Cao Bằng: Lưu giữ và phát triển văn hóa Tày cổ ở Tiên Thành | Điểm đến | Vietnam+ (VietnamPlus)
Toàn cảnh Làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng tại xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Bản Giuồng là một làng cổ của người Tày ở xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Những ngôi nhà sàn độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, những giá trị văn hóa truyền thống được giữ nguyên vẹn đã tạo sức hút cho du khách khi đến khám phá làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng.
Ngoài cảnh sắc tự nhiên thì những ngôi nhà sàn hàng trăm tuổi chính là điểm níu chân du khách khi đến Bản Giuồng. Những ngôi nhà sàn lợp bằng ngói âm dương tựa lưng vào núi, trước mắt là cánh đồng lúa trải dài. Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu là gỗ, nhưng hai bên vách của nhà sàn ở Bản Giuồng được bọc thêm những tấm cót.
Những tấm cót do chính người dân tự đan thủ công. Đây chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng.
Trải qua sự thăng trầm của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn vẫn trường tồn, vững chãi, chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác. Khi chiều muộn, khói bếp từ những ngôi nhà sàn hơn 100 tuổi bay ra, lảng bảng bên sườn núi, khiến Bản Giuồng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại.
Nhắc đến Bản Giuồng là nhắc đến Lễ hội Nàng Hai – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cứ hai năm một lần, lễ hội được tổ chức trong niềm hân hoan của người dân Tiên Thành.
Đây là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo thể hiện tục lệ cầu mùa, mời các Nàng Hai (con gái của Mẹ Trăng) ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, mùa màng bội thu.
Lễ hội còn gắn với truyền thuyết về nàng công chúa Mạc Tiên Dao – người khởi xướng ra các làn điệu dân ca lượn slương, lượn hai của mảnh đất Tiên Thành ngày nay.
[Những người bảo tồn văn hóa dân tộc Tày bên vùng hồ Thác Bà]
Bản Giuồng được huyện Quảng Hòa xây dựng thành làng du lịch cộng đồng từ năm 2018. Nhiều hộ gia đình ở bản đã tận dụng những ngôi nhà sàn hàng trăm tuổi được gìn giữ nguyên vẹn để làm du lịch. Từ việc xác định bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch gia đình, bà Đinh Thị Ngọn (xóm Bản Giuồng) đã đầu tư các công trình phụ, di dời chuồng trại ra xa nhà sàn để phục vụ việc phát triển du lịch.
Bà Ngọn cho biết gia đình bà thường xuyên có khách du lịch nước ngoài đến ở để trải nghiệm văn hóa bản địa. Ban ngày, du khách đặc biệt thích thú khi đến được tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng của thiên nhiên; đi bộ xung quanh làng, trải nghiệm bắt cá ở suối, đan lát nông cụ sản xuất cùng người dân; khám phá động Ngườm Riềm (còn gọi là hang Diêm) sâu, rộng, đẹp và kỳ vĩ. Ban đêm, họ quây quần bên mâm cơm với những món ăn đặc sản để nghe hát then, hát điệu Nàng hai…
Nhà sàn ở Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa, Cao Bằng ). (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Cùng với gia đình bà Đinh Thị Ngọn, 75 hộ dân tộc Tày Bản Giuồng đã tham gia làm du lịch với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Ông Đinh Văn Đại, Trưởng xóm Bản Giuồng, cho biết người dân đã xác định nhiều tiềm năng để phát triển và thu hút khách du lịch đến với địa phương. Vì vậy, các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được bà con khôi phục, đồng thời sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, các món ăn, đồ uống đặc sản của địa phương.
Hiện nay, xóm đã thành lập các đội văn nghệ, xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, thưởng thức món ăn truyền thống, hình thành các điểm trải nghiệm gần gũi với đời sống. Cùng với đó, xóm tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững.
Đến Tiên Thành, ngoài Bản Giuồng, du khách còn được nghe những câu chuyện về công chúa Mạc Tiên Giao tại mộ của công chúa và bạn đồng canh; khám phá động Ngườm Riềm; vọng gác của tướng Đinh Văn Tả, ngày trước đóng đô ở Bản Chập khi được nhà Lê cử lên dẹp nhà Mạc ở thành Phục Hòa; trải nghiệm chèo thuyền kayak và xuồng phao ở hồ nước thuộc xóm Trung Thành…
Từ Tiên Thành sẽ kết nối đến các điểm du lịch hang Ngườm Pục hay núi Báo Đông (nơi Bác Hồ quan sát trận địa năm 1950) của huyện Thạch An; Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn hoặc có thể đi sang hướng Hạ Lang, Trùng Khánh…
Ông Đinh Quang Vũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, cho biết xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, kết hợp với gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc là mục tiêu trong thời gian tới ở Tiên Thành.
Xã triển khai quy hoạch các điểm du lịch, giao cho ban quản lý của các xóm và của xã; tập trung quản lý các điểm du lịch và bổ sung vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và những nguồn xã hội hóa khác, xã sẽ lồng ghép để vừa xây dựng phát triển nông lâm nghiệp, vừa phát triển du lịch thân thiện với môi trường và bền vững. Cùng với đó, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên làm giàu cho người dân Bản Giuồng cũng như xã Tiên Thành./.