Cần quan tâm hơn nữa tới văn hóa, con người Việt Nam
Để phát triển đất nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách, mà phải đi song hành giữa kinh tế và văn hóa. Bản thân văn hóa trong một xã hội phát triển cũng có khả năng tạo ra kinh tế, là một phần của hoạt động kinh tế…
Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị đã kết luận và thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém, như: Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hoá đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần…
Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, lấy các giá trị chân – thiện – mỹ làm cốt lõi tuy được chú ý nhưng chậm có những sản phẩm khoa học các tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm, đủ sức định hướng đời sống nên càng ngày càng trở nên mờ nhạt, kể cả trong nhận thức và trong chỉ đạo thực hiện. Việc thực hành lối sống có văn hóa chưa trở thành nhu cầu tự giác, tự nhiên trong đời sống xã hội.
Văn hóa Việt Nam hiện nay mang trong nó một số hạn chế, khiếm khuyết, cần phải được chủ động nhận diện và kiên quyết thay đổi để phù hợp với tiến trình đi lên của đất nước. Qua mấy chục năm tiếp cận với kinh tế thị trường và làn sóng toàn cầu hóa, nhiều thói hư tật xấu trong văn hóa của người Việt chẳng những chưa được khắc phục mà còn nổi cộm lên thành những vấn đề cản trở sự phát triển. Con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, giáo dục yếu kém, chính sách văn hóa bất cập, lễ hội ít văn hóa… là những vấn đề nóng của bản thân văn hóa Việt Nam.
Lễ Nghinh ông – một trong những lễ hội đặc sắc của văn hóa Việt.
Đụng đến bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta đều thấy có vấn đề về mặt văn hóa. Trong tương quan với sự phát triển, văn hóa được coi là giá trị định hướng để đề kháng trước các tiêu cực xã hội. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, yếu kém năng lực, tham quyền cố vị, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân… đang gây mất lòng tin nghiêm trọng vào Đảng, vào chế độ. Tình trạng tham nhũng và làm ngơ trước tham nhũng, mặc dù thời gian gần đây bị lên án kịch liệt trong đời sống tinh thần xã hội, nhưng dường như vẫn chưa thuyên giảm được bao nhiêu.
Trong đời sống xã hội hiện nay, tình trạng khủng hoảng niềm tin vào điều thiện như những con sóng ngầm mà những hành xử vô văn hóa chỉ là bề nổi. Mất lòng tin vì một đời sống mà những ứng xử lệch chuẩn dần trở thành bình thường. Không phải vì giá trị của những hành vi này thay đổi, mà vì chúng không được xã hội điều chỉnh đúng theo giá trị văn hóa chuẩn mực.
Việc thiếu quan tâm đến đời sống văn hóa người dân, chạy theo các danh hiệu văn hóa; thả nổi trùng tu di tích, xây dựng cổng chào, tượng đài, phù điêu, bảo tàng phô trương, lãng phí… đã gây nên tình trạng rối loạn trong hoạt động văn hóa. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa dường như còn rất ít được đặt ra.
Phần lớn các hoạt động văn hóa lớn, các lễ hội tưởng niệm, lễ hội du lịch, các chương trình nghệ thuật, các tuần văn hóa … đều được tổ chức ở các thành phố lớn, các khu đô thị. Khu vực nông thôn hiện nay dù đã có các Nhà văn hóa nhưng có rất ít hoạt động, nội dung sinh hoạt còn chưa đa dạng và thiếu chiều sâu, chủ yếu là dùng để họp hành. Các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc và miền núi còn chưa được coi trọng, chưa phát huy được thế mạnh bản sắc riêng về văn hóa.
Để phát triển đất nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách, mà phải đi song hành giữa kinh tế và văn hóa. Bản thân văn hóa trong một xã hội phát triển cũng có khả năng tạo ra kinh tế, là một phần của hoạt động kinh tế. Thị trường văn hóa càng lớn tức là xã hội càng phát triển, thay thế những ngành công nghiệp ô nhiễm bằng công nghiệp phim ảnh, thể thao, nghệ thuật, các festival văn hóa du lịch, ẩm thực…
Để tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần bắt đầu thúc đẩy sự thay đổi từ những chuyện nhỏ, từ mỗi cá nhân và nhất là bắt đầu từ nội tâm của mỗi con người. Từ những chuyện như không đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ, không hút thuốc lá nơi công cộng, nhặt một mẩu rác dưới chân, khóa một vòi nước đang chảy phí phạm, biết chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi vào những lúc cần thiết… Tuy ai cũng biết nhưng dường như cho rằng đó là việc nhỏ nên dễ bỏ qua. Xin hãy ghi nhớ, không làm được chuyện nhỏ thì khó lòng làm nên chuyện lớn.
Mỗi hành xử tốt là loại bỏ được một nguy cơ cái xấu, cái ác xuất hiện. Đồng thời đứng trước cái xấu, cái ác chỉ có một chọn lựa là đoàn kết chống lại nó. Một người chống lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo để ngăn chặn cái xấu, lên án những hành vi vô văn hóa, để ý thức văn hóa phát triển và hành xử có văn hóa trở nên phổ biến trong xã hội.