Các khái niệm về du lịch sinh thái
Thực sự đã có nhiều nhà khoa học danh tiếng tiên phong nghiên cứu lĩnh vực này, điển hình như:
Hector Ceballos-Lascurain- một nhà nghiên cứu tiên phong về du lịch sinh thái(DLST), định nghĩa DLST lần đầu tiên vào năm 1987 như sau: “Du lịch sinh thái là du lịch đến những khu vực tự nhiên ít bị ô nhiễm hoặc ít bị xáo trộn với những mục tiêu đặc biệt: nghiên cứu, trân trọng và thưởng ngoạn phong cảnh và giới động-thực vật hoang dã, cũng như những biểu thị văn hoá (cả quá khứ và hiện tại) được khám phá trong những khu vực này” trích trong bài giảng Du lịch sinh thái của Nguyễn Thị Sơn.
Năm 1994 nước Úc đã đưa ra khái niệm “DLST là Du lịch dựa vào thiên nhiên, có liên quan đến sự giáo dục và diễn giải về môi trường thiên nhiên được quản lý bền vững về mặt sinh thái”.
Theo Hiệp hội DLST Hoa Kỳ, năm 1998 “DLST là du lịch có mục đích với các khu tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa và lịch sử tự nhiên của môi trường, không làm biến đổi tình trạng của hệ sinh thái, đồng thời ta có cơ hội để phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi ích tài chính cho cộng đồng địa phương”.
Một định nghĩa khác của Honey (1999) “DLST là du lịch hướng tới những khu vực nhạy cảm và nguyên sinh thường được bảo vệ với mục đích nhằm gây ra ít tác hại và với quy mô nhỏ nhất. Nó giúp giáo dục du khách, tạo quỹ để bảo vệ môi trường, nó trực tiêp đem lại nguồn lợi kinh tế và sự tự quản lý cho người dân địa phương và nó khuyên kích tôn trọng các giá trị về văn hóa và quyền con người”.
Ở Việt Nam vào năm 1999 trong khuôn khổ hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái đã đưa ra định nghĩa như sau: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn”.
Năm 2000, Lê Huy Bá cũng đưa ra khái niệm về du lịch sinh thái “DLST là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên làm đối tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức những cảnh quan hay nghiên cứu về các hệ sinh thái. Đó cũng là hình thức kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch với giới thiệu về những cảnh đẹp của quốc gia cũng như giáo dục tuyên truyền và bảo vệ, phát triền môi trường và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”.
Trong luật du lịch năm 2005, có một định nghĩa khá ngắn gọn “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”. Theo quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, do bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2007, thì Du lịch Sinh thái được hiểu là “Du lịch sinh thái: Là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững”.
Theo Hiệp hội Du lịch Sinh Thái (The Internatonal Ecotourism society) thì “DLST là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương”.
Qua tìm hiểu các khái niệm trên ta có thể thấy rằng các khu bảo tồn và VQG là nơi phù hợp nhất, bởi đây chính là nơi có nhiều yếu tố hấp dẫn khách du lích sinh thái.
Những yếu tố này có thể là một hoăc nhiều loài động thực vật quý hiếm và đặc hữu, cuộc sống hoang dã phong tục tập quán, tính đa dạng sinh học cao, địa hình hùng vĩ, các khu di tích lịch sử hoặc văn hóa đương đại, mang tính đặc thù trong điều kiện tự nhiên. Những yếu tố này sẽ làm lợi cho các đơn vị tổ chức du lịch sinh thái và cộng đồng địa phương do vậy các yếu tố này sẽ được bảo vệ tốt, chính đây là mối quan hệ giữa du lịch và các Khu bảo tồn và VQG.
Ở Việt Nam nói chung và ở VQG nói riêng, một yếu tố gây hấp dẫn cho khách du lich đó là những thông tin về Đa dạng sinh học, những phát hiện mới về các loài động thực vật và những cảnh đẹp thiên nhiên. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng các khách đến với các khu bảo tồn và VQG không hẳn là khách Du lịch sinh thái, mà họ chỉ có những sở thích về muốn khám phá cảnh đẹp, do vậy họ chỉ lựu lại những khu vực này với thời gian rất ngắn, họ không muốn có những trải nghiệm thực sự với thiên nhiên. Nhưng không là quan trọng miễn là chúng ta có cách quản lý tốt, họ cũng là những nguồn thu lợi hiệu quả góp phần vào cho việc bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân ở đây như một giải pháp trước mắt, nhưng đó không phải là đối tượng chính cho của hoạt động du lịch sinh thái. Mà các hoạt động du lịch sinh thái ở đây phải được xây dựng bám sát định nghĩa về du lịch sinh thái. Nhằm đảm bảo rằng phát triển du lịch sinh thái không làm tổn hại đến VQG và tăng nguồn thu nhập một cách bền vững cho cộng đồng địa phương bằng các hoạt động du lịch sinh thái.
Hiện nay DLST đang đóng một vai trò quan trọng trong nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên và phát triển cảnh quan, các mục tiêu của DLST có liên quan đến các khu bảo tồn thiên nhiên là:
– Sự tương thích về mặt sinh thái và văn hóa của phát triển du lịch là một điều kiện quan trọng.
– Phát triển Du lịch phải hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn ở các khu BTTN và VQG.
– Tạo thu nhập cho người dân địa phương.
– Góp phần quan trọng nhằm thuyết phục mọi người chấp nhận bảo tồn thiên nhiên là một kết quả gián tiếp của các tác động kinh tế
Du lịch sinh thái là cách tốt nhất nhằm giúp cả cộng đồng địa phương và các KBTTN & VQG. Đó cũng là một hợp phần lý tưởng của chiến lược phát triển bền vững trong đó tài nguyên thiên nhiên được sử dụng như một yếu tố thu hút khách du lịch mà không gây tác hại tới thiên nhiên của khu vực. Là một công cụ quan trọng trong quản lý các KBTTN & VQG. Tuy vậy phát triển DLST phải đảm bảo được phát triển phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.