Các giá trị của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – Du Lịch Phong Nha

Các giá trị của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở khu vực Trung trung bộ của Việt Nam, phía Tây của tỉnh Quảng Bình; cách thành phố Đồng Hới 40 km về phía Tây, cách Thủ đô Hà Nội 500 km về phía Nam. Tọa độ địa lý: 170 21’12” – 170 44’59” vĩ độ Bắc, 1050 46’24” – 1060 24’19” kinh độ Đông.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là khu Karst mang ý nghĩa quan trọng toàn cầu đã được được biết đến từ những năm 1920 của thế kỷ trước với những hang động nổi tiếng, đã được người Pháp tổ chức du lịch từ năm 1937.

Các giá trị của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phong Nha đã được đưa vào danh sách các khu rừng đặc dụng từ năm 1986 và chính thức trở thành Vườn quốc gia vào tháng 12 năm 2001. Với những giá trị nổi bật toàn cầu đại diện cho quá trình lịch sử trái đất và địa chất, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào tháng 7 năm 2003.

Cho đến nay, Động Phong Nha và hệ thống hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được thám hiểm và đo vẽ lên đến 163 hang với tổng chiều dài đạt trên 143,5 km. Đã phát hiện một hố sụt Kast sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255 m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á. Hố sụt này được đánh giá có độ tuổi hơn 400 triệu năm.

Đặc biệt là việc phát hiện mới về hang động lớn nhất thế giới – Hang Sơn Đoòng gắn với tên tuổi của các nhà thám hiểm hang động và người địa phương. Có thể nói phát hiện Hang Sơn Đoòng có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 10 năm qua. Phát hiện này là một đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và du lịch Quảng Bình ra thế giới.

Phong Nha – Kẻ Bàng là một mẫu điển hình về những trị của các hệ sinh thái núi đá vôi trên thế giới, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay, đã xác định sự có mặt của 2.694 loài thực vật thuộc 907 chi, 193 họ; 395 loài động vật không xương sống và 849 loài động vật có xương sống thuộc 460 giống, 160 họ, 42 bộ.

Trong đó, có 35 loài thực vât, 82 loài động vật nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; 79 loài thực vật, 99 loài động vật trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 66 loài động vật trong Sách Đỏ IUCN 2006. Có tới 28 loài động thực vật có giá trị kinh tế và khoa học cao đang bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu.

Sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng cho 9/21 loài linh trưởng (43% linh trưởng của Việt Nam) sinh sống. Có 3 loài linh trưởng đặc hữu của dãy Trường Sơn là Voọc hà tĩnh, Voọc vá chân nâu, Vượn bạc má, trong đó có 1 phân loài là Voọc Hà Tĩnh đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng lân cận.

Với diện tích núi đá vôi và thảm thực vật rừng nguyên sinh rộng lớn đã tạo ra cho khu hệ Dơi của Vườn quốc gia đa dạng nhất ở Việt Nam với 46 loài, chiếm 43% tổng số loài của Việt Nam. Như vậy, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những điểm có tiềm năng lớn nhất Việt Nam và thế giới về bảo tồn các loài Dơi.

Đặc điểm về vị trí địa lý đã tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một địa điểm quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu. Vườn quốc gia là nơi có mặt của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam trong đó có 28 loài Lan, có 2 loài mới đặc hữu rất hẹp, chỉ thấy ở Vườn quốc gia  và các khu vực núi đá là Bách xanh núi đá Calocedrus rupestris và Oligoceras eberhardtii. Có tới 41 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn, trong đó có 30 loài đặc hữu cho Việt Nam, đặc biệt có tới 23 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Vườn quốc gia.

Các nhà khoa học khẳng định rằng VQG Phong Nha Kẻ bàng chắc chắn còn nhiều tiềm ẩn lý thú về đa dạng sinh học cho công tác nghiên cứu khoa học. Bằng chứng là chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây các nhà khoa học đã phát hiện 1 loài thực vật, 1 loài chim, 6 loài bò sát, 1 loài lưỡng thê, 12 loài và phân loài cá, và 2 loài bướm mới cho khoa học.

Không một khu bảo tồn nào gây được sự chú như Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đối với các nhà sinh học vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.Năm 2011, một loài thú nhỏ được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm vừa mới được tái phát hiện tại khu vực mở rộng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. “Hóa thạch sống” này có tên là Chuột đá .

Phát hiện này đã bổ sung vào danh lục Thú Việt Nam lên đến 322 loài. Những phát hiện trên đây đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với các nhà sinh học của Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu đã góp phần bảo tồn có hiệu quả một số loài động thực vật bản địa quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng tự nhiên, đóng góp thêm nhiều thông tin và cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ.

Với những giá trị về đa dạng sinh học nói trên, hiện nay Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn là nơi có lịch sử lâu dài chứng minh những bản sắc văn hóa của hai tộc người Arem và Rục, hai trong số các tộc người có dân số ít nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Những giá trị đa dạng sinh học cũng như những giá trị tiềm ẩn của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ trở thành dịch vụ khoa học quý báu cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội. Bảo tồn di sản Phong Nha – Kẻ Bàng chính là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà đối với toàn nhân loại.

Kể sao cho hết những giá trị tiềm ẩn bên trong của vườn quốc giá Phong Nha Kẻ Bàng. Chúng ta vô cùng tự hào, hãnh diện với nhân loại rằng “chúng ta có Phong Nha kẻ Bàng”.