Cách hành lễ và văn khấn lễ chùa đầu năm Nhâm Dần ‘đúng chuẩn’ nhất
(CLO) Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một tục lệ truyền thống đối với người dân Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc đi lễ chùa cũng có những nguyên tắc, mà không phải ai cũng thực hiện đúng.
Đầu năm mới, người dân có tục đi lễ chùa. Bởi từ xa xưa ông cha ta quan niệm, đi lễ chùa đầu năm là cách giúp mọi người cầu bình an, may mắn, tài lộc, tình duyên để có một năm như ý. Mọi công đoạn từ việc chuẩn bị lễ, bài cúng đi chùa đến thứ tự hành lễ đều được các gia đình chuẩn bị chu đáo.
Nguyên tắc chung khi sắm lễ cúng tại chùa thì không quy định lễ to hay nhỏ, nhiều hay ít, sang hay mọn mà chủ yếu là tấm lòng thành. Dù tại chùa có thờ nhiều vị như Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, thần linh… đều có thể cúng bằng lễ chay.
Đi lễ chùa cốt ở cái tâm thành kính
Sắm lễ chay gồm hương, hoa, quả tươi, trà, oản… lễ Phật, Bồ Tát. Lễ này cũng có thể dùng để dâng lên ban Thánh Mẫu. Khi lễ chùa thì không nên dùng đồ mặn, nếu muốn dùng đồ mặn thì có thể mua đồ chay có hình gà, giò, chả…
Lưu ý rằng, việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ tát và tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện. Tiền, vàng công đức nên để vào hòm công đức đặt tại chùa.
Thông thường, người đi lễ sẽ đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước. Khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
Sau khi sắp đúng, đủ lễ thì có thể bắt đầu đọc văn khấn tam bảo để cầu nguyện những điều mong muốn.
Mục lục bài viết
Văn khấn lễ Phật
Dưới đây là bài văn khấn đi chùa theo cuốn sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam”, được Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi chùa.
Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan Âm Đại sỹ, cùng hiền Thánh Tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Nay đến trước Phật đài,
Thành tâm sám hối
Thề Tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành,
Ngửa trông ơn Phật,
Quán Âm Đại sỹ
Chư Thánh hiền Tăng,
Thiên Long Bát bộ,
Hộ pháp Thiên thần,
Từ bi gia hội.
Cúi xin các vị phù hộ cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an vui làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho vận đáo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.
Đặng xin cứu độ cho các bậc Tôn Trưởng cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng cả chúng sinh đều thành Phật đạo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Cách khấn vái khi đi chùa
Cách vái, lễ lạy ở chùa nhiều nam, nữ, già, trẻ hay mắc sai lầm là vái nhiều, vái nhanh như bổ củi. Tâm tốt mà vào chùa không biết cách vái lạy bị coi là bất kính.
Nếu lễ ở ngoài trời, thắp hương ở lư hương to ngoài sân chùa thì phải vái ở tư thế đứng.
Cách vái đúng là chắp hai bàn tay để trước ngực, rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống, rồi sau đó ngẩng lên và đưa hai bàn tay vái lên xuống theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Số lần vái phổ biến là 3 – 5 vái.
Theo sư thầy Thích Trí Hóa (chùa Bằng A), cách lễ không bị “phạm” là tới ban nào cũng đứng trang nghiêm, vái 3 vái, khấn lâm râm xong thì đi ra ban khác.
Không nên đứng trước các ban vái lia lịa như bổ củi và cầu khấn to luôn miệng. Cách vái lia lịa như thế là không đúng, còn bị coi là bất kính. Trong chùa đi nhẹ, nói khẽ chứ không khấn to, nói to vì ảnh hưởng tới mọi người.
Lễ lạy có nhiều cách, mỗi thế có ý nghĩa khác nhau, nhưng thường thực hiện trước Tam bảo, và hay dùng trong dịp lễ trọng. Cách lễ theo đạo Phật ở Việt Nam thường là “ngũ thể đầu địa”, hai tay, hai chân và đầu đụng mặt đất – là cách lạy tôn kính nhất, thể hiện lòng biết ơn và niềm tôn kính 3 ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Về việc xòe bàn tay úp hay ngửa là tùy người lễ lạy, chưa tiền lệ “bắt buộc” nào quy định phải úp hay ngửa lòng bàn tay.
Số lần lễ lạy là số lẻ: 3,5,7,9. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
PV