Các vùng văn hóa Việt Nam : sách chuyên khảo

Mục lục bài viết

Abstract

Cuốn sách các vùng văn hóa Việt Nam có bảy chương, triển khai theo trình tự từ lý thuyết đến thực tiễn. Chương đầu trình bày các cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về vùng văn hoá và phân vùng văn hoá Việt Nam, giới thiệu các lý thuyết, các khái niệm liên quan, các tiêu chí phân vùng, các phương án phân vùng và tiểu vùng văn hoá Việt Nam. Sáu chương kế tiếp trình bày về sáu vùng văn hoá Việt Nam: vùng văn hoá Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ; vùng văn hoá Việt Bắc và Đông Bắc; vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng văn hoá đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ; vùng văn hoá Nam Bộ; vùng văn hoá Trường Sơn và Tây Nguyên. Trình tự giới thiệu các vùng văn hoá là trình tự hình thành và mở rộng lãnh thổ của người Việt-Mường và người Việt, chủ thể chính của toàn bộ không gian văn hoá Việt Nam, bắt đầu từ vùng văn hoá Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, kết thúc ở quá trình Tây tiến của tộc Việt ở vùng văn hoá Trường Sơn và Tây Nguyên. Mỗi vùng văn hoá được khảo tả qua năm mục: không gian văn hoá; giao lưu tiếp biến văn hoá; chủ thể văn hoá; văn hoá vật thể; văn hoá phi vật thể. Ở ba vùng văn hoá đồng bằng, có thêm mục giới thiệu những tiểu vùng văn hoá đô thị có tầm ảnh hưởng đối với toàn vùng: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Cuối sách có các phần Kết luận và Tài liệu tham khảo. Các thông tin và nhận định trong sách đều được chọn lọc và sắp xếp để bảo đảm tính hệ thống, tính chính xác và tính súc tích. Các thuật ngữ quan trọng trong tiếng Việt được ghi chú thêm thuật ngữ tương đương trong tiếng Anh. Những khái niệm biểu thị bằng các ngôn ngữ tộc người được đánh dấu bằng gạch dưới, bên cạnh là phần chú nghĩa tiếng Việt đặt trong ngoặc kép.