Cách mua xe an toàn ở Chợ Tốt – Trợ Giúp Chợ Tốt

Tại Chợ Tốt, người mua và người bán xe tự giao dịch trực tiếp với nhau. Để việc mua xe diễn ra an toàn và hiệu quả, Chợ Tốt xin hướng dẫn các bạn các lưu ý sau:

Lưu ý 1:

Xem xét kĩ giấy tờ xe

  • Nếu không phải xe chính chủ, bạn cần phải xem xét các giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đã có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Khi phát hiện các đường dây tiêu thụ xe máy giá rẻ trên mạng có dấu hiệu làm giả giấy tờ, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Không mua xe không giấy tờ: Chợ Tốt không cho phép đăng xe không giấy tờ vì mua bán xe không giấy là vi phạm pháp luật.

Lưu ý 2:

Thận trọng với giá cả

  • Cẩn thận với những chiếc xe giá rẻ, đặc biệt là đối với xe máy. Những chiếc xe do trộm cắp sẽ bị đục lại số khung, số máy rồi sử dụng đăng ký và biển số giả. Những chiếc xe này được rao bán với giá chỉ thấp hơn xe cùng loại khoảng 2 triệu – 5 triệu đồng để khách hàng không nghi ngờ.

Lưu ý 3:

 Thận trọng với việc chuyển tiền

  • Cẩn thận với các hình thức đặt cọc, chuyển tiền, ship toàn quốc, địa chỉ người bán không rõ ràng, uy tín.
  • Nếu đã hài lòng về chiếc xe, hãy đề nghị người bán viết giấy bán xe, đồng thời giao cả đăng ký, biển số và hồ sơ gốc cho bạn. Đề nghị người bán cho phép bạn chụp lại chứng minh thư hoặc các giấy tờ tuỳ thân để đề phòng lừa đảo.

Lưu ý 4:

Kiểm tra chất lượng xe kỹ lưỡng

  • Đi cùng với một người am hiểu về xe hoặc thợ sửa xe để kiểm tra thật kĩ chiếc xe.
  • Đối với sản phẩm có giá trị cao như Xe máy/Ô tô, bạn có thể tham khảo thêm cách kiểm tra chi tiết sản phẩm như sau:
    • Đối với Xe máy:
      • Tìm xem trên thân xe có bất cứ vết trầy, xước hay rỉ sét nào không. Các vết trầy báo hiệu rằng xe đã từng bị va chạm mạnh trước đó.
      • Chống xe lên và kiểm tra đầu xe. Nhìn xem gắp trước, ghi đông, kính xe, tay thắng có đồng đều hai bên hay có bị uốn xoắn gì không.
      • Xem đuôi có bị lệch hay không. Bạn hãy thử lắc gắp xe một chút để xem chúng có bị rơ không, rồi kiểm tra luôn hai bánh và gắp xe. Tất cả các bộ phận này đều cần phải được gắn đúng cách.
      • Kiểm tra độ mới của hai bánh xe, bởi đó cũng là một dấu hiệu cho thấy chủ xe đã bảo quản xe như thế nào. Những chiếc xe có vành mâm xước nhiều chứng tỏ rằng nó đã được thay lốp nhiều lần, và người bán có thể đã thực hiện tiểu xảo tua công tơ mét. Chú ý xem lốp có còn là lốp “zin” theo xe hay không, hay là đã được thay rồi?
      • Nếu xe có dàn vỏ nhựa mới cũ không đồng bộ, hay đề can trên xe dán lệch lạc, bạn hãy cẩn thận vì chiếc xe đó có thể đã bị chủ “giật” lại.
      • Đem theo thêm một chiếc đèn pin nhỏ để soi động cơ xe nếu cần. Hỏi kĩ người bán xem họ đã bảo trì xe như thế nào. Những chủ xe biết bảo quản xe tốt thường sẽ đáng tin cậy hơn khi mua bán.
      • Xem qua luôn má phanh và đĩa thắng. Nhìn xem xích xe đang căng hay lỏng, có dơ hay bị rỉ sét hay không. Một bộ xích và nhông xích trong điều kiện tốt cũng là một dấu hiệu cho biết sự bảo quản xe của người bán.
      • Kiểm tra màu của dầu máy, dầu phanh và dầu hộp số. Hãy xem qua luôn bộ lọc khí của xe. Hãy so số khung và số máy xem chúng có khớp với nhau hay không. Nếu không, thì bạn cần phải hỏi ngay người bán rồi đấy. Cần lưu ý rằng trên một số dòng xe, số khung và số máy có thể lệch nhau vài con số đầu hoặc cuối. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, hãy đối chiếu số khung, số máy với đăng ký gốc của xe.
      • Thử qua toàn bộ các điều khiển, như đèn xe, đèn xi nhan, kèn và tay ga. Hãy ngổi thử lên xe, khởi động nó, và trong lúc xe còn đang chống, nghiêng về trước một chút, rồi bóp và nhả thắng vài lần xem nó có ăn không. Nhún thử vài lần để đảm bảo phuộc nhún vẫn hoạt động tốt.
    • Đối với Ô tô:
      • Kiểm tra vô lăng: Nếu xe đi ít vô lăng sẽ còn rất mới, chi tiết da không bị mòn, vô lăng không có độ rơ, có nhiều xe chủ nhân bọc vô lăng nhưng vết mòn sẽ không tránh khỏi ở 2 điểm tì ngón tay và ngay nút còi.

      • Đề máy, tiến hành xoay vô lăng tại chỗ hoặc đề tới/lui rồi đánh hết vô lăng xác định âm thanh lạ như tiếng cót két hoặc tiếng động không đều phát ra từ động cơ.
      • Để ý bàn đạp bị ăn mòn nhiều hay không, có thể bạn đang xem một xe đã qua “mông má” đó nhé!
      • Các nút bấm trong xe nếu dùng nhiều cũng sẽ bị bong tróc, việc sơn lại cũng dễ nhận biết nếu người xem tinh mắt.
      • Để xác định xe ngập nước, bạn hãy thử uốn cong dây điện, nếu bị ngập nó sẽ dễ gãy, các lỗ cắm ngả màu vàng, ốc gầm ghế, chân phanh và ga bị ghỉ sét, cặn bẩn đọng trong các khe, kéo hết dây seatbelt xem nó có bị ngả màu không.
      • Nhìn kỹ các điểm ghép nối giữa cản trước, cản sau, hốc bánh, mép cửa với thân xe, nếu có hiện tượng khe hở không đồng đều nghĩa là xe đã bị gò hàn lại
      • Mở nắp capo, nhìn vào phần khung sườn phía sau mặt ca – lăng, để kiểm tra hiện tượng bị hàn, vá, sơn lại hay móp méo. Tương tự như vậy bạn nhìn vào hộc đèn, sắt 2 bên sườn xe, nếu có hiện tượng đâm đụng, thợ sẽ hàn và gõ lại nhưng không thể phẳng, đẹp như lúc đầu.
      • Tìm những điểm ghép nối như mép cửa kính và thân xe, nếu xe bị sơn lại nó sẽ có đường nứt và bong tróc rất nhỏ có khi bị lem.
      • Những xe động cơ có màu đen hoặc thấy nhớt rỉ ra thấm bên ngoài thường đã “chinh chiến” khá nhiều và máy đã có trục trặc, nếu nó “mới tinh” và có lớp như dầu bóng bạn nên tránh mua vì có thể người bán đã “tổng vệ sinh” che dấu vết rò rỉ.
      • Nhờ người bán nổ máy xe, nếu xe bị lỏng bạc, ở nắp dầu sẽ có khói trắng bốc ra. Xe đã bị thủy kích hoặc rã máy thì các ốc máy sẽ có vết khuyết, keo dán lốc máy không đều do thợ Việt Nam trét bằng tay còn nhà sản xuất họ bắn keo bằng robot. Tiến hành nhấn ga khi xe ở N hoặc Mo, bugi yếu, dây mobin lửa chết sẽ làm máy rung lắc, nếu máy giật về phía trước hoặc sau thì cao su chân máy đã bị vỡ.
      • Yêu cầu người lái cho thử xe ít nhất là 30 phút ở mọi cấp số và tốc độ, nếu xe có hiện tượng hỏng, khi chạy tốc độ cao sẽ nghe âm thanh lạ. Chọn đường bằng phẳng, bỏ cả 2 tay, nếu xe chạy thẳng bạn có thể yên tâm.