Campuchia: Góc tối thị trường ô tô nhập khẩu
Tại Campuchia, có một “thị trường đen” cho các loại “xế hộp” hạng sang – thị trường này tác động tiêu cực tới khát vọng của các nhà nhập khẩu chính thức đồng thời kìm hãm nền kinh tế địa phương.
Trên một con phố kiểu mẫu ở thủ đô Phnom Penh, âm thanh mũi khoan vang khắp nhà xưởng “Hãng xe Kim Srun”, nơi xếp hàng thẳng lối những chiếc “xế hộp” hạng sang. Nữ nhân viên bán hàng tỏ vẻ chán chường, nheo mắt nhìn xuống sàn nhà khi trả lời các câu hỏi căn bản về những loại xe mới tại đại lý của họ.
Phần lớn các mẫu xe 2018, 2019 đỗ trên lô là loại xe Range Rover, toàn bộ xe được bọc một tấm nilon mỏng để giúp xe tránh bụi xứ Chùa Tháp. Nữ nhân viên bán hàng chỉ ra các loại xe mới, đọc giá tiền mỗi xe như thể đã được lưu vào bộ nhớ: xe Range Rover có giá dao động từ 195.000 USD đến 250.000 USD; trong khi loại xe BMW đời 2018 có giá rẻ hơn chỉ 130.000 USD.
Đã có một thỏa thuận trước: cùng mẫu xe Range Rover nếu được bán trên toàn quốc sẽ có giá 255.000 USD. Không như các đại lý lớn, ở showroom Kim Srun khách hàng tha hồ trả giá mua xe. Khi phóng viên hỏi xa hơn về lịch sử nhập khẩu xe hơi, nữ nhân viên bán hàng từ chối và yêu cầu khách hàng phải liên hệ với nhà nhập khẩu.
Ngay cả người bán hàng cũng không hay tên của nhà nhập khẩu xe. Người mua cũng không gọi được ai rành rẽ về xe để liên hệ – ngay cả đại diện chính thức của thương hiệu xe ở Campuchia. Tất cả đều đi theo nguyên tắc: nếu anh có tiền thì mua, không thì đừng hỏi.
Tại showroom V99, người bán hàng khăng khăng nói rằng mình không bán bất kỳ chiếc xe mới nào – chỉ bán loại đã qua sử dụng. Nhưng mới một ngày trước đó, cũng tại cửa hàng này còn đăng quảng cáo bán loại xe Range Rover mới trên diễn đàn trực tuyến Khmer24.
Có một lý do rất kỳ khôi thế này: nhiều loại xe mới bán ở thị trường Campuchia có giá thấp hơn số tiền mà nhà nhập khẩu xe chính thức ăn khớp và lẽ dĩ nhiên là “xe gian”.
Mức thuế khổng lồ đánh vào tất cả các loại xe nhập khẩu (hiện chiếm tới 138% giá trị căn bản của chiếc xe) đã không hề áp dụng với các cửa hàng này. Các nhân viên bán hàng tại những showroom như Kim Srun ngày càng kín tiếng. Các cửa hàng xe kiểu này đứng trên pháp luật, và khách hàng thượng lưu xứ Chùa Tháp lại thường xuyên tìm đến chúng.
Bất khả xâm phạm?
Campuchia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vẫn còn cho phép xe hơi cũ được nhập khẩu. Kết quả là, khoảng 80% xe hơi trên thị trường xứ Chùa Tháp là xe cũ và đã qua sử dụng, trên cơ sở của tuổi thọ xe, mỗi chiếc xe sẽ được tính một mức thuế tối thiểu ngay tại biên giới, sau đó mức thuế sẽ giảm cho mỗi năm sử dụng xe.
Các mẫu xế hộp đời mới năm 2019 tại một showroom ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh nguồn: Amanda Kaufmann.
Theo Ủy ban ô tô của Phòng thương mại châu Âu (ECC) và các thành viên của Liên đoàn công nghiệp ô tô Campuchia (CAIF) thì các nhà nhập khẩu ô tô chính thức đã nhiều lần phàn nàn về nhu cầu sử dụng ô tô đã qua sử dụng.
Xe đã qua sử dụng được đưa vào xứ Chùa Tháp với cơ chế giám sát lỏng lẻo, đó là còn chưa kể hình ảnh thông dụng của những chiếc ô tô cũ mèm chạy khắp hang cùng ngõ hẻm ở Campuchia.
Theo ước tính chính thức của Cục Hải quan Campuchia thì trung bình mỗi tháng có 6.000 chiếc ô tô đã qua sử dụng được nhập vào nước này. Nhiều xe đến từ Mỹ – nhà xuất khẩu xe hơi lớn nhất của Campuchia.
Chỉ riêng năm 2017, Mỹ xuất khẩu 29.000 ô tô các loại sang Campuchia, tức chiếm hơn một nửa tổng lượng ô tô ở thị trường Chùa Tháp. Những chiếc xe này thường là nạn nhân của lũ lụt và chúng được bán cho các nhà xuất khẩu trong các cuộc bán đấu giá ở Mỹ.
Mỗi năm sau một mùa lũ chính ở Bắc Mỹ, nhu cầu nhập khẩu xe đã qua sử dụng từ Mỹ đã tăng vọt, rồi số xe hư đã kết thúc chặng hành trình trong các showroom ô tô ở Campuchia.
Ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành sang trọng tại tiệm Phnom Penh Starbucks, ông Rami Sharaf, Phó chủ tịch của Royal Group (Tập đoàn đầu tư lớn nhất và đa dạng nhất ở Campuchia) tiếp chuyện với phóng viên: “Tôi đã đi dự các hội nghị về nó (xe hơi qua sử dụng), nhiều trường hợp những chiếc xe này thường hỏng nặng”.
Vẫy tay về phía những chiếc SUV đang đậu ngoài đường, ông Rami Sharaf bức xúc: “Tại sao Campuchia trở thành thùng rác của ASEAN? Đường xá ở nước này nên dành cho toàn dân, cho quý vị, cho tôi và cho con em chúng ta, hơn là chỉ dành cho số ít nhà giàu xài sang”.
Ngồi bên ông Sharaf là ông Peter Brongers (Chủ tịch của CAIF, nguyên CEO của BMW). Ông Brongers đã nhìn thấy tiềm năng dồi dào ở thị trường Campuchia, công ty ông chọn bán xe BMW dưới danh nghĩa của Tập đoàn HGB. Vẫn đóng vai trò là người đứng đầu CAIF (dù không còn đại diện thương hiệu ô tô), ông Brongers nhận định ngành công nghiệp ô tô Campuchia là một thị trường leo núi đầy khó khăn.
Campuchia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á cho phép nhập khẩu xe cũ. Ảnh nguồn: Amanda Kaufmann.
Gõ ngón tay vào mép ghế, ông Brongers than: “Ở đây có một sự tranh luận mạnh mẽ về môi trường, nhưng Bộ Môi trường Campuchia không làm việc với tôi về vấn đề này. Không chỉ gây bất lợi khi nhập những chiếc ô tô cũ, mà còn là mối hiểm họa cho việc thiếu giám sát nhập khẩu xe, ngoài ra xe cũ không phù hợp với đường sá và chất lượng nhiên liệu của Campuchia. Ngoài ra tôi muốn nói rằng, hàng ngàn xe hơi lai Prius đang được nhập khẩu, nhưng không có nhà máy nào ở Campuchia có thể xử lý pin lai, đồng nghĩa mỗi cục pin sẽ bị thối trong các bãi chôn lấp ở xứ này”.
Mối đe dọa thực sự với các nhà nhập khẩu ô tô chính thức đã đến từ việc nhập những thương hiệu xe mới toanh, chức năng hoàn hảo, được mang vào vương quốc Chùa Tháp mà không cần phải trả cùng mức thuế như các nhà nhập khẩu chính thức. Bằng cách cho phép tiếp tục một thị trường xe hơi đã qua sử dụng, Campuchia cũng “bật đèn xanh” cho một thị trường các kiểu “xế hộp” siêu sang.
Các nhà nhập khẩu đã hé lộ căn nguyên vì sao lại nhập khẩu xe cũ. Ông Brongers nhấn mạnh: “Thương hiệu không thể hoạt động trơn tru vì vướng phải “vùng xám”.
Công khai và lén lút
James Zemke, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Star Auto (Campuchia) và là nhà nhập khẩu xe Mercedes-Benz tại vương quốc Chùa Tháp, khẳng định: “Những chiếc xe đã qua sử dụng không phải là đối thủ của tôi. Ở đây, chúng tôi bán toàn xe mới tinh, nhưng những chiếc Mercedes mới có mặt trên đường phố Phnom Penh chắc chắn không phải do chúng tôi bán.
Chỉ khoảng 20% xe hơi nhập vào thị trường Campuchia là xe mới hoặc gần mới, nhưng các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm bán không đầy một nửa số xe mới hiện diện trên đường. Star Auto hoạt động không có lãi dù bán loại xe Mercedes-Benz đẳng cấp thế giới; Zemke ước tính thương hiệu này sẽ có lãi sau một thập kỷ hoặc lâu hơn. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang làm ăn chân chính, tuân thủ luật pháp”.
Những nhà nhập khẩu chính thức như Zemke đều muốn Chính phủ Campuchia cấm xe nhập khẩu đã qua sử dụng. Theo ông Zemke, vấn đề ở đây là họ từng tuyên bố rằng thị trường xe hơi đã qua sử dụng là rất cần thiết cho tầng lớp trung lưu mới nổi ở Campuchia. Zemke không phủ nhận tuyên bố này, nhưng ông muốn nhấn mạnh rằng không nên biến Campuchia thành một nơi chỉ chuyên kinh doanh xe giá rẻ mà hãy để đất nước này tự phát triển ra dòng xe riêng.
Một nhân vật làm trong ngành công nghiệp ô tô đề nghị phóng viên giấu tên huỵch toẹt rằng: “Từ quan điểm của cá nhân tôi, cách mà chính phủ tuyên bố chỉ là đang cố tình bảo vệ cho các doanh nghiệp bất hợp pháp. Các đại lý “bóng đêm” được bảo trợ, hay nói trắng ra là được “bảo kê”: xe hơi mà họ mua thường rẻ hơn xe nhập khẩu trong cùng năm và cùng thương hiệu”.
Khi doanh nghiệp ngoại bỏ chạy
Do vướng phải “vùng xám”, các nhà nhập khẩu xe hơi chính thức của Campuchia đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng khi nhận thấy thị trường xe hơi thất bại, chủ các thương hiệu “xế sang” như BMW và Audi đã chọn cách bán sạch xe thay vì trụ lại thị trường vốn không mang lại nhiều lợi nhuận. Star Auto vẫn khăng khăng chờ thời, nhưng họ cũng không thể mở thêm thị trường mới, đồng nghĩa là các showroom hoành tráng, việc làm cho người địa phương… vẫn đang nằm trên giấy.
Những người trong ngành công nghiệp ô tô cũng thừa nhận rằng các khoản thuế mà Chính phủ Campuchia thu từ những nhà nhập khẩu ô tô chính thức đã chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh thu thuế của cả nước mặc dù con số chính thức rất khó xác định.
Rõ ràng Campuchia đang đặt các doanh nghiệp nhập khẩu đứng trước rủi ro doanh thu do vướng “vùng xám”. Xứ Chùa Tháp đang mất dần nguồn thu thuế rất cần thiết cho người dân.
Ông James Zemke phân bua: “Tôi trả nhiều hơn, họ (“vùng xám”) trả ít hơn, nhưng nhìn chung cả nước đều thua lỗ. Chúng tôi có thể không có thống kê chính thức, nhưng chúng tôi muốn đề cập đến hàng trăm ngàn doanh thu thuế”.
Và bây giờ các nhà nhập khẩu chính thức lại đang đối mặt với một thách thức nan giải khác: áp dụng các tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc (UN) đối với tất cả các loại xe nhập khẩu mới, và Campuchia đang chọn cách này khi nó là một phần của sáng kiến ASEAN nhằm nắm lấy các tiêu chuẩn quy phạm cao hơn. Với các hãng ô tô không đi theo tiêu chuẩn UN mà áp dụng tiêu chuẩn Mỹ hay Nhật Bản thì đồng nghĩa rằng họ phải trả thêm tiền để nhập xe vào Campuchia.
Thị trường nhập khẩu xe không chính thức tác động không tốt tới nền kinh tế, nhà nước bị thất thu thuế. Ảnh nguồn: Amanda Kaufmann.
Mặt khác, xứ Chùa Tháp cũng không có phương tiện để thanh tra tất cả mọi xe mới được nhập khẩu vào nước này. Vì vậy mà các nhà nhập khẩu chính thức buộc phải chọn tuân theo tiêu chuẩn UN hoặc rời bỏ thị trường – để lại thị trường “vùng xám” ngày càng bành trướng rộng hơn.
Người trong cuộc phàn nàn rằng việc thực thi tất cả 19 tiêu chuẩn của UN họa chỉ có điên. Nhiều tháng trước khi các tiêu chuẩn UN có hiệu lực chính thức trong năm 2019 này, các nhà nhập khẩu chính thức đã được gia hạn 6 tháng.
Trong suốt thời gian này, Chính phủ Campuchia hầu như né tránh trả lời các câu hỏi của các nhà nhập khẩu chính thức. Tổng cục trưởng Bộ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ Campuchia – Chan Borin tuyên bố: “Đây là vấn đề (ám chỉ “vùng xám”) chúng tôi cần chính sách của chính phủ. Bây giờ chính phủ cho phép dùng xe nhập khẩu, nhưng tương lai tình hình sẽ khác”.
Dòng chảy ngầm
Trong phòng lễ tân của khách sạn Sofitel, ông San Chey (đại diện của Mạng liên kết về trách nhiệm xã hội – Đông Á / Thái Bình Dương (ANSA-EAP)) bức xúc: “Tại sao lại có sự khuất tất ở vùng biên giới? Và cả sự khuất tất ngay giữa thủ đô Phnom Penh?
Nó không phải là con chuột chui qua cửa khẩu mà là cái xe to đùng. Trạm cửa khẩu nào cũng có đủ người và máy móc, nhưng những chiếc xe buôn lậu vẫn tuồn vào trót lọt?”.
Ông San Chey phân tích: “Muốn tăng doanh số, các nhà nhập khẩu chính thức phải móc “phí bôi trơn” để vận hành dòng “xế hộp” hạng sang. Ngay các dòng xe Porsche và Mercedes-Benz thì các nhà nhập khẩu cũng phải “chung chi” không ít để được cho qua các thủ tục rườm rà. Tôi nghĩ mọi doanh nghiệp làm ăn ở đây đều không thể tránh khỏi việc này, muốn cấp giấy phép kinh doanh nhanh chóng thì càng phải đi trước”.