Các hoạt động tìm về hương vị ẩm thực xứ Quảng

THUỲ TRANG

  –  

Thứ bảy, 21/01/2023 07:09 (GMT+7)

Ẩm thực là một trong những thứ lưu giữ văn hoá và là di sản mà các thế hệ cộng đồng cùng nhau giữ gìn. Trong mỗi món ăn, đặc sản hay dù là thức quà ăn chơi của mỗi địa phương đều gắn liền với đời sống tinh thần lẫn tâm linh của con người nơi đó. Ẩm thực Đà Nẵng là một ví dụ.

Các hoạt động tìm về hương vị ẩm thực xứ Quảng
Ấm thực xứ Quảng luôn hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Thuỳ Trang

Đầu năm 2023, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức góp ý dự thảo “Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng” nhằm đa dạng hóa và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ẩm thực của người Đà Nẵng có nguồn gốc từ xứ Quảng nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung được hình thành từ xa xưa. Các món ăn tuy được chế biến đơn giản, hình thức mộc mạc nhưng vẫn luôn mang đến một nét riêng.

Chính vì vậy, lựa chọn chủ đề “Ẩm thực Đà Nẵng – Hương vị và Ký ức” nhằm chào mừng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam hồi tháng 11.2022, Bảo tàng Đà Nẵng đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham dự với nhiều hoạt động đa dạng.

Tại đó, triển lãm ảnh “Ẩm thực phố Đà Nẵng” với 68 hình ảnh về không gian văn hoá ẩm thực Đà Nẵng xưa và nay giúp người dân và du khách hiểu thêm về những hoạt động liên quan đến văn hóa ẩm thực tại TP Đà Nẵng qua những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn nhưng mang đậm tính nhân văn.

  Nhiều chương trình tìm hiểu ẩm thực địa phương thu hút người dân. Ảnh: Thuỳ Trang  

Văn hóa ẩm thực Đà Nẵng không chỉ trong những nhà hàng, quán ăn mà còn hiện diện ở trong từng con đường, góc phố, trên vỉa hè và cả những gánh hàng rong lưu động.

Không chỉ được nhìn, những ngày hội ẩm thực Đà Nẵng được lồng ghép trong nhiều chương trình du lịch còn đặc biệt hấp dẫn khách tham quan với không gian văn hóa ẩm thực với của gian hàng trải nghiệm thực tế và giới thiệu các món ăn truyền thống của người Đà Nẵng.

Đó là nước mắm Nam Ô tiến vua nổi danh, là bánh khô mè, bánh tráng Tuý Loan giòn rụm thơm lừng mà cứ những mùa cận Tết, những lò bánh lại đỏ lửa sáng đêm. Đặc biệt, tô mì Quảng Túy Loan, mì Quảng Phú Chiêm, bánh tráng cuốn thịt heo, cá nục cuốn bánh tráng, bún chả cá, bún mắm, gỏi cá Nam Ô, cháo chờ Nam Ô đã thu hút hàng trăm lượt khách đến thưởng thức và trải nghiệm thực tế quy trình chế biến một số món ăn ẩm thực truyền thống.

Lưu giữ văn hoá bền vững, nền tảng phát triển du lịch

Với người dân Đà Nẵng nói riêng, xứ Quảng nói chung, tô mì Quảng không chỉ là món ăn mà còn là niềm nhớ nhung. Bởi, để làm nên tô mì Quảng ngon, những người phụ nữ trong gia đình phải bỏ công tìm con tôm tươi, miếng thịt ngon làm nhân. Nồi nước chan ở Phú Chiêm, Quảng Nam thì không thể thiếu cua mềm nhưng cũng nồi nước đó nếu ở vùng quê Đà Nẵng thì làm dùng gà để ninh. Tô mì Quảng vì vậy mà mỗi vùng qua bàn tay khéo léo của người nấu lại cho một hương vị mới, đậm đà và khó quên.

Nhà nghiên cứu mì Quảng ông Lê Minh Dương, tác giả tập sách “Mì Quảng: Tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực” chia sẻ, bao thế hệ người Quảng Nam, Đà Nẵng không chỉ truyền lại cho con công thức món mì Quảng mà còn nhắc nhau nhớ những câu ca dao “Thương nhau múc bát chè xanh. Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”, hay bài hát “Ai mì Quảng không” với hình ảnh dáng mẹ, tiếng rao quang gánh trưa hè…

   Mì Quảng – món ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Ảnh: Thuỳ Trang

Khi món ăn đã đi vào thơ ca dân gian, qua lời ru của mẹ và trở thành niềm nhớ của bất kì người con nào khi xa quê hương thì tức là nó đã trở thành văn hoá của một vùng đất.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 cơ sở ăn uống và 200 nhà hàng, trong đó hơn 2.000 cơ sở ăn uống có quy mô nhỏ và vừa phục vụ món ăn các vùng miền Việt Nam. Các món ăn tại Đà Nẵng tương đối đa dạng về chủng loại, từ đặc sản địa phương đến các món quốc tế.

Các cơ sở ăn uống phân khúc bình dân, tầm trung đáp ứng tương đối nhu cầu của du khách, tuy nhiên, thành phố thiếu các cơ sở cao cấp hoặc có sự khác biệt rõ rệt trong trải nghiệm ẩm thực, đặc biệt đối với các món ăn đặc sản vùng miền…

Vậy nên, để thực sự đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng, các cấp ngành tại Đà Nẵng sẽ phải đánh giá thực trạng khai thác kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố để có cơ sở định hướng phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch; làm rõ nghĩa về sự “chuẩn vị”, ẩm thực địa phương, ẩm thực đường phố; định hướng phát triển sản phẩm Đà Nẵng theo các nhóm, phân khúc và tiêu chuẩn; phát triển nguồn nhân lực dịch vụ nhà hàng và ăn uống (F&B), đề xuất cơ chế chính sách phát triển đào tạo nhân lực…

Với những nỗ lực đó, những tô mì Quảng hay chiếc bánh xèo khi đến với du khách sẽ trọn vị, trọn tình nhất có thể!