“Cái nôi” văn hóa và lịch sử Phong Nha – Kẻ Bàng

CkG0qTtl.jpgPhóng to

Di tích đường Hồ Chí Minh

Ngay từ năm 1899, Léopold Cadière – một giáo sĩ truyền đạo người Pháp – đã khảo cứu giá trị về văn hoá và phong tục, tập quán của người dân vùng thung lũng sông Son. Trong thư viết cho Trường Viễn Đông bác cổ, ông khẳng định: “Những gì còn lại của nó đều rất quí giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích cho khoa học”.

Đến đầu thế kỷ XX, các nhà thám hiểm và học giả Anh, Pháp đã đến Phong Nha. Ngoài cảnh đẹp và giá trị du lịch của Phong Nha, họ còn phát hiện một số di tích Chăm và Việt cổ như bàn thờ Chàm, chữ Chàm khắc trên vách đá, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị…

Năm 1995, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định động Phong Nha có dấu hiệu là một di tích khảo cổ học vô cùng quan trọng. Có thể dấu tích ở hang Bi Ký trong động là một thánh đường Chăm từ thế kỷ IX đến XI. Tại đây đã phát hiện nhiều mảnh thân và miệng các bình gốm có tráng men của Chàm với các mảnh gốm thô sơ có lõi đen, có vòng phân miẹng loe rộng so với thân, tạo một góc gần vuông. Bên cạnh đó còn có các gốm hoa văn miệng hình cánh sen, màu xanh ngọc, màu lông thỏ hồng nhạt…

Trong Phong Nha – Kẻ Bàng có cộng đồng người dân tộc ít người là Arem, Rục, Sách, Mày, Mã Liềng… có ngôn ngữ Arem gần người Việt hiện đại.

Phong Nha – Kẻ Bàng cũng là nơi tá túc của Vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương ở địa bàn xã Hoá Sơn (nay thuộc huyện Minh Hoá). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Phong Nha – Kẻ Bàng còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng. Đó là đường mòn Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn với các cung đường, trọng điểm nổi tiếng: 20 Quyết Thắng, Mụ Giạ, A.T.P, Trà Ang, Cà Tang, cua Chữ A, Khe Ve… hay các di tích Hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các kho hàng hoá trong hệ thống hang động ở Tuyên Hoá, Minh Hoá…

Wy3TzRPv.jpgPhóng to
u9xBjg06.jpgĐền thờ tưởng niệm 8 nữ thanh niên xung phong và 5 bộ đội hy sinh ở đường 20 (bên cạnh Hang Tám Cô)
Những mố cầu qua trọng điểm Cà Tang (Minh Hoá) còn sót lại sau chiến tranh

Động Phong Nha cũng có một thời được bộ đội 559 dùng làm nơi cất giấu hàng hoá và những chiếc phà sắt cồng kềnh để vận chuyển xe, hàng ra tiền tuyến.

Không ít du khách nước ngoài và trong nước khi đến Phong Nha tham quan đã rất thích thú khi được nghe nói về những điểm du lịch này. Và ai cũng ao ước được đi, được nhìn thấy những di tích một thời nổi tiếng, gắn liền với cuộc chiến đấu ác liệt của người dân Quảng Bình…