Cách thiết kế và bố trí lối đi sân vườn siêu đẹp, phù hợp phong thủy.
Về cảnh quan bên ngoài căn nhà thì lối đi sân vườn đóng vai trò khá quan trọng, bởi nó quyết định bố cục, sự hài hòa và tính thẩm mỹ của toàn bộ khu vườn. Nhưng phải tùy vào diện tích, không gian và sở thích của gia chủ để chọn được kiểu lối đi phù hợp. Có một vài nguyên tắc thiết kế lối đi sân vườn nhất định, để đảm bảo hài hòa cả về chức năng, thẩm mỹ lẫn phong thủy.
Lối đi sân vườn giúp bạn thăm thú khắp khu vườn, giúp mọi người không dẫm đạp lên cây cỏ, hoa… Đối với những sân vườn rộng thì lối đi là hạng mục không thể thiếu, còn với những khoảng vườn nhỏ của nhà ống, nhà phố thì lối đi sân vườn sẽ giúp tạo điểm nhấn ấn tượng.
I. Vai trò của lối đi sân vườn
- Đảm bảo an toàn
Lối đi sân vườn là con đường dẫn bạn và các vị khách đi thăm quan quanh khu vườn một cách dễ dàng, thoải mái và an toàn. Chất liệu gạch hay đá lát lối đi có độ bền cao, ma sát lớn, chống trơn trượt hiệu quả. Nhưng trên thực tế, thì việc đi dưới nền đất và đi trên lối đi được thiết kế gọn gàng trở nên dễ dàng hơn hẳn.
2. Bảo vệ cây xanh
Khi trong sân vườn có lối đi riêng thì mọi người sẽ biết được những khu vực nào không được đi lên, khu nào được đi. Những lối đi thường được thiết kế tách biệt với bồn cây, thảm cỏ giúp tránh việc dẫm đạp, tổn hại cây cỏ và tính thẩm mỹ của khu vườn. Ở khía cạnh khác, lối đi còn giúp bạn quy hoạch sân vườn bải bản, theo từng mảng và vùng rõ ràng.
3. Tạo điểm nhấn
Trên thảm cỏ xanh mướt thì lối đi sân vườn sẽ là điểm nhấn nổi bật, đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên vẻ đẹp tổng thể của sân vườn. Những mẫu sân vườn có thiết kế đơn giản sẽ trở nên cuốn hút, ấn tượng hơn. Tính thẩm mỹ của lối đi thể hiện ở hình dáng, vật liệu sử dụng, cách bố trí gạch lát hài hòa…
4. Thu hút may mắn, tài lộc
Xét về mặt phong thủy thì lối đi sân vườn cũng tương tự như cửa chính, đây là cầu nối dẫn dắt sinh khí, nguồn năng lượng tốt vào nhà. Chính vì thế mà gia chủ không nên để cây cối trong vườn phát triển rậm rạp, không có quy hoạch rõ ràng. Mà nên thiết kế lối đi sân vườn thông thoáng và đẹp mắt, điều này giúp mang lại sức khỏe cho thành viên trong gia đình mà góp phần hút may mắn, công danh, tài lộc.
II. Những lưu ý khi thiết kế lối đi sân vườn
- Vật liệu chắc chắn, bền vững.
Trước khi thiết kế lối đi sân vườn thì bạn cần chọn vật liệu đảm bảo chắc chắn, bền vững và dễ di chuyển, có khả năng chống trơn trượt tốt. Những vật liệu có bề mặt không bằng phẳng thì không được khuyến khích sử dụng cho lối đi trong khu vườn. Để chọn được chất liệu phù hợp thì bạn nên căn cứ vào phòng cách tổng thể sân vườn, sở thích của gia chủ và điều kiện tài chính cụ thể.
Bạn có thể lựa chọn một trong những chất liệu làm lối đi phổ biến dưới đây:
- Xi măng: Đây là vật liệu được sử dụng khá phổ biến bởi độ ma sát tốt, dễ vệ sinh làm sạch. Tuy nhiên, vật liệu này khá đơn giản, ít tính nghệ thuật. Nếu muốn lối đi bằng xi măng trở nên ấn tượng hơn, bạn có thể sơn mới bằng những gam màu nổi bật.
- Sỏi: Vật liệu này giúp sân vườn nhà bạn trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn. Để tạo điểm nhấn sinh động, vui tươi, gia chủ hãy chọn sỏi nhiều màu sắc rực rỡ.
- Đá/gạch: Đây là 2 vật liệu rất được ưa chuộng khi thiết kế lối đi sân vườn tại Việt Nam. Ưu điểm nổi bật của đá/gạch là độ bền cao, thi công đơn giản, nhanh chóng, ít phải bảo dưỡng. Chưa kể, giá thành cũng ở mức hợp lý, phù hợp với nhiều người.
- Gạch Mosaic: Mosaic là một thuật ngữ chung, hàm ý nói về việc khảm, ghép những viên nhỏ lại với nhau thành một mảng hoa văn, màu sắc, hình dạng theo ý muốn. Mosaic là sự kết hợp tinh tế giữa các mảnh gốm, thủy tinh màu sắc, sỏi đá tự nhiên hoặc nhiều loại vật liệu khác nhau. Kích cỡ của gạch Mosaic có cạnh từ 2-10cm. Đây cũng là một trong những loại vật liệu được ưa chuộng trong ốp lát, trang trí nội ngoại thất.
Với lối đi sân vườn, gạch Mosaic được đánh giá là vật liệu thiết kế lối đi sân vườn mang lại giá trị thẩm mỹ cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, đòi hỏi sự sáng tạo và tỉ mỉ của các nghệ nhân.
Lưu ý, nếu nhà có trẻ nhỏ, gia chủ nên tránh sử dụng đá vụn hoặc sỏi lát lối đi bởi không đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi đùa. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng các viên đá lớn, bằng phẳng hoặc chất liệu bê tông.
2. Chú trọng chiếu sáng
Một lối đi sân vườn đẹp, ấn tượng không thể thiếu đèn chiếu sáng. Đèn chiếu sáng sân vườn thường được bố trí hai bên lối đi, cung cấp ánh sáng cho sân vườn vào ban đêm hoặc sáng sớm, giúp việc di chuyển trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Hiện thị trường có nhiều loại đèn LED dành cho lối đi sân vườn với kiểu dáng phong phú, giá thành hợp lý, tuổi thọ cao và giúp tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ. Cụ thể, có 3 loại đèn phổ biến như sau:
- Đèn trụ nấm: Đây là loại đèn có chiều cao ngang đầu gối hoặc thấp hơn, kiểu dáng tối giản hoặc có họa tiết cầu kỳ, phù hợp để lắp hai bên lối đi trong vườn.
- Đèn LED cắm cỏ: Loại đèn này có công suất thấp với các mắt LED nằm trên mặt đất. Góc chiếu tối đa của đèn chỉ 60 độ, tạo điểm nhấn trang trí cho lối đi sân vườn.
- Đèn trụ sân vườn: Đèn có khả năng phủ sáng trong khoảng không gian rộng bởi chiều cao đèn có thể lên tới 3,5m. Với lối đi sân vườn biệt thự, nhà phố rộng rãi, gia chủ nên chọn kiểu đèn này.
3. Trồng cây, hoa hai bên lối đi
Đây là một trong những cách hiệu quả trong việc trang trí lối đi sân vườn và tạo sự kết nối hài hòa với cảnh quan xung quanh. Hơn nữa, việc trồng cây hoa hai bên lối đi còn giúp tạo ra dương khí, mang đến vận may cho gia chủ.
Với thực vật hai bên lối đi, bạn nên chọn trồng cỏ tự nhiên, cây bụi thấp hoặc những bụi hoa nhỏ sắc màu tươi sáng. Sân vườn sẽ trở nên cuốn hút, bắt mắt hơn với những mảng xanh uốn lượn theo lối đi. Đặc biệt, với lối đi bằng xi măng, bạn nên trồng cỏ hoặc sử dụng thảm cỏ nhân tạo để giúp làm mềm nét thô cứng của chất liệu này. Cùng với đó, có thể trồng những loại hoa bụi thấp như cẩm tú mai, cây hoa ngũ sắc, phong lữ thảo, hoa bách nhật, hoa lan đất…
4. Một số lưu ý về mặt phong thủy
Thứ nhất, không thiết kế lối đi theo dạng đường thẳng hay khúc cua nhọn, nên làm theo dạng uốn lượn để tạo cảm giác khu vườn rộng rãi, có chiều sâu hơn, từ đó tạo cảm giác thư thái, dễ chịu. Theo phong thủy, lối đi sân vườn thẳng sẽ khiến sinh khí vào nhà quá nhanh hoặc năng lượng xấu sẽ trực tiếp đi vào nhà. Trong trường hợp sân vườn nhỏ hẹp, bạn có thể thiết kế lối đi nhỏ hình zíc zắc, bổ sung thêm một vài chậu cây nhỏ quanh lối đi nhằm giảm bớt tốc độ của dòng khí.
Thứ hai, tránh đặt các tấm đá lát lối đi hướng thẳng đến cửa chính ra vào nhà bởi chúng có thể tạo nên sát khí, không tốt về mặt phong thủy.
Thứ ba, bề rộng lối đi bằng nhau, tránh thiết kế rộng phía gần cửa chính, hẹp phía cổng vì sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp và khả năng tài chính của gia chủ.
Thứ tư, gia chủ cũng không nên sử dụng vật liệu có bề mặt không bằng phẳng làm lối đi.
>>> Cập nhật nhanh xu hướng màu sắc phòng bếp mùa thu ấn tượng.
III. Những mẫu thiết kế lối đi sân vườn phổ biến
- Lối đi làm bằng bê tông bằng phẳng
Kiểu lối đi sân vườn này dễ ứng dụng, thiết kế đơn giản, nhanh gọn và phù hợp với nhiều phong cách sân vườn. Đây là lối đi có bề mặt nhẵn, cứng, chống trơn trượt tốt. Với các khuôn đúc sẵn, bạn có thể làm lối đi bê tông với nhiều hoa văn, hình dáng theo sở thích.
2. Lối đi trải sỏi
Sỏi dùng để lát lối đi thường có kích thước từ 1-2cm, hình tròn nhẵn mịn, không có cạnh sắc nhọn. Nếu đi chân trần, lối đi lát sỏi giúp massage bàn chân, góp phần lưu thông máu, tốt cho sức khỏe. Vào mùa hè, chất liệu sỏi còn tạo cảm giác dịu mát, dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, việc sử dụng sỏi làm lối đi cũng là cách để giữ ẩm cho đất, đặc biệt là trong mùa khô nóng.
3. Lối đi lát gạch
Với những ưu điểm như dễ thi công, không tốn nhiều công chăm sóc và bền vững, lối đi lát gạch là dạng rất phổ biến, được nhiều người lựa chọn cho thiết kế sân vườn. Kiểu lối đi này phù hợp với sân vườn có phong cách đơn giản, tự nhiên, đậm chất làng quê. Lưu ý, màu sắc của gạch cần phải hài hòa với cỏ cây hoặc hàng rào xung quanh. Gạch được lát theo nhiều kiểu khác nhau như dạng thẳng hoặc gợn sóng.
4. Lối đi lát đá tự nhiên
Đá tự nhiên được dùng để lát lối đi sân vườn có kích thước, hình dáng khác nhau, bề mặt nhẵn mịn, tuyệt đối không có góc sắc nhọn. Càng sử dụng lâu, đá càng bám chặt xuống đất tạo sự bền chắc, ít phải bảo dưỡng hay thay mới. Lối đi bằng đá phù hợp với những sân vườn phong cách tự nhiên, phong cách Zen (thiền), vườn có tiểu cảnh nước như thác nhân tạo, hồ cá nhỏ.
Hiện nay, lối đi bằng đá lát trên nền cỏ xanh rất được ưa chuộng. Theo đó, những viên đá mộc được nhấn sâu vào lòng đất, xen kẽ với lớp cỏ xanh mát mắt, tạo cảm giác “cổ xưa” hơn. Bạn nên đặt các viên đá cách nhau một khoảng nhất định, tạo khoảng trống cho lớp cỏ mọc xen kẽ phát triển nhanh chóng, giúp lối đi hòa hợp với thiết kế tổng thể.
Có 3 loại đá lát sân vườn phổ biến là đá bazan, đá cubic và đá hoa cương. Trong đó, đá hoa cương được sử dụng nhiều nhất bởi chủng loại, màu sắc phong phú, độ cứng cao, ít bị thấm nước do kết cấu đá chặt, chịu được tác động lực lớn. Ít phổ biến hơn dòng đá hoa cương là đá bazan. Nhìn chung, đá tự nhiên sử dụng làm lối đi sân vườn phổ biến vẫn là đá hoa cương và bazan.
Khi sử dụng đá tự nhiên làm lối đi trong sân vườn, bạn cần lưu ý vấn đề chống thấm và rêu mốc. Thông thường, các loại đá lát sân vườn sẽ được phủ một lớp chống thấm lên bề mặt. Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng, bề mặt đá dễ bị mất lớp chống thấm do chà xát nhiều. Vì vậy, để duy trì độ bền và khả năng chống trơn trượt, gia chủ nên chống thấm lại cho bề mặt đá định kỳ 6 tháng đến 1 năm.
5. Lối đi kết hợp đá – sỏi
Đây là kiểu lối đi phù hợp với sân vườn phong cách hiện đại. Gia chủ thường sử dụng những tảng đá lớn màu trung tính làm bước đệm chính, xung quanh trải sỏi nhiều màu nhằm mang lại hiệu ứng thị giác thú vị. Cách khác, bạn hãy xếp những viên đá nhỏ với nhau theo hình dạng mong muốn, sau đó sử dụng bê tông để gắn kết chúng tạo thành các mảnh đá lớn hơn và trải thảm sỏi màu trắng xung quanh. Nếu muốn, bạn có thể trồng thêm một vài loại cây bụi nhỏ xung quanh lối đi sân vườn với bộ cục gọn gàng, hài hòa với tổng thể.
Xem thêm thông tin khác:
Thiết kế những ban công nhỏ xinh cho mùa thu ấm áp, hút mắt không rời.
“Hô biến ” phòng tắm theo phong cách của riêng bạn, ấn tượng bất ngờ.