Các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo pháp luật Việt Nam
Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam chú trọng quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nước ngoài. Với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường tiềm năng của quốc gia này, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư vào rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam. Tuy vậy, không phải bất cứ ngành nghề kinh doanh nào cũng được pháp luật Việt Nam cho phép tiến hành đầu tư kinh doanh. Do vậy, trước khi tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài nên tìm hiểu kĩ về vấn đề này. Để giải quyết những khúc mắc này, Công ty Luật NPLaw sau đây xin cung cấp những thông tin cơ bản nhất về những ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm theo pháp luật Việt Nam.
Khái niệm về các ngành nghề cấm kinh doan
h
Những ngành nghề kinh doanh mà có tác động tiêu cực đến những giá trị kinh tế, xã hội, vi phạm những chuẩn mực đạo đức chung và làm mất cân bằng hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên… và vì lẽ đó được xem là các ngành nghề cấm kinh doanh.
Luật Đầu tư 2020 cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Hình thức xử phạt khi thực hiện đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề cấm kinh doanh bởi pháp luật.
Ngoài việc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khi nhà đầu tư đầu tư kinh doanh các ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra các cá nhân và tổ chức vi phạm còn phải chịu những trách nhiệm hình sự tương ứng với từng loại vi phạm, chẳng hạn như: mua bán trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; kinh doanh mại dâm có thể phải chịu hình phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân; mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến chung thân; mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc chung thân.
Đầu tư kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam
Những năm gần đây, tiền ảo bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày càng có nhiều người đầu tư vào tiền ảo nhưng họ chưa nắm hết các quy định pháp luật hiện nay tại Việt Nam liên quan đến loại tiền này.
Căn cứ vào quy định của Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; và các phương tiện thanh toán khác ngoài những cái vừa được đề cập sẽ được xem là phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Như vậy ở Việt Nam, tiền ảo không được xem là phương tiện thanh toán được pháp luật cho phép và vì thế việc đầu tư kinh doanh vào tiền ảo là một hình thức đầu tư không được công nhận bởi pháp luật.
Tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp rõ ràng rằng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam (xem thêm tại Công văn 5747/NHNN-PC ngày 21/7/017).
Ngoài ra căn cứ vào quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tuy hiện nay Việt Nam chưa có bất cứ một văn bản nào quy định cụ thể về tiền ảo nhưng sắp tới, Việt Nam có thể sẽ công nhận loại tiền này. Trong Quyết định 942 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đưa ra mục tiêu nghiên cứu, phát triển và làm chủ các công nghệ lõi mà VN có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/ thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong chính phủ số. Trong đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối giai đoạn 2021 – 2023 (theo Báo Thanh niên ngày 02/7/2021).
Trên đây là thông tin tổng quan về các ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý toàn diện một cách chuyên nghiệp liên quan đến Đầu tư trong và ngoài nước; Doanh nghiệp; Bất động sản; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn soạn thảo, đàm phán thương lượng và hỗ trợ ký kết các Hợp đồng thương mại, Hợp đồng dịch vụ trong và nước ngoài; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con,.. Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp, chúng tôi có đủ năng lực để tư vấn và hỗ trợ khách hàng thực hiện những thủ tục này.
Trong trường hợp Quý Khách hàng cần hiểu rõ hơn những thủ tục này, xin hãy liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.
Hotline: 0913449968
Email: [email protected]