Cảnh báo chiêu thức lừa đảo trên ứng dụng Telegram

Telegram là một ứng dụng nhắn tin, gọi điện tương tự như Message hay Zalo, đều là ứng dụng được sử dụng để kết nối thông qua các tin nhắn bằng văn bản, ảnh, giọng nói… giữa người với người, được cài đặt trên điện thoại, máy tính… hoàn toàn miễn phí.

Telegram ra đời từ năm 2013, được phát triển bởi anh em Nikolai và Pavel Durov (Nga). Ứng dụng tuy non trẻ nhưng đã có khoảng 500 – 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Cảnh báo chiêu thức lừa đảo trên ứng dụng Telegram - Ảnh 1.

Biểu tượng ứng dụng Telegram. Ảnh: Poder

Hình thức lừa đảo trên Telegram

Tạo nhóm cộng đồng để kiếm tiền

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Telegram là tạo nhóm tạo kênh và tạo Bot để kiếm tiền:

Bot Telegram là một tính năng tương tự như robot được tích hợp sẵn trong ứng dụng Telegram nhằm mục đích giúp người dùng có thể quản lý và tạo lập các Bot. Người dùng hoàn toàn có thể điều khiển các Bot nhằm để nhận tin tức, thông báo, tạo các công cụ tùy chỉnh, trải nghiệm những trò chơi giải trí, tích hợp thêm các dịch vụ khác như Gmail Bot, Wiki Bot, GIF Bot,…

– Hình thức hoạt động của việc tạo các Bot kiếm tiền trên Telegram thường là xem quảng cáo trên con Bot đó và nhận coin. Khi đạt đến lượng coin nhất định thì người dùng có thể rút coin về tài khoản.

– Hình thức tạo nhóm, tạo kênh, tham gia group để kiếm tiền: đây là nơi để các người dùng chia sẻ cách kiếm tiền, các dự án kiếm coin, kiếm token… bởi Telegram cho phép người dùng được tạo nhóm lên đến 200 nghìn thành viên. Các nhóm cờ bạc cũng đang tồn tại và phát triển trên cộng đồng Telegram. Các kênh hay nhóm chính là phương tiện để thu hút và lừa đảo những người dùng cả tin.

Tuy nhiên, khi tham gia các hình thức kiếm tiền này, người dùng có thể sẽ mất một khoản phí ban đầu không được hoàn trả, không rút được coin (quy ra tiền) về tài khoản hoặc buộc phải chuyển một khoản phí để hoàn thành giao dịch, thậm chí bị mất tiền khi bấm vào các đường link đen được chia sẻ…

Giả mạo nhà cung cấp dịch vụ

Đây là phương thức lừa đảo khá phổ biến tuy nhiên vẫn nhiều người dùng mắc bẫy. Đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo các nhà cung cấp dịch vụ và gửi tin nhắn cho bạn. Chúng có thể cảnh báo tài khoản của bạn bị xâm phạm. Sau đó, yêu cầu mật khẩu của bạn và những thông tin quan trọng khác. Hãy cảnh giác với những tin nhắn từ người lạ trên Telegram và cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Lừa đảo đầu tư tiền điện tử

Đây là hình thức lừa đảo lợi dụng lòng tin và tham vọng của khách hàng; để lừa đảo, đổi tiền thật lấy những dòng tiền không hề có giá trị. Hình thức này phát triển dưới vỏ bọc các dự án đầu tư tiền điện tử; hứa hẹn những khoản lợi nhuận cực lớn. 

Để tạo niềm tin cho người dùng, trước hết, đối tượng sẽ sử dụng các thủ đoạn như: xây dựng hình ảnh giàu sang, đi xe xịn, mua nhà, đi du lịch nước ngoài…, xây dựng hình tượng là người chuyên đọc lệnh đầu tư tiền điện tử. 

Ban đầu, có thể sẽ “thả” cho người dùng được lợi nhuận nhỏ từ các lệnh mà chúng đọc. Tuy nhiên, khi số tiền đầu tư càng ngày càng nhiều thì lúc đó chúng sẽ ôm tiền và bỏ trốn hoặc “phủi sạch” trách nhiệm về việc mất tiền đầu tư của người dùng…

Cảnh báo chiêu thức lừa đảo trên ứng dụng Telegram - Ảnh 3.

Người dùng cần cảnh giác các chiêu thức lừa đảo trên ứng dụng Telegram. Ảnh: XT

Tố cáo đối tượng lừa đảo trên Telegram như thế nào?

Người dùng nên giữ lại tất cả các tin nhắn, giao dịch… để làm bằng chứng tố cáo nếu không may bị lừa đảo trên Telegram.

Cách thức tố cáo hành vi lừa đảo trên Telegram:

– Báo cáo hành vi lừa đảo cho nhà phát triển ứng dụng bằng cách viết @notoscam. Những thông tin được gửi đến @notoscam sẽ liên kết đến tài nguyên người dùng, từ đó các nhà phát triển sẽ xem xét và chặn các nhóm hay kênh đã bị báo cáo.

– Gọi điện đến đường dây nóng của các cơ quan công an có thẩm quyền của từng tỉnh, thành phố nơi kẻ lừa đảo cư trú (nếu biết đối tượng lừa đảo là ai) hoặc nơi cư trú của mình (nếu không biết đối tượng lừa đảo là ai) hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (069.219.4053).

– Gửi đơn tố cáo trực tiếp đến cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan điều tra công an các cấp và kèm theo đó là giấy tờ nhân thân của người tố cáo cũng như chứng cứ kèm theo…

Hình thức xử phạt đối tượng lừa đảo qua Telegram

Người có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật tùy vào mức độ vi phạm, tính chất nguy hiểm của hành vi mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo luật lừa đảo qua mạng.

Xử phạt hành chính

Căn cứ theo theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Xử lý hình sự

Hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

– Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trước đó mà chưa được xóa án tích nhưng vẫn vi phạm;

– Tài sản lừa đảo là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình bị hại;

– Hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, anh ninh, an toàn xã hội.

Người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chuyên nghiệp; chiếm đoạt  tài sản từ 50 – dưới 200 triệu đồng. Có thể bị phạt tù 7 – 15 năm nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 – dưới 500 triệu. Cao nhất là phạt tù từ 12 – 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.