Cảnh giác chiêu trò lừa đảo vay tiền qua app trên mạng
Mục lục bài viết
Bị lừa đảo vay tiền qua app phải làm gì?
Các ứng dụng vay tiền trên mạng hiện nay đang rất phổ biến, mọi người cần nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app
Câu hỏi của bạn:
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Tôi có thực hiện vay tiền online trên app trực tuyến.sau khi làm đủ thủ tục thì bên cho vay đã giải ngân tiền về ví trên app. Và tôi đã thực hiện rút tiền nhưng báo lỗi và hiện tại đã đóng băng tài khoản không rút được. Bên cho vay báo phải chuyển thêm tiền cho họ để họ giải quyết để rút được tiền về. Như vậy có phải là lừa đảo vay tiền qua app không̣. Và như vậy tôi không nhận được tiền vay mà vẫn phải trả nợ với số tiền vay đó. Vậy có đúng không? Mong Luật sư tư vấn giúp! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về lừa đảo vay tiền qua app về cho chúng tôi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về lừa đảo vay tiền qua app như sau:
Cơ sở pháp lý:
1. Vay tiền qua app là gì?
Thời đại 4.0 được nhắc đến như một thời kì bùng nổ của công nghệ thông tin, người ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào rất nhiều hoạt động đang diễn ra xung quanh cuộc sống của con người trong đó bao gồm cả hoạt động vay và cho vay tiền.
Nắm bắt được những khó khăn của người dân sau một thời gian dài chống trọi với dịch bệnh, nhiều người thất nghiệp trong khi các nhu cầu sinh hoạt, trang trải cuộc sống vẫn đang rất cần thiết, từ đó nhiều app cho vay tiền được ra đời và hoạt động rộng rãi.
Vay tiền qua app được hiểu là hình thức vay tiền thông qua một app (ứng dụng) do bên cho vay tiền sáng lập ra, để có thể vay tiền được thì bên vay phải tải app này về trên điện thoại cá nhân của mình và dùng các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, sổ hộ khẩu để tạo tài khoản truy cập trên đó. Với hình thức vay này có ưu điểm là người dân không cần tài sản thế chấp mà vẫn có thể vay được một khoản tiền từ chục triệu đến trăm triệu, thủ tục tương đối đơn giản và thời gian giải ngân nhanh, không cần nhiều loại giấy tờ rườm rà. Tuy nhiên nhược điểm của nó là lãi suất vay rất cao và bên cạnh những app vay tiền uy tín vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng lòng tin, tình huống cấp bách cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đào chiếm đoạt tài sản.
2. Thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app
Người dân chỉ nên tìm đến các app trên mạng để vay tiền khi tình hình tài chính của bản thân đang thực sự khó khăn, không còn cách nào để giải quyết và trước khi quyết định vay tiền qua app cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về app mà mình sẽ vay, cách thức hoạt động như thế nào, lãi suất ra sao để tránh rơi vào “bẫy” do những đối tượng có động cơ lừa đảo tạo ra.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều cuộc gọi của khách hàng cần được tư vấn khi bị lừa đảo vay tiền qua mạng. Sau khi tư vấn cho những khách hàng đó, chúng tôi nhận thấy rằng các đối tượng đều chung một thủ đoạn, một hành vi để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, có nhiều người đã bị lừa với số tiền lên đến cả chục hoặc cả trăm triệu.
Do đó, những ai có ý định vay tiền qua app đều phải hết sức cảnh giác với những chiêu trò sau đây:
-
Khi bạn vay tiền qua app, thao tác đầu tiên mà bạn cần thực hiện là tải app (ứng dụng) về điện thoại của mình;
-
Sau khi tải ứng dụng xong thì bước tiếp theo là mở tài khoản;
-
Tiếp theo, bạn cần kê khai các thông tin của mình như họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc, mức lương, nơi ở hiện tại, địa chỉ hộ khẩu thường trú; số tiền muốn vay, số tài khoản nhận tiền..
-
Ngoài ra, hệ thống sẽ yêu cầu bạn xác thực thông tin bằng cách chụp các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu và đăng tải lên app để lưu thông tin.
-
Cho đến khi bạn hoàn tất các yêu cầu mà họ đưa ra, họ sẽ xét duyệt khoản vay của bạn và sau một thời gian sẽ thông báo là khoản vay của bạn đã được phê duyệt
-
Đến phần này, các chiêu trò lừa đảo dần bắt đầu xuất hiện khi ứng dụng thông báo tài khỏan bạn đăng ký nhận tiền bị sai, do đó công ty sẽ đóng băng tài khoản của bạn lại và bạn không thể thực hiện được giao dịch với số tiền này;
-
Bước kế tiếp, sẽ có người xưng là nhân viên của công ty sẽ hỗ trợ bạn bằng cách bạn phải chuyển cho họ một khoản tiền họ sẽ giúp bạn giải quyết với công ty để có thể gỡ phong tỏa tài khoản; Tất cả những tài khoản mà họ đưa ra để yêu cầu bạn chuyển tiền đều là tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản của công ty, doanh nghiệp hay tổ chức nào và thậm chí chủ tài khoản này cũng không hề hay biết rằng tài khoản ngân hàng của mình đang được dùng vào các hành vi vi phạm pháp luật.
-
Tuy nhiên, khi bạn đã chuyển khoản tiền theo yêu cầu của họ đưa ra thì bạn vẫn chưa thể rút được khoản tiền vay về, họ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để bạn tiếp tục chuyển tiền cho họ. Khi các thao tác này cứ lặp đi lặp lại, bạn đã chuyển cho họ một khoản tiền lớn mà ngược lại số tiền họ cho bạn vay bạn vẫn không có cách nào để rút ra được
-
Ngoài ra, khi bạn đã chuyển tiền cho họ một lần và không tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu của họ nữa thì họ sẽ hù dọa mình là số tiền bạn có nhu cầu vay đã được giải ngân vào tài khoản của bạn, nếu bạn không tiếp tục chuyển tiền để rút tiền về thì bạn vẫn sẽ phải trả khoản nợ này.
-
Hoặc có những trường hợp khi mình phát giác ra hành vi của họ là lừa đảo thì họ sẽ đăng tải các thông tin “bóc phốt” người vay trên các trang mạng xã hội với những nội dung như người vay quỵt tiền hoặc vay tiền rồi bỏ trốn…
Đây là những thủ đoạn, chiêu trò mà những đối tượng có hành vi lừa đảo thường xuyên áp dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, tất cả mọi người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo, mất tiền oan bởi những thủ đoạn này.
3. Bị lừa vay tiền qua app có phải trả không?
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về hình thức của hợp đồng vay tài sản thì hiện nay pháp luật cũng không có quy định bắt buộc hợp đồng phải lập thành văn bản hay bắt buộc phải công chứng, chứng thực, theo đó hợp đồng vay có thể được xác lập theo hình thức bằng miệng hoặc hình thức khác thì vẫn sẽ có hiệu lực.
Và khi hợp đồng vay tài sản đã được giao kết thì bên vay tài sản có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay theo đúng số lượng, chủng loại, thời hạn.
Như vậy, áp dụng đối với trường hợp người dân khi vay tiền qua app, nếu đó là app do những tổ chức, doanh nghiệp uy tín cung cấp và khi thực hiện các thao tác trên đó, khoản vay đã được phê duyệt, người dân đã được rút tiền từ app về thì vẫn sẽ có nghĩa vụ phải trả nợ cho bên cho vay. Và thực tế cho thấy rằng, app được xây dựng chỉ là phương tiện để bên cho vay dễ dàng tiếp cận với người có nhu cầu vay tiền hơn và qua đó người muốn vay tiền dễ dàng thể hiện mong muốn của mình về khoản tiền vay hơn. Sau khi thực hiện xong các thủ tục trên app, hai bên vẫn có thể sẽ phải kí với nhau một hợp đồng vay tiền khác.
Ngược lại, đối với trường hợp bị lừa đảo khi vay tiền qua app bằng các thủ đoạn được mô tả như trên, do các đối tượng hù dọa nên nhiều người có tâm lý hoang mang, lo sợ rằng khi app đã chuyển tiền về tài khoản của mình và đóng băng tài khoản thì mặc dù mình không nhận được tiền những vẫn sẽ phải trả tiền cho bên kia. Điều này là không chính xác, bởi đây chỉ là những chiêu trò do chúng đưa ra để đánh vào tâm lý của người dân, khi người dân hoang mang, lo sợ và sẽ chuyển thêm nhiều tiền cho chúng, thực ra không có việc chuyển tiền vào tài khoản và bị đóng băng nào cả. Do vậy, khi không nhận được tiền do app cho vay, đồng nghĩa với việc người dân cũng không có trách nhiệm phải trả nợ khoản vay này.
4. Phải làm gì khi bị lừa vay tiền qua app
Nếu bạn đã không may trở thành nạn nhân của vấn nạn lừa đảo này đồng thời bạn cũng đã chuyển tiền theo yêu cầu của những đối tượng có hành vi lừa đảo thì ngay lập tức bạn nên trình báo đến cơ quan công an sở tại để được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra để có căn cứ phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm của cơ quan công an, bạn cũng cần tập hợp các chứng cứ mà bạn có thể thu thập được bằng cách chụp lại màn hình những tin nhắn, đoạn hội thoai mà bạn đã trao đổi với những đối tượng kia hoặc số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, sao kê tài khoản ngân hàng mà bạn đã chuyển tiền do bị lừa.
Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, việc xử lý các đối tượng này trên thực tế là rất khó khăn và đang là thách thức lớn đối với cơ quan công an, bởi thông tin các đối tượng sử dụng để liên hệ với người khác trong quá trình thực hiện hành vi là thông tin giả mạo, không phải thông tin chính chủ hoặc số tài khoản ngân hàng cũng là số tài khoản của người khác hoặc phạm vi hoạt động của những đối tượng này rất rộng nên cơ quan công an khó có thể xử lý được hết. Chính bởi vậy mỗi người dân nên nêu cao ý thức tự giác, tự bảo vệ bản thân mình trước những thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi này.
5. Câu hỏi thường gặp:
Câu hỏi 1: Bị lừa vay tiền qua app có lấy lại được không?
Hiện nay, có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo khi vay tiền qua app, mặc dù là bên đi vay tiền nhưng lại phải chuyển tiền cho bên cho vay. Và khi đã chuyển tiền cho bên cho vay thì khả năng lấy lại được tiền là rất thấp. Người bị lừa đảo có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an nhưng vì thông tin khá hạn chế và đều không phải là thông tin thật nên cơ quan công an cũng gặp khó khăn trong quá trình điều tra.
Câu hỏi 2: Khi vay tiền qua app nhưng không nhận được tiền và bị bên cho vay đăng thông tin bôi nhọ sai sự thật lên mạng phải làm thế nào?
Trường hợp khi vay tiền qua app nhưng bên cho vay tiền không đạt được mục đích là chiếm đoạt tài sản từ người vay tiền thì những đối tượng này sẽ dùng các thủ đoạn là đăng thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay tiền. Khi đó người vay tiền có thể đăng tải các thông tin để đính chính các nội dung mà bên cho vay đã đăng tải cũng như cảnh tỉnh những người khác để không gặp phải trường hợp tương tự. Đồng thời gửi đơn trình báo đến cơ quan công an để được xem xét xử lý, nếu có thông tin thì cơ quan công an sẽ giải quyết.
Câu hỏi 3: Vay tiền qua app nhưng chỉ được giải ngân tiền vào ví trên app thì có phải trả không?
Nếu chỉ được giải ngân tiền vào ví trên app mà người vay tiền chưa rút về tài khoản ngân hàng chính chủ của mình thì tức là tài sản vay chưa được bên cho vay bàn giao cho bên vay. Do đó sẽ chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên nên bên vay sẽ không phải trả số tiền này.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về lừa đảo vay tiền qua app:
Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về lừa đảo vay tiền qua app mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
4.4
/
5
(
26
bình chọn
)