Các tập tục kiêng kỵ dịp Tết Nguyên đán của 3 miền
Tết Nguyên đán 3 miền Bắc – Trung – Nam kiêng kỵ như thế nào?
Dịp Tết Nguyên đán và những việc xảy ra trong những ngày đầu năm mới này được người Việt đặc biệt coi trọng. Từ xưa dân ta đã có quan niệm rằng ngày Tết nếu như gặp những điều may mắn tốt lành thì cả năm sẽ gặp suôn sẻ an lành, và mọi người cũng cố gắng tránh những điềm xui xẻo.
Dù phong tục mỗi vùng miền có khác nhau, nhưng đều có những kiêng kỵ ngày Tết Nguyên đán, dưới đây là danh sách những việc cần tránh trong năm mới đặc trưng của 3 miền Việt Nam
Mục lục bài viết
1. Tết Nguyên đán ở miền Bắc kiêng kỵ khá nhiều
Kiêng quét nhà: Người Việt quan niệm kiêng quét nhà trong ba ngày Tết vì cho rằng sẽ quét hết vận đỏ đi khỏi nhà. Vì thế mọi nhà đều cố gắng quét sạch sẽ nhà cửa vườn tược trước khi giao thừa.
Kiêng đổ rác: Tục lệ này có nguồn gốc từ câu chuyện trong Sưu thần ký.
Chuyện kể rằng, có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng nàng hầu tên là Như Nguyệt. Ông trở nên giàu có, tiền bạc đầy nhà. Năm ấy, vào ngày mồng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông lại nghèo như xưa.
Kiêng không treo tranh xui xẻo: Những bức tranh chủ đề đánh ghen hay kiện tụng…không nên treo trong nhà mà phải chọn những tranh mang ý nghĩa cát tường như cá chép, lợn gà hay cậu bé..
Kiêng cho lửa ngày Tết Nguyên đán: Người Việt từ xa xưa luôn quan niệm kiêng cho lửa trong ngày Tết vì lửa tượng trưng cho sự may mắn. Cho người khác cái May, cái đỏ của mình thì gia đình sẽ gặp những điều không may, làm ăn thua lỗ, nhà cửa lục đục, gặp phải những điềm họa tai bay vạ gió…
Rắc vôi bột ở 4 góc vườn: Theo quan niệm xưa ở nông thôn, nhà nhà sẽ rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng về cổng với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ. Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là vì nguyên do đó. Trong ngày đầu năm nếu tặng muối cho người khác thì cũng chính là lời chúc may mắn, phát đạt dành tặng cho họ.
Kiêng kỵ vào ngày Tết khi xông nhà: Những người mà trong gia đình vừa có tang thì không nên đi xông đất nhà khác để tránh “mang điều xui xẻo” đến cho họ. Ngoài ra những người không hợp tuổi, “nặng vía”cũng kiêng không đến xông nhà đầu năm.
Tránh nói giông: Trong đầu năm mới người miền bắc kiêng kỵ nói ra những điều có thể mang đến sự không may, gọi là nói giông hay nói xui như “Chết rồi!”, “Tiêu rồi!”.
Kiêng cho nước đầu năm: Nước tượng trưng cho nguồn tài lộc (chúng ta thường nghe câu chúc tiền vào như nước) vì thế nếu cho nước đầu năm thì giống như cho đi tài lộc của nhà mình.
Kiêng làm vỡ bát đĩa: Bát đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế trong những ngày Tết kiêng làm vỡ ấm chén bát đĩa hoặc cải mắng chửi nhau nếu không muốn gia đình gặp phải những điều xui xẻo.
Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán ltheo truyền thống là ngày có ý nghĩa vô cùng linh thiêng, mở đầu cho vận hội của cả một năm, vì thế việc mai táng là điều quá xui xẻo, nếu có tang thì gia đình cũng phải tạm gác nỗi sầu để đợi qua những ngày tết này. Tục lệ cất khăn tang trong 3 ngày Tết sinh ra trong hoàn cảnh này. Nhà nào có tang dịp Tết thì người trong nhà kiêng đi chúc Tết, còn bà con hàng xóm lại cần đến an ủi gia đình kém may.
2. Các tục kiêng kỵ dịp Tết Nguyên đán ở miền Trung
Kiêng ăn một số món: Trong ngày Tết và cả tháng giêng, người miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt vì cho rằng những món ăn này sẽ mang đến sự xui xẻo. Một số vùng khác mọi người còn kiêng ăn tôm vì không muốn sẽ “giật lùi” như tôm, công việc không thể tiến tới phát triển.
Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng Âm lịch.
3. Người miền Nam kiêng kỵ những gì vào ngày Tết Nguyên đán
Kiêng để cối xay gạo trống: Nhiều vùng tại Nam bộ có tục lệ kiêng để cối xay gạo trống không trong nhà nhất là những ngày đầu năm mới vì tượng trưng cho sự mất mùa thất bát không có đủ thóc gạo. Thay vào đó họ thường đổ một ít lúa vào cối xay ngụ ý năm mới thóc gạo đầy bồ, đầy cối.
Dọn cỗ ngày Tết: tại Nam bộ vào những ngày Tết nếu có khách đến nhà dù bất kể giờ giấc nào thì gia chủ cũng dọn cỗ mời ăn uống. Khách không được từ chối, kể cả đang no thì cũng phải nhấm nháp một chút.
Về nhà trước Giao thừa: Dù đi đâu làm gì xa thì cũng phải về nhà trước giờ giao thừa. Nếu ai không về kịp thì đồng nghĩa cả năm mới sẽ phải bôn ba khắp nơi làm ăn vất vả.
Cất chổi sau khi quét dọn: Nếu trong ngày Tết mà để mất chổi thì có nghĩa cả năm đó gia đình sẽ bị trộm cắp viếng thăm vơ vét của cải.