Cần xử lý ‘mạnh tay’ các hành vi xâm phạm di sản văn hóa

(LSVN) – Với các hành vi phá hoại di sản văn hóa mang tính chất nghiêm trọng thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chiếc giếng cổ bị tác động làm mất vẻ cổ kính, rêu phong ban đầu. 

Mới đây loạt ảnh giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết bôi trát, làm mới nhằm tạo bối cảnh trong phim được đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Để giúp giếng trông như mới được xây dựng, các thành viên trong đoàn phim đã dùng lớp vôi ve màu đỏ, bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng.

Trước vấn đề này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của địa phương và cơ quan quản lý trong việc để một đoàn phim tự ý phá hỏng vào di tích cổ quan trọng.

Xử lý thế nào?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Làng cổ Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 2006 với những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng của người Việt xưa. Đây là một di tích quan trọng và được Nhà nước và toàn thể nhân dân cùng gìn giữ, bảo vệ. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009, các di sản văn hóa được bảo vệ và nghiêm cấm mọi hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch, hủy hoại… di sản.

Với hành vi như trong sự việc đã nêu trên, đoàn phim có thể bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Với các hành vi mang tính chất nghiêm trọng hơn thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm với hành vi huỷ hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trách nhiệm nào của chính quyền địa phương?

Điều 10 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá”. Như vậy, có thể thấy, các cấp chính quyền tại địa phương có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển các di tích lịch sử, di sản văn hóa tại địa phương mình quản lý.

Trong sự việc này, có thông tin cho rằng đoàn làm phim đã hỏi ý kiến bằng “lời nói” tới Chủ tịch UBND xã và sau đó mới tự ý thực hiện hành vi bôi vẽ lên giếng cổ. Cần phải có sự vào cuộc để xem xét tình tiết này có chính xác hay không? Và phía chính quyền địa phương có nắm bắt được rằng hành vi sẽ có thể diễn ra và có hành vi ngăn chặn nào hay không?

Căn cứ quy định khoản 2 Điều 33 Luật Di sản văn hoá năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009, UBND ở địa phương hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp. Nếu việc phát hiện, ngăn chặn chưa được thực hiện hợp lý thì đây là sai sót của chính quyền địa phương và cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, có biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp.

Di sản văn hoá không chỉ là tài sản mang giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần to lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Nó được coi như một minh chứng cho lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Chính vì vậy, để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, ngoài thông qua biện pháp giáo dục còn phải sử dụng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm minh để xử lý, răn đe đối với các hành vi vi phạm.  

“Nguyên nhân dẫn đến hậu quả của sự việc nêu trên phần lớn do lỗi của đoàn làm phim khi không thông báo, xin phép bằng văn bản hay giấy tờ chính thức cho Ban Quản lý di tích mà chỉ “trao đổi bằng miệng”.  Tuy nhiên, không thể phủ định về lỗi từ phía chính quyền địa phương khi không giám sát và quản lý chặt chẽ trong quá trình các cá nhân, tổ chức sử dụng danh lam thắng cảnh. Các cơ quan cần phải thực hiện sát sao hơn việc bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử và có biện pháp xử lý “mạnh tay” với các trường hợp vi phạm để hạn chế những sự việc tương tự diễn ra trong tương lai.”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định.

Mới đây, ông Phan Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với ông Trương Đức Thắng, họa sĩ của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm”, vì hành vi tô vẽ lên giếng cổ tại di tích Làng cổ Đường Lâm.

Ông Thắng đã có hành vi viết, vẽ, làm bẩn lên di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, được quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm yêu cầu họa sĩ của đoàn làm phim khắc phục hậu quả, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của giếng cổ. Việc xử phạt người này cũng là biện pháp răn đe đối với các đoàn làm phim, tổ chức, cá nhân khác khi đến Làng cổ Đường Lâm thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

NGỌC PHƯƠNG

6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét từ chức đối với cán bộ