Các phong tục ngày Tết Nguyên đán của người Việt độc đáo, thú vị

Nếu như ở các nước Phương Tây, Tết Dương lịch là dịp lễ lớn nhất là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới thì ở các nước Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thì Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) mới là dịp lễ quan trọng nhất. Các phong tục ngày Tết Nguyên đán của người Việt vô cùng độc đáo, thú vị là một truyền thống văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam và cần được lưu truyền đến các thế hệ mai sau. Vậy những phong tục tập quán đó là gi? Hãy cùng PATO đi tìm hiểu nhé!

NỘI DUNG CHÍNH
[Ẩn]

    Cúng ông Công, ông Táo

    Theo quan niệm của nhân dân ta thì hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp (23/12 Âm lịch) là ông Công ông Táo sẽ về chầu thiên đình để báo cáo mọi việc đã xảy ra trong một năm vừa qua của cả gia đình. Chính vì vậy, vào ngày này mỗi năm, người người, nhà nhà thường sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, làm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời. Trong nghi lễ này thì người dân Việt Nam sẽ chuẩn bị một số đồ hàng mã như: áo, mũ,… và ba con cá chép vàng thả trong nước.

    Phong tục cúng ông Công ông Táo trong những ngày cận Tết chính là để biểu hiện cho một gia đình đã êm ấm , hạnh phúc trong năm vừa qua và cầu mong cho năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, gia đình hòa thuận, yêu thương nhau hơn. Sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo thì người dân sẽ đem cá vàng đi phóng ở các vùng sông, suối,…

    >> Xem thêm: Nguồn gốc Tết Nguyên đán là gì? Những điều thú vị về Tết Âm lịch

    Dọn nhà

    Trong những ngày cận Tết, người dân Việt Nam thường có thói quen dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, bỏ những thứ đồ cũ không còn dùng đến, mua sắm những đồ mới. Điều này biểu hiện cho việc bỏ lại những chuyện buồn lo của năm cũ để đón chào năm mới với những niềm vui, sự hạnh phúc mới. Dọn dẹp nhà cửa cũng là dịp để cả gia đình có thể quây quần bên nhau, giúp đỡ nhau là một cơ hội hiếm có để mọi người trong gia đình có thể bên nhau để nói những câu chuyện trải nghiệm của năm vừa qua.

    Gói bánh chưng, bánh tét

    Trong phong tục truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về là cái gì cũng có thể thiếu nhưng không thể thiếu những chiếc bánh chưng, bánh tét. Chính vì vậy nên hàng năm cứ đến khoảng ngày 26, 27, 28 Tết thì người người, nhà nhà sẽ ngồi lại bên nhau để chuẩn bị từng công đoạn gói bánh chưng, bánh tét như rửa lá rong, tước lạt, ngâm gạo, ướp thịt,… rồi cùng nhau tạo nên những chiếc bánh xinh đẹp, đầy đặn để cầu cho một năm mới đầy đủ, no ấm.

    Có sự khác biệt giữa 2 miền Nam – Bắc, nếu như ở miền Nam sẽ chuẩn bị bánh Tét để đón Tết thì ở miền Bắc sẽ chuẩn bị những chiếc bánh chưng vuông vắn. Tuy nhiên đó chỉ là sự khác nhau về hình thức bên ngoài của những chiếc bánh còn bên trong, hương vị vẫn tương đối giống nhau đều được làm ra từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, lá rong,…. đây là một nét đẹp văn hoá Tết cổ truyền cần được bảo tồn và giữ gìn đến mãi mai sau.

    Tảo mộ

    Cùng với việc dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa của gia đình mình thì các con, các cháu sẽ đồng thời phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa cho tổ tiên, ông bà, những người đã khuất hay theo cách gọi truyền thống là đi Tảo mộ. Việc làm này thể hiện lòng thành kính, biết ơn và vẫn luôn khắc ghi công lao to lớn của những người đi trước, đã mang đến cho các thế hệ sau những điều tốt đẹp như hiện tại. Và bậc con cháu cũng mời tổ tiên trở về cùng đón tết bên gia đình.

    Chơi hoa

    Phong tục truyền thống của người Việt Nam vào những ngày Tết cổ truyền không thể không nhắc đến tục chơi hoa. Những bông hoa rực rỡ sắc màu, thi nhau khoe sắc vào những ngày xuân mang đến năng lượng tích cực cho mọi người trong những ngày đầu năm đồng thời nó cũng là biểu tượng cho sự may mắn, an lành ngày Tết.

    Ở miền Bắc, người dân thường chọn những cành đào màu hồng, màu đỏ hay cây quất để trang trí trong nhà. Màu hoa tượng trưng cho sự  “đỏ” trong năm tới hay những bông lộc, quả quất là biểu trưng cho sự no ấm, đủ đầy của gia đình và cầu mong có nhiều lộc trong năm mới.

    Còn ở miền Trung và miền Nam thì người dân lại thường sử dụng cành mai vàng bởi vì theo họ mai vàng là điều biểu trưng cho sự cao sang, quyền quý của vua chúa thời phong kiến là sự cầu mong cho năm mới có thể thăng quan, tiến trức gặp nhiều điều thuận lợi.

    >> Xem thêm: Tết Dương lịch – Tết Nguyên đán 2023 còn bao nhiêu ngày?

    Mâm ngũ quả

    Theo phong tục ngày tết cổ truyền của Việt Nam thì vào các ngày lễ Tết phải bày mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên, ông bà những người đã khuất. Tuỳ vào từng vùng miền, hoàn cảnh của từng gia đình sẽ chọn những loại quả khác nhau để trưng bày mâm ngũ quả thật đầy đặn, rực rỡ. Các loại quả người dân thường dùng như: đu đủ, bưởi, chuối, quất, táo, cam,… Việc này thể hiện lòng thành tâm của các gia chủ mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, an khang, hạnh phúc.

    Cúng tất niên

    Nhắc đến các phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán thì chắc chắn phải nhắc đến tục cúng tất niên. Đây là bữa cơm cuối cùng của năm cũ nên mọi gia đình thường chuẩn bị một mâm cơm đầy đủ các món mặn, ngọt, rau củ,… để dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó cả gia đình sum vầy, quây quần cùng nhau bên mâm cơm để thưởng thức và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện mà năm vừa rồi mình đã trải qua và chào đón năm mới cùng những niềm vui mới.

    Đón giao thừa

    Một trong các phong tục ngày Tết Nguyên đán truyền thống của Việt Nam là đón giao thừa cùng người thân trong gia đình. Giao thừa chính là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm. Người dân Việt Nam thưởng chuẩn bị một mâm cúng đơn giản để cúng thần linh, thổ địa ngoài trời vào thời khắc chuông đồng hồ điểm 12h đêm. Đón giao thừa diễn ra vào những giây phút cuối cùng của năm cũ và những thời khắc đầu tiên của năm mới nên nó cũng là điều tượng trưng cho việc xoá bỏ hết những điều không may trong năm cũ và đón năm mới với những điều tốt đẹp hơn. 

    Xông đất

    Sau khi giao thừa kết thúc, mọi gia đình sẽ chọn một người hợp tuổi với gia chủ, một người thành đạt, may mắn để bước vào nhà mình đầu tiên chúc mừng năm mới. Vì theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, điều này sẽ giúp cho gia đình có thể gặp nhiều điều thuận lợi, may mắn, làm ăn phát đạt trong năm sau. Đây cũng chính là một điều thú vị trong các phong tục ngày Tết Nguyên đán của dân tộc ta.

    Lễ chùa

    Một trong các phong tục ngày Tết Nguyên đán về tâm linh của người Việt phải nói đến việc đi chùa đầu năm đây là một nét đẹp của văn hoá dân tộc. Vào thời điểm giao thừa hay những ngày đầu tiên của năm mới nhiều người sẽ lựa chọn đến các đền chùa, để cầu nguyện cho một năm mới may mắn, tốt đẹp đồng thời cũng là một nghi thức bày tỏ lòng thành kính của mình đối với Đức phật, tổ tiên.

    Việc đi chùa vào những ngày đầu năm còn giúp bản thân được thanh tịnh hơn, gạt đi những muộn phiền của năm cũ và khởi nguồn năm mới với những điều vui vẻ, hạnh phúc hơn.

    >> Xem thêm: Đi du lịch Tết Nguyên đán là nên hay không nên? Lý do tại sao?

    Chúc Tết

    Trong những ngày đầu của một năm mới, mọi người trong gia đình sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất như chúc năm mới thành công mới, chúc năm mới hạnh phúc, vui vẻ,…. là dịp để các học trò gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến thầy cô giáo của mình. Hay là cơ hội để bạn bè, đồng nghiệp gửi đến nhau những điều mong muốn, ước hẹn trong năm mới vui vẻ, hạnh phúc.

    Lì Xì

    Lì xì hay còn gọi là mừng tuổi là hoạt động không thể thiếu trong các dịp Tết đến xuân về. Mọi người sẽ gửi tặng những người mà mình thương yêu phong bao lì xì thay những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Đồng thời cũng là một hình thức để chia sẻ cùng nhau chút lộc may mắn trong những ngày đầu năm.

    >> Xem thêm: Gợi ý cách vẽ những bức tranh Tết Nguyên đán đẹp và ý nghĩa

    Có thể thấy, các phong tục ngày Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú và đây là những nét đẹp trong văn hoá Việt Nam. Những truyền thống tốt đẹp này đã được lưu truyền qua nhiều đời đòi hỏi các thế hệ trẻ phải giữ gìn phong tục ngày Tết tốt đẹp này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những điều thú vị trong ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam thì hãy theo dõi chuyên mục Văn hoá Việt Nam của BLOG PATO nhé!