Câu chuyện di sản: Ruộng bậc thang Mù Căng – lo thóc không đầy bồ và lo cả khách du lịch không ghé thăm

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch là xu hướng của nhiều tỉnh thành có nguồn tài nguyên di sản phong phú. Đây cũng là xu hướng của thế giới. Di sản phải được phát huy với tư cách là tài nguyên của ngành du lịch nói riêng và của công nghiệp văn hóa nói chung. Tuy nhiên, ở ngay chính những vùng đất giàu tiềm năng về du lịch, du lịch di sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Câu chuyện bảo tồn ở một vùng di sản

Rời trung tâm thành phố Yên Bái 180km về  phía Tây, vượt theo con đèo Khau Phạ chìm trong mây, Mù Cang Chải hiện ra thanh bình và đẹp đến mê hồn dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Thiên nhiên đã ban tặng cho Yên Bái di sản của trời đất nhưng bàn tay, sức sáng tạo của con người nơi đây đã góp phần làm nên cái đẹp đẽ riêng biệt cho cho một di sản đặc biệt, đó là quần thể Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tổng diện tích 330ha.

Sóng lượn theo các triền đồi, giữa thung lũng xanh nên thơ,trong nắng vàng dịu và mây trắng xa gần, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bức tranh nông thôn miền núi hữu tình, tinh tế, hấp dẫn như một kiệt tác của nghệ thuật.

Từ vùng đất khô cằn, hoang hóa trở thành một danh thắng cảnh được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, ruộng bậc thang Mù Cang  Chải đã cho thấy sự khéo léo và bền bỉ của đồng bào người  H’Mông nơi đây.  

Anh LÙ A CHINH, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái: Một số năm gần đây, việc thiếu nước ảnh hưởng đến việc canh tác và sản xuất trên các thửa ruộng, khi bà con sản xuất cho chất đất thì một số giống lúa bị hỏng làm mất năng suất. “

Mù Cang Chải là địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ. Người H’Mông không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy mà họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích ruộng, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để hình thành ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang xuất phát từ nhu cầu của đời sống, canh tác của đồng bào, tuy nhiên Di sản Ruộng bậc thang có thể được bảo tồn và phát huy lại là cả một sự nỗ lực không nhỏ của chính những con người nơi đây.

Bắt đầu từ thấp lên cao, uốn lượn ruộng cho theo sát thế đất, dùng mắt nhìn mà tính toán mặt nước bằng phẳng, đều nhau, khéo léo tạo lối thoát cho nước để nước không bị tràn phá bờ, thường xuyên chỉnh sửa, đắp bờ để thành bờ vững không bị xói mòn sạt lở, giữ được nước, phân không bị rửa trôi. 

Để những thửa ruộng có năng suất gấp 5 lần những thửa ruộng khác, để những giống lúa Nhị Ưu, Việt Lai 20, Séng Cù thơm lành trên những ruộng bậc thang cũng đã nhiều nhọc nhằn với đồng bào, nhưng để Di sản Ruộng bậc thang, di sản của thiên nhiên và bàn tay con người này lúc nào cũng phải là tuyệt tác thì không hề dễ dàng, lo lắng thóc không đầy bồ và thêm cả lo lắng khách du lịch không còn ghé thăm. 

Chị VÀNG THỊ DÌNH, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái: “Năm nào bọn em cũng làm tốt nhưng mà sợ sạt lở không được thóc, khó khăn cả năm”.

Ruộng bậc thang thường ở trên núi, hàng năm địa hình Mù Cang Chải bị mưa làm sạt lở trong khi kinh phí bảo tồn duy tu thì chưa có. Sạt lở bờ thì người dân còn đắp lại được, tuy nhiên sạt ở do đứt gãy địa chất là điều nằm ngoài khả năng của đồng bào nơi đây, Nếu không can thiệp, bà con mất ruộng và bức tranh Di tích Quốc gia cấp đặc biệt này lại khuyết thiếu một mảnh ghép.

Bên cạnh đó tình trạng thiếu nước canh tác cũng đang là một nỗi lo lớn của người dân nơi đây. Hiện nay rừng bị thu hẹp, dòng suối Nậm Kim giữa năm cũng cạn nước hơn, diện thích ruộng bậc thang lớn, khiến lượng nước không đủ để cung cấp cho sản xuất, bà con do nhu cầu lương thực có thể sẽ chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô. Khó khăn không hề đơn giản với những người làm quản lý di sản này.

Bà LƯƠNG THỊ XUYẾN, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái: “Hiện địa bàn 6 xã nằm trong di tích đặc biệt đều rất thiếu nước. Với hệ thống hiện nay, khu vực này là khu vực thuỷ lợi rất nhỏ, nên vào những mùa khô ví dụ như mùa đông xuân rất là thiếu nước sản xuất. Thứ hai, trong quá trình chỉ đạo thực hiện, tuy là di tích cấp quốc gia đặc biệt rồi nhưng nhân dân canh tác chưa có chế độ chính sách gì để bà con tích cực hơn trong việc khai thác. Chúng tôi cũng đã có những chương trình, những cách làm như trích một nguồn của tổ hợp tác du lịch bằng xe ôm, homestay để hỗ trợ lại cho bà con ở trong vùng nhưng cũng chưa đáng kể.”

Việc quyết liệt với một số một số hộ dân vẫn làm ruộng, làm nhà tự phát trong khu vực di sản hay việc thuyết phục người dân chuyển đổi cây trồng, tận dụng đất giữa hai vụ lúa, khai thác ruộng bậc thang quanh năm để nâng cao thu nhập cũng là bài toán không dễ với những người làm quản lý nơi đây. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức gìn giữ của chính người dân ở vùng di sản, chỉ có tự hào và trân trọng di sản mới giúp người dân mặn mà hơn, chăm chút hơn với ruộng đồng di sản và hợp tác với chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy di sản. 

Những đứa trẻ đẹp và lạ như đóa hoa rừng này có thể sẽ lại thay cha mẹ chúng canh tác trên cánh đồng di sản, nhưng làm ruộng là nghề vất vả và thu nhập không cao, người trẻ do nhu cầu kiếm sống có thể sẽ rời xa các cánh đồng ruộng bậc thang quê mình để kiếm tìm một công việc có thu nhập cao hơn và như vậy tiếp nối có thể bị đứt gãy nếu thực sự du lịch di sản không đủ sức níu chân họ ở lại. 

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

MC: Một ví dụ địa phương cụ thể để chúng ta nhìn rộng hơn những khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ câu chuyện di sản ruộng bậc thang chúng ta nhận ra di sản sẽ không còn khi không có lao động sản xuất và bàn tay chăm sóc của người dân. Những mâm xôi ruộng bậc thang có thể biến mất nếu người dân không đồng thuận một lòng bảo vệ di sản, khi những khó khăn không được giải quyết kịp thời. Vấn đề đặt ra là cần sự hài hòa lợi ích, các cơ chế chính sách phù hợp và những giải pháp kịp thời để việc sinh kế và bảo tồn được gắn liền một cách bền vững. Với ông, hài hòa lợi ích ở những vùng di sản được hiểu như thế nào?

PGS.TS Đặng Văn Bài: “Di sản văn hoá ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ đơn thuần là ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang chỉ một hợp phần của cảnh quan văn hoá, còn có phong tục tập quán, lối sống, không gian cư trú của cộng đồng dân tộc H’Mông, kèm theo đó là nghề thủ công cổ truyền như: thổ cẩm, nấu rượu lúa rồi những lễ hội như cầu mưa, rồi mừng cơm mới. Tất cả lễ hội, phong tục, tập quán của họ cấu thành lại thì mới thành di sản văn hoá ruộng bậc thang. 

Ruộng bậc thang gắn với nông nghiệp lúa nước, ngoài Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, còn hai bộ nữa liên quan trực tiếp đến di sản này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thích ứng với biến đổi khí hậu xét từ góc độ tài nguyên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có sự đồng hành cùng với cộng đồng dân tộc H’Mông. Trong nông nghiệp có hai yếu tố đất và nước, để cho ruộng bậc thang tồn tại lâu dài với cộng đồng thì là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ có thể hướng dẫn đồng bào bảo vệ và cách thức biến văn hoá, tài nguyên thiên nhiên ấy thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn. 

Các doanh nghiệp du lịch cũng phải chung tay vì cộng đồng và muốn giải quyết như thế thì tất cả cơ quan có liên quan cùng chung tay với nhau và tạo ra các mối liên kết mà các bên đều có lợi. Tôi muốn đặc biệt quan tâm đến lợi ích sát sườn nhất của cộng đồng cư dân bản địa, họ là người làm ra di sản và họ sẽ giữ di sản trong tương lai.”

MC: Khá nhiều vấn đề khó khăn ở những nơi có di sản quốc gia cấp đặc biệt. Một số ý kiến cho rằng bảo vệ nguyên trạng di sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, cần có những hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt là ở những di sản mà hoạt động sinh kế của người dân lại thuộc về phần lõi của di sản. Quy định trong Luật Di sản văn hóa, cụ thể là Điều 32 có khiến ông băn khoăn điều gì không?

PGS.TS Đặng Văn Bài: “Tôi nghĩ rằng nguyên tắc ấy không thể áp dụng được cho tất cả các loại di sản văn hoá ở nông thôn, miền núi, dân tộc cũng như tất cả các vùng thành phố, đô thị. Nó cũng sẽ có ứng dụng khác nhau đối với các vùng khảo cổ học, di tích lịch sử, đối với di tích kiến trúc nghệ thuật và đối với di tích thắng cảnh. 

Trường hợp cảnh quan văn hóa ruộng bậc thang là một không gian văn hóa thì việc bảo tồn không thể khô cứng như một di tích lịch sử đơn chiếc: một ngôi chùa, một kho tượng, một bức tranh. Vấn đề căn bản ở đây là Luật Di sản văn hóa hiện nay quy định là đối với những di sản văn hóa được vinh danh là di sản quốc gia đặc biệt thì chính quyền địa phương đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phải tiến hành ngay lập tức việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch ở địa phương mình. Để làm được việc đó thì phải chọn đúng tư vấn và phải xây dựng được nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa. Khi đó sẽ đặt ra các nhiệm vụ cần phải giải quyết hài hòa những mâu thuẫn có tính xung đột. 

Những địa phương khác cũng có những vấn đề tương tự xảy ra  như khu di sản hỗn hợp Tràng An, Ninh Bình. Một doanh nghiệp tư nhân làm các dịch vụ du lịch ngay ở trong vùng lõi. Các doanh nghiệp du lịch ấy cũng mang lại sinh kế bền vững, việc làm. Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm 2018 doanh thu du lịch từ vé tham quan di tích cũng lên đến 800 tỉ đồng. Người dân sống trong vùng lõi di sản thì vướng quy định, quy hoạch của Bộ Xây dựng là không được xây dựng gì ở trong khu vực lõi, thế nhưng giữ di sản mà không được hưởng gì, vẫn tiếp tục canh tác nông nghiệp thì mâu thuẫn sẽ xảy ra. Chúng ta phải xử lý bằng cách hướng dẫn cho nhân dân bản địa cách thức làm du lịch như thế nào, cách biến ngôi nhà mình đang sống thành một phần có thể tham gia vào du lịch homestay.

Nâng tầm di sản quốc gia

Hiện nay, trong nhiều nỗ lực của địa phương cùng những khám phá mới về giá trị được công nhận, nhiều di tích được phát hiện hoặc được nâng bậc xếp hạng. Cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tuy nhiên không ít địa phương, địa điểm quản lý di tích còn gặp khó khăn và trăn trở trong việc bảo tồn, phát huy các di sản làm thế nào cho đúng cách, xứng tầm với di sản.

Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên,  rộng gần 20 nghìn ha mặt nước với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ. Không chỉ cung cấp nguồn nước để phát điện lưới quốc gia, hồ Thác Bà như lá phổi xanh, điều hòa điều hòa không khí, điều hòa hệ thống tưới tiêu cho vùng đất này.

Trải nghiệm trên lòng hồ Thác Bà mang tới cảm giác thú vị, không chỉ dập dìu, khoáng đạt tâm hồn theo mênh mang sóng nước, rộn ràng theo nhịp sống sinh kế nhiều thay đổi của người dân, khám phá đa dạng những dấu ấn của thiên nhiên và con người khu vực hồ Thác Bà còn mang tới nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc.          

Nhà máy Thủy điện Thác Bà là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, ghi nhớ tình hữu nghị Việt Xô những ngày đầu xây dựng XHCN ở miền Bắc. Chiêm ngưỡng công trình sững sững giữa vùng núi non mênh mông này, chúng ta lại biết ơn về sự tận tụy, hy sinh của những người kiến tạo và nhường chỗ cho sự phát triển.

Mới đây, Thủ tưởng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 234 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Theo đó, Khu Du lịch quốc gia Hồ Thác Bà sẽ trở thành Khu Du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tuy nhiên còn bộn bề những công việc phải làm để tạo ra bước đột phá cho khu du lịch này. Đó là những giải pháp cho các nguồn đầu tư, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng làm du lịch, và đặc biệt là sự  phát triển các sản phẩm du lịch mang thương hiệu vùng miền. 

Đền Thác Bà là ngôi đền khá nổi tiếng, một tích lịch sử có giá trị  được lưu danh trong sử sách. Năm 1998 thì đền thờ Mẫu được xây dựng và tu sửa. Đến năm 2005, đền được công nhận bằng di tích cấp tỉnh, năm 2021 được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đền thờ Mẫu được công nhận cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và tôn tạo, đền thờ Mẫu Thác Bà gặp rất nhiều khó khăn với vị trí trên đỉnh núi Hoàng Thi là nơi thiên nhiên hùng vĩ, địa thế mặt bằng của đền Mẫu rất hẹp. Những người sinh sống tại địa phương đã có nhiều công đóng góp xây dựng nên đền thờ Mẫu như hiện nay. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp nhiều hạng mục chưa xứng tầm với di tích cấp quốc gia. Khuôn viên của đền sơ sài, chưa có những điểm nhấn tạo nét hấp dẫn cho cảnh quan, đặc biệt là sự quá tải vào mỗi dịp lễ hội.

Bà DƯƠNG MINH HUỆ, Trưởng Ban quản lý Di tích Đền Mẫu Thác Bà: “Trong thời gian tới, mong muốn có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của nhà nước để tạo nguồn kinh phí tu sửa một số hạng mục cần thiết cho điện thờ Mẫu Thác Bà như công trình vệ sinh hoặc nhà nghỉ cho khách nơi xa tới, khuôn viên trong khung cảnh đền thờ Mẫu Thác Bà để được khang trang và đẹp hơn. Ở trên cao cho nên núi hay bị sạt lở nên mong muốn các cấp cho phép san gạt để tạo con đường lên, để có vị trí ổn định.”

Bên cạnh kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng,  còn một mong muốn khác của Ban Quản lý Di tích lúc này đó là sự vào cuộc của các cấp các ngành trong hướng dẫn những hạng mục cần thiết phải thực hiện bảo tồn khi di sản văn hóa được “thăng hạng”.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc mới có thể  đưa khu du lịch hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái trở thành khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có sức hút với du khách trong và ngoài nước. Từ những năm đầu thế kỳ XX, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đã nổi tiếng với nghề đan rọ tôm, trong làng có nhiều gia đình cha truyền con nối. 

Đến nay, Đồng Tâm cũng là thôn có có số hộ đan rọ tôm nhiều nhất sản lượng hàng năm khoảng 1.400.000 chiếc. Hiệu quả kinh tế nghề đan rọ tôm khá ổn định. Do công việc không vất vả, lại sẵn sự khéo léo và cần cù, bất kể lúc nào rảnh rỗi, người dân lại có thể tranh thủ đan lát. Tuy nhiên khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh và theo mùa vụ nên thu nhập bình quân của người làm nghề chỉ từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Nếu đầu tư để phát triển, nâng tầm sản phẩm truyền thống này thành một thương hiệu vùng miền, một sản phẩm du lịch giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, tương lai về đầu ra sản phẩm sẽ có nhiều lạc quan.       

Chị NGUYỄN THỊ NHÂM, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái: “Khó khăn là hiện nay muốn phát triển để làm sản phẩm du lịch thì hiện tại người dân chưa biết phát triển ra các sản phẩm để làm quà cho du lịch. Ví dụ như giỏ hoa, cái chụp đèn, hoặc những cái giỏ để phát triển làm quà  cho khách đến tham quan với làng nghề. Rất mong có những lớp học mây tre đan để phát triển  nghề đan rọ tôm Đồng Tâm hơn. Thứ hai là đầu ra của rọ tôm hiện nay vẫn còn eo hẹp. Chỉ có một số tỉnh như Sơn La, Lai Châu…”.

Một khu du lịch phát triển cần phải có sự đa dạng, phong phú của điểm đến và hoạt động: Sinh động, độc đáo các sản phẩm du lịch. Di sản văn hóa chỉ có giá trị khi nó nó tồn tại như một thực thể sống, hòa trộn và hữu ích trong đời sống người của người dân, di sản tạo ra nguồn thu khi được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Ông NGUYỄN LÂM TỚI, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái: “Với điều kiện của một tỉnh miền núi, kinh phí dành cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng còn có những hạn chế. Bên cạnh đó, ở một số nơi còn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa cũng như trách nhiệm để từ đó chưa có sự quan tâm đầu tư cho công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn. 

Hiện nay vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện những quy định về quản lý di sản văn hóa cần được tháo gỡ để phù hợp hơn với thực tiễn của địa phương. Đó là các quy định về việc bảo vệ, nguyên trạng mặt bằng, không gian di tích, quy định về các biện pháp cụ thể phải cần làm sau khi các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh.”

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng lợi thế của chính các địa phương, phát huy sáng tạo trong những sản phẩm du lịch, độc đáo và hấp dẫn du khách thì bảo tồn và phát huy di sản cần những cơ chế chính sách, những quan tâm, hướng dẫn cụ thể từ phía các bộ ngành, sự tương hỗ và liên kết của nhiều vùng di sản.

MC: Thưa ông từ những khó khăn ở quần thể ruộng bậc thang hay lòng hồ Thác Bà, ông có nghĩ chúng ta có cần rà soát lại toàn bộ các di sản, để có cái nhìn đánh giá chuẩn xác, xác định những khó khăn và xây dựng một kế hoạch tổng thể, có lộ trình nhằm hỗ trợ đầu tư cho những địa diểm di sản còn gặp khó khăn cả về kinh phí, kiến thức bảo tồn và  kinh nghiệm phát huy?

PGS.TS Đặng Văn Bài: Tôi nghĩ rằng, đó là một quá trình lâu dài và có trách nhiệm của toàn xã hội. Đầu tiên là chúng ta phải nghiên cứu để biết rằng chúng ta có trong tay tài sản, độ phong phú của các tài sản đến đâu. Thứ hai là phải nhận diện được các giá trị của nó. Thứ ba là phải có các chương trình, kế hoạch hành động để bảo tồn cấu thành các giá trị gốc, có giá trị của di sản và bảo vệ được sự toàn vẹn của các di sản ấy. 

Phải có một chương trình hoạt động để biến các di sản từ dạng tài nguyên thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù, có thể bán trên thị trường du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ quản lý nhà nước phải nâng cao năng lực quản lý của mình. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải xây dựng được văn hóa du lịch. Cuối cùng là các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học phải hướng dẫn cho cộng đồng cư dân biết cách sáng tạo ra các dịch vụ du lịch văn hóa.”

MC: Trong những chuyến đi thực tế, chúng tôi cảm nhận được, bên cạnh việc những yêu cầu về một lộ trình đường nét, bài bản, các khóa đào tạo chuyên nghiệp, thực chất, kinh phí đầu tư là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nguồn lực của Nhà nước phải trang trải nhiều lĩnh vực. Vậy theo ông các cơ chế chính sách hiện tại có đủ để thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản?  

PGS.TS Đặng Văn Bài: Mục tiêu cũng như trong nghị quyết của Đại hội Đảng có nhấn mạnh là di sản văn hóa phải là động lực tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, chiến lược phát triển văn hóa lại đặt văn hóa và con người thành trung tâm của sự phát triển thì cơ chế phải đáp ứng được nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Mặt khác, cơ chế, chính sách phải phát huy được năng lực sáng tạo của con người. Trong lĩnh vực văn hóa, cái gì nhà nước làm tốt hơn, làm chỗ dựa cho cộng đồng thì nhà nước phải thực hiện đến cùng, thực hiện bằng cơ chế chính sách, bằng những nguồn đầu tư và phải tạo cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội. 

Như Khu di sản hỗn hợp Tràng An có đến 67 doanh nghiệp đang làm là sự “phôi thai” của hợp tác công tư trong lĩnh vực du lịch di sản văn hóa. Tôi có một điều băn khoăn là sự hợp tác công tư trong lĩnh vực như kinh tế, xây dựng đường sá thì được phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực di sản thì các cấp chính quyền còn lăn tăn, chưa có cơ chế mà chúng ta hiểu là kinh tế thị trường trong lĩnh vực văn hóa là như thế nào thì luật sắp tới này cũng phải đặt vấn đề đấy ra.”

MC: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện :
Bích Nhung
Bích Liên

Xổ số miền Bắc