Cần giải pháp đột phá thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa
Quang cảnh Diễn đàn Phát triển địa phương 2022.
Sáng 26/11, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn Phát triển địa phương 2022 với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì diễn đàn.
Dự và phát biểu tại Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam. Cùng dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành phố và các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành công nghiệp văn hóa và hệ sinh thái văn hóa, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh. Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại các địa phương trong cả nước là hết sức to lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết; dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế.
Từ thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của các địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu lên ba vấn đề quan trọng để các đại biểu chia sẻ, thảo luận. Đó là: xử lý hài hòa mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, văn hóa ngày càng là một yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, tạo nên sự khác biệt có sức hấp dẫn lớn nhờ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách và trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ẩm thực.
Du lịch cũng là phương thức giúp khách quốc tế và trong nước khám phá văn hóa đa dạng theo vùng miền và theo bề dày lịch sử của một quốc gia, qua đó có được những trải nghiệm tuyệt vời và sâu đậm.
Theo chiều ngược lại, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia và lan toả tầm ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc; đồng thời, thúc đẩy văn hóa phát triển thông qua việc tạo thu nhập có thể hỗ trợ và tái đầu tư cho các công trình, di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới.
“Chúng ta đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cần xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn của mình, trong giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thông tin.
Để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn của mình, trong giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thông tin, các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và các kiến nghị giải pháp chính sách trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch trở thành những động lực ngày càng quan trọng cho sự phát triển của các địa phương, các vùng, miền và cả nước.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn này là hoạt động thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Qua diễn đàn, sẽ tạo kết nối giữa Trung ương và địa phương, chia sẻ hoạch định chính sách của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp, các tổ chức phát triển quốc tế; tạo ra các động lực mới cho phát triển địa phương theo Chiến lược quốc gia, giúp kích hoạt tiềm năng, khai thông điểm nghẽn, đẩy mạnh những đột phá cho phát triển địa phương; chia sẻ sáng kiến địa phương phục vụ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày các tham luận, ý kiến về các chủ đề lớn với các nội dung như: Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương; Phát triển kinh tế và các công trình văn hóa, Văn hóa và du lịch: thách thức về sáng tạo…
Kết thúc Diễn đàn, đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương và của cả nền kinh tế. Do vậy, cần có những đột phá thật sự, nhất là trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong đó, chú trọng xử lý hài hòa mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển; “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hóa, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường tính liên kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với du lịch; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý; thực hiện xã hội hóa để thu hút các nguồn lực; thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng ứng dụng các nền tảng số và năng lực kỹ thuật số trong ngành; đồng thời bảo đảm có một chiến lược rõ ràng để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai với những tác động tiêu cực đến du lịch và công nghiệp văn hóa…
Nhiều ý kiến đề nghị, để các giải pháp đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về phát triển du lịch và văn hóa như đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng và các chiến lược của chính phủ.
Đồng thời, cần phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với thực tiễn ở địa phương.