Cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết hợp phong thủy đón tài lộc may mắn

Cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết cần tránh những điều tối kỵ, sắp xếp hợp phong thủy mới giúp gia chủ đón tài lộc, may mắn trong năm mới.

Để chuẩn bị cho Tết cổ truyền thì gia đình nào cũng cần lau dọn, sắp xếp lại bàn thờ gia tiên chu đáo. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết như thế nào để tránh những điều đại kỵ, ảnh hưởng không tốt đến vận khí gia chủ.

Ý nghĩa việc bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết 

Sắp xếp, bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết là một trong những việc quan trọng mang ý nghĩa tâm linh mà mỗi gia đình luôn quan tâm và coi trọng. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, bàn thờ là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính và sự thương nhớ, “uống nước nhớ nguồn” với ông bà đã khuất và cầu mong tổ tiên che chở và ban phước cho gia đình. 

Mỗi dịp Tết đến, con cháu sẽ lau dọn và bày trí lại bàn thờ, mời ông bà tổ tiên về đón năm mới, khai xuân cùng con cháu. Cầu mong tổ tiên phù hộ để một năm mới gia đạo bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Cách bài trí bàn thờ gia tiên đẹp ngày Tết cũng là hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ cao đẹp, mang nhiều ý nghĩa về tâm linh và phong thủy. 

Thời điểm nào nên bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết?

Thông thường các gia đình sẽ dọn dẹp, bài trí bàn thờ gia tiên cuối năm từ ngày 27 tết hoặc thực hiện sớm hơn ngay sau lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Không để quá gần những ngày sát tết sẽ khiến cho việc lau dọn, bài trí không được chỉn chu. Và theo tâm linh cũng phần nào thiếu sự thành kính với ông bà tổ tiên. 

Bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những gì?

Việc bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những việc như quét dọn bàn thờ, lau chùi lư đèn, các đồ thờ tự, thay tro bát nhang, hóa nhang cũ (đốt các chân nhang cũ), treo đèn, bày biện đồ lễ,…Gia chủ cần lau dọn bàn thờ sạch sẽ, gọn gàng trước khi bày biện các đồ cúng lễ,…Mọi việc cần được thực hiện chỉn chu, có những nguyên tắc nhất định, tránh phạm vào những điều cấm kỵ. 

Cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết 

Lau dọn ban thờ trước tết

Thông thường, sau lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng chạp, gia chủ đã có thể lau dọn bàn thờ để đón chào năm mới. Nên chọn ngày lành để thực hiện công việc này. 

Việc lau dọn, bao sái ban thờ gồm:

– Tỉa chân nhang: gia chủ sẽ rút bớt chân nhang trong bát hương. Thường nếu người thực hiện là nam sẽ giữ lại 7, 17, 27, 37 chân hương, nếu là nữ sẽ giữ lại 9, 19, 29, 39 chân hương. Tránh di chuyển hay làm xê dịch vị trí bát hương. Với chân hương đã rút nên hóa vàng, rải ở sông suối sạch sẽ, không vứt lung tung.

– Dùng thìa nhỏ xúc bớt tro hương ra ngoài, tránh đổ toàn bộ tro trong bát hương ra ngoài, kiêng kị đến việc tán gia bại sản

– Bài vị, di ảnh, cốc chén, lọ hoa…hạ xuống bàn rồi vệ sinh, lau dọn, không được đặt xuống đất

– Dùng khăn sạch, khăn dùng riêng để lau dọn bàn thờ, ngâm nước ấm hoặc nước pha gừng để lau dọn đồ thờ, sau đó để ráo hoàn toàn

– Đặt đồ thờ, đồ trang trí về vị trí cũ sau khi lau dọn xong, thay nước mới và cắm hoa tươi

Trong khi lau dọn kiêng làm đổ vỡ đồ đạc. Nên thay mới cốc chén rạn nứt hoặc sứt mẻ, khăn trải bàn thờ, bình hoa đã cũ…nhằm mang đến luồng sinh khí mới, tích cực hơn. Sau khi lau dọn bàn thờ, gia chủ sẽ bày biện, trang trí không gian thờ tự và sắp xếp đồ cúng lễ. 

Bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những gì?

Đồ trang trí

– 02 cây nến hoặc 02 đèn dầu đặt hai bên bàn thờ, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng

– 02 lọ hoa: một lọ đựng hương, lọ còn lại cắm hoa tươi, hoặc tùy theo gia chủ mà dùng cả 2 lọ cắm hoa tươi đều được

Đồ thờ cúng

– 03 chén nước, 03 chén rượu

– Hương (nhang), nên chọn hương vòng cháy lâu

– Mâm ngũ quả: gồm 5 loại quả khác nhau xuất phát từ thuyết ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Theo quan niệm của nhà Phật tượng trưng cho ngũ thiện căn bao gồm: huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin). Trong tâm thức của người Việt, ngũ quả cũng là thể hiện ý muốn đạt được phúc lâm môn, gồm phú – quý – thọ – khang – ninh (giàu, sang, sống lâu, mạnh khỏe và bình an).

Tham khảo: Cách bày mâm ngũ quả ngày tết theo phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam 

– Mâm ngũ quả miền Bắc: thường có những loại quả như chuối, bưởi/phật thủ, cam, quýt, táo,…

– Mâm ngũ quả miền Nam: gồm các loại quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,…

– Mâm ngũ quả miền Trung: gồm các loại quả như bưởi, thanh long, dưa hấu, sung, táo, lựu, lê, phật thủ,…

– Mâm cỗ cúng gia tiên: mâm cơm cúng gia tiên dù gồm những món ngon nào cũng không thể thiếu đĩa xôi, gà luộc, bánh chưng, giò,…những món ăn cổ truyền đặc trưng ngày Tết 

– Vàng mã, trầu cau, rượu, thuốc lá cũng là những thứ được bày biện trên bàn thờ ngày Tết của các gia đình Việt

Bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết 

– Bát hương được đặt tại vị trí chính giữa bàn thờ gia tiên. Nếu thờ 3 bát hương thì đặt cân đối ở 2 bên bát hương chính

– Đỉnh đồng (nếu có) đặt ở trung tâm, sau bát hương chính

– Nến thơm, đèn dầu đặt ở hai bên của 2 bát hương phụ

– Hạc đồng, lọ hoa, chân nến đặt ở hai bên bàn thờ

– Mâm ngũ quả đặt sau bát hương 

– Ấm chén, ly nước đặt song song ngang hàng hoặc ngay phía dưới mâm ngũ quả

– Vàng mã, giấy áo, bình rượu ngon, xung quanh bày thêm bánh trái, mứt để tạo sự cân đối cho bàn thờ.

– Mâm cỗ cúng gia tiên bày biện đẹp mắt đặt ngay phía dưới bàn thờ

Những điều cấm kị và nên tránh khi bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết

Không xê dịch bát hương sai vị trí 

Khi dọn dẹp, lau chùi bàn thờ, bát hương hay đặc biệt là lúc rút chân nhang cần giữ nguyên bát hương ở vị trí chính giữa bàn thờ, không dịch chuyển, xê dịch vì có thể phạm phải hướng hung, gây xui rủi cho gia chủ. 

Mâm ngũ quả ngày Tết bày theo ngũ hành 

Với người miền Bắc, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết được bày theo ngũ hành Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ, tượng trưng cho những mong muốn tốt đẹp của gia chủ, đón một năm mới nhiều tài lộc, bình an và may mắn, sung túc.

Dựa theo thuyết ngũ hành thì bạn cần chọn đúng 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc trắng – xanh – đen – đỏ – vàng. Chọn những loại quả mang ý nghĩa về sự may mắn, tài lộc, sinh sôi nảy nở.

Bạn có thể tham khảo một số loại trái cây có màu sắc tương ứng Ngũ hành:

Kim – màu trắng: dưa lê trắng, lê trắng…

Mộc – màu xanh lá: dưa hấu, chuối xanh, xoài xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, trái na, trái sung, trái dừa…

Thủy – màu đen: nho đen, vú sữa hay những trái cây có màu sẫm tối

Hỏa – màu đỏ: táo đỏ, trái hồng, trái dừa lửa, thanh long…

Thổ – màu vàng: cam vàng, quýt vàng, dưa hấu vàng, dưa lê vàng, xoài chín, phật thủ

Không bày hoa giả, trái cây giả lên bàn thờ 

Bàn thờ là nơi trang nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên nên cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết đẹp cần tránh bày hoa quả giả. Mặc dù hoa quả giả tiết kiệm chi phí và không tốn công thay nước nhưng theo các chuyên gia phong thủy, điều này không tốt bởi không thể hiện được sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Bày hoa tươi, trái cây tươi thơm ngon là cách thể hiện lòng thành của con cháu và hiếu kính với ông bà tổ tiên. 

Không bày đồ lễ xin ở chùa chiền lên bàn thờ gia tiên 

Nhiều người thường có thói quen xin lộc, đồ lễ ở chùa chiền về bày lên bàn thờ gia tiên với ý niệm hưởng xái lộc của thần phật. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu tâm linh thì điều này khôn nên. Bàn thờ là nơi tâm linh, thanh tịnh nên những cành vàng lá ngọc không nên đặt lên. Không nên đi bất cứ đến chùa chiền, đền phủ nào cũng xin lộc về đặt lên bàn thờ. Nếu tới di tích mua những cành vàng lá ngọc đó dâng lên, thì nên hóa đi, không nên mang về nhà.

Bên cạnh những điều cấm kỵ trên thì cần nhớ luôn giữ cho bàn thờ sạch sẽ, thường xuyên thắp nhang trên bàn thờ gia tiên trong những ngày đầu xuân năm mới, nhất là khi bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính ra vào nhà. Ngoài ra, để thu hút tài lộc, may mắn thì đèn trên bàn thờ cần luôn được bật sáng. 

Lời kết: Mong rằng những chia sẻ về cách bày trí bàn thờ gia tiên ngày Tết sẽ giúp bạn bài trí không gian thờ tự của gia đình hợp phong thủy, đón tài lộc trong năm mới sắp đến, gia đình bình an và thịnh vượng.

Xổ số miền Bắc