Cải cách y phục – xưa và nay
Câu chuyện cải cách y phục luôn tồn tại trong sự phát triển của lịch sử bởi nó đáp ứng nhu cầu khác nhau của mỗi thời đại.
Tại sao âu phục?
Vào những năm 1930, phong trào cải cách y phục ở nước ta diễn ra sôi nổi trong nhiều giới khác nhau. Do đó, vấn đề cải cách y phục của quan lại bấy giờ lại càng được báo chí đương thời hết mực quan tâm.
Những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông – Tây phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện như tôn giáo, giáo dục, văn học, nghệ thuật,… trong đó không thể không kể đến những thay đổi bước ngoặt về trang phục.
Vài viết về cải cách y phục các quan trên báo Loa, số 78 ngày 15 tháng 8 năm 1935. Nguồn: Thư viện Quốc gia
Trong thời kỳ Pháp thuộc, do ảnh hưởng của trang phục phương Tây, phong trào cải cách y phục ở nước ta diễn ra sôi nổi trong nhiều giới, nổi bật lên là cải cách y phục ở phụ nữ với “áo dài tân thời”: “Sau khi phụ nữ đã bỏ bộ cánh… cũ, khoác bộ cánh tân thời; sau khi nhà binh, tức là bên võ, đã bỏ cả những cái nón đĩa, và cái khố đỏ, để tìm một lối binh phục hùng tráng hơn; cả đến viên cảnh sát cũng dần dần bỏ sà cạp để quần chùng cho nó có vẻ một tý…”. (“Cái áo các quan”,
Loa
, số 78 ngày 15 tháng 8 năm 1935).
Trước những sự thay đổi nhanh chóng đó, nam giới bấy giờ cũng có một lựa chọn trang phục mới cho mình, đó chính là bộ “âu phục”. Có thể nói, bộ âu phục đương thời được rất nhiều lớp người trong xã hội ưa chuộng bởi có nhiều ưu điểm, trong đó có thể nhắc đến 3 điểm chính sau:
Thứ nhất, nhiều người nghĩ khi mặc âu phục sẽ trông cứng cáp hơn, tự tin hơn khi nói chuyện với người Tây, bởi “chính ngay ở những cửa công, người mặc âu phục vẫn được đãi một cách dễ dàng hơn nhiều, và bấy giờ có nhiều người Pháp vẫn phân biệt người mặc âu phục và người mặc quốc phục” (“Tại sao thiếu niên ta thích bận âu phục?”,
Hà Thành ngọ báo
, số 1550, ngày 29 tháng 10 năm 1932).
Về mặt thẩm mỹ, đến các ký giả Hà Thành Ngọ Báo thời ấy cũng phải công nhận: “Trông bề ngoài, người mặc âu phục quả thấy cứng cáp, gọn ghẽ, và tiện lợi hơn khi mặc quốc phục nhiều” (“Tại sao thiếu niên ta thích bận âu phục?”,
Hà Thành ngọ báo
, số 1550, ngày 29 tháng 10 năm 1932).
Thứ hai là tiện lợi. Điều tiện lợi ấy được các bậc ký giả đầu thế kỷ XX lý giải như sau: “Ta ở xứ nóng cần phải dùng những hàng mỏng và may rộng rãi thì mặc mới mát, nếu thứ gì cũng bó chẹt vào người thì chịu sao được. Nhưng quần áo ta vừa dài và rộng trông lượt thượt và có vẻ yếu ớt không như quần áo tây vừa gọn gàng trông lại hùng dũng tiện bề lui tới…” (“Cắt giây oan nghiệt”,
Hà Thành ngọ báo
, số 848, ngày 5 tháng 6 năm 1930).
Cuối cùng, một ưu điểm khác cũng không kém phần quan trọng, là tránh được khoản lễ nghi rườm rà: “Còn một điều đáng chú ý nữa là đối với con mắt người ngoài, lễ phép của người An Nam phiền văn lắm. Khi ta đã khoác bộ áo tây vào, và theo lễ phép tây thì tức là ta đã tìm được cách tránh cái phiền văn kia rồi” (“Tại sao thiếu niên ta thích bận âu phục?”,
Hà Thành ngọ báo
, số 1550, ngày 29 tháng 10 năm 1932).
Chính vì những ưu điểm trên nên các thiếu niên Việt Nam thời ấy và có cả các ông đứng tuổi, đua nhau ăn mặc âu phục, “nhất là các bạn đi làm các công, tư sở lại càng “sính” lắm nữa” (“Cắt giây oan nghiệt”,
Hà Thành ngọ báo
, số 848, ngày 5 tháng 6 năm 1930).
Một số ký giả còn ra sức phê phán tiến độ cải cách y phục chậm chạp, lừng chừng của nhiều quan lại đương thời:
“Kỳ Hội đồng Dân biểu này cũng có người xin cải cách y phục ăn bận theo Tây… Về y phục các quan muốn cải cách dần dần từ chân lên đến đầu và hiện nay các quan đã cải cách ở chân rồi, nghĩa là các ngài đi đôi giày ban…Thế rồi thì một năm nữa các ngày mặc quần tây; một năm nữa các ngài mặc cái áo tây; một năm nữa các ngài đội cái mũ tây; mới kể là hoàn toàn cải cách. Chuyện gì các quan cũng phải làm trong 5 năm mới xong” (“Cải cách phải dĩ tiệm”,
Tràng An báo
, số 66, ngày 15 tháng 10 năm 1935).
Vua Bảo Đại trong bộ âu phục năm 1942 – Nguồn: Internet
Đặc biệt, sau khi vua Bảo Đại từ Pháp trở về năm 1932, mang theo một “luồng gió mới” với phong cách trang phục Âu châu, kèm theo đó, ông ra lệnh bãi bỏ lễ lậy, khiến cho nhiều quan lại càng háo hức mong muốn có một sự thay đổi lớn về trang phục.
Mặc áo rộng xanh, chính là phục hồi cổ lễ!
Tuy nhiên, ngược lại có một số quan lại lớn tuổi lại không hài lòng với âu phục, mà muốn mặc theo đúng cổ truyền. Cũng như vậy, bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cải cách y phục của các quan, thay cổ phục bằng âu phục mới tân tiến, hiện đại, có những ý kiến cho rằng việc các quan mặc áo rộng xanh theo lễ cổ chính là “phục hồi cổ lễ như trước”, và lập luận rằng vua Bảo Đại chỉ bỏ lạy, nhưng lệ mặc áo xanh thì vẫn còn:
“Năm ngoái nhân dịp Kim thượng hồi loan (Vua Bảo Đại từ Pháp trở về – TĐA), Dân viện có dự lễ nghênh giá… Có vài ông Nghị “tân nhân vật” nhất định bận Âu phục đi nghênh giá. Nhiều người thấy thế phản đối mà các cụ Thượng cũng tỏ ý không vui lòng, nhưng đám thanh niên lại khen cái cử chỉ khẳng khái của các ông Nghị Âu phục kia và nhận rằng: Kim thượng là một vị tân quân hấp thụ Âu hóa trên mười năm, tất là không thích lối cổ lễ áo rộng bái quỳ kia. Quả nhiên đến ngày yết có sắc bỏ lạy, nhưng áo xanh vẫn còn theo lễ cổ. Năm nay Dân biểu sắm áo rộng xanh, chính là phục hồi cổ lễ như trước”. (“Một việc phục cổ ở Viện Dân biểu Trung kỳ: Vấn đề mấy quan Nghị sắm áo thụng xanh”,
Hà Thành ngọ báo
, số 1837, ngày 17 tháng 10 năm 1933)
Cán bộ, công chức nam của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế trong trang phục áo dài truyền thống. Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Câu chuyện cải cách y phục luôn tồn tại trong sự phát triển của lịch sử bởi nó đáp ứng nhu cầu khác nhau của mỗi thời đại. Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động của Sở mặc áo dài trong ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục”, góp phần khẳng định Huế là kinh đô áo dài của Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện này lại gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Người khen ngợi áo dài đẹp, thể hiện được truyền thống, thậm chí còn tiết kiệm, “bảo vệ trọn cả thân người” hơn đứt âu phục. Người lại chê áo dài nóng nực, vướng víu, thiếu năng động, không phù hợp trong môi trường làm việc,…
Có thể thấy, so với cách đây gần trăm năm, một số điểm hạn chế của bộ trang phục truyền thống đã được cải thiện (thiết kế gọn gàng, chất liệu vải thoáng mát hơn,…) và điều kiện làm việc, sinh hoạt của con người cũng không còn như trước (không còn tình trạng thiếu thốn quạt máy, quạt kéo, hay lễ nghi rườm rà,…). Vậy nên, việc cán bộ, công chức mặc trang phục truyền thống cũng không hẳn là điều bất tiện.
Tuy nhiên, có một góc nhìn khác của các ký giả đầu thế kỷ XX cách nay đã gần trăm năm vẫn khiến cho lớp hậu thế phải suy ngẫm:
“Theo như ý tưởng của ký giả thì cái gì thuộc về hình thức bề ngoài, đồ lễ cổ cũng chưa đáng trách mà lốt văn minh mới cũng chưa đáng tin, cốt nhất là thực tế bề trong mà các ông Nghị làm được công việc ích lợi cho dân, hợp với dân nguyện thì mặc áo xanh trong lúc yết kiến ấy, cũng là đều ứng thủ qua chuyện thôi”. (“Một việc phục cổ ở Viện Dân biểu Trung kỳ: Vấn đề mấy quan Nghị sắm áo thụng xanh”,
Hà Thành ngọ báo
, số 1837, ngày 17 tháng 10 năm 1933).