Cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản Văn hoá

Luật Di sản Văn hoá hiện hành có nhiều bất cập, cần được sửa đổi kịp thời. Đó là chia sẻ chung của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật Di sản Văn hóa do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 12/1.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Năm 2021, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xem xét các nội dung cần tổng kết, những vấn đề đang là điểm nghẽn để đề xuất sửa đổi, tạo ra động lực cho sự phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Bộ đang chuyển dần tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm hay và nêu nhiều bất cập, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp được nhiều đại biểu đề nghị là sửa đổi Luật Di sản Văn hóa hiện hành. Lý do là Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực thi hành từ năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, nhiều nội dung trong Luật bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, Luật Di sản Văn hoá hiện hành có nhiều thuật ngữ, khái niệm, nội dung chưa tương thích với các văn kiện quốc tế, nhất là với hai Công ước năm 1972 và 2003 của UNESCO. Do vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật cũng như xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện sao cho đạt hiệu lực, hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho rằng, hiện nay việc phân cấp quản lý di tích mới chỉ xác định từ Trung ương đến các tỉnh, nhưng từ cấp tỉnh xuống đến huyện, xã còn chưa thống nhất, chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Vì vậy cần có quy định rõ ràng, thống nhất để làm căn cứ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Trao đổi về những bất cập của hoạt động bảo tàng, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kiến nghị, cần sửa lại và bổ sung một số nội dung trong định nghĩa về bảo tàng trong Luật Di sản Văn hóa.

Khẳng định sửa đổi Luật Di sản Văn hoá là cần thiết nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, viêc sửa đổi Luật không chỉ cần lấp những khoảng trống pháp lý đang có mà còn phải đánh thức trong mỗi con người một ý thức quan trọng về di sản, là niềm tự hào và tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy di sản văn hoá.

Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, ông sẽ kiến nghị Bộ trưởng giao Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Luật Di sản Văn hóa, tham mưu lãnh đạo Bộ có Tờ trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững.