Các ứng dụng ‘mua ngay, trả sau’ góp phần làm tăng nợ của Hoa Kỳ
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Với bất kỳ cuộc suy thoái nào sắp xảy ra, nợ gia đình là một trong những chỉ số rõ ràng nhất về mức độ nghiêm trọng của suy thoái.
Không giống như cuộc khủng hoảng năm 2008, lần này nợ gia đình hầu như có thể kiểm soát được, nhưng bức tranh trở nên tồi tệ hơn khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Một nguồn nợ gia đình đang bùng nổ nhưng thường bị bỏ qua nằm trong các ứng dụng “mua ngay, trả sau” (BNPL).
Các ứng dụng này thuộc về lĩnh vực “công nghệ tài chính” (fintech) và thường không được điều hành bởi các ngân hàng — nhưng lại có toàn bộ yêu cầu báo cáo theo quy định đi kèm như một ngân hàng — vì vậy mức độ và tác động của những ứng dụng này rất khó đo lường.
Các ứng dụng BNPL có thể kể đến gồm Klarna, Affirm, Afterpay, và PayPal. Và các dịch vụ mới đang được đưa vào lĩnh vực này hàng tuần.
Các ứng dụng này hoạt động thế nào?
Giống như thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể trả tiền mua hàng sau. Sau một khoản trả trước, ứng dụng BNPL sẽ tính phí người tiêu dùng phần còn lại của giao dịch mua theo các đợt trả góp bằng nhau, thường thì kéo dài không quá vài tháng. Không giống như thẻ tín dụng, các ứng dụng BNPL thường không tính lãi và không có báo cáo tín dụng kỹ lưỡng, trừ phi khách hàng không trả được nợ hoặc bỏ lỡ các khoản thanh toán.
Và không giống như thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân từ các ngân hàng, các ứng dụng BNPL rất dễ được chấp thuận và không đi kèm với lãi suất cao.
Nhưng, giống như thẻ tín dụng và các khoản vay, BNPL là một cách khác để mắc nợ.
Dữ liệu của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) cho thấy các ứng dụng BNPL đã trở nên nổi bật trong đại dịch COVID-19, với hơn 24 tỷ USD cho các khoản vay trả góp như vậy bắt nguồn từ những nhà cho vay có trụ sở tại Hoa Kỳ vào năm 2021. Theo nghiên cứu từ Straits Research, thị trường BNPL ngày nay là một lĩnh vực trị giá 132 tỷ USD có thể tăng lên 3.5 ngàn tỷ USD vào năm 2023. Phần lớn người dùng dường như là người tiêu dùng thế hệ Z.
Các ứng dụng BNPL rất phổ biến đối với các giao dịch mua có giá lớn, chẳng hạn như đồ điện tử và thiết bị gia dụng. Nhưng khi lạm phát tiếp tục gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì người Mỹ ngày càng chuyển sang sử dụng các ứng dụng này và gánh thêm gánh nặng nợ nần để mua hàng bách hóa và các vật dụng hàng ngày khác.
Dữ liệu từ Adobe Analytics cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến sử dụng ứng dụng BNPL đã tăng 27% hồi năm 2022. Trong hai tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng thêm 10%. Hình thức mua hàng này cũng rất đáng chú ý, vì tỷ lệ sử dụng BNPL khi mua hàng bách hóa đã tăng 40% trong hai tháng đầu năm nay.
Việc các ngân hàng, các nhà bán lẻ, và các tập đoàn đang ngày càng đẩy mạnh các ứng dụng BNPL để thúc đẩy doanh số bán hàng trong một nền kinh tế đang gặp khó khăn cũng chẳng có giúp ích gì cho tình hình này.
Nghiên cứu trong ngành cho thấy việc sử dụng thẻ tín dụng dự kiến sẽ không tăng nhiều. Vì vậy, các nhà bán lẻ đang gấp rút tích hợp các giải pháp fintech, chẳng hạn như các nền tảng BNPL. Và việc này đặc biệt quan trọng đối với các nhà bán lẻ, do tầm quan trọng của BNPL đối với người mua sắm thế hệ Z.
Và xu hướng này đã khiến định giá của các công ty khởi nghiệp BNPL tăng vọt. Ứng dụng BNPL Klarna có trụ sở tại Thụy Điển, trong vòng gọi vốn vào giữa năm 2022, đã được định giá hơn 6 tỷ USD. Mặc dù đó là mức định giá cao, nhưng vẫn không ăn nhằm gì so với mức định giá 46 tỷ USD gắn liền với công ty này từ đợt huy động vốn của SoftBank năm 2021.
Thị trường BNPL đã nóng đến mức ngay cả Apple cũng nhảy vào cuộc. Hồi cuối tháng Ba, Apple đã công bố ứng dụng BNPL của riêng mình có tên là Apple Pay Later, cho phép người tiêu dùng chia các giao dịch mua được thực hiện qua Apple Pay thành sáu lần trả góp hàng tuần không tính lãi. Khoản vay lên tới 1,000 USD có thể được chấp thuận khi mua hàng được thực hiện bằng Apple Pay trên iPhone và iPad.
Vậy BNPL giúp ích hay cản trở?
CFPB tuyên bố rằng các ứng dụng này “được thiết kế để khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và vay nhiều hơn. Hệ quả là, người vay có thể dễ dàng rút nhiều khoản vay trong một khoảng thời gian ngắn tại nhiều nơi cho vay hay [nói cách khác] các khoản nợ Mua ngay, Trả sau có thể làm ảnh hưởng đến các khoản nợ khác.”
Theo một báo cáo CFPB hồi tháng 03/2023 về các ứng dụng BNPL, “Những người vay BNPL có tính thanh khoản và tiết kiệm trung bình thấp hơn so với những người tiêu dùng không sử dụng BNPL.” Và “những người vay BNPL thể hiện các thước đo về tình trạng kiệt quệ tài chính cao hơn đáng kể về mặt thống kê so với những người không sử dụng.”
Vì vậy, những ứng dụng này đang được sử dụng bởi những người tiêu dùng vốn dĩ đã lâm vào tình trạng mắc nợ hoặc gặp khó khăn về tài chính rồi.
Theo dữ liệu từ Experian, năm ngoái (2022), người tiêu dùng đã thêm hơn 1 ngàn tỷ USD vào khoản nợ gia đình, mức tăng chưa từng thấy trong hơn một thập niên. Những khoản tiền đó bao gồm thế chấp, khoản vay sinh viên, khoản vay mua xe hơi, thẻ tín dụng, và khoản vay cá nhân.
Nợ từ các ứng dụng BNPL thậm chí không được tính trong số tiền đó. Ngành công nghiệp công nghệ tài chính BNPL non trẻ chỉ là một cách khác để những người Mỹ vốn đã vay nợ quá mức ngày càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
CHIA SẺ
CHIA SẺ