Cách bắt bệnh xe ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

1. Tiếng kêu cộc cộc to và khô

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Tiếng kêu cộc cộc khô thường xuất hiện khi xe bắt đầu khởi động sau nhiều ngày không hoạt động, cùng với đó là số vòng tua cũng được đẩy lên cao. Tiếng kêu đó xuất hiện là do dầu bôi trơn chưa được bơm dầu đẩy kịp lên các chi tiết động cơ.

Nếu tiếng kêu mất đi trong khoảng 3 phút và máy êm trở lại thì bạn không phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tiếng kêu kéo dài hơn dù vẫn không khô như lúc đầu nhưng điều đó cũng có nghĩa động cơ của bạn đã bị mòn piston và xéc-măng. Ở giữa các chi tiết của cấu phối khí xuất hiện khe hở  và gây va đập khi hoạt động.

Những hiện tượng này còn khiến cho giảm áp suất nén, tiêu hao dầu bôi trơn do khe hở chui vào buồng đốt và giảm công suất động cơ, gương xi lanh cũng bị cạo xước.

Cách xử lý: Thông thường, khi piston và xéc-măng bị hỏng đều không sửa chữa được mà phải thay mới với chi phí rất tốn kém. Khi thay xéc-măng khác cần lựa chọn theo tiêu chuẩn về đường kính, khe hở miệng, khe hở cạnh, lực đàn hồi và độ tròn,…

2. Tiếng kêu rít đều và mau

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Tiếng kêu này rất rõ để nhận ra lỗi là dây cua-roa, bởi đây là đặc trưng của cao su miết vào bề mặt kim loại. Nhưng để khẳng định chắc chắn xem đây có phải lỗi từ dây cua-roa hay không, bạn có thể thử bằng cách cho nổ động cơ, sau đó phụt nước sạch vào dây cua-roa nếu thấy tiếng kêu biến mất khi dây bị ướt đều thì chắc chắn nó đã bị hỏng.

Khi máy khởi động lúc nguội có xuất hiện tiếng kêu và mất đi chỉ sau một vài phút khi máy ấm lên tức là dây cua-roa đã bị trùng hoặc chai cứng, cần được chú ý chuẩn bị thay mới.Bạn cũng có thể tự xiết căng dây lại, nhưng cần chú ý nếu xiết chặt quá có thể sẽ khiến vòng ổ bi nhanh mòn và chi phí sửa chữa sẽ càng tốn kém hơn. Tốt hơn hết là nên mang xe đến garage để kiểm tra. 

Còn nếu thấy tiếng kêu rít dài lên đồng nghĩa với việc nó đang yêu cầu bạn phải thay mới ngay lập tức. Cũng có trường hợp bất thường xảy ra như vòng bi của hệ thống dẫn động bị chết hoặc bó cứng, hoặc kẹt puli làm cho dây curoa vẫn trượt, gây phát sinh nhiệt, làm đứt dây.

Ngoài lúc gặp vấn đề cần thay mới thì các chuyên gia có kinh nghiệm về ô tô cũng khuyên người sử dụng cần thay thế theo định kỳ thường là 3 năm hoặc 58.000 km với dây curoa động cơ, còn đối với dây curoa cam thì thay trong khoảng 96.500 – 145.000 km.

3. Tiếng ồn và két két đanh tai

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Khi xe ô tô nổ máy mà óc xuất hiện tiếng kêu két két đanh tai và tiếng ồn ở khoang động cơ xe, biểu hiện của tiếng kêu có thể lúc đầu rất nhỏ nhưng càng sau càng to dần. Như vậy thì rất có thể một hoặc một số vòng bi bị chết hoặc có thể là bi tăng, bi tỳ dây cua-roa, bi lốc điều hòa…

Còn xác định nguyên nhân rõ hơn cần phải dựa vào tiếng kêu lúc đó ở xe của bạn. Cụ thể như tiếng ken két là do bi hêt mỡ bôi trơn, khô khiến các chi tiết kim loại cọ sát vào nhau. Giải pháp nhanh là bạn cần phải chọn đúng và thêm đầy đủ chất bôi trơn cho vòng bi.

Nếu bi vỡ hoặc mẻ, ở rãnh lăn bi có xuất hiện vêt nứt thì sẽ xuất hiện tiếng ồn lớn và đều. Bạn cần mang xe đi kiểm tra và sửa lại các trục đăng và vòng bi để tránh hư hỏng lây sang các bộ phận khác như làm đứt và tuột dây cua-roa.

Muốn vòng bi hoạt động tốt và bền, chủ xe cần lưu ý xử lý và lắp đặt vòng bi xe một cách cẩn thận; Sử dụng vòng bi hợp lý (đúng tải trọng xe, chọn chất bôi trơn phù hợp…); Nên giữ vòng bi tránh nơi bụi bẩn, giảm thiểu sự oxi hóa và mòn của vòng bi; đặc biệt môi trường xung quanh cần được sạch sẽ và vệ sinh thường xuyên.

4. Tiếng ào ào khô lớn dần

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Căn bệnh này có thể ủ trong thời gian rất dài, đầu tiên chỉ xuất hiện tiếng kêu rất nhỏ và không rõ, nhưng càng về sau tiếng ồn càng lớn và rõ rệt. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu mới phát hiện ra sẽ rất nguy hiểm. Bởi khả năng là do động cơ không được bôi trơn khiến các chi tiết kim loại cọ sát vào nhau gây ta tiếng kêu, mài mòn.

Nguyên nhân khiến cho động cơ không được bôi trơn là do đường dẫn dầu bị tắc, hoặc thay dầu bôi trơn kém phẩm chất, hoặc lâu không thay dầu bôi trơn, từ đó dầu bị đóng cặn và mất chất. Tiếng kêu càng lớn tức là động cơ hoạt động càng kém. Và nếu để động cơ hỏng toàn diện thì piston, xy-lanh, trục cam, tay biên, xéc-măng, và rất nhiều chi tiết khác cũng hỏng.

Cách xử lý tốt nhất lúc này là cần mang xe đến garage để bảo dưỡng, thông tắc đường dầu và sử dụng loại dầu phù hợp với xe.

5. Tiếng kêu gộc gộc nhẹ

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Tiếng kêu này là tiếng đặc trưng khi lỗi các vòng bi trong hộp số, bao gồm cả số sàn và số tự động. Tuy nhiên, không giống với tiếng kêu khi bi chết ở trên, tiếng kêu này sẽ dịu hơn bởi nó được ngâm trong dầu bôi trơn.Trường hợp này xảy ra khá hi hữu, thông thường nó chỉ xuất hiện trên những chiếc xe đã quá nát với quãng thời gian trên chục năm hoạt động.

6. Tiếng ù ở bánh xe nào đó

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Nếu lái xe phát hiện ra tiếng ù phát ra ở bánh xe nào đó khi đang chạy tức là bi bi moay-ơ bánh đó đã hỏng. Có thể là do mỡ bôi trơn bên trong ổ bi đã bị khô hoặc mất dần theo thời gian hoặc cũng có thể do lái xe thường xuyên đi vào vùng ngập nước, trong khi phớt chắn ổ bi lại bị hở và hư hỏng, khiến nước vào trong và phá hỏng vòng bi.

Nếu để tình trạng này diễn ra lâu, lái xe sẽ cảm nhận rất rõ hiện tượng rung lắc bánh xe khi vận hành, đồng thời hiệu quả của phanh cũng bị giảm đi.

7. Tiếng hú tăng theo tốc độ

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Căn bệnh này thường xảy ra trên các dòng xe hai cầu và xe dẫn động cầu sau nhưng để phát hiện ra lỗi thường rất khó do tiếng ồn lẫn với những tạp âm từ mặt đường. Khi xe chạy với tốc độ trên 60km/h, tiếng hú sẽ thể hiện rất rõ.

Tiếng kêu xuất hiện khi chủ xe không thay dầu đúng định kỳ, xe bị ngâm nước tràn vào dầu qua lỗ thông hơi phía trên hộp vi sai. Từ đó dầu không còn chức năng bôi trơn và dần dần bị phân hủy và các vòng bi đỡ có thể bị hỏng, màng dầu bôi trơn cho bể mặt của bánh răng bị phá vỡ gây mài mòn. Tốt nhất, để tránh lỗi này xảy ra, lái xe hãy mang đi kiểm tra ngay khi bị ngập nước và hãy thay dầu định kỳ sau khoảng 80.000 km.

8. Tiếng “cục” một phát khi vào số

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Tiếng cục chỉ xuất hiện khi vào số hoặc xe bị giật nhẹc khi chuyển số, còn khi di chuyển lại không xuất hiện là trục láp (bán trục) đang xảy ra sự cố. Có thể khi bị ngập nước hoặc khi kịch gầm khiến cao su trục láp bị rách, bụi bẩn và nước có thể tràn vào, bánh răng thì mài mòn. Từ đó, khi xe vào số sẽ xuất hiện tiếng kêu và làm giật xe do lực mô-men truyền từ hộp số ra bán trục, các bánh răng bị rơ va vào nhau.

Hiện tượng lỗi này có thể đơn giản nhưng hậu quả lại không hề, nếu để bánh răng then hoa bị gỉ lâu năm và không còn ăn khớp với nhau có thể gây ra trượt, mất khả năng dẫn động.

9. Tiếng kêu cạch cạch khi ôm cua

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Đây chính là tiếng kêu được phát ra từ bộ phận nằm trên bán trục là khớp bi bên trong một quả chuông. Bộ phận này có chức năng truyền lực từ một bộ phận cố định là hộp số đến một bộ phận dao động là bánh xe. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành trên địa hình khắc nghiệt, nước và bụi bẩn có thể lọt vào khiến cả bi và rọ bi bị mòn và tạo nên khe hở giữa chúng. Như vậy, khi ôm cua sẽ gây ra tiếng lạch cạch hoặc lục cục do bi bị va vào thành rọ.

Với lỗi này, chủ xe cũng không cần phải quá lo lắng bởi hậu quả của nó không nghiêm trọng bằng những lỗi trên. Cách xử lý đơn giản nhất là thay thế cụm chi tiết mới.

10. Tiếng lục cục không đều trên đường xấu

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Tiếng kêu này xuất hiện ở gầm xe khi xe đi trên đường gồ ghề, ổ gà, khả năng cao là do một hoặc một vài rô-tuyn của xe bị rơ. Hiểu một cách đơn giản thì bộ phận này là các khớp cử động đa chiều giữa hai chi tiết dao động không đồng hướng với nhau, được ứng dụng để liên kết các chi tiết của hệ thống treo và cân bằng. Khớp liên kết động này gồm một viên bi được đặt rất khít trong một cái rọ, bên ngoài có cao sau bảo vệ chất bôi trơn và ngăn không cho nước hay bụi bẩn xâm nhập. 

Khi bị ảnh hưởng, lớp cao su bảo vệ có thể bị rách hoặc thoái hóa, từ đó sẽ dễ dàng bị phá hủy chất bôi trơn của rô-tuyn bởi lớp bụi và nước. Sau khi khớp cử động sẽ bị mài mòn hoặc tạo ra ma sát và khi di chuyển trên đường không bằng phẳng, các quả bi sẽ bị va đập.

11. Tiếng è è khi đánh lái

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Thông thường với những xe được trang bị hệ thống lái trợ lực thủy lực mới xảy ra lỗi này. Đó là khi thiếu dầu hoặc bơm trợ lực hoạt động kém sẽ phát ra tiếng kêu. Sự cố này có thể kéo theo vô-lăng bị nặng hơn hoặc rung mà người lái có thể cảm nhận được.

Lái xe cũng cần phải lưu ý vì vô-lăng bị nặng hơn còn có thể là do áp suất lốp hoặc các chi tiết của hệ thống lái không được bôi trơn.

12. Tiếng két két ở phanh xe

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Hiện tượng này xảy ra là bình thường nếu chỉ xuất hiện và mất đi trong khoảng 5-10 phút khi mới khởi hành và đạp phanh có cảm giác ăn hơn bình thường. Lý do là bởi có thể do nước mưa hoặc nước rửa xe từ hôm trước chưa kịp khô. 

Nhưng nếu trong thời gian dài mà tiếng kêu két két lại xuất hiện liên tục thì lái xe cần phải lưu ý kiểm tra đến các yếu tố như tấm chống ồn má phanh, độ mòn của má phanh, chất má phanh, đĩa phanh bị đảo, kẹt cu-pen trong piston phanh…

  • 5 lầm tưởng vẫn thường xảy ra khi sử dụng ô tô

13. Tiếng cục một lần khi đạp phanh

Cách bắt bệnh ô tô qua tiếng kêu và cách xử lý

Theo thời gian nếu không được vệ sinh bảo dưỡng, hệ thống phanh sẽ bị hoen rỉ, phanh xe bị bụi bẩn bám nhiều và nước xâm nhập. Khi cọ sát liên tục trong điều kiện không tốt như vậy có thể khiến phanh bị mòn và rơ, đồng thời sẽ phát ra tiếng kêu. Để ngăn chặn sự hỏng hóc nặng hơn, bạn hãy thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng cho hệ thống phanh, đảm bảo phanh luôn được hoạt động trong điều kiện tốt nhất.

Trên đây là những chia sẻ về những biểu hiện bệnh của xe ô tô có thể biết qua tiếng kêu, Oto.com.vn hi vọng bạn đọc sẽ tích thêm được những kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô để xe được sử dụng bền và tốt hơn.