Các hãng xe ôtô Trung Quốc lấy đà chinh phục thị trường Việt Nam

LÂM ANH

  –  

Thứ bảy, 25/02/2023 11:46 (GMT+7)

Trong số các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xe ôtô hiện nay, Trung Quốc hiện đang đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan với 17.340 xe với tổng kim ngạch hơn 714 triệu USD trong năm 2022. Trong năm 2023, nhiều hãng xe từ Trung Quốc đang mở đường quay lại chinh phục người tiêu dùng nước ta.

Các hãng xe ôtô Trung Quốc lấy đà chinh phục thị trường Việt NamChery đã xác nhận Omoda 5 là mẫu xe đầu tiên của hãng được mở bán tại Việt Nam. Ảnh: Chery

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy trong năm 2022, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 17.340 xe với tổng kim ngạch hơn 714 triệu USD. Con số này tương đối khiêm tốn nếu đặt cạnh lượng xe nhập khẩu từ thị trường khác như Indonesia (72.671 xe, giá trị kim ngạch 1,053 tỉ USD) hay Thái Lan (72.032 xe, giá trị kim ngạch 1,429 tỉ USD). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 3 cung cấp ôtô cho thị trường Việt Nam.

Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ so với các nước trong khu vực, đây đã trở thành điểm cộng trong mắt những tập đoàn ôtô đến từ Trung Quốc.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, năm 2022, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 404.635 xe, tăng trưởng 33% so với thành tích của năm 2021. Theo số liệu của Hiệp hội Sản xuất ôtô Đông Nam Á (AAF), doanh số nói trên đã giúp Việt Nam trở thành thị trường ôtô lớn thứ tư khu vực, xếp sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Hiện tại, Chery, Haima, Wuling (thuộc liên doanh GM – SAIC – Wuling) là những thương hiệu xe ôtô có động thái xác nhận quay lại chinh phục thị trường Việt Nam. Trong đó, Chery là nhà sản xuất ôtô công khai kế hoạch quay lại Việt Nam sớm nhất. Từ năm ngoái, Chery đã xác nhận sẽ mang thương hiệu Omoda trở lại Việt Nam với mẫu xe đầu tiên mang tên Omoda 5.

Mẫu xe gầm cao Beijing X7 đang được bán tại Việt Nam. Ảnh: Beijing.Mẫu xe gầm cao Beijing X7 đang được bán tại Việt Nam. Ảnh: Beijing.

Trong số những cái tên vừa nêu, cả Chery, Haima lẫn Wuling đều đã từng có thời gian kinh doanh ôtô tại thị trường Việt Nam nhưng kết quả không như kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường xe trong những năm trở lại đây, các hãng xe này đã một lần nữa quyết định chinh phục khách hàng Việt.

Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có một vài lựa chọn ôtô Trung Quốc chính hãng bao gồm Beijing của tập đoàn BAIC hay các mẫu xe đến từ thương hiệu Hongqi.

Với việc nhiều hãng ôtô Trung Quốc tuyên bố mở nhà máy hoặc thiết lập kênh phân phối chính thức tại Việt Nam, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm nhiều lựa chọn ôtô mới bên cạnh những thương hiệu đã khá quen thuộc đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Từ đó, sự đa dạng về mẫu mã, mức giá và cạnh tranh về chế độ hậu mãi cũng có thể sẽ tăng lên. Doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam về cuối năm sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sau giai đoạn đầu năm 2023.