Cầm 178 triệu khởi nghiệp bán xe cũ: Từ lãi 10 triệu/2 ngày tới phốt mua xe ‘Mẹc’ giấy giả và những bài học để cùng mở showroom riêng
“Vừa chốt cọc được chiếc 320i này anh ạ,” Đạt chia sẻ với giọng đầy hứng khởi.
Phạm Đạt, sinh năm 1994, là một người kinh doanh ô tô đã qua sử dụng tại Hà Nội. Showroom mới thuê được hơn nửa năm, đặt tại cuối con đường Khuất Duy Tiến, thậm chí chưa có tên chính thức. Bên trong showroom là những chiếc xe sang như Lexus RX 350, Porsche Cayenne, MINI Countryman hay Mercedes-Benz C 200 còn thơm mùi xe mới… Mặc dù showroom mới mở, Đạt đã có 5 năm bươn chải trong nghề bán xe, với ý chí luôn muốn làm chủ.
Tôi có niềm đam mê ô tô từ nhỏ. Ngay từ những ngày học cấp 2, cấp 3 đã thích ô tô rồi. Cứ có kỳ triển lãm xe nào diễn ra, tôi lại cố gắng tiết kiệm tiền mua vé xem. Đó cũng là lý do mà sau khi học hết phổ thông, tôi chọn thi vào khoa Công nghệ ô tô, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Nhà không có điều kiện như chúng bạn nên tôi bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh từ rất sớm. Năm nhất đại học, do chưa có kinh nghiệm, tôi chọn bước chân vào nghề với việc chụp ảnh xe và đăng bán. Việc đơn giản nên có thể vừa học, vừa làm được. Sang năm thứ 2, tôi còn làm thêm việc đưa xe cũ đi làm đẹp, sửa chữa. Đã có lúc việc nhiều đến nỗi tôi phải thuê người đi học hộ những môn không phải chuyên ngành. Công việc cứ túc tắc như vậy cho đến khi tôi học hết năm cuối đại học.
Đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa được nhận bằng, tôi vẫn cầm tấm bảng điểm và CV đi xin việc bán xe tại các showroom ô tô ở Hà Nội. May sao họ chấp nhận bởi đã từng có kinh nghiệm làm việc trước đó. Các hãng xe như Honda, Kia hay Mercedes-Benz tôi đều đã làm qua. Làm ở đó lương không cao nhưng bù lại có quan hệ. Khi đã nắm chắc nhiều mối quan hệ và có một khoản vốn nhất định, tôi nghỉ hẳn và chuyển ra ngoài đi “hát rong” hay còn gọi là bán xe tự do. Mình mua bán xe cá nhân rồi giao dịch ngay tại các quán cà phê chứ không có cửa hàng nào cả. Xe chưa bán được thì để đi, được giá thì bán.
Sau 2 năm đi “hát rong”, tôi mới chung vốn với một số anh em khác để có showroom riêng. Thật ra, showroom vẫn chưa có tên chính thức và mới mở vào tháng 4/2019. Biển tên vẫn là của showroom cũ. Mọi người tự biết với nhau là như vậy.
Đó là chiếc Honda Civic đời 2008 đèn hậu “củ lạc”. Bố mẹ cho vay 178 triệu, tôi góp chung cùng 2 người nữa để mua lại chiếc xe. Chỉ sau 2 ngày, 3 anh em chúng tôi đã chốt được khách và lãi hơn 30 triệu. Tiền lãi chia đều cho cả 3 người, mỗi người hơn 10 triệu. Lần đầu tiên cầm số tiền nhiều như vậy chỉ sau 2 ngày, tôi cảm thấy hơi bất ngờ và cũng sung sướng khó tả.
Anh thấy đấy, hồi đó còn làm cho hãng xe, lương tháng 7 triệu trừ tiền phạt và không đủ doanh số chỉ còn khoảng 4-5 triệu. Kiếm được một khoản lớn 10 triệu chỉ trong 2 ngày như vậy, tôi máu ra ngoài bán xe lắm chứ. Ấy vậy là bén duyên với cái nghề gọi là “hát rong”.
Thật ra ban đầu tôi cũng chẳng tính toán gì cả, cứ chân trong chân ngoài túc tắc. Cho đến khi bán chiếc Suzuki Swift đầu tiên, tôi mới thực sự bỏ hết tất cả để vào guồng. Tôi còn nhớ như in chiếc Swift đó đời 2013, xe nhập, màu cam. Ban đầu tính mua để trải nghiệm, rồi cứ túc tắc rao bán, gặp người cần thì bán còn không cứ để đi. Ấy thế mà bán được rất nhanh, lãi luôn 30 triệu.
Thời đó Swift còn như một hiện tượng, nhiều người chuộng lắm. Tôi lại mua chiếc Swift khác, rồi quen, chơi với nhóm Swift Việt Nam trên Facebook, đi “offline” khá nhiều. Nhiều người trong nhóm do làm ăn phất nên lên đời xe, bán lại, và tôi chính là người mua lại chiếc xe đó. Mua về, tôi lại tính làm đẹp lại xe để bán. Cứ thế, cứ thế, trong quãng thời gian đó, tôi phải bán được hơn 20 chiếc Swift, với đủ các màu sơn khác nhau. Tôi vừa mua lại một chiếc Swift cũ để đi lại và gắn bó lâu dài, vì cảm thấy xe này mang đến sự may mắn cho mình, sự nghiệp của mình đi lên cũng từ xe Swift.
Từ Swift, tôi đúc kết kinh nghiệm để năm 2016 bán Mazda3. Đã bán là bán theo “một dây”. Cứ hết chiếc Mazda3 này đến chiếc Mazda3 khác, tôi mua đi bán lại. Khi đó, tôi đã có đủ tiền ôm cả 2 chiếc xe rồi. Cứ dòng xe nào bán chạy thời điểm đó là tôi nhảy vào làm. Tính thanh khoản cao nên không phải ôm xe lâu, dù lãi không quá nhiều.
Dần dần, có một số vốn lớn hơn, tôi bắt đầu nghĩ rằng nếu cứ “hát rong” thì mãi vẫn làm nhỏ thôi, muốn làm lớn phải có đồng đội. Tôi quyết định làm chung với một số anh em, vay thêm tiền để chơi lớn, có một showroom chung chính là nơi bây giờ đang làm việc, bắt đầu chuyển sang lĩnh vực xe sang – những chiếc xe khó hơn nhưng lợi nhuận rất nhiều. Đó là khi tôi chấm dứt cái nghề “hát rong”.
Đó là cả một quá trình dài, mà chính tôi cũng chưa từng nghĩ tới khi bắt đầu bước chân vào nghề này. Như tôi đã kể, hồi sinh viên tôi có đi làm thêm. Công việc ban đầu chỉ là đăng tin xe cũ trên trang web bán xe như bonbanh. Cũng nhờ công việc này mà tôi biết đến thị trường ô tô cũ tại Việt Nam.
Sau đó, tôi chuyển qua làm chụp ảnh để đăng bán xe cho showroom. Bước ngoặt chọn nghề của tôi bắt đầu từ đây. Những chiếc xe mà showroom nhập về không phải chiếc nào cũng đẹp, hoàn hảo. Những chiếc bị va chạm hoặc hỏng vẫn được mua lại để sửa chữa, làm mới. Cứ mỗi chiếc xe về, người thợ họ kiểm tra, tôi lại mon men đứng cạnh để học lỏm. Anh em thợ của showroom giấu nghề lắm, nên tôi cũng chỉ biết sơ sơ về kiểm tra xe cũ thôi. Khi đó, mỗi chiếc xe có vấn đề gì đều phải mang đến xưởng chuyên để sửa chữa. Nhận ra cơ hội, tôi giành việc “đánh xe” đi sửa. Đến garage, nhìn họ làm gì, tôi đều học hết. Đôi khi chỉ vài câu hỏi xe này ra máy ở đâu, cần sửa gì là mình có đủ thông tin cần rồi, nhớ lại rồi về tìm hiểu sâu hơn. Xe châu Á sửa dễ, còn xe Đức, xe Mỹ có hệ thống điện phức tạp lắm, học mất nhiều thời gian.
Đúng là những gì học ở trường mới chỉ là nền tảng lý thuyết, ra ngoài đời mới thấy ngần ấy là chưa đủ để kiểm tra một chiếc xe cũ. Sau bao ngày tháng miệt mài đánh xe đi sửa và học hỏi, tôi mới tích luỹ được kiến thức để tự tin mua đi bán lại những chiếc xe đã qua sử dụng. Tất nhiên, tự kiểm tra xe vẫn là chưa đủ, nhất là với xe Đức với nhiều thiết bị điện tử. Hãng luôn có những thiết bị, máy móc hiện đại để kiểm tra lỗi và chiếc nào tôi cũng phải đưa vào hãng sau khi kiểm tra sơ bộ.
Tôi cũng nghĩ mọi việc đều suôn sẻ trong những năm đầu “khởi nghiệp” cho đến khi bất ngờ gặp 2 cú “phốt” lớn đầu tiên trong đời.
Trái đắng đầu tiên là vào giữa năm 2018. Tôi mua một chiếc Mercedes-Benz C 200 cũ với giá 1,2 tỷ tại một nơi cầm đồ. Giá trên thị trường xe cũ khoảng 1,3 tỷ. Ban đầu, tôi thanh toán trước hơn 700 triệu. Ngay hôm sau đi ra đường thì chiếc xe bị công an vẫy lại và yêu cầu tịch thu. Tôi điếng người khi biết chiếc xe này giấy tờ giả. Thực chất, chiếc xe là mua trả góp, vay tới 80% giá trị tại ngân hàng VIB. Chủ xe vừa vay xong là đem đi cầm đồ luôn. Sau 3 tháng không thấy đóng tiền, tiệm cầm đồ đó mới thanh lý chiếc xe. Tôi nắm được thông tin, tưởng món hời nên vội vã xuống tiền luôn mà chưa kiểm tra giấy tờ cẩn thận. Khi mình mua lại tính để bán kiếm lời là lúc ngân hàng đang tìm xe vì không thấy chủ xe đóng tiền. Thế là mất toi hơn 700 triệu mà không làm gì được.
Sau chiếc Mercedes, tôi đã buồn rất nhiều. Quyết định làm một chuyến du lịch vào Đà Nẵng để xả stress thì gặp ngay một chiếc Civic lướt khá đẹp. Tôi quyết định lấy luôn với ý định sẽ bán để kiếm thêm, gỡ lại một phần nào cho chiếc xe cú “phốt” kia. Ban đầu do chủ quan nên tôi chỉ yêu cầu chủ xe ký nháy và công chứng sau. Trên đường chạy chiếc Civic từ Hội An về Hà Nội, đến Hà Tĩnh thì gặp nạn do tránh xe khác lao vào. Hậu quả là vỡ hộp số, két nước, thay rất nhiều bộ phận dàn đầu. Mất tới 2 tháng mới sửa xong chiếc xe. Sau khi chiếc xe được làm lại hết, tôi mới đi rút hồ sơ thì ngã ngửa ra khi công an không cho rút hồ sơ và cầm luôn bộ hồ sơ đó. Lý do là chiếc xe của chồng nhưng vợ ký nháy hộ, còn người chồng đang phải ngồi tù. Vất vả mãi tôi mới lấy được chữ ký của người chồng. Bán chiếc xe lỗ 150 triệu mà thở phào nhẹ nhõm.
Trong nghề bán xe còn gặp một số vấn đề khác nhưng 2 ví dụ tôi kể ra là những sự việc khiến tôi bị ảnh hưởng nặng về tâm lý. Như vậy để thấy được trong mua bán xe, ngoài kiểm tra các vấn đề kỹ thuật thì tính pháp lý của giấy tờ quan trọng như thế nào. Những cú “phốt” đó đã để lại cho tôi bài học, để mình có kinh nghiệm hơn trên thương trường đầy thách thức như vậy.
Thực sự lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng sự nghiệp bán xe kết thúc ở đây. Nhưng may mắn lại đến. Đợt đó Honda CR-V đang rất “hot”. Người người, nhà nhà tranh mua xe, đại lý hét chênh tiền phụ kiện tới cả trăm triệu. Tận dụng mối quan hệ từ khi làm ở đại lý Honda, tôi tính sẽ đặt trước một lô 15 chiếc với đúng giá, không mất thêm tiền phụ kiện. Tiền không có, tôi đánh liều đi vay để cọc xe sớm. Ấy vậy mà thành công không tưởng. Tôi bán lại suất đặt xe sớm chỉ chênh 50 triệu, mà đại lý khi đó bán “bia kèm lạc” 70 triệu. Bán được 10 chiếc, lời 500 triệu, thì lô hàng CR-V thứ 2 về ồ ạt. Còn 5 chiếc khó bán, tôi quyết định bán đúng giá không lấy thêm xu nào. Cuối cùng vẫn lời được nửa tỷ, bù lỗ cho chiếc Mercedes giấy tờ giả.
Phương án cứu vãn tình thế thứ 2 của tôi lại đến từ những chiếc xe sang. Dòng C-Class của Mercedes luôn đắt khách, xe cũng không hiếm, nhưng tôi nhận ra rằng có những người rất thích màu hiếm. Tôi lại liều thêm lần nữa, tìm đúng những chiếc C-Class chạy lướt với màu và trang bị nội thất hiếm. Màu hiếm nhưng phải dễ bán, đó là yếu tố cần quan tâm. Khi đó, dòng C hay GLC có những cách phối màu như nội thất be, gỗ nâu… ít hàng hơn những màu khác. Mà anh biết đấy, khách mua Mercedes họ sẵn sàng bỏ thêm tiền để lấy xe như vậy. Thế là lại một lần nữa kiếm thêm thu nhập từ việc bán chênh giá những chiếc xe “hot”.
Tôi cho rằng tôi không phải người thực sự giỏi. Những gì tôi đạt được ngày hôm nay đến từ sự giúp đỡ của anh em đồng nghiệp rất nhiều, từ thời còn là sinh viên làm thêm cho đến tận ngày nay, và hơn nữa là sự may mắn. May mắn, nắm đúng thời cơ, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình gây dựng sự nghiệp của tôi.
Hiện nay, hướng kinh doanh của tôi đã chuyển dần sang xe tầm trung và xe sang. Trước mắt, tôi muốn cùng mọi người phát triển showroom hiện tại để tạo thương hiệu vững mạnh hơn. Dự định của tôi trong thời gian tới còn có cả việc đổi vị trí showroom, sang một khu vực đông dân cư hơn như con phố Nguyễn Văn Cừ. Vị trí hiện tại vẫn chưa thực sự thu hút khách xem xe. Bán hàng vẫn chủ yếu qua mạng và các mối quan hệ quen biết.