[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HPG (Hòa Phát)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
Mục lục bài viết
Cập nhật và đánh giá BCTC Q4/2022 của HPG
Kết quả kinh doanh
Dựa trên BCTC từ Hòa Phát, có thể thấy được một số điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 nhưu sau:
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của HPG
- Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Hòa Phát đã giảm mạnh hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của HPG đã suy giảm trong bốn quý liên tiếp kể từ khi tạo đỉnh hồi quý 4 năm 2021. Đáng chú ý là chi phí sản xuất vẫn còn cao nên giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu khiến HPG lỗ gộp 885 tỷ đồng trong quý.
- Về mặt chi phí, Hòa Phát đã cắt giảm khá mạnh các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp (-32,6%), chi phí bán hàng giữ tương đương so với cùng kỳ, nhưng ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng mạnh (+42,6%) do lãi vay và lỗ chênh lệnh tỷ giá tăng cao. Vì vậy, sau khi trừ tất cả các loại chi phí, HPG ghi nhận số lỗ sau thuế trong quý 4/2022 lên đến gần 1.999 tỷ đồng.
- Do tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2022 có phần khả quan hơn nên khi tính lũy kế cả năm 2022 thì HPG vẫn có lãi, nhưng các kết quả hoạt động đều có sự suy giảm mạnh so với năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của HPG đạt 141.680 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán vẫn tăng do tác động bất lợi của chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cộng với chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá tăng cao đã khiến cho lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 của Tập đoàn chỉ ở mức 8.444 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 75% so với năm 2021.
Tình hình tài chính
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của HPG
Về mặt tài sản:
- Tại thời điểm 31/13/2022, tổng giá trị tài sản hợp nhất của HPG đạt 170.336 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,4% so với mức đầu năm. Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn thì sẽ thấy một số khoản mục có mức giảm mạnh như tiền mặt (-63%), tài sản ngắn hạn khác (-57,9%) và hàng tồn kho (-18,1%). Trong đó, đáng chú nhất là việc hàng tồn kho giảm mạnh có nguyên nhân từ việc Công ty đã chủ động hạ sản lượng sản xuất, giảm tỷ trọng nguyên vật liệu nhằm giảm bớt các tác động bất lợi từ thị trường, giảm gánh nặng vốn lưu động.
- Cơ cấu tài sản của HPG đang khá cân bằng giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, trong đó, hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định (41,6% tổng tài sản) và hàng tồn kho (20,2% tổng tài sản). Trong năm 2022, Hòa Phát vẫn tiếp tục đầu tư, xây dựng các dự án để mở rộng năng lực sản xuất cho tương lai như Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2, nhà máy sản xuất container, thể hiện qua số dư xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh hơn 60% so với đầu năm.
Về mặt nguồn vốn:
- Tổng nợ phải trả cuối năm 2022 của Hòa Phát ở mức 74.223 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với hồi đầu năm. Trong đó hai khoản mục có mức giảm mạnh nhất là phải trả người bán ngắn hạn (-53,2%) và vay tài chính dài hạn (-17,2%). Điều này phần nào cho thấy công ty đã hạ dần đòn bẩy tài chính, giảm bớt tỷ trọng vốn nợ nhằm tránh phát sinh thêm chi phí vốn vay.
Tình hình dòng tiền
- Tuy lợi nhuận giảm sút mạnh nhưng Hòa Phát vẫn duy trì dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh chính trong năm 2022 ở mức dương 12.191,8 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do Công ty đã tích cực hơn trong việc thu hồi công nợ của khách hàng, đồng thời đã giảm bớt lượng hàng tồn kho, hạn chế mua thêm nguyên vật liệu mới.
- Ngoài ra, Công ty đã chi ròng gần 24.712 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm 2022 với phần lớn là chi cho đầu tư tài sản cố định và một phần là đầu tư bằng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Hoạt động tài chính của HPG cũng chi ròng ra 1.617 tỷ đồng để trả nợ vay cũng như trả cổ tức cho cổ đông.
Nhận xét
Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của Hòa Phát tiếp tục suy giảm mạnh do những diễn biến bất lợi từ thị trường thép trong và ngoài nước. Giá bán thành phẩm giảm cộng với tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đã khiến HPG phải kinh doanh dưới giá vốn và chịu lỗ gộp 885 tỷ đồng. Cộng với việc chi phí tài chính tăng cao do lãi vay và lỗ tỷ giá nên kết thúc quý 4, Công ty đã ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế 1.999 tỷ đồng. Nhờ kết quả hai quý đầu năm có khả quan hơn nên khi tính lũy kế cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của HPG vẫn có lãi sau thuế 8.444 tỷ đồng. Nhưng kết quả này vẫn giảm mạnh hơn 75% so năm 2021.
Về mặt tài chính, Hòa Phát cũng đã có những cố gắng để ổn định tình hình và giảm thiểu rủi ro. Trước hết, kể từ quý 3, Công ty đã bắt đầu giảm sản lượng sản phẩm, giảm bớt lượng nguyên vật liệu và hàng tồn kho nắm giữ. Từ đó, Công ty đã có thêm dòng tiền để thanh toán bớt các khoản phải trả người bán và nợ vay dài hạn nhằm giảm bớt gánh nặng về vốn lưu động, hạ đòn bẩy tài chính để giảm bớt rủi ro trong bối cảnh lãi suất tăng.
Cập nhật và đánh giá BCTC Q3/2022 của HPG
Kết quả kinh doanh HPG
Theo báo cáo KQKD từ Hòa Phát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3/2022 có những điểm đáng chú ý như sau:
- Trong quý 3/2022, doanh thu thuần giảm 11.82%. Trong khi đó, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp tăng 23.46%, điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm mạnh 91.56%.
- Về chi phí vận hành, HPG ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh 1.38 lần, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 9% và 24.72% so với cùng kỳ.
- Chi phí tăng cao trong kỳ khiến lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận công ty mẹ của HPG đều giảm mạnh 1.17 lần so với cùng kỳ.
- Lũy kế 9 tháng 2022, doanh thu thuần vẫn ghi nhận tăng 10.11%, nhưng áp lực chi phí vốn tăng 33.34% khiến cho lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm giảm 44%. Trong khi đó lợi nhuận 9 tháng đầu năm của HPG cũng giảm 61.47%.
- Các chỉ số sinh lời của HPG trong kỳ cũng bị ảnh hưởng: Biên LN gộp trong kỳ của HPG giảm từ 17.48% về còn 2.93% trong quý 3/2022. Lũy kế 9 tháng, biên LN gộp của HPG giảm từ 30% về 15.27%, trong khi biên LN sau thuế đạt 9.04%.
Tình hình tài chính
Về tài sản:
- Lũy kế 9 tháng năm 2022, tổng tài sản của HPG chỉ tăng 5.25%. Trong đó, về tài sản ngắn hạn, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho đã giảm 4.62%. Ngược lại, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn của HPG (gồm tiền gửi và các giấy tờ có giá) lại tăng 26.07% so với cùng kỳ.
- Về tài sản dài hạn, tài sản cố định của HPG chỉ tăng nhẹ 5.23%. Một khoản mục khác tuy chiếm tỷ trọng nhỏ là tài sản dở dang dài hạn, lại ghi nhận tăng 44.06% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn:
- Về nghĩa vụ tài chính, HPG đang có xu hướng thu hẹp hoạt động vay nợ. Khoản mục phải trả người bán ngắn hạn đã giảm mạnh 36.19% so với cùng kỳ. Nợ tài chính dài hạn cũng giảm 31%. Ngược lại, nợ vay tài chính ngắn hạn của HPG tăng 21.95% so với cùng kỳ.
- Vốn chủ sở hữu của HPG lũy kế 9 tháng đạt 98,075 tỷ đồng, tăng 16.31% so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng phần lớn đến từ sự gia tăng của vốn góp chủ sở hữu, tăng 30% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu và khả năng thanh toán:
- Cơ cấu vốn của HPG đang cho thấy sự chuyển dịch, tuy hệ số nợ vay/tổng tài sản vẫn cao (46.64%). Song hệ số này đã hạ đáng kể so với thời điểm 30/09/2021.
- Về hệ số thanh toán, các hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh của HPG vẫn duy trì được con số tăng khả quan, lần lượt là 1.34 và 0.82.
Tình hình dòng tiền
- Về dòng tiền kinh doanh, sau 9 tháng năm 2022, dòng tiền kinh doanh thuần của HPG thu được 6,752 tỷ đồng.
- Về dòng tiền đầu tư, HPG chi 22,355 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó, HPG tiếp tục chi 14,178 tỷ cho hoạt động đầu tư vào máy móc thiết bị.
- Về dòng tiền tài chính, HPG thu về 5,012 tỷ qua các hoạt động tài chính, trong đó có 115 nghìn tỷ nhận từ hoạt động cho vay. Ngược lại, HPG đã chi 107 nghìn tỷ để trả cho các khoản vay đến hạn.
Đánh giá
Hoạt động kinh doanh của HPG trong quý 3/2022 chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn cả so với quý liền trước. Nguyên nhân đầu tiên do giá sản phẩm đầu ra của thép tiếp tục giảm. Cụ thể giá thép thành phẩm của HPG ghi nhận trong tháng 9 chỉ đạt 15,160/kg, giảm 6% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, giá nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất mà cụ thể là giá than vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Tác động kép này đã làm cho biên LN gộp của HPG chạm xuống mức thấp nhất lịch sử. Chi phí tài chính tăng cao cũng là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận sau thuế của HPG bị ảnh hưởng và lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm sau nhiều năm hoạt động.
Một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của HPG đến từ việc nhu cầu của thị trường nội địa. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong quý 3/2022 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhờ lợi thế là nhà sản xuất cộng thêm công suất lớn giúp HPG tận dụng được sự suy giảm của thị trường chung, nâng thị phần tại thị trường nội địa lên 41%. Đối với thị trường xuất khẩu, HPG tuy có ghi nhận suy giảm về sản lượng tiêu thụ song vẫn chiếm 61% tổng sản lượng xuất khẩu toàn thị trường. Đây sẽ là những lợi thế của doanh nghiệp sau khi giai đoạn suy thoái qua đi.
Mở tài khoản chứng khoán VPS – Tham gia cùng Đầu Tư Từ Đâu để luôn được cập nhật các cổ phiếu khỏe nhất thị trường
Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu
Cập nhật đánh giá BCTC HPG Q2/2022
Kết quả kinh doanh
Theo báo cáo KQKD từ Hòa Phát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2/2022 có những điểm đáng chú ý như sau:
- So với quý 2/2021, doanh thu thuần tăng nhẹ 6.56%, tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn 30,6% đã khiến cho lợi nhuận gộp có mức giảm lớn đến 43%
- Chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong quý 2/2022 có mức tăng khá lớn với lần lượt 147,6% và 78,9%, trong khi đó công ty đang tiết giảm khá tốt các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp
- Do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của công ty đạt 4.023 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
- Các chỉ số về khả năng sinh lời cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh: biên lợi nhuận gộp giảm gần một nửa so với quý 2/2001, đạt 17,5% , hệ số ROE (theo quý) cũng giảm về mức 4,06% so với 13,87% của cùng kỳ năm trước.
Tình hình tài chính
Về mặt tài sản
- Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của HPG tăng khá mạnh với hơn 16% so với đầu năm, đạt mức 207.497 tỷ đồng. Đáng chú ý là hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn có mức tăng lớn, với +36,6% và +86,9% kể từ đầu năm.
- Xét về cơ cấu thì tài sản cố định và hàng tồn kho là các khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 33,7% và 27,7%. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm nhẹ so với đầu năm, và chiếm tỷ lệ 9,8% tổng tài sản.
Về mặt nguồn vốn
- Tổng nợ phải trả tăng khá mạnh với +23% so với đầu năm, trong đó đáng chú ý nhất là các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn có mức tăng cao nhất, +29,3% kể từ đầu năm.
- Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 ở mức 99.915 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm, mức tăng này chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán
- Các hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh của HPG tại thời điểm 30/6 lần lượt ở mức 1,28 lần và 0,48 lần và hầu như không có thay đổi nhiều so với đầu năm.
- Về cơ cấu vốn, HPG sử dụng khá nhiều vốn từ nguồn vay, nợ với tỷ số nợ/tổng tài sản và tỷ số nợ vay/tổng tài sản tại thời điểm 30/6 lần lượt ở mức 51.8% và 33,7% và đều tăng nhẹ so với đầu năm.
Tình hình dòng tiền
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lưu chuyển tiền tệ của HPG có những điểm đáng chú ý sau:
- Tổng lưu chuyển tiền thuần ở mức âm 2.130 tỷ so với mức âm 949 tỷ của cùng kỳ năm 2021, khiến cho lượng tiền mặt tại thời điểm 30/6 giảm 9,8% so với đầu năm.
- Xét về cơ cấu thì dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn ở mức dương 2.281 tỷ nhưng có sự sụt giảm rất mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư chứng kiến dòng tiền ra khá lớn với âm 16.749 tỷ khi công ty đẩy mạnh hoạt động mua sắm tài sản cố định và đầu tư các công cụ nợ. Hoạt động tài chính có dòng tiền dương 12.388 tỷ, chủ yếu đến từ việc nhận tiền đi vay.
Đánh giá
Hoạt động kinh doanh trong quý 2/2022 của HPG nếu nhìn trên khía cạnh lợi nhuận thì khá ảm đạm khi chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao cũng như nhu cầu và giá bán thép giảm khiến cho lợi nhuận sau thuế sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng khi công ty vẫn duy trì được năng lực sản xuất và bán hàng của mình. Theo giải trình từ phía công ty thì thị phần thép xây dựng trong nước của HPG tại thời điểm 30/6/2022 đã tăng lên mức 36,2% so với 34,6% của cùng kỳ năm trước. Sản lượng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng tăng lần lượt 29% và 2%.
Về tình hình tài chính, 6 tháng đầu năm công ty đẩy mạnh sản xuất, tuy nhiên nhu cầu thị trường có xu hướng giảm nên lượng hàng tồn kho tăng khá mạnh. Và để tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất, HPG cũng tăng cường vay, nợ ngắn hạn. Các hệ số thanh toán nợ ngắn hạn của HPG không quá cao nhưng cũng ở mức tốt khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành thép khác. Việc HPG sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá cao cũng là điều dễ hiểu khi công ty đang tiếp tục vào các dự án, nhà máy mới.
Like this:
Like
Loading…