Cách dự tính ngày sinh phổ biến
Mẹ đã tham khảo cách dự tính ngày sinh chính xác chưa? Các bà bầu mang thai luôn nóng lòng chờ đến ngày được ôm bé trong tay. Mẹ rất nóng lòng muốn biết khi nào thì bé chào đời. Bài viết dưới đây cung cấp thêm cho các thai phụ những cách tính tuổi thai rất đơn giản để tính toán cho ngày trọng đại của mình nhé!
Ngày dự sinh có chính xác không?
Ngày dự sinh là một trong những thông tin vô cùng quan trọng đối với các mẹ. Nắm được ngày này sẽ giúp mẹ có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón bé chào đời.
Mọi người thường nghĩ thời gian mẹ mang thai bé là 9 tháng 10 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, con số này không hoàn toàn chính xác với tất cả thai phụ. Nguyên nhân là do thai kỳ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến như thời gian trưởng thành của thai nhi, thời điểm diễn ra chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ… Chính vì vậy, kết quả tính ngày dự sinh của từng người cũng không giống nhau. Hơn nữa, ngày dự kiến sinh của mẹ hoàn toàn có thể thay đổi và không duy trì cố định trong suốt thai kỳ.
Tính ngày dự sinh chuẩn nhất được xem là việc ước đoán ngày thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi một cách gần chính xác nhất, không nhất thiết đó phải là ngày em bé chào đời mới gọi là bình thường. Theo thống kê, có khoảng 5% các mẹ sinh con trùng với ngày dự sinh. Đối với các mẹ khác thì thời điểm các con ra đời sẽ chênh lệch khoảng 1 – 2 tuần so với dự tính ban đầu. Mặc dù ngày dự sinh chỉ mang tính chất tham khảo nhưng các mẹ cũng nên lưu ý cho mình để có được tâm thế chủ động trước khi các con chào đời.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ngày chào đời của con yêu, ví dụ như quá trình phát triển của thai nhi, chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của mẹ là từ lúc nào…Tuy nhiên, việc biết được cách tính ngày dự sinh chuẩn nhất sẽ giúp các bà bầu trước mắt có được một cột mốc cụ thể và chuẩn bị tâm lý tốt hơn để chào đón con yêu khi thai đủ tháng để sinh.
Mỗi thai nhi sẽ có một ngày dự sinh nhất định, thường được tính vào tháng thứ 3 của thai kỳ. Ngày dự sinh nào là chính xác nhất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong suốt thai kỳ. Nếu sản phụ đã khám tại nhiều nơi, vào nhiều lần khác nhau nhưng các bác sĩ lại tính ngày dự sinh khác nhau thì thai phụ nên tìm một nơi khám thai uy tín, nhờ bác sĩ có chuyên môn kiểm tra kỹ và chọn ngày dự sinh nào là chính xác nhất dựa trên các kết quả hiện có (thường là siêu âm).
Các cách dự tính ngày sinh
Để dự tính ngày sinh chính xác, phụ nữ mang thai có thể áp dụng nhiều cách, ứng với nhiều thời điểm tính khác nhau. Tuy nhiên kết quả tính ngày dự sinh hoàn toàn có thể thay đổi và không có một mốc cố định nào duy trì suốt thai kỳ.
Tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt
Với phương pháp này, các mẹ có thể áp dụng công thức sau dựa vào thời điểm diễn ra chu kỳ kinh nguyệt gần nhất:
Ngày = [Ngày đầu tiên của kỳ kinh gần nhất] + 7 ngày
Tháng = [Tháng của kỳ kinh gần nhất] + 9 tháng
Ví dụ: Thời điểm diễn ra kỳ kinh gần nhất: Ngày 22 Tháng 3 Năm 2021
=> Ngày = 22 + 7 = 29
=> Tháng = 3 + 9 = 12
=> Ngày dự sinh : Ngày 29 Tháng 12 Năm 2021
Theo cách này, tuổi thai được tính dựa trên việc xác định chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, thường không ai có thể biết chính xác ngày rụng trứng của bản thân, cũng như thời điểm thụ thai, chỉ có ngày nguyệt san là thông tin chính xác nhất, nên y học chọn ngày này để tính thời điểm em bé ra đời. Cách tính ngày dự sinh này có chuẩn không tùy thuộc nhiều vào chu kỳ kinh của người phụ nữ. Do đó, phương pháp này áp dụng cho những phụ nữ có chu kỳ kinh đều đặn 28 ngày và nhớ đúng ngày kinh cuối cùng của mình. Không thể áp dụng cho những người đang có chu kỳ kinh không đều, rối loạn kinh nguyệt, nhớ không chính xác ngày bắt đầu hành kinh.
Đếm tuần thai
Bình thường chu kỳ mang thai là 280 ngày tương đương với 40 tuần.
Mẹ lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, đánh dấu vào lịch và xem nó vào ngày thứ mấy trong tuần (ví dụ thứ 3 chẳng hạn). Sau đó đếm đủ 40 cái thứ 3 đó là sẽ ra ngày dự sinh của mình.
Quy tắc 9 tháng 10 ngày
Phương pháp này lấy ngày đầu kỳ kinh cuối cùng, đếm đến tháng thứ 9 rồi cộng thêm 10 ngày.
Ví dụ: ngày đầu kỳ kinh cuối cùng của mẹ là 13/6/2021 thì dự kiến sinh ngày 23/3/2022.
Tính ngày dự sinh bằng cách siêu âm
Các mẹ bầu còn có thể tính ngày chào đời của con thông qua siêu âm 3 tháng đầu khi mang thai. Phương pháp này không cần chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mẹ. Thông thường, các bác sĩ tính ngày dự sinh sẽ trải qua các giai đoạn thực hiện như sau:
-
Xác định kích thước của thai nhi sau khi siêu âm
-
Ước lượng thai nhi đang ở tuần thứ bao nhiêu
-
Dự tính ngày sinh là ngày thai nhi tròn đủ 40 tuần tuổi
Đối với trường hợp mẹ mang thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, các bác sĩ sẽ tính ngày dự sinh dựa vào thời điểm bơm tinh trùng vào tử cung, ngày chọc hút trứng hoặc ngày chuyển phôi.
Khi đến phòng khám, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện siêu âm và thăm khám lâm sàng về chiều cao tử cung, thời điểm thai cử động và tim thai để có thể dự đoán tuổi thai một cách chính xác nhất.
Cách này không cần dựa vào ngày mất kinh hay thời điểm thụ thai. Kết quả siêu âm cho thấy: Vào khoảng thời gian thai được 5 tuần tuổi là đã có thể nhận ra một cực thai, 6 tuần tuổi đường kính túi ối rơi vào khoảng 6 – 9 mm, đến 7 – 8 tuần thường sẽ nhận ra nhịp đập của tim thai. Dự tính ngày sinh thường được xác định chuẩn nhất dựa vào tuần thai 12 tuần +/_ 7 ngày
Ngoài ra, hiện nay, có rất nhiều phần mềm, ứng dụng và trang web giúp phụ nữ mang thai tính ngày dự sinh một cách thuận tiện và chính xác nhất. Thai phụ chỉ cần nhập đầy đủ những thông tin cần thiết (ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, tuổi thai hoặc ngày thực hiện siêu âm) sẽ biết được ngày dự sinh chính xác.
Luật Nagele (+7/-3)
Đây là cách lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối thêm 7 ngày và trừ đi 3 tháng.
Phương pháp tính này dựa trên chu kỳ kinh 28 ngày. Ví dụ: ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là 13 – 7, vậy bạn sẽ sinh vào ngày 20 – 4 năm sau.
Những lưu ý trước ngày dự sinh
Thông thường thời gian dự sinh sẽ nằm trong khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ. Ngoài việc tìm hiểu về cách tính ngày dự sinh thì 3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ.
Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
-
Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
-
Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
-
Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
-
Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
-
Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
-
Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
-
Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Biết được ngày sinh của bé là điều rất quan trọng để thai phụ chuẩn bị. Nhưng cũng cần lưu ý đây chỉ là dự tính, vì việc mang thai bình thường có thể thay đổi từ 38 đến 42 tuần, có nghĩa sự chênh nhau khoảng 2 tuần là bình thường. Trên thực tế, dưới 10% phụ nữ dự tính ngày sinh chính xác và một nửa số trẻ sinh sớm hơn mười ngày hoặc sau mười ngày theo ngày dự tính.
Đăng ký nhận tư vấn thai sản trọn gói tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/