Các loại máy tập đạp xe trong nhà

Giãn cách xã hội khiến các cua-rơ hay VĐV triathlon phải tìm đến phương pháp tập bằng máy đạp xe trong nhà, với hai dòng phổ dụng.

Máy đạp xe trong nhà turbo trainer (hay ở Việt Nam còn gọi là ru-lô) đang trở thành phong trào trong giới đạp xe và triathlon. Trước những năm 2010, chỉ các đội đua chuyên nghiệp mới có điều kiện sử dụng các thiết bị này do giá thành đắt đỏ. Nhưng hiện nay, turbo trainer trở thành các thiết bị thông dụng và phổ biến. Cộng thêm việc giãn cách xã hội do Covid-19, máy đạp xe ở nhà càng trở nên quen thuộc hơn.

Trong bài viết dưới đây, HLV Phạm Minh Quang, đồng thời là Giám đốc CLB BoiDapChay (Bơi Đạp Chạy), người có kinh nghiệm sử dụng nhiều loại turbo trainer trong sáu năm nay sẽ giới thiệu tổng quan các loại turbo trainer kèm giá tiền, ưu và nhược điểm. Các VĐV triathlon của CLB BoiDapChay gần như 100% sử dụng turbo trainer để tập luyện hàng ngày

Nhìn chung, trên thị trường hiện nay có hai loại turbo trainer chính, gồm: Magnetic trainer và Smart trainer

Magnetic trainer

Gọi là magnetic trainer vì cơ chế của loại trainer này dùng các thỏi nam châm (magnet) để tạo ra lực cản khi đạp. Các thỏi nam châm với cực khác nhau được bố trí trong trục cạnh con lăn như hình dưới. Khi đạp, trục đó sẽ quay, và bên trong các cục nam châm sẽ gây ra lực cản để đạp có lực hơn.

Loại turbo trainer này rất dễ nhận diện vì thường đi kèm một sợi dây dài, một đầu gắn với cục nam châm chặn bánh xe, một đầu là núm gạt để chỉnh độ nặng khi đạp.

Các loại máy tập đạp xe trong nhà

Thông thường, một máy loại này có năm cấp độ nặng nhẹ (cấp 1 là nhẹ nhất, mô phỏng đường bằng phẳng; cấp 5 đạp rất nặng chân).

Điểm cộng:

– Giá rẻ, khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng.

– Trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển

Điểm trừ:

– Độ ồn cao, gây khó chịu.

– Khó lắp đặt: do thiết kế chặn bánh xe đạp để tạo lực cản, bạn cần căn chỉnh để chặn bánh xe vừa đủ – không quá nhẹ (đạp bị trượt chân) nhưng không quá nặng (sẽ không đạp nổi). Đây là chi tiết rất khó chịu nếu bạn mới dùng thiết bị lần đầu.

– Khó sử dụng: các cấp độ nặng nhẹ không đều nhau. Cấp 1 có thể rất nhẹ, nhưng tới cấp 2 đã khá nặng chân, cấp 3 có thể không đạp nổi sau 10 giây còn cấp 4-5 thì…chưa dám thử.

Đánh giá:

Loại turbo trainer này không thực sự hữu dụng. Tiếng ồn quá lớn và khó sử dụng khiến việc mua loại turbo trainer gần như đồng nghĩa với việc phí tiền, nhưng không sử dụng được.

Tiếng ồn thực tế của trainer magnetic

 

 

Tiếng ồn thực tế của trainer magnetic

Độ ồn thực tế của turbo trainer.

Smart trainer

Gọi là smart trainer (máy tập thông minh) vì loại máy đạp xe này có thể đồng bộ với điện thoại hoặc laptop qua cổng bluetooth hoặc ANT+. Người dùng có thể tùy chỉnh độ nặng nhẹ của máy qua app của nhà sản xuất, nên smart trainer có độ chính xác hơn nhiều so với loại trainer dùng nam châm nói trên.

Smart trainer cũng là loại thiết bị duy nhất tích hợp thông số lực đạp (watt) khi đạp trên máy mà không cần mua máy đo lực riêng. Nhờ thông số này, người dùng có thể biết chính xác bản thân đang đạp ở cường độ nào.

Ngoài ra, ưu điểm số một của smart trainer là khả năng đồng bộ với các app như Zwift hay Rouvy bằng bluetooth. Các app này cho phép bạn giả lập cung đường đạp giống hệt như thực tế. Điều đó có nghĩa là khi sử dụng app, nếu cung đường trên app lên dốc thì tự động smart trainer sẽ tăng độ nặng tương ứng, tạo cảm giác giống hệt như đạp ở ngoài đường. Vì thế, các thiết bị smart trainer rất được ưa chuộng, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội khiến mọi người phải ở trong nhà.

Đạp xe thực tế ảo với smart trainer

 

 

Đạp xe thực tế ảo với smart trainer

Đạp xe thực tế ảo với smart trainer.

Điểm cộng:

– Êm nhất trong các loại trainer

– Mô phỏng tốt nhất đạp thực tế

– Có khả năng đồng bộ với app và tự động thay đổi lực cản

Điểm trừ:

– Rất nặng (tầm 15-20kg tùy loại)

– Giá đắt, từ 17 triệu trở lên

Lưu ý khi chọn smart trainer

Người chơi nên chọn smart trainer là hàng phân phối chính hãng ở Việt Nam và có chế độ bảo hành. Vì giá tiền cao, chúng ta cần được một chế độ hậu mãi tốt sau khi mua hàng. Tuyệt đối tránh mua qua mạng, tránh mua hàng xách tay và nếu được, nên mua sản phẩm mới, không mua đồ cũ.

Các loại máy này rất nặng, lên tới hơn 20kg, vì vậy nếu có vấn đề bạn sẽ không thể gửi lại cho nhà sản xuất ở nước ngoài để bảo hành. Và nếu máy hỏng ở bộ phận điện tử, nếu không có bảo hành, thì không một cửa hàng điện tử nào ở Việt Nam có thể sửa cho bạn. Do đó, lựa chọn tốt nhất là mua chính hãng, có chế độ bảo hành ở Việt Nam. Khi đi bảo hành, người dùng không để cửa hàng tự ý mở máy ra để sửa chữa. Các nhà phân phối đảm bảo sản phẩm sẽ được bảo hành theo đúng quy trình, có thể đổi sản phẩm nếu cần, và nếu tự ý mở sản phẩm để sửa có thể dẫn đến việc không được chấp nhận bảo hành.

Trên thị trường Việt Nam, trainer của hãng Tacx đảm bảo được các tiêu chí nêu trên. Tacx là hãng sản xuất trainer của Hà Lan, có tuổi đời hơn 60 năm (thành lập năm 1957) và đặc biệt được Garmin mua lại từ 2019. Vì vậy, vô hình chung, smart trainer của Tacx được thừa hưởng hệ thống phân phối của Garmin ở Việt Nam cũng như chế độ bảo hành, đổi mới giống đồng hồ Garmin. Đây là ưu điểm nổi bật mà người dùng cần lưu ý khi mua hàng giá trị cao.

Điều thứ hai cần lưu ý khi mua smart trainer là nên chọn loại Direct-drive, nghĩa là gắn thẳng xe lên trainer (hình dưới) thay vì sử dụng hệ thống Wheel-on (chèn bánh xe, giống loại trainer cấp). Hệ thống direct drive ổn định hơn, dễ lắp đặt hơn và đem lại trải nghiệm tổng thể tốt hơn loại wheel-on. Có một số hãng sản xuất smart trainer với hệ thống chèn bánh xe để giảm giá sản phẩm. Tuy nhiên điều này chưa hẳn chính xác. Tại Việt Nam, trong phân khúc thấp nhất, Tacx Flux S (hệ thống direct-drive) và Kickr Snap (sử dụng cục chèn bánh xe) có giá gần như tương đồng, trong khi hệ thống direct-drive lại có ưu điểm nổi trội.

Các loại máy tập đạp xe trong nhà - 1

Sau khi chọn sản phẩm có chế độ hậu mãi tốt, dùng hệ thống direct-drive như nói ở trên, lưu ý cuối cùng là chọn lựa dòng sản phẩm. Tacx có ba dòng sản phẩm chính, đều là direct drive gồm: Tacx Flux S, Tacx Flux 2 và Tacx Neo 2T. Các sản phẩm này nhìn bề ngoài khá giống nhau, nhưng có mức giá khác nhau. Tacx Flux S, rẻ nhất và Tacx Neo 2T, đắt hơn là dòng sản phẩm cao cấp. Tacx Flux 2 nằm ở giữa hai dòng trên, là sản phẩm trung cấp, với mức giá cũng ở tầm trung.

Các loại máy tập đạp xe trong nhà - 2

Sự khác nhau về giá này nằm ở một vài ưu điểm nhỏ. Ví dụ, dòng cao cấp nhất Tacx Neo 2T có thể giả lập được cường độ đạp lên tới 2200W và độ dốc 25% còn Tacx Flux S – dòng cấp thấp nhất – chỉ có lên tới 1500W và độ dốc 10%. Nhưng phải nói thêm là thường chỉ các cua-rơ chuyên nghiệp như Peter Sagan mới có thể tạo ra lực đạp 1500W khi rút đích, còn với người dùng phổ thông, chúng ta thường đạp được khoảng 500W là tối đa. Do đó, sự khác biệt này không đáng kể.

Đánh giá

Smart trainer là loại “đắt xắt ra miếng” với các ưu điểm nổi trội như chạy êm, không ồn, có khả năng tính toán lực đạp và tích hợp với các app để tập trong nhà. Lựa chọn tốt nhất là loại smart trainer direct-drive (gắn thẳng xe lên máy). Về giá tiền, nếu là người dùng phổ thông, các loại tầm thấp và tầm trung như Tacx Flux S và Tacx Flux 2 là đủ yêu cầu sử dụng. Nếu có ngân sách rủng rỉnh, bạn có thể mua các dòng sản phẩm cao cấp như Tacx Neo 2T và yên tâm về chất lượng

Minh Quang

Xổ số miền Bắc