Cần chuẩn mực khi sử dụng biểu tượng văn hóa dân tộc

Thực tế diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua cho thấy không ít câu chuyện đáng buồn về việc sử dụng các biểu tượng văn hóa giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn, chủ yếu tại những công trình công cộng hay văn hóa tâm linh do tư nhân làm chủ đầu tư. Cụ thể, rất nhiều tác phẩm điêu khắc được trang trí tại công viên là những con vật trong bộ tứ linh, hoặc lắp dựng một số nhân vật bằng xi-măng, cốt thép hay thạch cao theo sở thích và “gu” thẩm mỹ của chủ đầu tư, không có sự tham gia tư vấn của giới chuyên môn nên hệ quả là kém cả về chất lượng nghệ thuật và ý nghĩa biểu đạt. Thí dụ khác là tại trụ sở nhiều doanh nghiệp, nhà riêng thường trang trí cặp sư tử đá ngoại lai nhằm biểu tượng cho sự hùng mạnh thịnh vượng của đơn vị hoặc chủ nhà mà không hiểu sâu sắc rằng người phương Ðông xưa lại coi sư tử đá là vật linh dùng để canh lăng mộ. Hoặc ở một số tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng cổng chào cùng một mô-típ là sử dụng hình chim Lạc, trống đồng kết hợp lô-gô của địa phương và cả huân chương, huy chương… Cách lắp ghép khiên cưỡng đó vừa không thể hiện rõ tính biểu tượng, đặc trưng văn hóa vùng miền mà còn rất kệch cỡm, phản cảm. Có nơi lại “bê” nguyên xi mẫu tượng của nước ngoài hoặc sử dụng những tượng dung tục gây bất bình trong dư luận như vườn tượng 12 con giáp hình người mặt thú khỏa thân ở khu du lịch Hòn Dáu (Ðồ Sơn, Hải Phòng). Việc không hiểu về biểu tượng văn hóa cũng như không ý thức được đầy đủ về việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc đã được khẳng định qua thời gian khiến không ít công trình, tác phẩm nghệ thuật giá trị bị hủy hoại, khai tử không thương tiếc; chẳng hạn như các di tích đền Gióng, chùa Trăm Gian bị xâm phạm, trùng tu kiểu sơn son thiếp vàng lòe loẹt…

Biểu tượng văn hóa không chỉ là di sản, niềm tự hào của một dân tộc mà còn là tín hiệu để bạn bè quốc tế nhận diện khi chúng ta đi ra thế giới bởi đó là dấu ấn khẳng định văn hóa, hình thức sinh hoạt của một thời kỳ nhất định trong tiến trình của lịch sử mỗi dân tộc. Bản chất của nghệ thuật luôn là sự tìm tòi sáng tạo, song việc kế thừa những giá trị thẩm mỹ của các thế hệ đi trước cũng không thể xem nhẹ. Sự tùy tiện, cẩu thả trong ứng dụng không những làm sai lệch, biến dạng biểu tượng mà thậm chí nguy hiểm hơn, theo thời gian, nếu không được chỉnh sửa, “đính chính”, nó có thể trở thành “đúng” trong tâm thức cộng đồng; tiếp tục được hưởng ứng, nhân bản.

Vừa qua, tại hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức, các đại biểu đã cùng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng lệch chuẩn này. Theo đó, nước ta hiện chưa có những quy định, chuẩn mực về sáng tác, sử dụng và bảo vệ các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa truyền thống. Trong đào tạo giảng dạy, nhiều trường lớp chưa có chương trình. Một số luật hiện hành cũng không quy định rõ ràng về những chuẩn mực và các tiêu chí khoa học để nhận diện, đánh giá, xử lý những vi phạm làm tổn hại đến các di sản được xem là biểu tượng văn hóa của dân tộc.

Sự thiếu hiểu biết của người dân, thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh những sai phạm, lệch chuẩn là nguyên nhân chính của tình trạng sử dụng biểu tượng văn hóa một cách tràn lan, khó kiểm soát. Vì vậy, trước mắt, việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu các biểu tượng văn hóa để tạo nên những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc, vùng miền là vấn đề cấp thiết. Ðồng thời, cần có sự phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và nhất là sự tham gia tư vấn và phản biện tích cực trên tinh thần khoa học của giới chuyên môn để việc sử dụng, ứng dụng các biểu tượng văn hóa truyền thống đạt hiệu quả; góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy trong cuộc sống đương đại.