Cách bày mâm ngũ quả thu hút may mắn, tài lộc trong năm mới

Vào dịp Tết cổ truyền, trên ban thờ của người Việt luôn có mâm ngũ quả như một nghi thức đón chào năm mới. Do sự khác biệt về phong tục tập quán nên ở mỗi vùng miền có cách bày mâm ngũ quả khác nhau để thu hút tài lộc, may mắn cho gia chủ.

Cách bày mâm ngũ quả thu hút may mắn, tài lộc trong năm mới - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

Tại sao mâm ngũ quả được kết hợp bởi 5 loại quả khác nhau? Ngoài ý nghĩa thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu với tổ tiên còn có các ý nghĩa tâm linh khá thú vị.

Trước hết, 5 loại quả tượng trưng cho 5 ngũ hành trong phong thủy gồm kim (kim loại), mộc (cây cối), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Những yếu tố này thuộc quy luật vạn vật dung hòa của vũ trụ và mang những màu sắc đặc trưng riêng: Vàng, xanh, trắng, đỏ, đen (hoặc quả sẫm màu).

Không những thế, 5 loại quả trên mâm còn mang thông điệp “ngũ phúc lâm môn”: Phúc, quý, thọ, khang ninh. Đây là những điều mang tới cuộc sống viên mãn thành tựu, đắc tài sai lộc, hạnh phúc an nhiên cho gia chủ.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả của miền Bắc sum suê, hài hòa màu sắc theo phong thủy ngũ hành tương sinh. Loại quả quan trọng chủ đạo trên mâm ngũ quả của miền Bắc là nải chuối xanh, được đặt dưới làm đế. Theo quan niệm dân gian, màu xanh của chuối biểu tượng cho mùa xuân, các quả ngửa lên như bàn tay tượng trưng cho sự bao bọc, che chở. Quả bưởi màu vàng tươi được đặt ở chính giữa mâm ngưỡng cầu năm mới phúc lộc tròn đầy viên mãn. Các loại quả nhỏ như cam canh, lựu, quất, đào, táo, sung… được bày xen kẽ vun đầy hình tháp thật đẹp mắt. Quả đào, quả hồng mong cầu sự thăng tiến, thành đạt trong công việc. Quả lựu cầu mong con cháu đông đúc, sum vầy, chăm ngoan. Quả quất, quả sung nguyện cầu gia chủ năm mới đắc tài sai lộc. Quả táo đỏ mang ý nghĩa giàu sang, phú quý.

Mâm ngũ quả miền Trung

Có lẽ, bởi dải đất miền Trung khí hậu không được ôn hòa nên mâm ngũ quả được người dân bày khá đơn giản và là sự giao thoa của hai miền Nam – Bắc. Các loại quả thường được chọn để bày trên mâm ngũ quả thường là: Chuối, mãng cầu, dưa hấu, sung, dừa, đu đủ, cam, táo, nho, sung… Quả to và nặng được đặt ở dưới làm đế. Quả nhỏ hơn xếp bên trên theo hình tháp. Một số gia đình còn cài những loại hoa tươi lâu như cúc, ly lên mâm ngũ quả, tạo màu sắc rực rỡ, tràn đầy sinh khí.

Mâm ngũ quả miền Nam

Có một sự khác biệt khá lớn giữa mâm ngũ quả miền Nam và miền Bắc. Người miền Nam thường bày mâm 5 loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Những loại quả này khi đọc lái đi sẽ thành “Cầu sung vừa đủ xài” thể hiện ước nguyện năm mới sung túc đủ đầy.

Với quan niệm theo cách đọc lái tên các loại quả như vậy, người miền Nam không dùng chuối, cam quýt để bày mâm ngũ quả ngày Tết. Bởi theo họ, từ chuối có phát âm giống với “chúi” thì việc làm ăn sẽ không suôn sẻ, may mắn. Quả cam, quả quýt không được dùng vì sợ vướng chuyện rắc rối thị phi khi liên quan đến câu “quýt làm cam chịu”.

Khi đã có đầy đủ các loại quả cần thiết, gia chủ sẽ chọn những loại quả to đặt lên mâm để bày “lấy thế”. Sau đó, các loại quả nhỏ hơn bày lên trên, sắp xếp xen kẽ màu sắc sao cho đẹp mắt.

Ngoài ra, trên mâm ngũ quả còn có 3 trái thơm (quả dứa) tượng trưng cho con cái mạnh khỏe, sum vầy. Đặc biệt, hai bên ban thờ thường bày cặp dưa hấu vỏ xanh sẫm. Vào ngày mùng một Tết, gia chủ sẽ bổ quả dưa hấu với quan niệm, màu đỏ của ruột dưa hấu sẽ mang lại may mắn, phước lành cho cả năm.

Những điều lưu ý khi bày ngũ quả

Không nên chọn các loại quả đã chín bởi sẽ nhanh hỏng khiến mâm ngũ quả “xuống mã” nhanh, chưa hết Tết đã bị hỏng.

Nên tránh các loại quả có mùi vị đắng, cay, quá chua bởi dễ liên tưởng đến vận xui, cay đắng trong cuộc đời.

Tuyệt đối không bày các loại quả như mít, sầu riêng… bởi nhiều gai góc và có mùi quá nồng, không phù hợp không gian tâm linh.

Không nên rửa các loại quả mà chỉ nên dùng khăn ẩm lau sạch từng quả.

Để giữ nguyên ý nghĩa ngũ hành tương sinh của mâm ngũ quả, không nên cài các loại bánh kẹo vào mâm quả mà chỉ nên bày bên cạnh.

Không dùng hoa giả, quả giả bày lên ban thờ bởi sẽ tổn hại phước lộc của gia chủ.

 

Mâm ngũ quả các vùng miền mang hình thức, ý nghĩa khác nhau theo quan niệm dân gian. Tùy vào phong tục tập quán từng địa phương cũng như khí hậu, sản vật mà người dân chọn các loại quả phù hợp để bày mâm ngũ quả. Nhưng dù vùng miền nào, mâm ngũ quả đều thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên và ẩn chứa nguyện cầu một năm vạn cát an khang trong gia sự.