là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sapa. Hình ảnh về các dân tộc ở Sapa khiến Sapa trở thành điểm đến khám phá văn hóa Việt Nam hàng đầu đối với bạn bè quốc tế.

Tìm hiểu về văn hóa các dân tộc  là một trong những điểm hấp dẫn của Sapa

 

Sapa là một thị trấn nhỏ của huyện Sapa, Lào Cai, Tây Bắc Việt Nam, nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển với địa hình khá hiểm trở nên đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam  sống bằng nghề nông và các nghề thủ công. Có rất nhiều dân tộc cùng chung sống tại Sapa điển hình đó là: Dân tộc H’mong, Dân tộc Dao đỏ, dân tộc Tày, dân tộc Giáy, dân tộc Xá Phó. Cùng Cattour.vn tìm hiểu rõ hơn du lịch Sapa qua phong tục tập quán và truyền thống văn hóa riêng của mỗi dân tộc tại Sapa nhé!

Dân tộc H’Mông

 

Dân tộc H’mông là dân tộc chiếm số lượng người lớn nhất tại Sapa hiện nay (50% dân số Sapa nên bạn có thể bắt gặp người H’mông rất thường xuyên khi đi du lịch Sapa. Trang phục của người H’mông rất dễ để nhận biết: Nam giới thường mặc quần màu đen hoặc xanh đen, áo cánh ngắn tay giống như áo gile, vạt áo dài quá mông. Nam giới H’mông thường đồi mũ tròn, nông, ôm đỉnh đầu, mũ thường có màu đen tuyền hoặc có một vòng thêu thổ cẩm. Phụ nữ H’mông cũng thường mặc đồ màu đen, đội khăn đen, mặc áo khoác không có tay áo, vạt dài tới gối.

Trang phục truyền thống của người H’mông sinh sống tại Sapa

 

Cách tạo ra trang phục áo của phụ nữ người H’mông khá đặc biệt, vải áo được lăn ép bằng sáp ong nên màu áo có ánh bạc. Phụ nữ H’mông không mặc váy mà mặc quần ngắn ngang đầu gối và cuốn xà cạp quanh bắp chân bằng băng vải hẹp.

Người H’mông sinh sống tại Sapa chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và thủ công. Nông sản của người H’mông là ngô, lúa nương, khoai, mạch ba góc, ý dĩ, vừng, các loại rau củ…Ngoài ra người H’mông còn trông thuốc và các loại cây ăn quả nổi tiếng ở Sapa như táo, đào, mận…

Bản Cát Cát – bản làng nổi tiếng nhất Sapa là nơi sinh sống chủ yếu của người H’mông

 

Địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng của Sapa hiện nay đó là bản Cát Cát là nơi sinh sống chủ yếu của người H’mông. Đây là ngôi làng có lịch sử lâu đời vẫn còn lưu giữ những nghề thủ công truyền thống của dân tộc H’mông đó là: trồng bông dệt vải và chế tác trang sức truyền thống. Đến đây bạn sẽ được tìm hiểu và quan sát về cuộc sống sinh hoạt của người H’mông, tận mắt trông thấy cách người H’mông tạo ra những bộ trang phục truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản của Tây Bắc như thắng cố, rượu ngô, đậu xị…

Lễ hội Gàu Tào nổi tiếng của người H’Mông tại Sapa

 

Gàu Tào là lễ hội nổi tiếng nhất của người H’Mông, đây là cơ hội để người H’mông có khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khoảng thời gian dài lao động vất vả, cất tiếng hát những bài dân ca. Những bài dân ca được thể hiện thông qua câu hát và giãi bày qua nhạc cụ dân tộc truyền thống của người H’mông như sáo, khèn, kèn và đàn môi.

Dân tộc Dao Đỏ

 

Người Dao Đỏ ở Sapa có số lượng người chỉ sau người H’mông. Nơi tập trung đông đúc người Dao Đỏ nhất tại Sapa đó là bản Tả Phìn. Bản làng này còn gìn giữ những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người Dao Đỏ nên cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch đến đây tham quan, tìm hiểu tròn chuyến du lịch Sapa của mình.

Người Dao Đỏ sinh sống tại Sapa tập trung đông nhất ở bản Tả Phìn

 

Bạn có thể dễ dàng nhận ra người Dao Đỏ sinh sống tại Sapa thông qua trang phục của họ. Người Dao Đỏ thường mặc những bộ  trang phục truyền thống với màu sắc sặc sỡ, đàn ông thường búi tóc sau gáy, mặc áo ngắn có màu chàm hoặc màu đen. Trang phục của nữ giới Dao Đỏ rất rực rỡ với 5 màu và màu đỏ là màu chủ đạo. Tóc của phụ nữ người Dao Đỏ để dài quấn quanh đầu bằng khăn có hình tam giác với màu đỏ đặc trưng.

Đồng bào dân tộc Dao Đỏ thu hoạch lúa thủ công

 

Người Dao Đỏ thường chọn những thung lũng hoặc lưng chừng núi là nơi dựng nhà sinh sống của dân tộc mình. Chọn vị trí thấp hơn để dựng nhà với mục đích trồng trọt lúa ngô cây ăn quả một cách dễ dàng và tiện hơn cho bà con. Nhà của người Dao Đỏ thường được xây bằng đất có 3 hoặc năm gian với 2 gian bếp, một để sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình vào mùa đông lạnh giá, một để nấu ăn. Người Dao đỏ thường có thói quen dự trữ đồ ăn khô tại căn bếp của mình để dụng khi cần và tránh những khoảng thời gian khó khăn.

Lễ Cấp Sắc của người Dao Đỏ là lễ hội với ý nghĩa giáo dục sâu sắc

 

Lế cấp sắc là lễ hội điển hình và đặc trưng nhất, mang ý nghĩa quan trọng nhất đối với người Dao Đỏ. Lễ cấp sắc được tổ chức với mục đích công nhận là con cháu của “Bàn Vương”- tổ tiên của người Dao Đỏ. Người con trai Dao Đỏ phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 ngọn đèn trở lên mới được công nhận là con cháu của người Dao Đỏ (thường có bậc 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn). Đây là lễ hội mang tính giáo dục con cháu rất cao của người Dao Đỏ, mong muốn con cháu luôn nhớ về nguồn cội của mình và của tổ tiên dân tộc. Muốn tham gia lễ lội này của người Dao Đỏ du khách có thể đến Sapa vào những dịp cuối năm tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm- khoảng thời gian nhàn rỗi của đồng bào Dao Đỏ.

Dân tộc Tày

 

Đứng sau người H’mông và người Dao Đỏ về số lượng người sinh sống tại Sapa, người Tày là dân tộc thiểu số đông dân thứ 3 tại vùng đất Tây Bắc này. Dân tộc Tày là một trong những dân tộc hình thành rất sớm tại Việt Nam, người Tày sử dụng ngôn ngữ Tày Thái. Người Tày thường tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam của Sapa như Bản Hồ, Nậm Sài, Thanh Phú và thường là những vùng thung lũng có nhiều sông suối màu mỡ ở Sapa.

Trang phục truyền thống của nữ giới người Tày

 

Trang phục truyền thống của người Tày rất dễ để nhận ra bởi thiết kế khá đơn giản. Nam giới và nữ giới người Tày mặc áo cánh bốn thân xẻ ngực màu chàm thẫm hay xanh đen, cổ áo tròn có hai túi ở vạt áo trước, thắt lưng bằng vải bản rộng quấn quanh eo có nhiều kim tuyến. Vào những ngày lễ hội, tết người Tày mặc thêm áo dài năm thân xẻ nách phải có cúc cải hoặc cúc đồng.

Cặp đôi dân tộc Tày với trang phục truyền thống

 

Người Tày nổi tiếng với làn điệu dân ca hát lượn, hát khắp. Hát khắp gần giống với hát quan họ của người Bắc Ninh còn hát lượn thì thường được biểu diễn trong những đêm hội hè có khách từ nhiều nơi đến thăm. Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Sapa thường được tổ chức vào tháng giêng hàng năm mang tên lễ Lồng Tồng tại bản Tả Van với mong ước Thần Nông mang đến cho người Tày những vụ mùa tươi tốt, người dân sống ấm no hạnh phúc.

Muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người Tày du khách có thể đến tham quan bản Hồ tại Sapa

 

Nếu muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Tày thì du khách có thể đến bản Hồ. Đến đây khách đi tour Sapa từ Hà Nội sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người Tày qua những sinh hoạt hàng ngày của người địa phương như ngủ nhà sàn, thường thức những món ăn đặc sản như cá suối, thịt lợn cắp nách hay tự tay quay sợi dệt thổ cẩm, tham gia vào những hoạt động giải trí của người Tày đó là múa xòe, múa sạp…

Dân tộc Giáy

 

Dân tộc Giáy ở Sapa tập trung chủ yếu ở các bản làng quanh thung lũng Tả Van. Đây là bản làng được rất nhiều khách du lịch ghé thăm thường xuyên khi đi du lịch Sapa vì nét đẹp văn hóa hòa quyện với nét đẹp thiên nhiên rất độc đáo. Người Giáy thường sống ở thung lũng để tiện cho việc chăn nuôi và chăm sóc cây trồng. Ngoài trồng lúa tẻ, người Tày thường nuôi gà, vịt, ngựa, trâu để có kinh tế cho gia đình,

Trang phục truyền thống của nam giới và nữ giới người dân tộc Giáy

 

Trang phục của người Giáy không cầu kỳ như người Dao Đỏ mà rất giản dị ít thêu thùa, chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Người Giáy nấu cơm khá cầu kỳ, thường luộc gạo gần chín rồi cho vào chõ để đồ cho chín hẳn và dùng nước luộc gạo để uống.

Nét đẹp mộc mạc của người Giáy Sapa

 

Lễ hội lớn nhất của người Giáy ở Sapa đó là lễ hội “Gióng Pooc” diễn ra vào tháng Giêng hàng năm với mong muốn cầu cho một một năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, người dân sống ấm no, hạnh phúc. Người Giáy có kho tàng văn học, ca giao phong phú, các sự tích để giải thích cho các hiện tượng thiên nhiên. Muốn tham gia lễ hội của người Giáy du khách có thể sắp xếp khoảng thời gian đi du lịch Sapa vào dịp đầu năm mới.

Dân tộc Xá Phó

 

Dân tộc Xá Phó nghe rất xa lạ với hầu hết người dân Việt Nam vì đây là dân tộc thuộc nhóm dân tộc Phù Lá rất ít người. Trên toàn đất nước Việt Nam số lượng người thuộc dân tộc này chỉ có vỏn vẹn 4000 người. Ở Sapa cũng không có quá nhiều người Xá Phó sinh sống, người Xá Phó thường cư ngụ tại các bản làng ở xã Nậm Sài phía nam huyện Sapa. Đây là vùng đất hẻo lánh, đường đi khó khăn nên ít tiếp xúc với những khu đông dân khác ở Sapa

Xá Phó là một trong những dân tộc ít người ở Sapa

Xem thêm: Những lưu ý không được bỏ qua cho chuyến du lịch Sa Pa tự túc

 

Người Xá Phó cũng giống với hầu hết các dân tộc ít người khác đó là sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đồng bào Xá Phó canh tác trên các ruộng nương, các ngọn đồi cùng nhau rất đoàn kết và gắn bó. Nhà truyền thống của người Xá Phó đó là nhà sàn có thêm các lán nhỏ để làm kho thóc. Ngoài làm nông, người Xá Phó còn nuôi gia súc, gia cầm, trồng bông dệt vải, đan lát mây tre để có thu nhập.

Người Xá Phó rất hiếu khách và thân thiện, tiếp đón khách đến chơi rất chu đáo

 

Người Xá Phó ở Sapa rất ít nhưng lại vô cùng hiếu khách và thân thiện nên nếu có cơ hội đến Sapa khách du lịch cũng có thể ghé đến thăm quan các bản làng của người Xá Phó để được nghe những điệu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc ít người này qua những cô gái, chàng trai nơi đây tiếp đón.

Trên đây là giới thiệu về các dân tộc sinh sống ở Sapa hiện nay, ngoài khám phá thiên nhiên Sapa đẹp ngất ngây thì việc tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của Sapa thông qua các dân tộc sinh sống ở nơi đây cũng là trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách trong nước và cả bạn bè quốc tế. Chuyến đi Sapa không chỉ giúp bạn được thư giãn, ngắm cảnh đẹp mà còn là cơ hội để các dân tộc Việt hiểu nhau và đoàn kết, yêu thương lẫn nhau hơn và hiểu về sự đa dạng văn hóa, trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

Chúc bạn có chuyến du lịch Sapa nhiều niềm vui và ý nghĩa cùng bạn bè và người thân của mình nhé!

Nguyễn Thanh Tuyền / Cattour.vn – Ảnh: Internet