Cách soi báo cáo tài chính doanh nghiệp
Mùa báo cáo tài chính quý IV/2022 đang bắt đầu nóng dần khi một số doanh nghiệp lớn công bố số liệu, nhà đầu tư phải chọn lọc thông tin để đánh giá tình hình của các doanh nghiệp cũng như triển vọng cho một năm mới.
Thực tế, vận động của giá cổ phiếu thường xuất phát từ những biến động về mặt lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi vậy, đây cũng là thời điểm nhà đầu tư sàng lọc, nhận diện những vấn đề và cơ hội tiềm năng cả trong ngắn và trung hạn.
Báo cáo tài chính có thể phác họa một bức tranh khá đầy đủ về sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp. Ở mỗi thời điểm và doanh nghiệp khác nhau sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), nhà đầu tư khi phân tích cần nắm rõ được ngành nghề của từng doanh nghiệp để xem xét đang ở chu kỳ kinh doanh nào, từ đó xác định tiêu chí quan trọng để phân tích hiệu quả số liệu tài chính.
Chẳng hạn với ngành ngân hàng, vị chuyên gia gợi ý một số chỉ số mà nhà đầu tư cần quan tâm là tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR).
Chỉ tiêu tài chính cần chú ý với nhóm ngân hàng trong giai đoạn này là tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Ảnh: Hoàng Hà.
“Rủi ro hiện hữu đối với ngành ngân hàng đang được quan sát là sự đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là 2 thị trường có thể ảnh hưởng lớn đến nợ xấu nhóm ngân hàng”, bà nói trong talkshow Gõ cửa tháng mới.
Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu thể hiện việc các ngân hàng sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng trước. Ngân hàng có tỷ lệ LLR càng cao nghĩa là càng có sự chuẩn bị kỹ càng để có thể đón nhận những biến động xấu sắp tới.
Chuyên gia nhận định kết quả kinh doanh của ngân hàng hiện vẫn tốt bởi ngành này thường đi chậm so với chu kỳ kinh tế. Các nhà băng cần thời gian để chậm lại, sẽ thể hiện giai đoạn nền kinh tế khó khăn.
Với nhóm bất động sản, trong bối cảnh huy động vốn khó khăn như hiện nay, vị này tin rằng dòng tiền trong báo cáo quý IV/2022 sẽ là một chỉ tiêu đáng được quan tâm.
“Bởi đầu ra hiện tại của thị trường rất trầm lắng nên phải xem các doanh nghiệp có thể vượt qua chu kỳ này hay không. Khả năng bán hàng thu tiền mặt sẽ thể hiện rõ ràng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp”, bà Phương nói.
Ngoài ra, khoản mục “Người mua trả tiền trước” với doanh nghiệp bất động sản cũng có thể giúp nhà đầu tư đánh giá một phần triển vọng doanh thu của công ty.
Với ngành bán lẻ, Giám đốc SSI Research nhận thấy ngành này có mối liên kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế. Các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp sẽ khó có được tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh lạm phát cao, do đó câu chuyện sẽ phân hóa với từng doanh nghiệp.
Vị chuyên gia còn đưa ra dự báo một số ngành có thể tăng trưởng cao trong quý cuối năm 2022 liên quan đến du lịch, sân bay, hàng không nhờ nền kinh tế mở cửa.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của ngành hóa chất, thủy sản, vận tải biển, thép… có thể bị ảnh hưởng lớn khi giá nhiều loại hàng hóa neo ở mức rất cao, rồi sau đó lại hạ nhiệt nhanh vào thời điểm cuối năm.
Dữ liệu lịch sử dài có thể nâng cao thêm tính chính xác trong việc đưa ra kết luận, thay vì chỉ nghiên cứu một báo cáo tài chính. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp liên tục tăng trưởng nhiều quý nhưng giảm tốc từ quý IV/2022, hoặc thậm chí báo lỗ là dấu hiệu cho thấy kỳ kinh doanh đang chậm lại hoặc có thể đảo chiều.
Nếu doanh nghiệp lãi đột biến, nhà đầu tư có thể kiểm tra lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay thu nhập bất thường, từ đó phản ánh chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp báo lãi nhưng dòng tiền liên tục âm cũng sẽ là một chỉ báo cần thận trọng dành cho nhà đầu tư.
Giám đốc SSI Research Hoàng Việt Phương.
Mục lục bài viết