Căn phòng bí mật bị khóa kín ở đền Taj Mahal
Mục lục bài viết
Một tòa án cấp cao tại Ấn Độ mới đây đã bác bỏ đơn đề nghị mở cửa những căn phòng bị niêm phong tại đền Taj Mahal, nơi được cho là chứa nhiều điều bí ẩn.
Các thẩm phán tại một tòa án cấp cao của Ấn Độ hôm 12/5 bác đơn đề nghị mở cửa hơn 20 căn phòng “bị khóa vĩnh viễn” trong ngôi đền Taj Mahal với mục đích tìm hiểu rõ hơn về lịch sử của ngôi đền này.
Nằm ở thành phố Agra, Taj Mahal là một lăng mộ được Hoàng đế Shah Jahan của vương triều Mughal cho xây dựng vào thế kỷ XVII để tưởng nhớ người vợ của mình là Hoàng hậu Mumtaz. Được xây dựng bằng đá cẩm thạch, gạch và đá cát kết đỏ, Taj Mahal là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Ấn Độ.
Hoàng đế Shah Jahan và Hoàng hậu Mumtaz Mahal.
Nói trước tòa, Rajneesh Singh, một thành viên đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền tại Ấn Độ, cho biết ông muốn kiểm chứng giả thuyết của các nhà sử học và tín đồ Hindu, những người cho rằng các căn phòng này có chứa một ngôi đền thờ thần Shiva.
“Mọi người nên được biết có những gì bên trong các căn phòng này”, ông Singh cho biết.
Phần lớn các căn phòng mà ông Singh đề nghị mở cửa đều nằm trong khu vực ngầm của đền Taj Mahal. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, không có gì đặc biệt trong các những căn phòng này.
Trong nghiên cứu về Taj Mahal của mình, giáo sư Ebba Koch, một chuyên gia về kiến trúc của vương triều Mughal tại Đại học Vienna, đã đến thăm và chụp ảnh lại các căn phòng và không gian của ngôi đền này.
Theo bà, những căn phòng ngầm mà ông Singh đề cập tới được gọi là tahkhana. Chúng thường được sử dụng vào mùa hè và kết nối bởi một hành lang nhìn ra bờ sông.
Bà Kock cho biết khu vực này có 7 căn phòng nhìn ra bờ sông thông qua các cổng vòm lớn. Ngoài ra còn có 6 căn phòng hình vuông và 2 căn phòng hình bát giác. Các căn phòng được trang trí bởi hoa văn cùng với họa tiết những ngôi sao được xếp xung quanh một chiếc mề đay ở trung tâm.
“Đây là một không gian thoáng đãng, thường được nhà vua và đoàn tùy tùng của mình dùng để nghỉ ngơi khi đến thăm ngôi đền”, giáo sư Kock nhận định.
Không chỉ riêng tại đền Taj Mahal, những hành lang ngầm nhìn ra bờ sông là một nét kiến trúc đặc trưng của vương triều Mughal. Một ví dụ cho lối kiến trúc này có thể được tìm thấy tại một pháo đài thuộc thời kỳ Mughal ở thành phố Lahore, Pakistan.
Theo nhà bảo tồn di sản Amita Baig, Hoàng đế Shah Jahan thường đến Taj Mahal bằng thuyền trên sông Yamuna. Ông sẽ cập bến tàu và bước vào lăng mộ thông qua những bậc thang rộng được gọi là ghats.
“Tôi nhớ đã thấy những hành lang được trang trí đẹp mắt khi tôi đến thăm nơi này. Những hành lang này dẫn ra những căn phòng rộng lớn. Đó chắc chắn là lối đi dành riêng cho hoàng đế”, bà Baig kể lại chuyến thăm đền Taj Mahal của mình từ 20 năm trước.
Theo nhà sử học Rana Safvi, người sinh ra và lớn tại thành phố Agra, trước khi bị ảnh hưởng bởi một trận lũ lụt vào năm 1978, các căn phòng ngầm tại đền Taj Mahal đều được mở cửa cho du khách tham quan.
“Nước đã tràn vào trong lăng mộ và làm tổn hại một số căn phòng ngầm. Các nhà chức trách đã phải đóng cửa các căn phòng này đối với công chúng. Không có thứ gì đặc biệt trong những căn phòng này”, bà Safvi cho biết.
Bên cạnh giả thiết về những điều bí mật trong các căn phòng ngầm bị khóa kín, Taj Mahal từ lâu đã được biết đến bởi những truyền thuyết xoay quanh ngôi đền này.
Truyền thuyết xoay quanh ngôi đền Taj Mahal
Một trong số những giả thuyết trên là kế hoạch xây dựng một đền Taj “đen” đối diện với ngôi đền Taj Mahal của Hoàng đế Shah Jahan. Bên cạnh đó, cũng có những giả thuyết cho rằng đền Taj Mahal được thiết kế bởi một kiến trúc sư từ châu Âu hay ngôi đền này không nhằm mục đích tưởng nhớ Nữ hoàng Mumtaz.
Khi đến thăm ngôi đền này, khách du lịch còn được nghe những câu chuyện về việc Hoàng đế Shah Jahan đã xử tử kiến trúc sư và những người tham gia xây dựng đền Taj Mahal sau khi công trình này được hoàn thành.
Là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại Ấn Độ, có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh ngôi đền Taj Mahal.
Tiêu biểu nhất trong số này chính là giả thuyết cho rằng Taj Mahal thực chất là một ngôi đền thờ thần Shiva của đạo Hindu. Theo đó, sau khi Suraj Mal, một vị vua người Hindu chiếm đóng thành phố Agra vào năm 1761, một chức sắc đạo Hindu được cho là đã kiến nghị nhà vua cải tạo Taj Mahal trở thành một đền thờ.
Vào năm 2017, Sangeet Som, một lãnh đạo của đảng BJP đã gọi Taj Mahal là một vết nhơ trong lịch sử văn hóa của Ấn Độ do ngôi đền này được xây bởi “những kẻ phản bội”. Nghị sĩ Diya Kumari thuộc đảng BJP thì cho rằng Hoàng đế Shah Jahan đã cướp đất của một gia đình hoàng tộc người Hindu để xây dựng đền Taj Mahal.
Theo bà Safvi, những giả thuyết này đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng chính trị tại Ấn Độ trong 10 năm trở lại đây.
“Một bộ phận các chính trị gia cánh hữu tại Ấn Độ trong thời gian gần đây thường sử dụng tin giả, dữ liệu lịch sử không đáng tin cậy cùng với đó là lợi dụng sự bất bình trong cộng đồng Hindu giáo”, Bà Safvi chia sẻ.
“Dường như có nhiều truyền thuyết về đền Taj Mahal hơn là những nghiên cứu lịch sử cụ thể”, giáo sư Kock cho biết.
Theo Zing