“Cảm ơn” trong cách nói lịch sự của người Nhật
Đã từng có rất nhiều người hỏi tôi rằng, sau khi đến Nhật, cảm giác ban đầu của tôi là gì? Tôi trả lời: Vừa đến Nhật, tôi có cảm giác là hình như mình vẫn ở trong nước. Quả thực, lần đầu đến một quốc gia Âu – Mỹ nào đó, người châu Á có sự khác biệt rõ ràng với người bản quốc, nên một cảm giác tha hương xứ người sẽ tự nhiên ùa đến. So với điều gọi là “Xung đột văn hóa”, cảm giác này đến rất nhanh, trực tiếp và rõ ràng. Nhưng khi vừa đến Nhật Bản, đối diện với vô số biển hiệu chữ Hán và những “người đồng chủng” tóc đen, da vàng thì cảm giác bản thân đang ở nước ngoài là khá nhạt nhòa.
Ở Nhật Bản, trên những đường phố lớn, trong công viên và ở nhiều địa điểm công cộng khác, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy lời kêu gọi và nhắc nhở mọi người chú trọng cách nói năng lễ phép, trong đó có một câu ấn tượng nhất là: “Ngoài sự lương thiện và lịch sự ra, mỗi cá nhân không cần phải nghe theo bất kỳ một điều nào khác”. Trên thực tế, quả thực người Nhật đã bằng hành động và lời nói của mình để hưởng ứng lời kêu gọi này. Ở đây, chúng ta có thể lấy từ “Cảm ơn” làm thí dụ để phân tích cách nói lễ phép của người Nhật, thử xem trong đó ẩn chứa hàm nghĩa sâu xa thế nào.
Hoàn toàn không thể nghi ngờ, ở Nhật “Cảm ơn” là một từ được sử dụng với tần suất cao nhất trong tất cả các cách nói lịch sự của họ. Thí dụ, khi khách vừa đẩy cửa bước vào một quán rượu hoặc quán ăn thì câu đầu tiên tiếp đón anh ta là “Hoàn nghênh”. Khi người khách thanh toán tiền xong bước ra cửa, thì để từ biệt anh ta, tất nhiên bao giờ cũng là từ “Cảm ơn” được cất lên. Khi khách đến siêu thị hoặc cửa hàng mua sắm tự chọn, những lời nói nhẹ nhàng từ loa phóng thanh lập tức cất lên với nội dung: Ngoài việc giới thiệu sản phẩm và quảng cáo những “Ưu đãi” ra, những lời còn lại chính là từ “Cảm ơn” được nhắc đi nhắc lại.
Thậm chí có khi quý khách chưa kịp bước vào cửa đã được chủ quán cảm ơn trước. Nhiều quán ăn và nhà nghỉ, khi nghe tiếng chuông điện thoại gọi đến, câu đầu tiên của họ sau khi nhấc ống nghe là: “Mỗi lần hân hạnh được quý khách hỏi đến, chúng tôi vô cùng cảm tạ. Đây là XYZ, xin được hỏi ngài có yêu cầu gì ạ?”. Ở Nhật, những sự việc tương tự như trên không thể kể hết. Tóm lại, trong đời sống xã hội Nhật Bản, “Cảm ơn” là một từ không thể thiếu.
Nếu như dùng từ “Cảm ơn” chỉ là biểu thị của phép lịch sự, hoặc chỉ là biện pháp giành khách trong kinh doanh thì rõ ràng không thể coi lời cảm ơn là một biểu hiện trí tuệ của người Nhật. Trên thực tế, ở bất kỳ một quốc gia văn minh nào, người ta đều không tiếc câu nói “Cảm ơn”, vì nó là yêu cầu trong quan hệ giao tiếp của con người, nhằm duy trì sự hòa mục. Nói cách khác, ở đây, người Nhật hoàn toàn không có gì khác thường.
Chỗ khác thường của họ trong trường hợp này không phải là ở chỗ họ hiểu được và coi trọng việc cần thiết phải bày tỏ lòng cảm tạ trong mối quan hệ giữa người với người, mà là ở chỗ họ hiểu được và coi trọng phải bày tỏ lòng cảm tạ đối với người khác như thế nào. Nói một cách chính xác, từ “Cảm ơn” trong tiếng Nhật không chỉ là cách thức nhằm duy trì sự hòa mục trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn như màn hình hiển thị những mối quan hệ khác nhau giữa những cá nhân. Chính ở điểm này, người Nhật đã bộc lộ một trí tuệ khác thường.
Ở Nhật Bản, khi dùng từ “Cảm ơn” hoặc khi cần bày tỏ thái độ cảm tạ với ai về việc gì đó, có tới 8 cách nói thông dụng. Do địa vị, chức vụ của người cảm tạ và người được cảm tạ khác nhau; do việc cần phải cảm tạ khác nhau; do mức độ và tính chất được phục vụ, hướng dẫn hoặc chăm sóc khác nhau mà biểu thị cảm tạ và hàm nghĩa của nó có những khác biệt tế nhị, rất đa dạng. Ở Nhật, khi cha mẹ dạy dỗ con gái vị thành niên, có một câu họ thường nói là: “Con cần phải tự trọng”, vì chỉ có tự trọng mới có thể khiến bản thân mình có giá trị, mới có thể đạt được mục đích lập thân xử thế.
Theo nhà nhân loại văn hóa học người Mỹ Lafcondia Hobes: Ở Nhật Bản, khi nhận xét ai đó, nói: “Anh ta là người tự trọng” thì cũng có nghĩa, anh ta là người cực kỳ cẩn thận. Chính vì thế, nói chung người Nhật cho rằng chỉ cần căn cứ vào khả năng sử dụng cách nói nhã nhặn lịch sự của ai đó, tức khả năng làm thế nào để vừa giữ được lòng tự trọng, vừa không đánh mất sự khiêm tốn, lễ phép của bản thân, thì có thể dễ dàng phán đoán được mức độ tu dưỡng văn hóa của người đó